Theo các các nghiên cứu mới nhất, chỉ số chất lượng không khí ở nước ta đang rất đáng báo động, hậu quả của ô nhiễm không khí là tác động đến cuộc sống và sức khỏe, kinh tế, hệ sinh thái và biến đổi khí hậu. Xây dựng lối sống xanh là cách tốt nhất để bảo vệ môi trường, hạn chế ô nhiễm không khí là bảo vệ cuộc sống của chính chúng ta.
Không khí bị ô nhiễm không chỉ khiến con người đối mặt với các căn bệnh nguy hiểm mà ngay cả các sinh vật tồn tại trong môi trường đó như thảm thực vật, hệ động vật cũng sẽ bị tiêu diệt, hệ sinh thái dần dần cạn kiệt, các hiện tượng cực đoan ngày càng phổ biến khiến thiên nhiên và các công trình bị phá hủy, các công trình xây dựng nhanh chóng xuống cấp, kim loại nhanh gỉ sét, và bị ăn mòn từ đó làm kinh tế xã hội bị ảnh hưởng.
Ô nhiễm không khí là vấn đề toàn cầu, nó là nguyên nhân chính khiến khí hậu trên thế giới thay đổi, nhiệt độ biến đổi, thế giới ngày một nóng lên. Ô nhiễm môi trường khiến hiệu ứng nhà kính, tầng ozon bị suy giảm, gây nên các hiện tượng khí hậu cực đoan. Hạn hán, mưa acid, lũ lụt và bão, dông lốc xuất hiện ngày càng phổ biến.
Để hạn chế, giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí, ngày 17/3/2021 Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ký Quyết định số 461/QĐ-BTNMT Ban hành Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.
09 Nội dung Kế hoạch cần tập trung triển khai thực hiện:
1. Tổ chức đánh giá kết quả thực hiện Quyết định số 985a/QĐ-TTg, đề xuất kế hoạch quản lý chất lượng không khí trong giai đoạn 2021 – 2025.
2. Tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình quan trắc chất lượng không khí bảo đảm hiệu quả, thực hiện kiểm soát chặt chẽ về chất lượng trong quan trắc môi trường không khí, công bố kết quả quan trắc và kịp thời cảnh báo ô nhiễm không khí cho cộng đồng; Khẩn trương xây dựng và triển khai thực hiện việc đầu tư, tăng cường năng lực quan trắc chất lượng môi trường không khí phù hợp với quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia, đảm bảo đến năm 2025 phải kiểm soát, cảnh báo, dự báo được diễn biến chất lượng không khí tại các đô thị, vùng miền trên phạm vi cả nước
3. Rà soát, hoàn chỉnh hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia về môi trường đối với khí thải công nghiệp, khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam, chất lượng không khí xung quanh tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới; rà soát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện lộ trình áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lưu hành ở Việt Nam.
4. Xây dựng, ban hành tiêu chí và chứng nhận nhãn sinh thái đối với các sản phẩm, phương tiện và dịch vụ giao thông vận tải thân thiện môi trường
5. Rà soát quy định pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoàn thiện các quy định, chính sách pháp luật về kiểm soát ô nhiễm không khí
6. Phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, hướng dẫn thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020
7. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chất lượng không khí, các biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí
8. Thành lập Đoàn công tác liên ngành về kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, tập trung vào các điểm nóng về ô nhiễm không khí trong cả nước.
9. Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chỉ thị.5
Trên đây là những nhiệm vụ quan trọng, các ngành các cấp cần quan tâm triển khai thực hiện tốt góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường đem lại chất lượng cuộc sống ngày một tốt hơn.
Thúy Kiều