VẺ ĐẸP CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ VIỆT NAM XƯA VÀ NAY TRONG THƠ CA

 

       Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam in đậm dấu ấn trong thơ ca, nhạc, họa, điêu khắc… và mãi bất tử với thời gian. Họ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hoá dân tộc.

       Phụ nữ Việt Nam (PNVN) từ xưa tới nay vốn mang vẻ đẹp thầm lặng thoang thoảng như hương quế giữa rừng xa:

                                          Em như cây quế giữa rừng

                                   Ngát thơm ai biết, lẫy lừng ai hay.

        Đó là vẻ đẹp chân quê, giản dị và đáng yêu. Ở họ không phải lúc nào cũng là liễu yếu đào tơ, là cái bóng của người đàn ông mà luôn tiềm ẩn một sức mạnh chẳng kém gì nam giới. Họ là một nửa của cuộc sống nhân loại. Nhà văn M. Gorky (người Nga) đã nói: Không có mặt trời thì hoa không nở/ Không có mẹ hiền, anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu?.

      Từ xưa, PNVN đã có truyền thống chống ngoại xâm: Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Trong cuộc dựng nước và giữ nước đã có nhiều phụ nữ nổi tiếng như: Bà Trưng, Bà Triệu, Ỷ Lan… đã làm cho quân giặc nhiều phen bạt vía kinh hồn. Hai Bà Trưng đã từng:

                                       Hồng quần nhẹ bước chinh yên

                               Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thùy.

     Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đã xuất hiện nhiều gương chiến đấu hy sinh anh dũng của các chị: Võ Thị Sáu, Nguyễn Thị Minh Khai, Mạc Thị Bưởi, Nguyễn Thị Nhỏ, Nguyễn Thị Chiên, Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Tuyển, Nguyễn Thị Hằng, Võ Thị Thắng, chị Út Tịch, mẹ Tơm, mẹ Suốt, bà Nguyễn Thị Định, Nguyễn Thị Bình, Trương Mỹ Hoa v.v. Quyết tâm đánh giặc đến cùng của các mẹ, các chị là Còn cái lai quần cũng đánh (Người mẹ cầm súng – Nguyến Thi)

        Trên lĩnh vực Văn học Nghệ thuật, Giáo dục, Khoa học… nhiều phụ nữ là những nhà thơ, nhà văn, hoạ sĩ,  nhạc sĩ, kỹ sư, bác sĩ, tiến sĩ  tài năng như: Diệu Nhân (người Phú Thọ) - một thiền sư, nữ sĩ thời Lý; Nguyễn Thị Duệ (người Chí Linh- Hải Dương, bà Huyện Thanh Quan (tức Nguyễn Thị Hinh), người Hà Nội- một nhà thơ tài hoa ở thế kỷ thứ XIX; bà Bảng Nhãn (tức Lê Thị Liễu)- nữ sĩ nổi tiếng ở đất Quảng Nam; và các nhà thơ như Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm… cho tới Anh Thơ, Vân Đài, Mộng Cầm, Sương Nguyệt Ánh, Xuân Quỳnh, Phan Thị Thanh Nhàn, Thuý Bắc, Lâm Thị Mỹ Dạ, Dương Thị Xuân Qúy v.v.

       Trên bất kỳ lĩnh vực nào, ở giai đoạn lịch sử nào ta cũng đều bắt gặp tên tuổi của những phụ nữ nổi tiếng, làm vẻ vang dân tộc. Cả thế giới đều tôn vinh phụ nữ. Chúng ta hãy nhìn lại những quan niệm về vẻ đẹp của người PNVN xưa và nay. Vẻ đẹp ấy biểu hiện qua hình thể, lý tưởng và lẽ sống, trí tuệ và tâm hồn. Hay nói một cách khác đó là vẻ đẹp về hài hoà giữa hình thức và nội dung.   Trước CMT8 phần lớn PNVN nhuộm răng đen, búi tóc đuôi gà, mặc áo tứ thân, chít khăn mỏ quạ, đội nón quai thao… Ca dao-dân ca, thơ văn, nhạc hoạ đã ghi lại:

                                           Một yêu tóc bỏ đuôi gà

                                    Hai yêu ăn nói mặn mà có duyên

                                            Ba yêu má lúm đồng tiền

                                    Bốn yêu răng nhuộm hạt huyền thêm xinh

                                           Năm yêu con mắt hữu tình…

Hay những câu:

          “Những người con mắt lá dăm/ Lông mày lá liễu đáng trăm quan tiền”

          “Ai làm cái nón quai thao/ Để cho anh thấy cô nào cũng xinh”.

          “Ngó lên đầu tóc em bao/ Chéo khăn em bịt dạ nào chẳng xiêu”.

          “Cô kia bới tóc đuôi gà/ Nắm đuôi cô lại hỏi nhà cô đâu?”

          “Bước lên xe đầu đội khăn rằn/ Dáng đi yểu điệu, ngồi gần say mê”

          “Răng đen ai nhuộm cho mình/ Để duyên mình đẹp, để tình mình ưa”

          “Những người thắt đáy lưng ong/ Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con”.v.v…

Hoặc trong thơ Nguyễn Bính:

                                              Nào đâu cái yếm lụa sồi

                                       Cái dây lưng đủi nhuộm hồi sang xuân

                                             Nào đâu cái áo tứ thân

                                      Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?  (Chân quê).

      Một thời cha ông ta lại quan niệm người phụ nữ có khuôn mặt chữ điền mới đẹp Mặt chữ điền lắm tiền nhiều ruộng. Đó là vẻ đẹp phúc hậu, đã từng đi vào thơ Hàn Mặc Tử: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc/ Lá trúc che ngang mặt chữ điền (Đây thôn Vĩ Dạ). Đến thời hiện đại vẻ đẹp bên ngoài của người phụ nữ thật lắm màu nhiều sắc. Cái áo tứ thân của mẹ ta xưa đã được cách điệu thành áo dài với nhiều kiểu dáng. Tà áo em bay bay, bay bay trong nắng dịu dàng/ Aó bay trên đường như mây xuống phố/ Áo trên sân trường tựa cánh chim câu. Đẹp biết bao quê hương cho em chiếc áo nhiệm màu! (Một thoáng quê hương - Từ Huy và Thanh Tùng).

      Nhà thơ Nguyễn Duy đã đã nhớ lại một thời áo trắng sân trường:

                                             Thướt tha áo trắng nói cười

                                      Để ta thương nhớ một thời áo nâu.  (Áo trắng má hồng).

                                               Nhà thơ Lê Đình Cánh thì:

                                            Ở đâu tôi cũng phải lòng

                                   Những cô thôn nữ nâu sồng áo quê .  (Cảnh nghèo)

 Còn nhà thơ Phạm Đình Ân lại bị hút hồn bởi chiếc áo nâu của cô gái:

                                          Anh yêu áo trắng, áo hồng

                                     Lại càng yêu đến vô cùng: áo nâu!   (Áo nâu)

 Hoặc anh cảm nhận được vẻ đẹp nền nã của chiếc áo đen mà em đã mặc trong cái thuở ban đầu:

                                           Áo đen ai mặc tình cờ

                                   Để cho ai nhớ bây giờ ai quên?

                                     … Thanh tao nào phải kén màu

                                   Sắc đen ngậm ánh sáng vào bên trong…  (Áo  đen).

 

Nhà thơ Bùi Văn Bồng trong buổi chiều tà bên bờ sông Hậu khi nhìn thấy cô gái Nam Bộ mặc áo bà ba, chèo xuồng ba lá đã quên cả lối về, vì đã quá đam mê trước vẻ đẹp của tà áo diệu kỳ này:

                                         Dòng sông thì rộng mênh mông

                                   Aó em lại thắt eo hông làm gì

                                         Khen ai khéo chít đường ly

                                  Để cho tà áo thầm thì lời quê.   (Aó bà ba)

    Vẻ đẹp của chiếc áo bà ba ấy cũng đã hơn một lần được nhạc sĩ Nhật Trường- Trần Thiện Thanh ngợi ca: Chiếc áo bà ba trên dòng sông thăm thẳm/ Em gái Ninh Kiều tóc dài chấm lưng thon

    Nhưng có lẽ vẻ đẹp lâu bền nhất của người con gái và có sức quyến rũ lạ kỳ là cái duyên ngầm. Chẳng thế mà khi chồng giận, cô gái đã nhỏ nhẹ:

                                            Chồng giận thì vợ làm lành

                                    Miệng cười tủm tỉm: rằng anh giận gì?

Lại có cô gái nóng vội và dứt khoát chia tay:

                                          Đất xấu vắt chẳng nên nồi

                                    Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng.

                                  Hoặc có cô thẳng thừng tuyên bố:

                                            Chồng gì anh, vợ gì tôi

                                     Chẳng qua là cái nợ đời cầm tay.

Hạnh phúc của vợ chồng, của gia đình đôi khi chỉ vì một sự tự ái, một chút nghi ngờ thiếu cảm thông là có thể đổ vỡ. Nhưng đa số PNVN rất giàu lòng vị tha và có đức hy sinh. Có người đã tự hạ mình xuống tận cùng để giữ gìn hạnh phúc:

                                            Chàng ơi phụ thiếp làm chi

                                     Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

Hoặc có khi hạnh phúc đã tan vỡ, người vợ đã chia tay anh chồng phụ bạc rồi nhưng vẫn còn khuyên và lo cho anh:

                                            Anh về lấy vợ bên sông

                                    Còn tôi tơ tưởng lấy con ông lái đò

                                           Phòng khi sóng cả, gió to

                                     Để tôi còn kịp chở đò đưa anh.

Anh đã có vợ khác, tôi đã có chồng, nhưng tôi vẫn độ lượng cứu giúp anh những lúc thất cơ lỡ vận,  khi anh gặp phải cảnh cơm chẳng thành, canh chẳng ngọt. Thế mới biết tấm lòng vị tha của PNVN đẹp biết chừng nào!

    Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đã làm một cuộc đổi đời cho dân tộc. Những cô yếm thắm răng đen, sột soạt quần nâu, mặc áo tứ thân đã cầm súng, cầm cuốc đi phá đường, cản bước tiến của thực dân Pháp, gác lại mọi chuyện gia đình:

                                         Nhà em phơi lúa chưa khô

                                  Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong

                                       Nhà em con bế con bồng

                                 Em cũng theo chồng đi phá đường quan.  (Tố Hữu)

   Họ là những phụ nữ ba đảm đang, ba sẵn sàng việc nước, việc nhà để chồng con yên tâm đánh giặc. Đã có biết bao bà mẹ Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ/ Các anh không về, mình mẹ lặng im (Tạ Hữu Yên). Có mẹ ở Hà Bắc đã vá hơn hai trăm chiếc áo cho bộ đội, chiến sĩ: …Tấm áo ấy bấy lâu nay con thường vẫn mặc/ Để nhớ ngày chúng con về Hà Bắc/ Quần nhau với giặc, áo con rách thêm/ Nên các mẹ già lại phải thức thâu đêm vá áo/ Tấm áo ấy bấy lâu nay con quý hơn cơm gạo/ Đời mẹ nghèo thương áo rách/ Áo rách nên thương/ (Nguyễn Văn Tý). Người mẹ trong bài thơ Đất quê ta mênh mông của Dương Hương Ly đã Ðào hầm từ lúc tóc còn xanh/ Nay mẹ đã phơ phơ đầu bạc/ Mẹ vẫn đào hầm dưới tầm đại bác/ Bao đêm ròng tiếng cuốc vọng năm canh. Tấm lòng mẹ rộng mênh mông như luỹ như thành, có thể dấu cả sư đoàn dưới đất. Chính những việc làm tưởng như nhỏ nhoi của các mẹ, các chị đã góp phần làm nên một Dáng đứng Việt Nam, một sức mạnh Việt Nam tạc vào thế kỷ. Những bà má ở Hậu Giang, bà Bầm ở Trung du, bà Bủ ở Việt Bắc, mẹ Tơm ở Thanh Hoá, mẹ Suốt ở Quảng Bình, chị Út Tịch ở Cầu Kè, Trà Vinh, mẹ Thứ ở Quảng Nam… và biết bao các mẹ, các chị đã đi vào thơ ca, nhạc, hoạ. Chị Út Tịch với quyết tâm đánh Mỹ đến cùng Còn cái lai quần cũng đánh. Những cô gái người Pa cô, Vân Kiều đi tải đạn, và tay vót chông miệng hát không nghỉ. Những cô gái Châu Yên ở Tây Bắc với bàn tay vén khéo Đụng vào khung cửi vải thành hoa/ Vung nắm tấm hoá ra đàn gà, thế mà các cô đã dùng súng trường hạ thần sấm, con ma của không lực Huê kỳ. Mười cô gái ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), tuổi đẹp như trăng rằm từ 18 đến 20 đã ngã xuống để làm xanh một khoảng trời con gái (Lâm Thị Mỹ Dạ). Nhiều cô gái Em ở nông trường hay ra biên giới miệng vẫn hát vang bài ca Cuộc đời vẫn đẹp sao, tình yêu vẫn đẹp sao! Những cô giáo ở Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên hay ở vùng sâu, vùng xa hy sinh cả tuổi xuân để đem chữ Cụ Hồ tới đàn em thơ ở các bản làng dân tộc xa xôi, hẻo lánh. Cô giáo người Tày Tô Thị Rĩnh đã dùng tiếng đàn để thu hút các em học sinh người Hmông tới lớp, lấy đồng lương ít ỏi của mình để mua tập vở cho các em. Ta hãy nghe lời tự hát, tự ru lòng mình đến rơi nước mắt của các cô giáo ở một bản làng heo hút vùng cao:

                                            Ở rừng tự hát ru nhau

                                     Lá trầu chị héo, quả cau em già

                                           Ước ao có một gian nhà

                                     Có trưa đưa võng đón bà lên chơi…  

                                                                  (Em đi - Lê Đình Cánh)

      Những người PNVN đẹp trong lao động, đẹp trong chiến đấu, và trong đời thường họ càng đẹp hơn. Người vợ đã nén nỗi đau, tiễn chồng ra trận và hứa với anh: Lúa tốt lắm anh ơi/ Giải thi đua em giật (Trần Hữu Thung), vẫn luôn xoè bàn tay bấm đốt, nhìn hoa bưởi, hoa chanh mà mong ngày anh về. Chị không mang nỗi buồn bi lụy như người chinh phụ xưa trong buổi tiễn đưa:

                                  Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy

                                  Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu

                                        Ngàn dâu xanh ngắt một màu

                                 Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?     

                                                                       (Chinh phụ ngâm)

Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đã cảm nhận được vẻ đẹp kín đáo của một cô gái nông thôn gói bông bưởi vào chiếc khăn tay tặng người yêu ngày mai ra trận: Nhờ hương thơm nói hộ tình yêu…/Hai người chia tay sao chẳng nói điều chi/ Mà hương thầm thơm mãi bước người đi. Nhiều cuộc chia tay đẹp như cánh nhạn lai bồng dưới một trời phượng đỏ.

        Những người mẹ, người vợ ở hậu phương luôn làm yên lòng người đi chiến đấu. Nàng dâu và mẹ chồng càng thương nhau hơn: Phải đâu mẹ của riêng anh/ Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi/ Mẹ tuy không đẻ không nuôi/ Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong… (Xuân Quỳnh). Người mẹ nào mà chẳng thấy mát lòng hả dạ khi nghe những lời tâm tình của nàng dâu như thế!  Người phụ nữ hôm nay không còn là những cô gái xưa trong thơ Nguyễn Bính: Em là con gái trong khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già. Họ cũng không hoá đá như nàng Tô Thị xưa. Họ là một nửa của vẻ đẹp cuộc sống, và chiếm hơn 50% dân số nhân loại.

      Vẻ đẹp hình thể và vẻ đẹp tâm hồn của người PNVN ngày nay đã được nâng lên một bước phù hợp với thời đại trong xu thế hội nhập toàn cầu, nhưng vẫn giữ được bản sắc dân tộc. Họ vẫn phát huy vẻ đẹp của một thời anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang và còn mang vẻ đẹp về trí tuệ. Nhiều chị em là những giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ … ngang hàng hoặc vượt nam giới. Những hoa hậu, á hậu, hoa khôi, người đẹp hôm nay phần lớn là những sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng, biết hát hay, múa giỏi, trả lời ứng xử tinh thông. Họ không còn là những người đẹp trong cung cấm xưa để điểm tô cho ngai vàng phong kiến. Họ đang viết tiếp trang sử oanh liệt của Bà Triệu, Bà Trưng dưới thời đại mới, và họ có mặt khắp nơi trên mọi nẻo đường của Tổ quốc.

        Vẻ đẹp của người PNVN in dấu ấn đậm trong thơ ca, nhạc, họa, điêu khắc… và mãi bất tử với thời gian. Họ đã góp phần làm nên vẻ đẹp của văn hoá dân tộc. Chúng ta hãy cùng chia sớt nỗi đau của các mẹ, các chị trong quá khứ, và cùng vui, cùng tự hào với những gì mà các mẹ, các chị đã góp phần làm nên vẻ đẹp của phụ nữ trong cuộc sống hôm nay và mai sau.

 

                                                                               LÊ XUÂN

                                                                     (Nhà Phê bình văn học)