Tết đảo…
Truyện ngắn của Huỳnh Thị Kim Cương
Chuyến tàu chở những vật phẩm cần thiết đã cập bến, người dân trên đảo hồ hởi đón nhận những món quà từ đất liền gởi ra. Nhung đứng nép sang một bên chờ mọi người nhận đồ, thím Năm chỉ tay về phía bóng mát biểu Nhung đứng xích vào cho đỡ nắng. Nắng ở đảo như cắt da cắt thịt, Nhung lấy tay đấm vào lưng mình thình thịch. Nhóm người kiểm đồ giao lại cho khách cứ liên tục tìm tìm kiếm kiếm trong đống đồ chất cao như núi. Lâu lâu lại có tiếng đằng xa vọng lại “coi chừng lấy lộn đồ người ta”. Thím Năm bưng cho Nhung một ly nước, tiện tay xách cái ghế mủ qua cho Nhung ngồi nghỉ chân. Thím Năm cầm nón quạt về phía Nhung, miệng không ngừng xởi lởi.
Ảnh minh họa
- Chồng bây đâu sao hông đi lấy đồ. Bầu bì vầy ra đây chi. Chừng nào sanh?
Nhấp ngụm nước, Nhung nhìn ra dòng người chen chân không lọt ở bến tàu.
- Chồng con đi biển chưa về. Ảnh nói ráng đi thêm một chuyến nữa để có tiền lo sanh nở cho con. Tháng sau con sanh rồi. Lúc đó ảnh ở nhà lo cho con, không đi biển nữa.
Chiếc nón trên tay thím Năm vẫn không ngừng quạt, thím Năm lại căn dặn Nhung đủ điều từ việc con so như thế nào, việc ở cữ ra làm sao hay dấu hiệu khi nào chuẩn bị sinh em bé. Từ ngày Nhung theo chồng lên đảo sống, thím Năm coi Nhung như con cháu trong nhà, có gì cũng chỉ bảo từng chút một. Nhung dần dần quen với cuộc sống trên đảo. Má Nhung nói, sống trên thành phố quen rồi, về đây chắc không quá một tuần lễ Nhung sẽ nhảy xuống tàu chuồn đi mất dép. Thế mà, Nhung đã ở đây tròn 1 năm trời. Những lúc mơ mộng nhất, Nhung cũng không nghĩ mình sẽ gắn bó với một hòn đảo bốn bề sóng gió, với dòng nước mặn đắng thấm vào da thịt mỡ màng của mình. Và Hùng cũng không phải là mẫu người đàn ông cô từng mong ước. Mối tình đầu tan vỡ đã khiến Nhung làm một cuộc trốn chạy thật xa, từ bỏ thành phố người xe chật ních.
- Hùng vội vã chạy đến bên Nhung. Người anh đầy mùi tanh của cá, mái tóc cháy nắng, khuôn mặt đen đúa, hàm râu nhiều ngày không cạo khiến anh già đi trông thấy. Hùng nắm tay vợ cằn nhằn.
Đã nói ở nhà đi mà không nghe. Có gì mướn thằng Tí trở về, ra đây chi cho cực.
- Nhung nhìn Hùng cười mà chẳng thèm đáp lại câu nào. Bến tàu đã thưa thớt người, Hùng nhìn Nhung trừng trừng khi cô định dọn bước đi về phía bến tàu. Anh ra hiệu cho Nhung ngồi yên một chỗ rồi một mình chất đống đồ gửi mua từ đất liền ra lên xe. Thức ăn, đồ trang trí nhà cửa đâu có làm cho Hùng bận tâm. Anh chỉ ngắm nghía mấy bộ đồ trẻ em, cái xe đẩy em bé. Hùng nhìn về phía Nhung nở một nụ cười tươi rói, những nét nhăn cứ xô vào nhau chấp chới. Cái Tết đầu tiên ở trên đảo không biết có làm cho Nhung thất vọng khi cô chẳng còn được đi xem bắn pháo hoa, không được ngồi trên xe chạy lòng vòng thành phố. Ở cái đảo vừa bước ra đã gặp người quen, chiếc xe cắm chìa khóa để bên đường cũng không sợ mất, ngồi trên xe chạy chưa kịp khô tóc đã quay về chỗ cũ, liệu có làm Nhung thôi thương nhớ thị thành?
Hùng dừng xe lại nói với theo thím Năm đang khom lưng chặt nước đá.
- Thím Năm coi chừng vợ con giùm nha. Con chở đồ về rồi chạy ra rước.
Thím Năm ngước mặt lên cười.
- Cái thằng vậy mà sợ mất vợ mậy. Nó có phải con nít đâu mà coi chừng.
Chiếc xe rời đi để lại làn khói mịt mùng. Nhung nhìn theo dáng chồng ôm cua chạy về phía ngôi nhà nhỏ trên dốc. Tiếng còi tàu hú lúc rời đi, người khách cuối cùng cũng kịp nhận lại tờ tiền thối rồi tranh thủ nhảy xuống tàu. Đứa con trong bụng Nhung không biết nghĩ gì mà nó đạp Nhung một cái đau điếng. Chiếc tàu rẽ sóng rời đi, không biết bao nhiêu lần Nhung nhìn theo những chiếc tàu chở người về đất liền với ánh mắt xa xăm. Hùng đỡ vợ lên xe rồi quay sang thím Năm cười. Thím Năm đặt ly nước xuống bàn cho khách, nhìn đôi vợ chồng chở nhau về trong tia nắng chiều còn sót lại.
- Thằng gì mà cưng vợ động trời. Không cho làm động tới móng tay.
Không khí đón Tết trên đảo cũng rộn ràng không kém gì ở đất liền. Chiều cuối năm, nhà nào cũng tất bật đón Tết. Những người phụ nữ trong nhà lại thở than “phải cho thêm một ngày nữa để chuẩn bị thì hay quá”. Nói suốt một buổi Hùng mới chịu cho Nhung làm vài việc lặt vặt trong nhà. Những thứ nặng nhọc nấu nướng đều một tay Hùng làm. Nhung bật cười, khi thấy những lúc mệt mỏi Hùng chỉ cần áp tai mình vào bụng Nhung, nghe tiếng trồi đạp của con rồi Hùng vẫn nói một câu quen thuộc từ lúc Nhung có thai đến giờ “mệt cỡ nào mà nghe “tiếng” cục vàng cũng hết”. Cho củi vào bếp, Nhung nhìn Hùng cặm cụi với nhà cửa, với bánh mứt mà cô thấy sóng mắt mình cay cay. Chồng thấy mắt vợ đỏ hoe, lại đẩy vợ lại võng nằm “ở đây khói lắm”. Dì Sáu bưng thúng bánh tét qua nhà vợ chồng Hùng, dì Sáu với nụ cười quen thuộc.
- Tao thấy vợ mày bầu bì. Với lại, không biết mày đi ghe chừng nào vô nên tao nấu chín luôn rồi. Bây khỏi nấu nướng chi cho mất công.
Hừng sáng, Hùng đã mang nép, thịt, chuối, đậu xanh qua nhà dì Sáu nhờ gói giùm vài đòn bánh tét để có cái cúng ông bà. Hùng đứng trong nhà gãi đầu ngượng nghịu.
- Trời ơi! Mượn Sáu gói bánh mà con còn ngại muốn chết. Sáu còn nấu cho con luôn.
- Cha mày! Bà con chòm xóm không, ở đó khách sáo khách bảy.
Nói đoạn đó, dì Sáu lại ngồi xuống đặt tay lên bụng Nhung cười. Gió từ biển thổi vào làm mát lòng người, ngọn khói sau nhà lại vươn trên mắt người. Dì Sáu còn đem qua mớ vỏ tỏi để dành cho Nhung đốt vào than lúc sinh em bé. Hoàng hôn đổ dài trên mặt biển, từng đàn chim hải âu chao liệng đi qua vùng sóng gió, dì Sáu cầm cái nón lá ra về vẫn không quên ngoái đầu lại “ăn Tết vui nghen”. Câu chúc quen thuộc chẳng có chút cầu kì gì lại làm con người ta cảm thấy ấm lòng đến lạ. Vợ chồng Nhung ngồi trước mâm cơm tất niên, Hùng vẫn không quên gắp thức ăn vào chén cho Nhung như những ngày đầu. Tướng ngồi có vẻ mệt mỏi đã làm Nhung không muốn ăn thêm chút gì. Hùng buông chén đũa đỡ vợ nằm xuống giường. Nằm trên giường nhìn Hùng rửa chén, Nhung đặt tay lên bụng mình khi đứa con quẫy đạp. Giây phút đó Nhug cảm thấy bình yên đến lạ. Hùng phá tan bầu không khí bằng câu vọng cổ hơi dài. Nhung bật cười mà Hùng thì cứ không ngừng ra bộ như mấy ánh kép trong tuồng cải lương. Hát mệt, Hùng áp tai vào bụng Nhung tủm tỉm cười.
Hoa bàng vuông ảnh minh họa
Nhung nhìn lên đồng hồ, chỉ còn vài tiếng đồng hồ nữa thôi là đã qua một năm mới. Những ngày tháng phía trước không biết như thế nào, cuộc sống trên đảo không biết sẽ thay đổi ra sao, đứa con sắp chào đời không biết có quậy phá hay khóc đêm không. Hàng trăm câu hỏi, chạy dọc ngang trong đầu của Nhung trong khi Hùng còn mân mê mấy bộ đồ con nít. Nhung thấy bụng mình đau quặn lên từng cơn, Nhung cắn môi, lấy tay chống phía sau lưng mình. Giọng Nhung thều thào.
- Anh ơi!
Dì Sáu phụ Hùng chở Nhung ra trạm xá, đoạn đường núi quanh co làm tay lái của Hùng có phần loạng choạng, đang chạy xe nhưng miệng Hùng cứ liên tục nói “ráng lên em”. Xe dừng lại trạm xá giữa lúc giao thừa sắp đến gần, Hùng bồng Nhung vào giường, trạm xá đang chuẩn bị đồ đón giao thừa cũng đã bỏ ngang chạy lại giúp Hùng. Đứng bên ngoài phòng sinh, Hùng đi qua đi lại làm ai cũng muốn chóng mặt. Tiếng trẻ con khóc làm Hùng đứng lại, cánh cửa phòng sinh mở ra, cô y tá ẵm đứa trẻ ra cho Hùng xem mặt.
- Là con gái, nặng ba ký tư.
Hùng rưng rưng nước mắt nhìn con vào phòng cùng với Nhung, hai vợ chồng nhìn nhau nước mắt chảy dài. Đồng hồ đang điểm thời khắc giao thừa, mọi người ngồi lại với nhau chờ thời khắc thiêng liêng đi qua. Đứa con ngủ ngon lành trong vòng tay Nhung, ngoài kia ngọn gió đêm ràn rạt thổi qua bờ đá, tiếng sóng biển rì rào vỗ vào bờ, Nhung tựa đầu vào vai Hùng. Ngày mai nắng xuân sẽ tràn đầy quanh đảo…