Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2020)
TRÁI TIM CỦA NGÃ BA ĐỒNG LỘC
Trong đời mỗi con người, ta thường bắt gặp biết bao ngã ba của những con đường, những dòng sông, ngã ba của những dòng văn minh Đông, Tây, Kim, Cổ, và những ngã ba vận mệnh của một kiếp người. Nhưng có một ngã ba mà mãi mãi con cháu chúng ta khắc ghi tưởng niệm, đó là Ngã Ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) - ngã ba làm bằng xương máu trong chiến tranh chống Mỹ ác liệt. Nơi đây, mỗi mét vuông đất phải hứng chịu ba trái bom lớn. Mười cô thanh niên xung phong tuổi từ 18 đến 22 đã vĩnh viến nằm lại và đã làm nên kỳ tích có một không hai, hoá thành trái tim lớn của ngã ba Đồng Lộc. Nhà thơ Đồng Đức Bốn đã thắp một nén tâm nhang bằng tám câu lục bát dung dị, đậm sắc màu ca dao dâng lên hương hồn: Mười cô gái ở ngã ba Đồng Lộc:
Nếu ai còn biết làm người
Qua đây xin hát những lời của hoa.
Mười ngôi mộ chẳng biết già
Bởi xây bằng tiếng chim ca bên trời.
Cầm cỏ thì thấy mồ hôi
Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng.
Sông La tóc sóng bềnh bồng
Cầm mây áo gái chưa chồng còn thơm.
(VNQĐ - T4/1999)
Mở đầu bài thơ là một lời nhắn gọi:
Nếu ai còn biết làm người
Qua đây xin hát những lời của hoa.
để mỗi người chúng ta trong đời thường hôm nay không bị dòng chảy cuốn đi theo quá khứ. Nhà thơ đặt ra một giả định nếu ai nhằm nhắc nhở, khuyến cáo những người đang quên đi điều uống nước nhớ nguồn. Chỉ những ai hiểu đúng nghĩa hai tiếng con người viết hoa mới trải lòng mình để trái tim cùng nhịp đập với nỗi đau của dân tộc, nhân loại, tâm hồn lộng gió nhân văn, lắng nghe và cảm nhận được lời của hoa, của đất. Mười ngôi mộ của các cô nằm đó xếp hàng trang nghiêm và cô Võ Thị Tần vẫn là đội trưởng. Ta như thấy các cô vẫn đang san lấp hố bom mở đường cho xe ra trận. Chị La Thị Tám vẫn đứng như cột mốc cắm cờ bên hố bom nổ chậm dẫn đường cho xe đi. Các cô vẫn trẻ mãi, vẫn bất tử với đất trời Hà Tĩnh quê ta với sông La xanh trong, kiên cường:
Mười ngôi mộ chẳng biết già
Bởi xây bằng tiếng chim ca bên trời.
Tác giả tạo được sự liên tưởng độc đáo bằng tứ thơ mới lạ ngôi mộ xây bằng tiếng chim ca vừa vẽ ra một không gian thoáng đãng, vừa gợi một ý niệm về thời gian vô định. Tiếng chim hót đâu đây như không ngừng không nghỉ, như chính sự sống tươi vui, ríu rít của các cô đang độ tuổi yêu. Mười ngôi mộ bên nhau, mười trái tim thiếu nữ đang khát khao những chân trời mới đã làm thành một trái tim lớn của Ngã ba Đồng Lộc. Nơi đây, mỗi hòn đất, ngọn cỏ, lá cây như còn lưu lại hơi ấm nồng đượm của từng giọt mồ hôi và nụ cười tươi trẻ của các cô:
Cầm cỏ thì thấy mồ hôi,
Cầm đất thì thấy dấu môi vẫn hồng.
Trong Kinh thánh có câu: Thân cát bụi lại trở về cát bụi. Đất mẹ đã dang rộng đôi tay che chở để các cô yên nghỉ. Các cô vẫn hiện hữu trong mỗi con người qua đây, vẫn chứa chan sự sống. Cái mùi mồ hôi và dấu môi vẫn hồng của các cô thân quen và gần gũi biết bao. Ta như vẫn thấy các cô san lấp hố bom, mồ hôi thánh thót rơi. Ta như nghe thấy tiếng cười, thấy nụ hôn trên đôi môi hồng của tuổi trẻ đang thổn thức tình yêu. Tương truyền rằng sau ngày các cô mất, những chiến sĩ lái xe, những người buôn bán xuôi ngược, những người muộn mằn con cái, những cặp trai gái đang yêu khi qua đây thường thắp nhang, dâng hoa cầu nguyện. Họ tin rằng hồn thiêng trinh trắng của mười cô gái sẽ phù trợ cho ước mơ của họ biến thành sự thật.
Bài thơ khép lại bằng hình ảnh của dòng sông La hiền hoà, bềnh bồng sóng tóc, và bầu trời quê hương với những làn mây như xà thấp hơn, vờn trên những ngôi mộ, phất phơ như tà áo trinh nguyên còn thơm mùi con gái:
Sông La sóng tóc bềnh bồng
Cầm mây áo gái chưa chồng còn thơm.
Người đọc có cảm giác các cô đã thành Phật, thành Tiên bay lên từ lòng đất mẹ về chốn bồng lai. Hồn thiêng vẫn thơm như mây nước quê nhà, tóc dài như sông La và màu áo vẫn như mây trời Hà Tĩnh. Cái chết bất tử đã làm các cô vụt lớn mang tầm vóc vũ trụ, tạc dáng hình vào không gian thời gian, để lại cho muôn đời sau như nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng viết về sự hy sinh của các cô thanh niên xung phong trong bài Khoảng trời và hố bom:
Cái chết em xanh quảng trời con gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em.
Lê Xuân