Theo dự báo của các ngành chức năng, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2019 - 2020 ở nhiều vùng trên cả nước, trong đó có khu vực đồng bằng sông Cửu Long, diễn biến phức tạp, có khả năng diễn ra gay gắt, làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân.
Dù cách cửa biển gần 100km nhưng thành phố Cần Thơ vẫn bị nước mặn tràn tới, thậm chí sớm hơn 1 tháng so với trận thiên tai lịch sử vào 4 năm trước (2016).
Tính đến thời điểm này, Cần Thơ là địa phương thứ 12 ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập (Hiện chỉ còn tỉnh Đồng Tháp chưa bị xâm nhập mặn). Cảng Cái Cui, ở quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ nằm ven sông Hậu và cách cửa biển Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng khoảng 100km. Hiện nay, mặn đã tràn đến khu vực này.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ, độ mặn trên sông Hậu tại khu vực cảng Cái Cui vào ngày 10/2 đã lên đến 3.500 mg/l (3,5 phần nghìn), trong khi bình thường dưới 250 mg/l. Nước mặn tràn vào các kênh nội đồng ven sông Hậu ở quận Cái Răng. Nguyên nhân được các cơ quan chuyên môn xác định là do vào đầu tháng 2, lượng nước sông Mekong về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 40 cm và 20 cm so cùng kỳ năm 2016. Cùng lúc này, triều cường rằm tháng Giêng và gió mùa đông bắc đẩy nước mặn vào sâu trong sông Hậu đến thành phố Cần Thơ.
Trước tình hình trên, để chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại do ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, ngày 12/2/2020, Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã có Công văn số 1477-CV/TU yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể thành phố tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Triển khai thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 22/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ “Về việc triển khai các giải pháp cấp bách phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn”; xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ủy đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể trong thời điểm hiện nay.
Hai là, Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt và triển khai thực hiện tốt công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn một cách tích cực, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra cho sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân nâng cao ý thức về công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn. Trong đó, ưu tiên việc hướng dẫn nhân dân cách thức phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn chủ động, với các giải pháp cụ thể như sử dụng nước tiết kiệm, tăng cường công tác dự trữ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, đắp đập tạm để trữ nước và ngăn mặn... góp phần phục vụ có hiệu quả công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn.
Ba là, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố lãnh đạo Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cấp chính quyền thành phố, các đơn vị chức năng liên quan phối hợp chặt chẽ thường xuyên kiểm tra, đánh giá hiện trạng nguồn nước, dự báo diễn biến hạn hán và xâm nhập mặn; chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với khả năng bảo đảm nguồn nước; ưu tiên nguồn nước cho sinh hoạt. Tăng cường khuyến cáo nông hộ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chịu hạn, thích nghi với mặn; ưu tiên các giống chịu hạn mặn, sử dụng các loại cây trồng tốn ít nước, có giá trị kinh tế cao, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bảo đảm bền vững. Đồng thời, theo dõi đôn đốc công tác phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trên địa bàn thành phố; thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy những khó khăn, vướng mắc để kịp thời chỉ đạo.
Bốn là, Các địa phương thường xuyên tổ chức thăm đồng, chủ động kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao, cống bọng, các trạm bơm trên địa bàn, có kế hoạch nâng cấp, sửa chữa; tập trung nguồn lực cho xử lý hạn hán, xâm nhập mặn, trên nguyên tắc sử dụng hiệu quả, kịp thời; trước mắt, cần tận dụng tối đa nguồn lực hiện có tại địa phương; ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các hệ thống thủy lợi, công trình cấp nước tập trung; đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình thủy lợi, cấp nước sinh hoạt... bảo đảm phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.
Năm là, Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Cần Thơ, Đài Phát thanh và Truyền hình thành phố, các phương tiện thông tin đại chúng trên địa bàn thành phố đẩy mạnh tuyên truyền về hạn hán, xâm nhập mặn; thường xuyên cập nhật thông tin, tăng cường đưa tin dự báo, cảnh báo, phản ánh về tình hình hạn hán, xâm nhập mặn để người dân nắm và chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.
Hoài Ân.