Thơ nữ Cần Thơ - Đa thanh, đa sắc

   Chào mừng ngày PNVN 20-10-2020:

                    

                     THƠ NỮ CẦN THƠ – ĐA THANH, ĐA SẮC

 

        Nhà văn Mac-xim Gorky có viết: Không có mặt trời thì hoa không nở/ Không có mẹ hiền, anh hùng, thi sĩ hỏi còn đâu? Để thiết thực chào mừng ngày thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20- 10, tôi xin điểm qua một số gương mặt thơ nữ ở Thành phố Cần Thơ

             Nhà thơ Trần Thị Linh Chi  là con của nhà phê bình văn học Trần Thanh Mại nổi tiếng một thời. Chị đã xuất bản 8 tác phẩm thơ và truyện: Lung linh ngày tháng (thơ), Chiều (thơ), Hoa oanh trảo (thơ), Xứ Huế xứ thương (thơ), Giấc chiều (thơ), Mây lơ lửng (tập truyện), Khói sương ngày cũ (tập truyện) và Tuyển thơ văn Trần Thị Linh Chi. Ngoài thế mạnh về văn xuôi chị còn viết nhiều thơ với một ngôn ngữ đậm chất Huế. Thơ chị như có sương sớm lãng đãng trên dòng Hương Giang, có khi lại vút cao như thông trên đỉnh Ngự Bình, khi nhẹ nhàng như tà áo dài tím bay trong nắng của nữ sinh Đồng Khánh. Đề tài, tứ thơ luôn gắn với biết bao kỷ niệm vui, buồn của một người con xa Huế hơn nửa thế kỷ nay. Những địa danh của Huế hiện lên trong thơ chị như một người bạn tri âm, tri kỷ: chợ Kệ, đồng An Cựu, núi Ngự Bình, xóm Bình An, đồi Quảng Tế, Nam Giao, bến Ngự, sông Hương, Đông Ba, Gia Hội, đò Cồn, Đồng Khánh... Xứ Huế thơ mộng cùng dòng Hương giang như một cố nhân luôn trĩu nặng trong tim:

                             Dáng Huế ngập ngừng tận cuối xa

                             Khoác áo sương mù đứng đợi ta

                                                           (Dòng Hương)                                                                     

       Lòng chị như con tằm "vương tơ" với Huế, với những kỷ niệm của một chiều tan học qua chợ An Cựu trước những món quà hấp dẫn các cô, cậu học trò nhỏ:

                                               Dâu tím, móc, sim và ổi đỏ

                                           Hoa vườn, hoa dại đủ sắc khoe

                                                                       (Chợ nhỏ)

        Về với đất Cần Thơ hơn nửa thế kỷ nay, chị có nhiều vần thơ thẻ hiện tình yêu quê hương thứ hai của mình thật chan chứa nghĩa tình. Trước cảnh “Chiều muộn” chị chớp được những hình ảnh đẹp:

                                         Chiều phương Nam, con nước dâng tràn

                                          Cò bay lớp lớp, hàng hàng

                                         Ruộng đồng xôn xao mùa lúa

   Sông Hậu soi bóng hàng so đũa

   Chiếc nón hờ sau vai

   Em bé ngồi lưng trâu ca bài vọng cổ

   Hối hả chim bầy về tổ

   Lững thững đàn trâu về chuồng…

       Nhân vật trữ tình trong thơ chị không hề bi lụy mà luôn hy vọng dù chỉ là một mảnh trăng non ở cuối trời mong sưởi ấm lòng người:     

                                               Người ơi bờ cát trắng tinh

                                       Hàng cây xanh mướt, Ngự Bình thông reo

                                               Cuối trời nửa mảnh trăng treo

                                      Một mình dặm bước, dõi theo trăng về.(Nửa vầng trăng)

       Những bài thơ viết về người mẹ, người cha yêu kính của chị gây được nhiều xúc cảm cho người đọc như bài: Cha tôi hay bài Khóc mẹ.

       Thơ của chị Linh Chi không chỉ "hướng nội" với mảng đề tài riêng tư, gia đình mà còn vươn xa "hướng ngoại" tới những ba động của cuộc sống đời thường trước cảnh bể dâu. Tuy nặng về hoài niệm riêng tư, nhưng thông qua cái tôi trữ tình ta vẫn luôn thấy chị trăn trở trước những cảnh đời còn mưa gió, với bao xót xa về tình đời, tình người, về lẽ hưng phế...    

 

     Nhà thơ Nguyễn Ngọc Tuyết  với các  danh  Trúc Ty, Chi Lan, Phong Lan Xưa, Phù Vân… Nguyên là giáo viên Văn trường THPT Châu Văn Liêm. Thế mạnh của chị là văn xuôi. Nhưng với thơ chị cũng có nhiều tâm đắc, nặng nợ. Chị đã in riêng 3 tác phẩm, đoạt hơn 10 giải thưởng về văn chương, báo chí. Chị quan niệm về văn chương:

         Tôi bắt đầu con đường sáng tác bằng thơ. Thơ nói dùm tôi nỗi buồn, niềm vui, yêu  thương, ước vọng một thời tuổi trẻ. Khi từng trải cuộc sống, tôi đến với văn xuôi. Viết một truyện ngắn, một tạp văn, tôi như đối diện với cuộc sống, với chính mình. Và khi trải lòng mình vào trang viết, khi gởi đến bạn tri âm những điều rất thật, rất đơn giản đời thường, tôi thấy mình thực sự hạnh phúc.

         Thơ của Ngọc Tuyết rất giàu tưởng tượng và thường nghiêng về những suy ngẫm cuộc đời. Nhìn một “con cò đi đón cơn mưa” lúc chiều muộn, chị nghĩ tới thân phận của một kiếp người:

                          Bao năm em vùi mình, thất thểu,

                          Thương tình yêu ta lang thang đâu đó trên đường,

                      … Em đi đón cơn mưa - cuối đường điểm hẹn

                        Anh có trở về trong từng giọt mưa rơi ?

                                                              (Đón mưa)

     Nhìn một “bông hoa cuối ngày” 8-3, chị liên tưởng tới một rừng hoa bảy sắc cầu vồng đầy niềm vui trên tay người bán, và thấy những bông hoa ấy “ửng hồng một thời thiếu nữ”, làm ấm lòng những người vợ, người mẹ:

                                 Trong tay em hoa cười vui hớn hở

                                 Cả con đường thơm ngát hương hoa,

                                 Thơm trong em cả một thời gian khó,

                            … Hoa đỏ thắm sáng bừng gian phòng nhỏ,

                                Nghe trong đêm niềm vui đến, âm thầm … 

Có những buổi “Chiều xuân” êm ả, ngồi buông sợi dây câu để suy ngẫm về cảnh về đời: Có phải xuân vừa sang/ Trái mận đỏ trên cành lúc lắc/ Con chim gù  “ba tiếng cu kêu”/ Và cỏ xanh, xanh mượt đến vô cùng !

     Với chị, thơ phải làm được chức năng cảnh báo về nhân tình thế thái: Bài “Ở đâu đó có người đang làm thơ” tác giả đặt ra một tiêu chí cho người viết, cần phải có: Những câu thơ lấp lánh/ Giọt nước mắt rớt xuống như sương đêm/ Để ban mai đỏ thắm ánh mặt trời/ …Không phải những câu thơ thù tạc/ Gầy trơ xương/ Mang tiếng cười nhẻo nhợt/  Những câu thơ phủ kín rong rêu/…Những câu thơ phập phồng nhịp thở.

       Thơ Nguyễn Ngọc Tuyết luôn trăn trở trước những nghịch cảnh của cuộc sống, rất hiện thực nhưng cũng rất lãng mạn bay bổng. Ngôn ngữ thơ chị hiện đại nhưng vẫn đậm đà bản sắc Nam Bộ nên đã thỏa mãn được yêu cầu của nhiều đọc giả...

 

       Nhà thơ Minh Nguyệt: Tên thật là Võ Thị Nguyệt (bút danh Minh Nguyệt, Dạ Minh) là cây viết khá sung sức cho một số tờ báo và tạp chí Trung ương, địa phương. Chị đã đoạt giải Ba cuộc thi Thơ của tỉnh Hậu Giang tổ chức năm 2006. Cũng như Nguyễn Thị Thanh Huệ hay Trầm Nguyên Ý Anh (Trà Vinh) chị sống bằng nhuận bút là chủ yếu. Thơ chị nặng tình quê hương và tình yêu đôi lứa. Tập “Nhớ một vầng trăng” có 40 bài thì đã có hơn 2/3 số bài viết về đề tài quê hương, gia đình. Bức tranh quê trong thơ chị luôn tràn đầy màu sắc, âm thanh của dòng sông quê, của vườn cây trái và tiếng chim hót:

Hàng dừa xanh nghiêng mình che bóng nắng

Mù u mùa này hoa nở trắng đường thơm

                                (Bông mù u trắng)

Hoặc: Bông súng xanh biêng biếc chiều quê mẹ/ Hoa cải vàng thương nhớ  (Sông quê)

    Hình ảnh những cây trái dân dã Nam Bộ hầu như có mặt hết trong thơ chị, như cây mù u, trái bần, lục bình, bông súng, bông bí, hoa khế, hoa chanh, cây phượng, cây sậy, nhánh gừng, rong rêu... và nó luôn gắn với kỷ niệm ấu thơ:

Cho con trái bần xanh mẹ lượm

Lửa hâm nồi cháo ấm bếp chiều

                              (Trái bần xanh).

Hay: Lục bình trôi em vướt bông búp nở/ Gói chiếc nem làm bánh gọi là quà  (Em - mùa thu). Hình ảnh quê nhà thân thương bao giờ cũng gắn liền với hình bóng người mẹ già tần tảo sớm hôm. Nhiều câu thơ về mẹ của chị khá xúc động:

 

Chợ đường xa mẹ gánh gồng hai buổi

Oằn đôi vai trĩu nặng thương chờ

Hai mùa kháng chiến cha đi miết

Lặn lội thân cò dìu dắt con thơ.

                                     (Mẹ tôi)

Trước sóng gió cuộc đời, mẹ luôn là điểm tựa cho mỗi chúng ta:

Những lúc bão đời xô con ngã

Thèm đến vô cùng chút đỡ nâng

Lòng mẹ bao dung như biển cả

Nay chợt hiểu ra, mẹ chẳng còn.

                                      (Vắng mẹ)

Hình ảnh người mẹ bên bếp lửa được chị ví như một bóng trăng bơ vơ:

Con qua bến lạ cuộc đời

Mẹ như bóng trăng đơn bên góc bếp

Tiếng chim vịt gọi chiều tha thiết

Con nhớ quê mình... nhớ một vầng trăng.

                       (Nhớ một vầng trăng)

       Mảng thơ tình trong thơ chị cũng nhiều da diết cháy bỏng với bao hoài vọng, cô đơn và cả những giật mình, hoảng hốt khi mái đầu nửa xanh nửa bạc, khi bài thơ tình đang còn viết dở: Heo may kín ngõ đời/ Vẫn cứ vàng hoa cúc/ Nửa nụ tình vương tóc/ Nhớ từng chiều xót xa.. (Mưa tháng bảy). Tình yêu đến rồi tình yêu đi, đó cũng là lẽ tự nhiên ở cuộc đời: Anh cho một chút xuân thì/ Run rẩy tim tôi đón nhận/ Mùa xuân chưa về chạm ngõ/ Mà anh đã đội mang đi.  (Tự tình). Điều đó được tác giả lý giải: Góc đời chiều bỗng chật /Nỗi buồn chen lấn trong tim/ Vội vàng tôi ra mở cửa/ Mới hay mình chẳng cài then. 

         Thơ Minh Nguyệt tuy cấu tứ, hình ảnh chưa mới nhưng bù lại là cái tình chân thật được thăng hoa cùng xúc cảm, và ngôn ngữ ở thơ chị luôn giản dị, dễ hiểu nên nhiều câu thơ đọng lại được trong tâm trí người đọc.

 

     Nhà thơ Phan Nguyệt Ảnh  có bút danh là Nguyệt Ảnh, đã xuất bản tập thơ “Hoa cát đằng” mang hai chủ đề chính là “Một thời hoa lửa” và “Quê hương và Tình yêu”. Vượt lên bao vất vả của cuộc mưu sinh trong cô đơn, chị vẫn có những vần thơ tươi xanh, đôn hậu gắn với ký ức của tuổi thơ và năm tháng chiến tranh:

Chiếc áo bà ba bạc màu thơm mùi rơm rạ

Theo mẹ mót về những bông lúa chín vàng tươi

Mùa lũ mười ngón chân đỏ loét

Nước lớn nước ròng đôi mắt gợn buồn vui.

 

Dưới hầm pháo mẹ xếp con diều giấy

Lá thu xao xác ngoài hiên

Con diều giấy rơi trong giấc ngủ

Giấc mơ đêm không một chút bình yên.

                                         (Ký ức)

    Theo độ lùi của thời gian, 30 năm sau trở lại “chiến trường xưa”, chị vui đó nhưng ngậm ngùi trước những mất mát chia ly:

Giờ trở lai Bưng Đá Nổi, Lung Cột Cầu

Giàn Cát Đằng xanh ngát

Gợi lại một niềm đau.     

                              (Hoa cát đằng)

Mảng thơ tình của chị có vị đắng chia ly, có dồn nén những bức xúc tâm hồn nhưng luôn gắn với quê hương, gia đình và những ký ức:

Anh đưa em về qua chợ Nổi

Hừng sáng Phong Điền lất phất sương

Nắng lên lấp lánh vườn cây trái

Đầu ngõ hoa Huỳnh Anh ngát hương.

                           (Tình quê)

Với bất cứ một vùng đất nào chị đặt chân đến đều có thơ ghi lại bằng nhưng rung động chân tình và gửi lòng mình vào đó. Đây là cảnh ở núi Bà Đen, Tây Ninh về chiều:

Cánh chim trắng nhỏ bay về núi

Xin hãy thương dùm phận cút côi

Đừng gió, đừng giông, đừng bão táp

Cho khắp nhân gian rộn tiếng cười.    (Với núi)

Đây là cảnh “Chiều thu Tân Lộc”:

Tạm biệt cù lao sương phủ trắng

Một chiều Tân Lộc lá rơi đầy

Trôi theo sóng nước phù sa đổ

Nhìn xa, đôi én liệng chân mây.

    Nguyệt Ảnh viết không nhiều, không đều bởi chị còn mãi bận việc kinh doanh, nhưng với mấy chục bài thơ hiện có chị đã cho người đọc thấy một góc tâm hồn chị dành cho thơ như một người bạn tri âm để cùng chia sẻ bao nỗi niềm đời mình.

 

    Nhà thơ Nguyễn Thị Thanh Huệ: Chị xứng đáng được tặng danh hiệu là “người đàn bà viết tiểu thuyết” vào loại “siêu tốc” ở TP Cần thơ hơn chục năm qua. Chị đã xuất bản 28 cuốn tiểu thuyết, 1 tập truyện ngắn và 1 tập thơ. Tập “Mùa yêu” với 38 bài thơ xoay quanh đề tài Tình yêu quê hương, gia đình, đôi lứa... cho ta thấy một Thanh Huệ với nhiều đam mê, nồng nàn và cháy bỏng. Đọc thơ tình của chị ta cứ ngỡ thơ của các thiếu nữ U20 đang yêu. Các bài: Em đi theo người, Chút thiên đường, Cho xanh cuộc đời, Chén quan hà, Bài thơ viết vội, Một kiếp thơ duyên, Không còn em, Ngôi sao chờ, Từ khi em nằm xuống, Tình yêu không có tuổi, Sống mãi đời nhau... thực sự là những bài thơ tình đậu lại được trong trái tim người đọc. Tình yêu trong thơ Thanh Huệ chứa nhiều day dứt, nuối tiếc cùng những khát khao:

  Tình buồn đau dấu mồ côi

                             Con tim sương gió từ thời xuân xanh

   Còn đây một chút về anh

                              Tặng luôn trời đất cho xanh cuộc đời.

                                                      (Cho xanh cuộc đời)

Những ước ao muộn màng về tình duyên thật đẹp và cảm động:

                                   Tôi xa anh tận bán cầu

                           Tạ tình ấm lạnh như bầu trời xanh

                                  Nỗi nhà chanh khế muộn bông

                            Cũng mong xuân trổ quả thơm xanh cành.   

                                                           (Chén quan hà)

Chị tự hỏi lòng mình khi vắng anh:

                                 Buồn không anh khi em là chiếc bóng

                                 Sẻ chia nhau mỗi đứa nửa men sầu?

                            ... Không có em chỉ mình anh với bóng

                                Mình trong nhau như Phạm Lãi - Tây Thi

                                                             (Không còn em)

Có lúc chị thấy tình yêu đẹp nhưng lại ở rất xa như một ngôi sao trong vạn thiên hà. Có khi chị tưởng tượng “em nằm xuống” thì anh sẽ ra sao? Và cuối cùng nhân vật trữ tình lên tiếng khẳng định: Tình yêu không có tuổi/ Hình hài còn hay không/ Sum họp hay ngăn cách/ Có, trong ngàn cái không.  (Tình yêu không có tuổi)...

    Thanh Huệ còn thành công ở đề tài viết về quê hương đất nước và những kỷ niệm... nhưng xin để dịp khác nói kỹ hơn. Xin chúc mừng chị, một người đàn bà với những nỗi vất vả cực nhọc trong cuộc sống đời thường và tình yêu nhưng đã bám được vào văn chương làm điểm tựa mà đứng dậy. Thật đáng trân trọng và quý mến!

 

     Nhà thơ Lâm Thị Thanh Hà:  Là cây viết nổi lên từ giai đoạn chống Mỹ, sau lớp các nhà thơ Lê Chí, Nguyễn Bá, Song Hảo, Đinh Thị Thu Vân... Chị đã xuất bản 2 tập truyện “Thời gian” và “Mưa nắng đồng bằng”, đoạt hơn 10 giải thưởng văn chương. Thế mạnh của chị là văn xuôi nhưng với thơ, chị cũng có nhiều trăn trở, ngưỡng vọng.

       Trước cuộc đời còn nhiều cay đắng, dối lừa, vàng thau lẫn lộn được giấu trong vỏ bọc hình thức tưởng ưa nhìn, ưa gần nhưng khó đánh lừa được những người có con mắt tinh đời. Bài thơ “Bon sai” đã nói với ta điều đó”:

       Thế giới thu gọn trong lòng bàn tay/ Non xanh/ Rừng già/ Suối ngọc/ Giả và thật/ Chỉ xin dừng lại ở tâm hồn/ đừng chơi trò bon-sai/ dù cuộc đời có chật.

       Ngoài đời chị là người rất cương trực, trước những điều giả dối, xấu xa, đê tiện trong cuộc sống, chị “ghét cay ghét đắng ghét vào tận tâm” (Nguyễn Đình Chiểu), thẳng thắn vạch mặt chỉ tên không thương tiếc những cái xấu đang lộng hành, ngự trị. Còn trong thơ chị dùng hình tượng ẩn dụ để ám chỉ. Nhìn thế giới “bon sai” chị thấy được bao điều trong đó. Cái thật và cái giả, cái đẹp và cái xấu, non xanh, rừng già, suối ngọc bị ép, bị dồn nén,  thu nhỏ lại như trong lòng bàn tay theo sở thích của người chơi cảnh. Nhưng với chị, tâm hồn con người “đừng chơi trò bon sai/ dù cuộc đời có thật”.

    Tính triết lý toát ra từ thơ chị còn thể hiện ở nhiều bài thơ khác như “Bàn tay hình cái cào”, “Một ngày nơi nghĩa trang”... Ở đó chị bộc lộ một tình yêu thương chân tình đối với những con người một nắng hai sương, những con người hy sinh cả đời mình cho độc lập tự do của Tổ quốc... nhưng họ vẫn đau đáu một nỗi đau đời... Bằng lối hoán dụ, với “Bàn tay hình cái cào” chị ca ngợi những người nông dân “hàng mi cháy nắng run run”, vất vả “vắt đất ra cơm” để làm nên hạt lúa, củ khoai, và hy sinh con mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước. Niềm hy vọng của ông vè ấm no sau ngày hòa bình chưa bao lâu thì ông vội “ra đi” trong cảnh cả đất nước đói kém “độn bo bo, bột mì, khoai sắn”, và đôi tay hình cái cào vẫn vươn về phía cánh đồng... Bài thơ chứa nhiều ẩn ý của niềm đau:

      Mấy mươi năm cày cuốc/ đôi tay – chứng chỉ  nghề nghiệp/ quăm quăm hình cái cào/ quên ngủ/ tinh sương/ cái cào phập vào đất/ nở hoa cây lúa cây khoai/ nắng xuống/ cái cào khêu gió/cõi rạ rơm bỗng vút cánh diều/ Mấy mươi năm/ ông tôi vắt đất ra cơm/ vắt cơm thành niềm tin độc lập/ hàng mi cháy nắng run run..../ Nhưng ông đột ngột ra đi/ khi cả nước độn bo bo, bột mì, khoai sắn/ mắt nhắm/ trái tim dường không nhắm/ nên đôi tay ông hình cái cào/ vẫn vậy/khắc khoải vươn về phía cánh đồng…

     Hay ở bài “Một ngày nơi nghĩa trang” chị viết về nghĩa trang Vĩnh Thuận với hơn 700 ngôi mộ hữu danh và vô danh, để tặng “Người đàn bà hay hát” toát lên một tinh thần nhân văn cao đẹp. Dù còn tên, mất tên hay trùng tên, tất cả họ đều đã hiến dâng máu xương cho Tổ quốc:

                  ....lát cắt thời gian tươi ròng khát vọng

                     Bảy trăm hồn thơm gió lộng

                     bảy trăm chéo khăn nâu khăn rằn lau cốt trầu

                     dấu nước mắt tiễn đưa

                   bảy trăm bộ đồng phục thiên thu                                      

                   “Tên anh gắn liền chiến công của đất nước”

                   Thêm- một- lần- họ- hy- sinh!

  Tác giả cất tiếng lòng nói hộ những người chị đến viếng mộ người yêu bằng những lời an ủi hương hồn liệt sĩ đến nao lòng:

  ... “Thôi, xương cốt nào cũng đồng chí đồng đội…/  Rỉ rả ngâu/ Cầu vồng từ chữ câu người ta dành an ủi chính mình/ Cốc này em, anh/ cốc này đồng đội/ Nửa bay lên trời/  nửa về với đất/ thứ rượu chị ủ ngâm bằng trăm vị đời thường/

Thế là chị lại thêm miền/ để nhớ/ để thương…  

   Thơ Lâm Thị Thanh Hà là thứ thơ của người từng trải nghiệm cuộc sống, ẩn chứa nhiều dư vị cuộc đời. Vì vậy không thể đọc nhanh. Càng đọc càng ngẫm nghĩ ta sẽ thấy nhiều ẩn ức, hoài vọng như một câu hỏi không lời đáp cứ bám theo...

     Nhà thơ Lệ Nhương (người dân tộc Khmer) nguyên là giáo viên Văn THCS, Chị viết ít và thủy chung với đề tài tình yêu, nội dung và hình thức thơ đều mang tính phổ thông gần gũi đọc giả. Một số bài đã được đăng trên Tạp chí văn nghệ Cần thơ như: Dỗi hờn cùng biển, Muộn, Tự trách... Tôi xin đọc một bài thơ tình tiêu biểu của chi. Bài “Tự trách” như một lời tự bạch của chị về tình yêu sau 30 năm:

 Em chưa hề là một “vì sao”

Như ngày xưa anh thường nói thế

                              Em chỉ là hạt cát nhỏ nhoi

Giữa cuộc đời dâu bể

Như vầng trăng xẻ nửa nỗi mong chờ.

 

Nghĩ cho cùng, em - đốm lửa bơ vơ

Cháy trong anh đêm mùa đông lạnh giá

Nghĩ cho cùng, em chẳng là gì cả

Chỉ là em trong hụt hẫng trăm bề.

 

Ba mươi năm dài thăm thẳm u mê

Nhắm mắt lại ngẫm đời mình nông nỗi

Những đêm buồn lòng em tự hỏi

Em - “vì sao”, nào có thật bao giờ!

      Qủa thật khiêm nhường, dịu dàng và đầy nữ tính…

 

           Tóm lại: Thơ là tiếng nói của con tim, mà các nhà thơ nữ Việt Nam nói chung và Cần Thơ nói riêng thể hiện được những điều vi diệu nhất của những cung bậc tình cảm mà con tim rung động. Nó rất dễ ngân vang như sợi dây đàn dưới bàn tay người nghệ sĩ: khi sâu lắng như gió thoảng ngoài, khi như nước suối ban mai chảy ra từ trong nguồn, khi như sóngbiển dịu êm và dữ dội,  khi như mưa ngâu rả rích, lại có lúc bùng lên như lửa cháy, triều dâng... Thơ nữ Cần Thơ là tiếng nói của những phụ nữ đôn hậu, nhân ái, thanh lịch, đảm đang rất dễ làm rung động lòng người. Tuy vậy, các chị vẫn rất khiêm tốn như ca dao đã nói: “Em như cây quế giữa rừng/ Ngát hương ai biết, lẫy lừng ai hay?”. Nhân ngày PNVN 20-10, chúc các chị, các mẹ, các em gái luôn hạnh phúc và thành công./.

 

                                                                           LÊ XUÂN