THÍCH ỨNG CUỘC CÁCH MẠNG CÔNG NGHIỆP LẦN THỨ TƯ,
CHỦ ĐỘNG TIẾP CẬN VÀ ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP TẠI TP CẦN THƠ
TS. Trần Ngọc Nguyên
Chủ tịch Liên hiệp các hội KH&KT TP Cần Thơ
Thành phố Cần Thơ có vị trí tự nhiên ở trung tâm giao lưu kinh tế - văn hóa - xã hội của đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, có vai trò đầu mối đối với sự phát triển khoa học – kỹ thuật của khu vực, giao lưu trong nước và hợp tác quốc tế về công nghệ, nhằm ứng dụng vào xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong xu thế tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) một cách chủ động và tích cực, nhiều thông tin mới về tiến bộ công nghệ cần được cập nhật, nhất là sự tích hợp các công nghệ mới này sẽ tạo ra những khả năng hoàn toàn mới, dẫn đến những thay đổi nhanh chóng chưa từng có tiền lệ, và có khả năng tác động sâu sắc tới các hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của thế giới (Gs. Klaus Schwab, WEF).
Nhận diện cách mạng công nghiệp 4.0 là gì, như thế nào, tác động ảnh hưởng gì đến sản xuất kinh doanh, sinh hoạt và đời sống đã được nhắc đến nhiều trong các năm gần đây. Có thể lược khảo cuộc CMCN lần thứ nhất bao gồm sự phát minh máy hơi nước để cơ giới hóa sản xuất; CMCN lần thứ hai về ứng dụng điện năng để sản xuất hàng loạt; lần thứ ba về sử dụng điện tử và công nghệ thông tin để tự động hóa sản xuất, lần thứ tư hay CMCN 4.0 là sự tích hợp (lồng ghép) các công nghệ hiện đại của thế giới trên nền tảng kỹ thuật số, từ công nghệ sinh học, công nghệ vật lý, vật liệu mới, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ In 3D, internet kết nối vạn vật (IoT), Robot, thực tế ảo (AR), Big data, v v…, nhằm tạo ra sản phẩm, dịch vụ hiện đại, khác hẳn sản phẩm từ công nghệ truyền thống, riêng lẻ đã có trước đây.
Khi áp dụng các công nghệ tích hợp mới này vào các lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, tài chính ngân hàng, cũng như các lĩnh vực văn hóa xã hội, hay an ninh quốc phòng, tất yếu sẽ tạo nên hệ thống sản phẩm đáp ứng các nhu cầu mới, trong bối cảnh toàn cầu hóa cạnh tranh và hội nhập. Trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp phải thích ứng công nghệ truyền thống tích hợp với công nghệ số, nâng cao năng lực mọi mặt để đáp ứng các thách thức và nắm bắt các cơ hội mới trước xu thế CMCN 4.0. Đồng bộ như vậy, hệ thống quản lý nhà nước cần chuẩn bị giải pháp phù hợp thích ứng trước mắt và tương lai phát triển. Một ví dụ nhỏ về tích hợp công nghệ số trong thanh toán tiền tệ của hệ thống ngân hàng trong nước và quốc tế, từ chuyển tiền thông thường sang thanh toán thẻ visa, master card, chuyển tiền online 24/7 qua Smartphone (điện thoại thông minh), và các thách thức mới về đồng tiền số Bitcoin, hay sắp tới sẽ có đồng tiền Libra của hệ thống Facebook-Calibra, chuẩn bị tung ra thị trường quốc tế vào năm 2020, dù còn nhiều tranh luận tại các quốc gia, nhưng Libra sẽ xuất hiện trong năm tới với hệ thống các thành viên của hiệp hội đa ngành đã ủng hộ bằng nguồn tài chính mạnh.
Ảnh 1: Biểu tượng đồng Libra và các thành viên ủng hộ: Visa card, Master Card, Facebook, Calibra, PayPal, Uber, PayU, Ebay, Vodaphone ...
Đánh giá về mức độ sẳn sàng của các quốc gia trước CMCN 4.0, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp Việt Nam vị trí thứ 48/100 về cấu trúc nền sản xuất, và thứ 53/100 về các yếu tố dẫn dắt sản xuất. Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu GII liên tục tăng, năm 2018 tăng 2 bậc, xếp hạng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế. Trong thực tế, sau khi Thủ tướng Chính Phủ ban hành Chỉ thị số 16 năm 2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, các Bộ, Ngành, địa phương đã thực hiện nhiều biện pháp tương ứng để thúc đẩy nhận thức và hành động hướng đến nền công nghiệp số hóa, như Bộ khoa học và công nghệ (BKH&CN) xây dựng chương trình trọng điểm cấp quốc gia về CMCN 4.0 trình Thủ tướng phê duyệt, và tháng 11/2018 Trung tâm đổi mới sáng tạo về Internet vạn vật (IoT Innovation Hub) được ký kết hợp tác giữa Bộ KH&CN và Cty Ericsson (Thụy Điển), hoạt động tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc nhằm phát huy tiềm năng Việt Nam trong CMCN 4.0.
Chủ động nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức để tiếp cận CMCN 4.0, Bộ trưởng bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã đề xuất giải pháp thực hiện đồng bộ 4 trụ cột về hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển hạ tầng thông tin và công nghệ thông tin; đào tạo nguồn nhân lực thích ứng công nghệ hiện đại; và thúc đẩy hệ thống đổi mới - sáng tạo - khởi nghiệp quốc gia.
Quý III năm nay, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 “về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, đã nêu rõ các quan điểm chỉ đạo, cơ hội, thách thức, mục tiêu, tầm nhìn, và chủ trương chính sách để chủ động tham gia CMCN lần thứ tư.
Nhìn sang các quốc gia Asean trong bối cảnh đang phát triển, nhận thấy Thái lan có “Chiền lược quốc gia 4.0” (National strategy Thailand 4.0), thể hiện thúc đẩy đổi mới- sáng tạo, nghiên cứu và phát triển, công nghệ cao hơn và công nghệ xanh (innovation, creativity, research and development, higher technologies and green technologies) với ước vọng sau 20 năm sẽ đạt mức độ hiện đại hơn. Với Singapore, Ban Phát triển công nghiệp quốc gia có “Chỉ số sẳn sàng Công nghệ thông minh” (Smart Industry Readiness Index “SIRI”) từ năm 2017 để giúp các nhà sản xuất tiếp cận bước đầu tiên hướng tới CMCN 4.0. Với Malaysia, năm 2018 Bộ Ngoại thương và Công nghiệp đã chính thức ban hành đã ban hành “Chính sách quốc gia về Công nghệ 4.0” (National Policy on Industry 4.0) và các hoạt động khá tích cực từ lãnh đạo tầm cao quốc gia như Hình 2.
Hình 2: Sophia, người-máy-xã hội bên cạnh Thủ tướng Malaysia Dr. Mahathir Mohamad (ảnh trên), và Bộ trưởng Thanh niên và Thể thao Syed Saddiq Syed Abdul Rahman tại Trung tâm Thương mại và triển lãm quốc tế Malaysia 7/2019. Thông điệp: Loài người và Robot (AI) có thể hoàn thiện kỹ năng mỗi bên và làm việc cùng nhau để kiến tạo thế giới tốt đẹp hơn. (Nguồn Internet).
Trong xu thế chung cả nước ứng dụng thành tựu CMCN 4.0, thành phố Cần Thơ tiếp tục thực hiện các bước xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu dùng chung, an toàn thông tin mạng trong nâng cấp Kiến trúc Chính quyền điện tử phiên bản 2.0 theo khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, nâng cấp quản lý vận hành dịch vụ công trực tuyến và một cửa điện tử, sử dụng chữ ký số và chứng thư số trong cơ quan nhà nước; mở rộng hệ thống hội nghị trực tuyến đến 100% Ủy Ban Nhân Dân Quận Huyện, Xã Phường, Thị trấn. Số lượng người dân sử dụng Internet và điện thoại thông minh ngày càng cao, có 807.282 thuê bao truy nhập Internet, mật đô thuê bao Internet là 62,75/100 dân, trong đó băng rộng di động là 615.418 thuê bao và băng rộng cố định (bao gồm xDXL, FTTH, Leased-line, CATV) là 191.864 thuê bao. Tổng số thuê bao điện thoại là 1.487.206, đạt mật độ 115,61 /100 dân.(nguồn: sở Thông tin truyền thông.)
Tất cả hệ thống cơ sở dữ liệu dùng chung hiện tại và mở rộng, kết hợp triển khai kiến trúc chính quyền điện tử và dịch vụ công trực tuyến, sẽ là nền tảng kết nối, chia sẻ hệ thống thông tin từ trung ương đến địa phương, cũng như phục vụ công dân và doanh nghiệp trong tổng thể xây dựng đô thị thông minh (Smart City). Đề án xây dựng thành phố Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh giai đoạn 2016- 2025 đang được sở Thông tin truyền thông hoàn thiện và thẩm định là bộ phận quan trọng trong tiếp cận hiện thực CMCN 4.0
Bên cạnh đó, một thành phần rất quan trọng không thể thiếu là hệ thống đổi mới sáng tạo khởi nghiệp trên nền tảng công nghệ mới, hay còn gọi là “Hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo” đã được UBNDTP ban hành kế hoạch thực hiện đến năm 2020 và định hướng 2025 (QĐ 175/KH-UBND ngày 12/12/2017), nhằm mục tiêu tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy, hổ trợ quá trình hình thành và phát triển loại hình doanh nghiệp có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác công nghệ mới, tài sản trí tuệ, mô hình và cung cách quản lý mới trong phát triển kinh tế xã hội của CMCN 4.0. Đến nay, sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức hàng chục sự kiện với các chủ đề StartUp/ Khởi nghiệp - Đổi mới để thành công, kết nối mạng lưới liên kết Khởi nghiệp ĐBSCL và cả nước, cũng như hệ thống Start-Up toàn cầu. Hiện tại, TP Cần Thơ đã xây dựng và phối hợp hoạt động 3 mạng lưới liên kết: Mạng lưới Vườn Ươm Đồng bằng sông Cửu Long, Mạng lưới Khởi nghiệp ĐBSCL, và Hệ sinh thái Khởi nghiệp - Đổi mới - Sáng tạo TP Cần Thơ. Các hoạt động khởi nghiệp này liên quan nhiều ứng dụng công nghệ mới, có khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên nền tảng công nghệ số, là một bộ phận cấu thành của CMCN 4.0.
Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (viết tắt là Nghị quyết số 52-NQ/TW), Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ đã ban hành Chương trình số 52 Ctr/TU ngày 16/12/2019 xác định các Mục tiêu cụ thể.
Với hiện thực tiếp cận CMCN 4.0 trong nước và thông tin các nước lân cận như nêu trên, bên cạnh các việc thành phố Cần Thơ đã và đang làm về chính quyền điện tử, thành phố thông minh, hệ sinh thái khởi nghiệp - đổi mới - sáng tạo, triển khai thực hiện NQ 52-NQ/TW về chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghệp lần thứ tư, xin đề xuất một số giải pháp tiếp tục nâng cao nhận thức và phát triển kỹ năng trong thời kỳ số hóa và hội nhập toàn câù về công nghệ như sau:
1.Thành lập Ban Chiến lược tiếp cận CMCN 4.0 của TP Cần Thơ, gồm các nhà lãnh đạo phù hợp và các chuyên gia đầu đàn về công nghệ để tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược phát triển thành phố trong thời kỳ công nghệ mới;
2.Tăng cường hợp tác với các thành phố lớn của thế giới mạnh về công nghệ, mời chào các tập đoàn mạnh về nguồn lực và công nghệ số phối hợp xây dựng thành phố thông minh, khởi nghiệp-sáng tạo IoT, Big Data, các lĩnh vực công nghệ tích hợp, hiện đại hướng về CMCN 4.0;
3.Phối hợp trong và ngoài nước đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và kỹ năng phù hợp để tiếp cận các công nghệ tích hợp mới, phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố, khu vực ĐBSCL và cả nước.
4.Đặt hàng các nhà khoa học trong và ngoài thành phố - theo cơ chế tuyển chọn công khai - nghiên cứu: luận cứ khoa học về CMCN 4.0 và đề xuất giải pháp ứng dụng phát triển thành phố Cần Thơ trong giai đoạn 2020-2025 và các năm sau.
5.Đặt hàng các nhà khoa học chuyên ngành về nghiên cứu và ứng dựng thành tựu CMCN 4.0 cho các lĩnh vực chuyên sâu về công nghiệp, thương mại, dịch vụ Tài chính, ngân hàng, logistic, nông nghiệp hiện đại, chuỗi hàng hóa dịch vụ theo công nghệ số.
6.Đặt hàng các nhà khoa học nghiên cứu dự báo tương lai phát triển của TP Cấn Thơ và đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với CMCN 4.0
Nguồn tư liệu: Website Bộ KH&CN (most.gov.vn), website.miti.gov.my/Website edb.gov.sg, The Staronline, Báo cáo của sở TTTT, Báo cáo của sở Khoa học và công nghệ TP Cần Thơ.