Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người dìu dắt Đoàn ta “Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”.

Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đoàn TNCS HCM 26-3:

 

CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH – NGƯỜI DÌU DẮT ĐOÀN TA “ĐÀO NÚI VÀ LẤP BIỂN/ QUYẾT CHÍ ẮT LÀM NÊN”.

 

       Chủ tịch Hồ Chí Minh – người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đã luôn coi thanh niên là “cánh tay đắc lực của Đảng”, là lực lượng tiên phong trong các phong trào thi đua yêu nước, chống ngoại xâm và kiến thiết đất nước. Bác đã dạy: “Thanh niên là người chủ tương lai của nước nhà… Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần lớn là do thanh niên”. Lời dạy của Bác cũng chính là tâm niệm của mỗi thanh niên. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dìu dắt của Bác, thanh niên đã làm nên nhiều điều thần kỳ, góp phần đưa cách mạng Việt Nam giành nhiều thắng lợi. Nhân kỷ niệm 88 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931 – 26/3/2019) chúng ta hãy ôn lại truyền thống tốt đẹp và vẻ vang rất đỗi tự hào của Đoàn ta.

      Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập ngày 03/2/1930. Một năm sau ngày thành lập, Đảng đã thấy rõ tầm quan trọng của việc xây dựng tổ chức Đoàn. Mùa xuân năm 1931, từ ngày 20 đến ngày 26/3, tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 2, Trung ương Đảng đã dành một phần quan trọng trong chương trình làm việc để bàn về công tác thanh niên và đi đến những quyết định có ý nghĩa đặc biệt, như các cấp ủy Đảng từ Trung ương đến địa phương phải cử ngay các ủy viên của Đảng phụ trách công tác Đoàn. Trước sự phát triển lớn mạnh của Đoàn trên cả 3 miền Bắc, Trung, Nam, ở Việt Nam xuất hiện nhiều tổ chức Đoàn cơ sở với khoảng 1.500 đoàn viên và một số địa phương đã hình thành tổ chức Đoàn từ xã, huyện đến cơ sở. Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng Việt Nam; đồng thời, phản ánh công lao trời biển của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã sáng lập và rèn luyện tổ chức Đoàn.

      Được Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ cho phép, theo đề nghị của Trung ương Đoàn thanh niên Lao động Việt Nam, Đại hội toàn quốc lần thứ 3 họp từ ngày 22 - 25/3/1931 đã quyết định lấy ngày 26/3/1931 (một ngày trong thời gian cuối của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 2, dành để bàn bạc và quyết định những vấn đề rất quan trọng đối với công tác thanh niên) làm ngày thành lập Đoàn.  Tại hội nghị này, Đoàn thanh niên Cộng sản Đông Dương đã được thành lập. Từ đó đến nay, ngày 26/3 trở thành ngày vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quang vinh.

  Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội lớn nhất của thanh niên Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện. Sự phát triển lớn mạnh của Đoàn đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp bách của phong trào thanh niên nước ta. Đó là sự vận động khách quan phù hợp với cách mạng Việt Nam.

      Từ ngày 26/3/1931 đến nay, qua mỗi chặng đường lịch sử của dân tộc, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã có những hình thức đấu tranh và những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu khác nhau. Với mỗi giai đoạn, tên gọi của Đoàn đã được thay đổi:

 - Từ 26/3/1931 - 1936: Đoàn TNCS Việt Nam, Đoàn TNCS Đông Dương

- Từ 1937 - 1939: Đoàn Thanh niên Dân chủ Đông Dương

 - Từ 9/1939 - 1941: Đoàn Thanh niên phản đế Đông Dương

 - Từ 5/1941 - 1956: Đoàn Thanh niên cứu quốc Việt Nam

 -  Từ 11/11/1956 - 1970: Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam

 - Từ 3/2/1970 - 11/1976: Đoàn Thanh niên lao động Hồ Chí Minh

 - Từ 12/1976 đến nay: Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh

       Ngay sau khi thành lập, Đoàn Thanh niên cộng sản Đông Dương đã phát triển được nhiều đoàn viên trong cao trào cách mạng 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh. Từ phong trào cách mạng giai đoạn này đã xuất hiện nhiều gương thanh niên đấu tranh oanh liệt, tiêu biểu là người đoàn viên thanh niên cộng sản Lý Tự Trọng với câu nói nổi tiếng trước tòa án kẻ thù:“Con đường của thanh niên chỉ có thể là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác”.

    Đoàn đã tiếp tục phát động  các phong trào thi đua lớn trong toàn hệ thống tổ chức Đoàn, như: Phong trào "Lao động kiến thiết Tổ quốc" (1956), phong trào "Thi đua trở thành người lao động tiên tiến" (1960), phong trào "Những người tình nguyện vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất" (1961), phong trào "Ba sẵn sàng" ở miền Bắc (1964), phong trào "Năm xung phong" ở miền Nam (1965), phong trào "Ba mũi tên tiến công tiêu cực và toàn Đoàn tham gia xây dựng Đảng" (1976). Năm 1982 - 1983: "3 chương trình hành động cách mạng của tuổi trẻ" (lương thực, tiết kiệm, việc làm). Năm 1983: Cuộc "Hành quân theo bước chân những người anh hùng. Năm 1984: Nghị quyết 7 (khoá IV) bổ sung và đề ra 5 chương trình hành động Cách mạng của tuổi trẻ. Năm 1985: Cuộc "Vận động xây dựng nếp sống xã hội chủ nghĩa" trong thanh niên. Năm 1987: Với phong trào: "Tuổi trẻ xung kích sáng tạo, xây dựng vào bảo vệ Tổ quốc" trên mặt trận kinh tế chính sách xã hội, an ninh và học tập tiến quân vào khoa học kỹ thuật.. Năm 1992: Cuộc vận động xây dựng chi đoàn mạnh và 4 phong trào, 3 mục tiêu dân số và kế hoạch hoá gia đình; Phấn đấu xây dựng bộ đội cụ Hồ; Sản xuất kinh doanh giỏi; Thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Năm 1997: Phong trào: "Thanh niên lập nghiệp" "Tuổi trẻ giữ nước". Năm 2002: Phát triển phong trào: "Tuổi trẻ thi đua tình nguyện, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Năm 2007: Hai phong trào lớn là: "5 xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc" và "4 đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp".

       Tháng 9- 1950, trong một lần gặp đội thanh niên xung phong đang làm đường, Bác đã có lời “Khuyên thanh niên”: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên. Bác cũng luôn động viên thanh niên: “Đâu cần thanh niên có/ Việc gì khó có thanh niên”. Vâng theo lời Bác, thế hệ trẻ Việt Nam luôn vượt qua mọi gian khổ, khó khăn tô thắm thêm trang sử vàng dân tộc trên mọi lĩnh vực, luôn lấy tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác làm lẽ sống: “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” (Tố Hữu).
      Trải qua 88 năm hình thành và phát triển, Đoàn đã xây dựng và hun đúc nên những truyền thống vẻ vang của tuổi trẻ Việt Nam, như:

 - Truyền thống yêu nước nồng nàn, trung thành tuyệt đối với sự nghiệp lãnh đạo của Đảng, gắn bó sống còn với lợi ích của dân tộc, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

- Truyền thống xung kích cách mạng, xung phong tình nguyện, không ngại hy sinh gian khổ, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó.    

- Truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân tương ái và nhân đạo cao cả.

 - Truyền thống hiếu học, ham hiểu biết, có ý chí vượt khó, cần cù, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, có hoài bão lớn.

      Đảng và Nhà nước luôn dành sự quan tâm tin tưởng đặc biệt đối với thế hệ trẻ. Đó chính là niềm cổ vũ lớn lao, là động lực mạnh mẽ để tuổi trẻ Việt Nam tự tin vững bước trên con đường Công nghiệp hóa và Hiện đại hóa của đất nước trong thời cách mạng công nghiệp 4.0./.

                                                                             LÊ XUÂN

                                                          (Hội viên Hội ngôn ngữ học Việt Nam)