Thành đồng của Tổ quốc

Kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945 – 23/9/2020)

THÀNH ĐỒNG TỔ QUỐC

Nhân dân Nam Bộ xứng đáng là “Thành đồng Tổ quốc” trong cuộc chiến đấu chống thực dân đế quốc. Khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam đã có Bình Tây Đại Nguyên soái Trương Định, đã có Nguyễn Trung Trực với câu nói nổi tiếng “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người nước Nam đánh Tây”. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ càng sôi nổi và quyết liệt hơn.

Độc lập hay là chết!

Ngày 14-8-1945, phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng Đồng Minh vô điều kiện. Ngày 17-8-1945, hội nghị mở rộng của Xứ ủy Nam Kỳ quyết định Tổng khởi nghĩa. Sáng 25-8-1945, nhân dân Sài Gòn – Gia Định và các tỉnh lân cận tiến hành cuộc biểu tình, tuần hành trên các đường phố và tại các cơ quan chủ chốt. Quân đội Nhật đã riệu rã hoàn toàn nên chính quyền nhanh chóng về tay nhân dân.

Ngày 2-9-1945, khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn mít tinh mừng Độc lập, bọn thực dân Pháp đã xả súng bắn làm 47 đồng bào ta chết và nhiều người bị thương. Đầu tháng 9-1945, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương Gracey đòi Ủy ban nhân dân Nam Bộ giải giáp lực lượng vũ trang, cấm quần chúng xuống đường biểu tình.

Ngày 23-9-1945, được quân Anh giúp đỡ và sự yểm trợ của quân Nhật, 6000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban nhân dân Nam Bộ và cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Như vậy là chỉ 21 ngày sau khi khai sinh Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Nam Bộ phải tiếp tục cầm súng đứng lên chiến đấu.

Ngay trong sáng 23-9-1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Nhân dân Nam Bộ đã cấp tốc họp, chủ trương kiên quyết kháng chiến. Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, đồng chí Trần Văn Giàu, đã phát lời kêu gọi: “Độc lập hay là chết! Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược…”. Đến chiều ngày 23-9-1945, Sài Gòn triệt để tổng đình công, không hợp tác. Công sở, xí nghiệp, cửa hàng đều đóng cửa, chợ không họp, xe ngừng chạy. Khắp phố phường vật chướng ngại mọc lên. Các đơn vị xung phong, Công đoàn và Thanh niên tiền phong lập tức chiếm lĩnh vị trí chiến đấu đánh trả quân địch. Trong thành phố, đã tổ chức 360 tổ xung phong công đoàn, với gần 6.000 đội viên và 500 tự vệ bám trụ các vị trí chiến đấu. Thực dân Pháp đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực - thực phẩm, thiếu quân và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu hao, tiêu diệt.

Ảnh: Bộ đội và công nhân phục kích quân Pháp tại mặt trận Sài Gòn, cuối tháng 9-1945. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

Ngày 26-9-1945, qua Đài Phát thanh Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Hỡi đồng bào Nam Bộ! Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm. Khi còn chiến tranh với Nhật, thì bọn thực dân Pháp hoặc đầu hàng hoặc chạy trốn. Nay vừa hết chiến tranh thì bọn thực dân Pháp hoặc bí mật hoặc công khai mò lại. Trong 4 nǎm, họ đã bán nước ta hai lần. Nay họ lại muốn thống trị dân ta lần nữa. Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ… Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”. Ngay ngày hôm đó, Chính phủ đã thành lập các Đoàn quân Nam tiến, quỹ Nam Bộ kháng chiến, cử các tướng lĩnh cấp tốc vào miền Nam như tướng Nguyễn Bình, Nguyễn Sơn...

Ảnh: Một đơn vị Nam tiến tại ga Hàng Cỏ, Hà Nội trước khi lên đường vào Nam chi viện cho mặt trận Nam Bộ, ngày 1-10-1945.

 

Ngày 30-9-1945, thực dân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Nhân dân Nam Bộ. Những tin chiến thắng của quân và dân Sài Gòn làm nức lòng đồng bào cả nước.

Đến ngày 8-10-1945 tại London (thủ đô nước Anh), Anh và Pháp ký Tạm ước về việc Chính phủ Anh giao cho Pháp quyền quản lý hành chính và tư pháp ở phía nam vĩ tuyến 16. Thủ tướng Anh Atlee công khai tuyên bố chính sách của Anh về Đông Dương gồm 3 điểm chính: 1) Chính phủ Anh yểm trợ cho Pháp tái chiếm Việt Nam; 2) Anh công nhận chính quyền Pháp tại Sài Gòn; 3) Giao quyền cai trị ở phía Nam cho Pháp quản lý.

Do đó, Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Kháng chiến kiến quốc” (25-11-1945) đã vạch rõ đường lối và nhiệm vụ cơ bản của toàn dân là “củng cố chính quyền nhân dân chống thực dân Pháp xâm lược, bài trừ nội phản, cải thiện đời sống nhân dân”, tập trung cuộc đấu tranh vào “kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương lúc này là thực dân Pháp xâm lược”. Cuối tháng 12-1945, để trang bị cho các tỉnh miền Tây, quân ta tước vũ khí quân Nhật ở Hà Tiên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu… Đây là nguồn vũ khí đáng kể đầu tiên của quân đội ta tại Nam Bộ.

Tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân và dân Nam Bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Thanh niên các tỉnh phía Bắc và Trung bộ náo nức tham gia phong trào Nam tiến, với khí thế hăng say chưa từng có khi thực dân Pháp tấn công trở lại khi được tăng viện binh.

Dĩ bất biến ứng vạn biến!

Ở miền Bắc, tình hình cũng cực kỳ nguy hiểm cho nền độc lập. Quân Tưởng vào giải giáp quân Nhật nhưng mục đích là sẵn sàng yểm trợ Pháp trở lại Đông Dương. Kết quả là sau quá trình thương thuyết từ tháng 10-1945 tại Trùng Khánh (thủ đô Trung Hoa Dân Quốc), ngày 28-2-1946 Hiệp ước Pháp – Hoa được ký giữa Đại sứ Pháp Jacques Mayrier với Ngoại trưởng Trung Hoa Dân Quốc Vương Thế Kiệt với nội dung Pháp được đưa quân vào miền Bắc Việt Nam thay quân Trung Hoa sẽ rút về nước trong thời gian từ 15-3 đến 31-3-1946.

Tuy thế, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được nhân dân ủng hộ là một thực tế buộc thực dân Pháp phải tiến hành thương lượng nếu muốn đưa quân vào miền Bắc Việt Nam. Đó chính là lý do mà đại diện Pháp ở Việt Nam là J. Sainteny có cuộc thương lượng kéo dài với Chủ tịch Hồ Chí Minh và kết thúc bằng bản Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 với nội dung quan trọng là Việt Nam đồng ý cho 15.000 quân Pháp vào miền Bắc Việt Nam thay quân Tưởng và sẽ rút hết sau 5 năm, mỗi năm rút 3.000 quân. Việc ký Hiệp định Sơ bộ ngày 6-3-1946 nhằm nhanh chóng để quân Tưởng rút về nước, tránh trường hợp Pháp – Tưởng cấu kết chống phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi Hiệp ước Pháp – Hoa đã được ký.

Nhận xét về giai đoạn lịch sử ngàn cân treo sợi tóc của đất nước ta, nhà sử học Mỹ King- Cheng đã viết: “Trong thời kỳ khó khăn nhất này của cách mạng Việt Nam, cụ Hồ Chí Minh đã xử sự linh hoạt, khéo léo, biết vận dụng những mâu thuẫn của kẻ thù. Cuối cùng, quân đội Quốc Dân Đảng đã phải rút khỏi Việt Nam. Các lực lượng Việt Quốc và Việt Nam đồng minh hội cũng đã bị thanh toán. Vấn đề duy nhất còn lại chỉ là tập trung vào việc chống Pháp quay trở lại mà thôi”.

Trong thư gửi những người bạn Pháp ở Đông Dương năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Các bạn yêu nước Pháp của các bạn và muốn nó độc lập. Các bạn yêu đồng bào của các bạn và muốn họ được tự do… Chúng tôi cũng phải được yêu nước của chúng tôi và muốn nó độc lập chứ! Chúng tôi cũng phải được phép yêu đồng bào chúng tôi và muốn họ được tự do chứ! Cái mà các bạn coi là lý tưởng, cũng phải là lý tưởng của chúng tôi”[1].

Cuối năm 1946, sau khi có thêm viện binh, thực dân Pháp liên tục tiến hành các hành động khiêu khích. Tháng 11-1946, chúng chiếm đóng Hải Phòng, Lạng Sơn, chính thức gây ra cuộc chiến tranh xâm lược miền Bắc. Tại Hà Nội, từ đầu tháng 12-1946, quân Pháp liên tục dùng đại bác, súng cối bắn phá vào nhiều khu phố tàn sát dân thường… đưa quân chiếm một số trụ sở cách mạng. Đặc biệt, ngày 18 và 19-12-1946, thực dân Pháp đã liên tiếp gửi tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phá bỏ công sự trong thành phố, giải tán lực lượng tự vệ, giao quyền kiểm soát Thủ đô cho chúng. Do đó, đến ngày 19-12-1946, trước những hành động bộc lộ dã tâm đô hộ nước ta một lần nữa đã quá rõ ràng của thực dân Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”:

Ảnh: Nhân dân Hà Nội mít tinh phản đối phái bộ Anh dùng vũ lực chiếm đóng Nam Bộ tại Quảng trường Nhà hát Lớn, ngày 24-9-1945. Ảnh tư liệu lịch sử.

 

 

“Hỡi đồng bào toàn quốc!

Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa!

Không! Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.

Hỡi đồng bào!

Chúng ta phải đứng lên!

Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp, cứu Tổ quốc. Ai có súng dùng súng. Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc.

Ai cũng phải ra sức chống thực dân Pháp cứu nước.

Hỡi anh em binh sĩ, tự vệ, dân quân!

Giờ cứu quốc đã đến. Ta phải hy sinh đến giọt máu cuối cùng, để giữ gìn đất nước.

Dù phải gian khổ kháng chiến, nhưng với một lòng kiên quyết hy sinh, thắng lợi nhất định về dân tộc ta!

Việt Nam độc lập và thống nhất muôn năm

Kháng chiến thắng lợi muôn năm”

Do đó, sau 9 năm kháng chiến gian khổ nhưng thắng lợi vẻ vang bằng chiến thắng Điện Biên Phủ “vang vọng năm châu, chấn động địa cầu” (7-5-1954), Việt Nam đã buộc kẻ thù phải ký vào Hiệp định Genève vào ngày 20-7-1954 để chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Quyền độc lập, tự do ở nước nào cũng vậy, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc dân mà xây dựng nên”[2].

Huế, ngày 15-9-2020

NGUYỄN VĂN TOÀN

 


[1] Hồ Chí Minh- Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 65.

[2] Phát biểu ngày 4-7-1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi viếng mộ các nghĩa sĩ tại đồi Mont Valérien (nơi phát xít Đức xử bắn những du kích kháng chiến Pháp trong Thế chiến thứ hai). Xem: http://govap.hochiminhcity.gov.vn/chuyende/lists/posts/post.aspx?Source=/chuyende&Category=&ItemID=386&Mode=1.