Thành công từ mô hình nuôi cá Bông Lau trong ao mương nước ngọt

THÀNH CÔNG TỪ MÔ HÌNH NUÔI CÁ BÔNG LAU TRONG AO MƯƠNG NƯỚC NGỌT

 

TRẦN TRẤN GIANG

 

         Thấy chúng tôi bán tín bán nghi khi được thông tin về mô hình” Nuôi cá bông lau nước mặn trong ao mương nước ngọt”, ông Lâm Việt Hải, Chủ tịch Hội Nông dân phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP Cần Thơ khẳng định “Chuyện đó có thật 100%. Ông Bon là người đầu tiên nuôi thành công mô hình này. Chúng tôi đang nghiên cứu triển khai mô hình này vì hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, đầu ra sản phẩm ổn định, không dội chợ như những loại cá khác lại đảm bảo tốt vệ sinh môi trường”.

          Là nông dân đã có nhiều kinh nghiệm nuôi thủy sản hàng chục năm qua, ông Lê Văn Bon đã từng thành công với mô hình nuôi cá da trơn xuất khẩu; cá lóc đầu nhím, đầu vuông; cá rô đồng; ếch Thái…Tuy nhiên từ năm 2017 đến nay, ông Bon đã chọn mô hình độc, lạ “Nuôi cá bông lau nước mặn trong ao mương nhà mình”.

          Ông Bon kể: “Tôi cứ suy nghĩ tại sao người ta nuôi cá bông lau trong nước mặn được thì cớ sao mình không nuôi trong nước ngọt được. Vậy là tôi quyết tâm theo đuổi mô hình này” .

Ao sen nuôi cá bông lau của ông Bon.

 

         Nghĩ là làm. Lão nông 60 tuổi đã từng nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp trung ương năm 2012 này đã đi tìm hiểu về nguồn giống cá bông lau ở các vùng chuyên canh như huyện Trần Đề, huyện Cù Lao Dung, thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng). Cạnh đó ông còn nghiên cứu nhiều tài liệu về tập quán sống, khả năng sinh trưởng, thức ăn thích hợp, nhiệt độ ao mương… Sau khi có nhiều kiến thức về loại thủy sản nước mặn này, ông Bon tiến hành mua 800 cá bông lau giống tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) về nuôi thử nghiệm.

          Kể về mô hình độc, lạ này ông Bon nói: “Người ta không làm được, mình làm được mới ngon chớ. Muốn vậy phải nghiên cứu sâu tập quán sống nước mặn của chúng để “cảm hóa” chúng trong môi trường nước ngọt”.

          Theo ông Bon, đây là loại cá “quý tộc”, nhát đòn. Trước khi thả, ông đã cải tạo sạch ao nuôi, sau đó bơm nước muối vào rồi thả cá bông lau vào ao. Cứ mỗi tháng ông hút bớt nước muối trong ao ra ngoài và thay dần bằng nước ngọt. Sau mỗi lần thay nước mặn, ông đều đo nồng độ mặn của ao để có sự so sánh, điều chỉnh phù hợp. Cứ như thế chỉ sau 6 tháng nuôi, cá bông lau nước mặn đã được thuần hóa và phát triển tốt.

Ông Lê Văn Bon.

 

          Nếu như ao nuôi cá bông lau nuôi vùng nước mặn phải có máy cung cấp oxy 100% cho cá bất kể thời tiết nắng mưa thì ông Bon không hề lắp đặt máy sục khí mà thay vào đó bằng việc trồng sen trên mặt ao nuôi, vừa tiết kiệm chi phí điện nhưng vẫn đảm bảo cá phát triển tốt, vừa có thêm thu nhập trên 2.000 mét vuông mặt nước bình quân mang về cho ông Bon từ 2 đến 3 triệu đồng/tháng.

          Nét mới ở mô hình này là sen trên mặt nước vừa tạo bóng mát cho cá bông lau trong mương lại là nơi “dẫn dụ” khá nhiều cá đồng con thiên nhiên từ các kênh rạch xung quanh vào ao nuôi cá tạo nguồn thức ăn khá nhiều và không ô nhiễm môi trường. Mỗi ngày ông đều cho cá đồng vào ra ao nuôi để giảm chi phí thức ăn công nghiệp.

          Hiện nay 800 con cá ban đầu ông thả nuôi ước có trọng lượng trên 3 kg/con. Với giá thị trường hiện nay là 120.000 đồng/kg, ông đã cầm chắc trong tay số tiền trên 280.000.000 đồng. Đó là chưa kể đến 50 cây măng cụt ông trồng xung quanh ao đang cho trái chín thu hoạch mỗi năm khoảng 30 triệu đồng.

         Tuy nhiên ông chưa bán cá bông lau ở thời điểm này vì để trang trí, làm thú vui câu cá giải trí cho du khách đến với khu vườn du lịch “mini” của mình vừa ngắm ao sen, vừa cho cá bông lau ăn trông rất đẹp mắt trên mặt nước, vừa có thể buông câu đón lấy những con cá đồng lại vừa thưởng thức những trái măng cụt thơm ngon dân dã.