TẬP TRUNG ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 52 –NQ/TW
TRƯƠNG THANH LIÊM
Có thể thấy rằng, trong nhiều năm qua, đảng và nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến những cuộc cách mạng công nghiệp mang tính sống còn, hòa nhập, phát triển với xu thế phát triển của cả thế giới trên nhiều lĩnh vực, từ đó đã mang về những kết quả bước đầu rất đáng phấn khởi, trong đó vai trò ứng dụng, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nghiên cứu nắm bắt, nâng cao năng lực tiếp cận nền tri thức thế giới được đầu tư, quan tâm đúng mức, đúng tầm.
Điều đáng mừng là ngày càng xuất hiện nhiều mô hình sản xuất, chế tạo mới, sáng tạo, hiệu quả góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh tăng thu nhập cho người lao động; công tác quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động lập pháp, hành pháp, tư pháp và các hoạt động xã hội từng bước ổn định, chặt chẽ, chính xác và hiệu quả vừa tập trung phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội lại vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong những kết quả quan trọng ấy có những thành tựu nổi bật như lĩnh vực phát triển ngành công nghiệp, công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông. Kinh tế số được hình thành, phát triển nhanh, ngày càng trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế; công nghệ số được áp dụng trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; xuất hiện ngày càng nhiều hình thức kinh doanh, dịch vụ mới, xuyên quốc gia, dựa trên nền tảng công nghệ số và Internet đang tạo nhiều cơ hội việc làm, thu nhập, tiện ích, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Việc xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số được triển khai quyết liệt, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế đang là trở lực cho bước đường phát triển chung như: mức độ chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp, hạn chế, bị động, đa phần chỉ tập trung tại các viện, trường, các Trung tâm đào tạo cán bộ KHKT. Bên cạnh đó còn nhiều chính sách chưa phù hợp với xu thế chung của thế giới. Khó khăn lớn nhất là nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Khoa học - công nghệ với sự đổi mới sáng tạo như hiện nay chưa thực sự là chìa khóa phát triển kinh tế - xã hội; nhiều doanh nghiệp còn lúng túng, năng lực tiếp cận, ứng dụng, phát triển công nghệ hiện đại còn thấp. Kinh tế số có quy mô còn nhỏ. Việc đấu tranh với tội phạm, bảo đảm an ninh mạng còn nhiều thách thức… Cụ thể là những diễn biến phức tạp trong công tác quản lý các trang mạng xã hội; ngăn chặn những âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch thông qua các trang mạng xã hội phãn động.
Song song đó, việc ứng dụng những tiến bộ KHKT cho nhiều thành phần, nhiều đối tượng trong xã hội còn nhiều hạn chế, đa phần thực hiện với qui mô nhỏ, lẻ chưa có sức lan tỏa cao. Nhiều dự án, công trình KHKT chậm được triển khai. Nhiều địa phương vẫn còn thái độ thờ ơ, chưa thật quan tâm đến cuộc cách mạng lần thứ tư (còn gọi là 4.0). Lo ngại nhất là việc dự báo chưa thật sát với diễn biến thực tế. Sự phối hợp giữa các cơ quan còn thiếu đồng bộ, tương tác kịp thời và hiệu quả.
Trước những quan ngại trên, mới đây Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thay mặt Bộ Chính trị ký ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đây được xem là mệnh lệnh quan trọng để cụ thể hóa cuộc cách mạng 4.0 đi vào cuộc sống với nhiều bước đi, con đường cũng rất căn cơ.
Cụ thể cả hệ thống chính trị các cấp cần chủ động, tích cực hội nhâp; xem xét lại quá trình tham gia của ngành mình, địa phương mình trong thời gian qua ra sao để có bước hiệu chỉnh phù hợp nhất. Cần nắm bắt tốt, kịp thời các cơ hội để nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh lành mạnh trên thương trường nhất là những ngành nghề trọng điểm. Chủ động phòng ngừa, ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an toàn, công bằng xã hội và tính bền vững của quá trình phát triển đất nước. Phát huy tối đa mọi nguồn lực trong và ngoài nước để đạt kết quả tốt nhất. Bên cạnh đó, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành đoàn thể cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức, chủ động hội nhập tùy thuộc đặc điểm với ngành mình, địa phương mình. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan trên cơ sở hợp pháp, hợp lý, hợp tình để cuộc cánh mạng phát triển bền vững, căn cơ, lớn mạnh. Đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn, an ninh mạng; Cơ cấu lại toàn diện hệ thống các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ công lập. Xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, tập trung vào các công nghệ cốt lõi của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Nâng cao hiệu quả đầu tư công cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ trên cơ sở áp dụng mô hình quản trị mới theo thông lệ tốt của thế giới. Áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với các trung tâm đổi mới sáng tạo. Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, trường đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu mạnh. Khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích và ưu đãi đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp công nghệ tham gia trực tiếp vào quá trình giáo dục và đào tạo, tạo ra sản phẩm phục vụ cho nền kinh tế số. Xây dựng một số trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút, sử dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác về khoa học, công nghệ với các đối tác, đặc biệt là các nước đối tác chiến lược có trình độ khoa học công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Chủ động tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Không được chậm trễ nữa. Thực hiện đúng hướng, quyết liệt, trách nhiệm cao và mang tính đồng bộ, tính pháp lý rạch ròi. Sức chiến đấu của Nghị quyết số 52 – NQ/TW đã quá cụ thể, rõ ràng trong đó đánh giá trung thực những thuận lợi lẫn khó khăn; những mặt tích cực lẫn hạn chế khi toàn xã hội tham gia cuộc cách mạng quan trọng 4.0 trong thời gian qua. Nghị quyết 52 cũng đã đề cập đến những giải pháp, hướng đi, mục tiêu chỉ đạo rất sát sao và cụ thể, vấn đề còn lại là việc thực hiện sao cho đạt hiệu quả cao nhất, nhanh nhất, tốt nhất mang tính bền vững, căn cơ.
Toàn văn Nghị quyết 52-NQ/TW