Nhằm triển khai, thực hiện các quy định của pháp luật về sáng kiến và góp phần thúc đẩy hoạt động sáng kiến trong thành phố, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức lớp tập huấn “Đăng ký, công nhận và khai thác sáng kiến”. Nội dung: Giới thiệu các quy định về sáng kiến; Hướng dẫn hồ sơ đăng ký và công nhận sáng kiến; Sử dụng và khai thác hiệu quả sáng kiến.
Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật được cơ sở công nhận nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện: có tính mới trong phạm vi cơ sở đó; đã được áp dụng hoặc áp dụng thử tại cơ sở đó và có khả năng mang lại lợi ích thiết thực; không thuộc đối tượng bị loại trừ (không được công nhận là sáng kiến).
Một giải pháp được coi là có tính mới trong phạm vi một cơ sở nếu tính đến trước ngày nộp đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hoặc ngày bắt đầu áp dụng thử hoặc áp dụng lần đầu (tính theo ngày nào sớm hơn), trong phạm vi cơ sở đó, giải pháp đáp ứng đầy đủ các điều kiện: Không trùng với nội dung của giải pháp trong đơn đăng ký sáng kiến nộp trước; Chưa bị bộc lộ công khai trong các văn bản, sách báo, tài liệu kỹ thuật đến mức căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được; Không trùng với giải pháp của người khác đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, hoặc đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để áp dụng, phổ biến; Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện. Một giải pháp được coi là có khả năng mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng giải pháp đó có khả năng mang lại hiệu quả kinh tế (ví dụ nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, nâng cao hiệu quả kỹ thuật), hoặc lợi ích xã hội (ví dụ nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải thiện điều kiện sống, làm việc, bảo vệ môi trường, sức khỏe con người).
Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở sau đây: Tại cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến; Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến. Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 01 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.
Cơ sở được yêu cầu công nhận sáng kiến theo quy định có trách nhiệm tiếp nhận, xem xét đơn yêu cầu công nhận sáng kiến, hỗ trợ tác giả sáng kiến hoàn thiện đơn và có trách nhiệm xét công nhận sáng kiến theo quy định. Người đứng đầu cơ sở xét công nhận sáng kiến có thể thành lập Hội đồng sáng kiến để đánh giá giải pháp được yêu cầu công nhận sáng kiến làm căn cứ quyết định việc công nhận sáng kiến.
Ông Lê Tất Chiến – Phó Trưởng phòng, Phụ trách phòng Quản lý và Phát triển hoạt động sáng tạo, Cục Sở hữu trí tuệ đang báo cáo chuyên đề “Hoạt đông sáng kiến và đổi mới sáng tạo – Thực trạng và giải pháp”
Đối với hoạt động sáng kiến của thành phố Cần Thơ, Hội đồng sáng kiến thành phố Cần Thơ đã ban hành quyết định số 12/QĐ-HĐSK về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng sáng kiến thành phố và xét công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến.
Văn bản tham khảo:
- Nghị định số 13/2012/NĐ-CP ngày 02 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ
- Thông tư số 18/2013/TT-BKHCN ngày 01 tháng 8 năm 2013 của Bộ Khoa học và Công nghệ (các phụ lục đính kèm)
- Quyết định số 12/QĐ-HĐSK ngày 06 tháng 02 năm 2018 của Chủ tịch Hội đồng sáng kiến thành phố Cần Thơ về việc ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng sáng kiến thành phố và xét công nhận phạm vi ảnh hưởng, hiệu quả áp dụng của sáng kiến
Tin, ảnh: Mỹ An.