Tấm lòng của Bác Hồ với Thương binh, Liệt sĩ

Nhân kỷ niệm ngày Thương binh- Liệt sĩ  27- 7:

 

 

       Sinh thời, Bác Hồ kính yêu của chúng ta dù bận trăm công ngàn việc nhưng Người vẫn luôn nhớ tới Thương binh- Liệt sĩ (TB-LS) và giành nhiều tình cảm,  quan tâm đến gia đình của họ. Người nói: Tôi kính cẩn cúi chào vong linh các anh chị em đã bỏ thân vì nước và các đồng bào đã hy sinh trong cuộc đấu tranh cho nước nhà. Sự hy sinh đó không phải là uổng… (Thư gửi đồng bào Nam Bộ ngày 10-3-1946).

      Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược đã có biết bao người con ưu tú của dân tộc hy sinh xương máu để bảo vệ nền Độc lập, Tự do của dân tộc. Cuối năm 1946, Bác ra thông báo: Tôi xin thay mặt đồng bào và Chính phủ gửi lời chào thân ái đến các gia đình liệt sĩ và tôi nhận các con của liệt sĩ làm con nuôi của tôi.

      Tháng 6-1947 Người đã đề nghị Chính phủ chọn một ngày nào đó để đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa đối với các TB-LS. Trong hội nghị trù bị tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, Chính phủ đã chọn ngày 27- 7 hàng năm làm ngày TB- LS. Báo “Vệ quốc quân” số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng bức thư của Người, trong đó có đoạn: Đang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Đó là những chiến sĩ mà nay đã một số thành ra thương binh.

      Người kêu gọi đồng bào phải biết ơn, nhường cơm xẻ áo, giúp đỡ những người con anh dũng ấy. Người nói: Ngày 27-7 là một dịp cho đồng bào ta tỏ lòng hiếu nghĩa, bác ái, thương mến thương binh. Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lụa mà chị em phụ nữ biếu tôi, một tháng lương của tôi và các nhân viên tại phủ Chủ tịch, cộng lại là 1.127 đồng.

      Tiếp theo những năm sau đó, năm nào Bác cũng gửi một tháng lương, quần áo, khăn mặt để tặng anh chị em thương binh. Người đề nghị chính quyền xã ở các địa phương cần đón thương binh về nuôi, nên trích một phần đất công, hoặc khai hoang, vận động đồng bào cày cấy, gặt hái hoa lợi để nuôi thương binh. Người cũng động viên anh chị em thương binh tùy theo sức của mình mà làm những công việc nhẹ nhàng như: may mặc, đan lát, hớt tóc, dạy bình dân học vụ, làm việc văn phòng, v.v… để góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của bản thân mình. Bác luôn coi thương binh là những người tàn mà không phế.

       Trong thư gửi Bộ trưởng Thương binh-Cựu binh ngày 27- 7- 1952, Người nhắc nhở Phải coi việc giúp đỡ thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ là nghĩa vụ chứ không phải là việc làm phúc. Khi gửi thư cho đồng bào chiến sĩ Nam Bộ, Nam Trung Bộ ngày 23- 9- 1949, Người viết: Hôm nay, cuộc kháng chiến oanh liệt ở Nam Bộ và Nam Trung Bộ vừa đúng hai năm. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ, và nhân dân toàn quốc nghiêng mình trước linh hồn các chiến sĩ và đồng bào đã hy sinh vì Tổ quốc. Tôi gửi lời an ủi tới những chiến sĩ và đồng bào bị thương, bị địch giam cầm hoặc đang bị khổ sở nơi địch chiếm đóng…

       Bác cũng tỏ lòng khen ngợi các y, bác sĩ, hộ lý đã hết lòng cứu chữa thương binh, bệnh binh, và Bác căn dặn: Cán bộ y tế phải thương yêu săn sóc người bệnh như anh em của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu. Câu nói ấy rất đúng. (Thư gửi Hội nghị cán bộ Y tế,  tháng 2- 1955).

     Tư tưởng chỉ đạo của Bác đối với TB-LS và gia đình có công với cách mạng  là phải làm thường xuyên, lâu dài chứ không phải nhất thời. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, nhiều địa phương đã dấy lên phong trào chị em phụ nữ tình nguyện lấy thương binh để có điều kiện chăm sóc tốt hơn. Đó là những nghĩa cử đẹp, cảm động rất đáng trân trọng.

      Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhân dân ta càng có điều kiện để đền ơn đáp nghĩa đối với TB- LS và gia đình của họ. Các ngành, các cấp luôn ưu ái, “xã hội hoá” công tác này. Nhiều địa phương đã có trường học giành riêng cho con em gia đình TB-LS, gia đình có công với cách mạng, nhằm đào tạo con cái họ thành những cán bộ “nguồn” sau này. Tất cả những việc làm ấy thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn tốt đẹp của dân tộc ta. Sự hy sinh xương máu của TB-LS đã góp phần làm cho Tổ quốc ta “nở hoa độc lập, kết quả tự do”, đúng như nhà thơ Lê Anh Xuân đã  ngợi ca:

                                 Mỗi mảnh đất dưới chân người ngã xuống

                                 Nở rộ những bông hoa thơm ngát tình đời.

 

                   LÊ XUÂN

 

--------------------------------------------------------------------------------------------

Nguồn:  - Hồ Chí Minh toàn tập (NXB Chính trị Quốc gia – 1995)

- Những lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh (NXB Sự thật – 1960)

- Bút tích lưu tại Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh.