"Tác phong công nghiệp" - Vấn đề bức xúc trăn trở của nhà khoa học

“TÁC PHONG CÔNG NGHIỆP” – VẤN ĐỀ BỨC XÚC TRĂN TRỞ CỦA NHÀ KHOA HỌC

 

LTS: GSVS Trần Đại Nghĩa, người con ưu tú của đất Vĩnh Long - mãnh đất địa linh, nhân kiệt. Ông là nhà trí thức đầu tiên của Việt Nam, anh hùng lao động, giải thưởng Hồ Chí Minh. Ông nguyên là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.

Nhân ngày khoa học và công nghệ Việt Nam 18/5, Ban biên tập xin trích giới thiệu một phần nhỏ trong cuộc đời hoạt động của ông để chúng ta học tập.

Trần Đại Nghĩa – một người mà không chỉ thế hệ hôm nay, không chỉ với lớp cán bộ chiến sĩ của hai cuộc kháng chiến cứu nước thần thánh, không chỉ các nhà khoa học, công nhân quân giới, đồng bào trong nước mà cả bạn bè quốc tế đều kính trọng và coi như một huyền thoại…Trần Đại Nghĩa – Nhà khoa học – Thiếu tướng, Cục trưởng Cục quân giới, Cục trưởng Cục pháo binh, Phó Chủ nhiệm Tổng cục hậu cần, Phó chủ nhiệm Tổng cục kỹ thuật, Chủ nhiệm Ủy ban kiến thiết cơ bản Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Kỹ thuật Nhà nước, Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, Thứ trưởng  Bộ Công thương, Thứ trưởng  Bộ Công nghiệp, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Hiệu trưởng đầu tiên trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Ủy viên Ban Chấp hành Tổng công đoàn Việt Nam, cố vấn phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đại biểu Quốc hội khóa II, III, Huân chương Hồ Chí Minh, giải thưởng Hồ Chí Minh, anh hùng lao động, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô.Trần Đại Nghĩa – người trí thức đầu tiên của Việt Nam ngay từ năm 1953 đã được Nhà nước ta phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Giải thưởng Hồ Chí Minh.

Lúc sinh thời, GSVS. Trần Đại Nghĩa luôn quan tâm đến việc truyền đạt, phổ biến những kiến thức khoa học – kỹ thuật trong đông đảo quần chúng nhân dân, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công nhân nhằm xây dựng ‘Tác phong công nghiệp”, một yếu tố quan trọng để tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

 

Từ ngày trở về tham gia sự nghiệp giữ nước và dựng nước, GS. Trần Đại Nghĩa luôn thể hiện thái độ lao động theo tác phong công nghiệp. Ông làm việc hết mình, tập trung tư tưởng cao độ, gần như một con người hay đãng trí với các sinh hoạt đời thường. Suy nghĩ và hành động của GS đều bắt nguồn từ những định luật khoa học, các quy luật tự nhiên – xã hội rút ra từ tổng kết thực tiễn, liên hệ chặt chẽ với lý luận. Các bài nghiên cứu về quản lý xí nghiệp, tổ chức sản xuất, khoa học quản lý để giảng dạy, huấn luyện cán bộ, công nhân đều chứa đựng nội dung về rèn luyện, xây dựng tác phong công nghiệp, xem đó là yếu tố quan trọng nhằm đạt hiệu quả, chất lượng công tác cao. Đối với lao động trực tiếp – theo GS, tác phong công nghiệp trước tiên là nền nếp trật tự, văn minh, tính kỹ thuật trong sản xuất, luôn tìm tòi các biện pháp rút ngắn con đường, tiết kiệm thao tác và vật tư, chủ động đề xuất cải tiến và hoàn thiện không ngừng.

Còn với hàng ngũ lãnh đạo, tác phong công nghiệp đòi hỏi mức cao hơn về tư duy lẫn phong cách, có tầm dự báo chiến lược, mở đường giải phóng sức sản xuất ở cơ sở. GS cho rằng nếu kéo dài cách làm việc theo lối thủ công, luộm thuộm, quan liêu, bảo thủ… tất yếu sẽ kiềm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội.

Trong quá trình công tác, GS Trần Đại Nghĩa có thói quen ghi chép thống kê và phân tích rút kinh nghiệm trong từng lĩnh vực.

Tại các hội nghị Chính phủ, GS thường phát biểu, tỏ ra rất tha thiết với việc cải tiến các cuộc họp, nâng cao chất lượng lãnh đạo, tiến tới xóa bỏ nhanh những lề thói trì trệ, cồng kềnh của bộ máy.

GS kể lại, có lần Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Lương Bằng vui cười, rất tâm đắc với ý kiến của GS, đồng thời lại vỗ vai, thân mật: “Anh Nghĩa ơi! Hiện trạng quan liêu, luộm thuộm và tiêu cực của bộ máy chúng ta có nguồn gốc hàng nghìn năm dưới chế độ cũ, phong kiến và thiểu cận tiểu nông… ăn sâu vào tập quán lâu đời. Vì vậy phải kiên trì đấu tranh: chống và xây liên tục mới đạt hiệu quả. Phấn đấu tích cực nhưng chớ sốt ruột, vội vã!...”

Lời trao đổi ân cần của người “Anh cả” giúp cho GS nhận thức sâu sắc hơn sự kết hợp giữa đấu tranh chống lề thói, tập quán cũ với việc kiên trì truyền đạt, phổ biến kiến thức, nâng cao trình độ khoa học kỹ thuật cho đội ngũ đông đảo.

Đất nước được hoàn toàn độc lập và thống nhất – Mối ngăn cách với bên ngoài không còn quá khe khắt nữa. GS vui mừng nhận thấy sức năng động vươn lên ở các tầng lớp, học tập, tiếp cận với xu thế mới. Hoạt động quản lý và sản xuất kinh doanh có phần khởi sắc. Công trường xây dựng thủy điện Trị An, đường dây 500KV thể hiện phong cách chỉ đạo và lao động nhịp nhàng, đạt tốc độ, chất lượng cao. Các đơn vị nghiên cứu không thụ động chờ đợi nguồn vốn ngân sách mà sẵn sàng hợp đồng với cơ sở, tiến hành những đề tài đem lại lợi ích cho các bên… Công cuộc đổi mới đất nước thật sự đã chuyển mình.

Mặt khác, giữa năm 1996 khi nghe nói tới “diễn đàn của tuổi trẻ về văn hóa tốc độ”, GS bỗng suy tư. Thoạt tiên, ông thầm khen sự táo bạo, quyết liệt của thanh niên hòng sớm thoát ra cảnh tụt hậu, rút ngắn khoảng cách. Tuy nhiên, qua đó GS lại tỏ ra lo ngại ở sự nông nổi, thiển cận của lớp trẻ cùng với nguồn gốc sâu xa của bộ máy quản lý nặng nề với thói quen “nói nhiều hơn làm” hoặc “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”, những hiện tượng đi ngược lại bản chất…Đó đây trong số ít thanh niên có diễn ra các biểu hiện “tốc độ phi văn hóa”!

Theo GS yêu cầu cấp bách, quan trọng trước mắt là học tập, rèn luyện, xây dựng “tác phong công nghiệp”, tiến hành đồng bộ từ người lãnh đạo cao nhất đến đội ngũ lao động trực tiếp. Chính nó cũng chứa đựng tính khẩn trương, năng động và quyết tâm cao, những trạng thái đấu tranh bản thân khá vật vã với những lề thói, tập quán cũ đồng thời tiếp nhận và xây dựng phong cách mới trong suy nghĩ và hành động.

Tác phong công nghiệp không đơn thuần chỉ có nhiệt tình mà phải bao gồm cả tư duy, phương pháp luận khoa học nữa.

Cuộc sống vốn đa dạng, phong phú. Phương pháp khoa học, theo GS là biết cách tập hợp hàng vạn, hàng nghìn hiện tượng thành tiêu chuẩn hóa, biến các trường hợp ngẫu nhiên rời rạc ra các quy luật… và trên cơ sở đó tiến hành nghiên cứu xử lý từng trường hợp cụ thể. Thực hiện cải tổ bộ máy, cải cách hành chính đi đôi với xây dựng tác phong công nghiệp là một quá trình đầu tư trí tuệ và cơ sở vật chất nhất định.

Tuy nhiên, có những vấn đề không đòi hỏi thời gian và sự tốn kém mà đem lại hiệu quả nhanh, thiết thực. Nói nhiều, làm ít hội họp miên man trong lúc ít nghiên cứu suy nghĩ… thì chỉ cần xem xét, tiến hành quy trình ngược lại thì nhanh chóng đem lại kết quả. Tương tự như vậy, đấu tranh hạn chế tình trạng quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chắc chắn sẽ tạo ra những nguồn đầu tư cần thiết cho công cuộc cải cách.

Cả cuộc đời vì nghĩa lớn: yêu nước và thiết tha với sự nghiệp khoa học, GS Trần Đại Nghĩa luôn đặt những kỳ vọng vào lớp trẻ và các nhà quản lý phấn đấu nâng cao kiến thức toàn diện, sớm xây dựng đồng bộ “tác phong công nghiệp” để vững vàng tiến bước vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nguồn báo Khoa học phổ thông.