Sự kết hợp giá trị đạo đức truyền thống và hiện đại trong xây dựng người Cần Thơ hiện nay

Trong bối cảnh hiện nay, việc xây dựng tiêu chuẩn người Cần Thơ trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp, thanh lịch là rất cần thiết, nhất là trong các mối quan hệ, cách ứng xử trong giao tiếp nơi công sở, kinh doanh, mua bán, cuộc sống gia đình và ngoài cộng đồng xã hội. Để xây dựng người Cần Thơ có trí tuệ cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để mọi người tham gia học tập dưới mọi hình thức và học tập, rèn luyện suốt đời. Để thực hiện được mục tiêu này, cần tập trung chăm lo xây dựng và phát triển văn hóa, con người; nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác giáo dục và đào tạo; chăm lo xây dựng môi trường nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của thành phố. Đây là vấn đề cốt lõi để hình thành nên trí tuệ. Khi đã có trí tuệ, thì tiêu chí năng động gần như được song hành hình thành. Các tiêu chuẩn nhân ái, hào hiệp, thanh lịch có được trên nền tảng của đạo đức xã hội tốt, thông qua việc giáo dục, tiếp thu bằng nhiều hình thức khác nhau: gia đình, nhà trường, xã hội, mà trong đó yếu tố gia đình đóng vai trò chủ đạo và chi phối, vì gia đình là “tế bào” của xã hội. Môi trường xã hội tốt, trật tự an toàn, có kỷ cương, kỷ luật nghiêm minh sẽ tác động tích cực đến việc xây dựng tiêu chuẩn người Cần Thơ đáp ứng yêu cầu của một xã hội văn minh.

Việc xây dựng con người với những yêu cầu, chuẩn chất phù hợp với tính chất mới của thời đại là công việc hết sức khó khăn không hề đơn giản, cần có sự đồng thuận cao trong toàn xã hội và có giải pháp, lộ trình thích hợp; tránh sự nóng vội trong việc triển khai thực hiện. Theo chúng tôi, sự kết hợp giá trị đạo đức truyền thống và hiện đại việc trong việc xây dựng người Cần Thơ hiện nay cần quan tâm đến những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, cần khắc phục xu hướng tuyệt đối hóa mặt truyền thống, hoặc mặt hiện đại; tuyệt đối hóa yêu cầu chuẩn chất chung của người Việt Nam hiện đại hoặc quá đề cao yêu cầu chuẩn chất có tính đặc thù của địa phương. Vì cả hai xu hướng trên dễ dẫn đến tình trạng nhận thức phiến diện trong xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện trong thực tế đời sống của người Cần Thơ. Do vậy, việc gắn kết, dung hòa các yếu tố trên là cần thiết để hoàn thiện người Cần Thơ trong giai đoạn mới. Chính sự gắn kết, dung hòa giữa truyền thống và hiện đại; giữa yêu cầu chung của cả nước và của địa phương là hoàn toàn phù hợp với yêu cầu hội nhập hiện nay (trước hết là hội nhập với các vùng miền trong cả nước; sau đó mới có thể hội nhập quốc tế). Giá trị đạo đức của người Việt Nam truyền thống và hiện đại là cơ sở, là động lực để xây dựng tiêu chuẩn người Cần Thơ trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch. Hơn nữa yêu cầu về trí tuệ, năng động, nhân ái, hào hiệp và thanh lịch của người Cần Thơ khó có thể tách rời với chuẩn chất của người Việt Nam nói chung, mà đó là sự hòa quyện, gắn kết chặt chẽ với nhau trong một nước Việt Nam thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; các vùng miền trong cả nước ta đều thực hiện chung một đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Mặt khác, nói như thế không có nghĩa là ta bỏ qua tính đặc thù của Cần Thơ - đô thị loại I trực thuộc Trung ương, là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính điều này, việc xây dựng và thực hiện tiêu chuẩn người Cần Thơ giàu lòng yêu quê hương, đất nước, có ý thức làm chủ, trách nhiệm công dân; có tri thức, sức khỏe, lao động giỏi; sống có văn hóa, nghĩa tình, hiếu khách; văn minh, lịch sự, có tinh thần quốc tế chân chính, thì Cần Thơ là một trong những địa phương triển khai thực hiện đạt yêu cầu tốt nhất.

Thứ hai, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại làm cho các lĩnh vực của đời sống trở nên hết sức năng động, các điều kiện và yêu cầu cuộc sống luôn luôn thay đổi. Đặc biệt là các thành tựu của cuộc cách mạng tin học đã làm cho các luồng tư tưởng, thành tựu khoa học và công nghệ, các sản phẩm văn hóa được truyền bá nhanh chóng và rộng khắp. Chính những nhân tố mới của thời đại đã tạo nên những mối quan hệ mới có ảnh hưởng đến các quan hệ truyền thống và các chuẩn mực vốn tương đối ổn định trong từng vùng miền của nước ta. Tất cả những yếu tố mới ấy đã làm thay đổi tư duy, tác phong của con người nói chung, làm cho con người năng động hơn, nhạy cảm hơn, tăng khả năng nhận thức vể sự vật và hiện tượng trong giới tự nhiên cũng trong đời sống xã hội, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Từ đó việc xây dựng tiêu chuẩn trí tuệ, năng động của người Cần Thơ phải vận dụng yêu cầu tiêu chuẩn về trình độ dân trí trên mặt bằng chung của cả nước vào thực tiễn, tương xứng với trình độ hiện nay và yêu cầu nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu đến trước năm 2020, thành phố Cần Thơ trở thành thành phố công nghiệp - thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại. Do vậy, yêu cầu về trí tuệ, năng động của người Cần Thơ phải thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triển khách quan của thành phố Cần Thơ như đã nói ở trên. Trí tuệ của con người nói chung đó là những nhận thức, tri thức, năng lực nhận thức, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên và xã hội, thể hiện qua chứng nhận về trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của cơ sở giáo dục và đào tạo đối với một người cụ thể nào đó trong xã hội và năng lực thực sự đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội. Tính năng động của con người thể hiện ở sự chủ động, nhạy bén, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có tính sáng tạo, nhạy bén tiếp thu nhanh tri thức mới và sử dụng nó một cách hiệu quả. Chủ động, tích cực thích nghi với môi trường, điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và ngoài nước. Trí tuệ và năng động có mối quan hệ tác động hữu cơ với nhau. Và, có thể nói trí tuệ là cơ sở quan trọng cho sự năng động ở con người - có năng lực nhận thức, suy xét thấu đáo các vấn đề về tự nhiên và xã hội thì sự nhạy bén, năng động mới có thể phát huy tốt, đúng định hướng và mang lại giá trị hữu ích cho con người. Ngược lại, nếu không có sự năng động nhạy bén tiếp thu tri thức mới và vận dụng có hiệu quả vào thực tiễn đời sống, thì dù có nhận thức, tri thức cao đến mấy cũng trở nên ù lỳ, thậm chí bảo thủ, là lực cản sự phát triển của xã hội. Như vậy rõ ràng rằng tính năng động bổ trợ cho trí tuệ phát huy được hết giá trị của nó và là yếu tố quan trọng cần phải có của nguồn nhân lực hiện nay để phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế. Kinh tế phát triển thì mới mang đến cho con người một đời sống phồn vinh, dồi dào về vật chất. Tuy vậy, mục tiêu phát triển của đất nước ta nói chung và từng địa phương nói riêng là phải hướng tới một xã hội phồn vinh và hạnh phúc, tiến bộ và công bằng xã hội; có nghĩa là hướng đến một xã hội phát triển bền vững. Và như vậy, việc xây dựng, phát huy giá trị đạo đức con người Việt Nam truyền thống và hiện đại không thể không quan tâm nhằm đạt đến mục tiêu phồn vinh và hạnh phúc. Ngoài tiêu chuẩn trí tuệ, năng động - yếu tố cần cho sự phát triển của xã hội Cần Thơ phồn vinh, thì yêu cầu xây dựng tiêu chuẩn nhân ái, hào hiệp, thanh lịch, chính là yếu tố văn hóa, đạo đức góp phần cho xã hội Cần Thơ văn minh, hiện đại.

Thứ ba, với nhận thức tiêu chuẩn, phẩm chất con người mới là con người vừa kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc và của địa phương, vừa bao hàm những chuẩn chất của con người xã hội chủ nghĩa đáp ứng mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” về cơ bản, xây dựng người Cần Thơ trên những tiêu chuẩn:

(1) Trí tuệ, được nhận thức ở góc độ chung nhất của người có năng lực nhận thức, suy xét thấu đáo các vấn đề liên quan để có tri thức về tự nhiên và xã hội, có trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng được yêu cầu của đời sống xã hội. Có tinh thần ham học hỏi, để nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ và vận dụng phù hợp với điều kiện thực tế. Biết chọn lọc cái hay, cái đúng, cái đẹp để vận dụng phù hợp với đặc điểm, truyền thống dân tộc và địa phương. Tiêu chuẩn trí tuệ của người Cần Thơ trong thời kỳ mới, cần phải đạt những yêu cầu sau: (i) Mặt bằng học vấn chung phải đạt trình độ trung học phổ thông và tương đương trở lên; được đào tạo thuần thục một nghề, một chuyên môn nhất định nào đó để bản thân có khả năng tự tạo việc làm, hoặc tìm được việc làm ổn định đời sống, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; (ii) Có thể lực, sức khỏe tốt, có ý chí vươn lên làm cho quê hương ngày thêm giàu đẹp, văn minh, hiện đại; (iii) Có tinh thần ham học tập, học tập suốt đời: học ở nhân dân, học ở trường học, học ở thực tiễn, học ở mọi lúc mọi nơi. Xác định cho được mục tiêu học là vì sự tiến bộ xã hội. Đem kiến thức học được để phục vụ Tổ Quốc, phụng sự nhân dân.

(2) Tính năng động của người Cần Thơ được đánh giá qua việc nắm bắt tình hình chung của đất nước và vận dụng kịp thời đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của đơn vị, địa phương mình. Luôn chủ động, nhạy bén, dám nghỉ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Có tính sáng tạo, nhạy bén tiếp thu nhanh trí thức mới và sử dụng nó một cách hiệu quả. Chủ động, tích cực thích nghi với môi trường, điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội trong nước và ngoài nước. Tích cực, chủ động, tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu tri thức mới và vận dụng vào thực tiễn để sáng tạo ra những giá trị mới phù hợp với nhu cầu phát triển của thời đại mới.

(3) Lòng nhân ái là phẩm chất truyền thống cao đẹp của người Việt Nam chúng ta, đó là sự thể hiện lòng yêu thương con người “thương người như thể thương thân”, “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tiêu chuẩn lòng nhân ái của người Cần Thơ được đánh giá qua các biểu hiện sau: Thờ kính Tổ tiên, tôn kính, hiếu thảo, chăm sóc với ông bà, cha mẹ; hòa nhã với anh chị em và láng giềng; chăm sóc con em của mình chăm ngoan, hiếu thảo, trưởng thành, có ý thức trách nhiệm công dân. Biết kính trên, nhường dưới, luôn nâng đỡ, dìu dắt thế hệ trẻ tương lai. Sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ người có khó khăn, hoạn nạn; động viên, quan tâm, chăm sóc người già neo đơn, gia đình có công với nước; quan tâm và hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên nghèo học giỏi; độ lượng với người có lỗi lầm, giúp họ hoàn lương. Tự giác, tích cực tham gia phong trào đền ơn, đáp nghĩa, làm công tác từ thiện, nhân đạo.

(4). Tính hào hiệp của người Cần Thơ hiện nay được biểu hiện: Có quan điểm rõ ràng, phân biệt rõ đúng - sai phù hợp chuẩn mực xã hội. Có tinh thần cao thượng, sống với nhau có nghĩa, có tình không vụ lợi, sẵn lòng tương trợ, giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn, không so đo tính toán thiệt hơn. Tuân thủ luật pháp, sẵn sàng giúp đỡ người cô thế, bị ức hiếp phù hợp với qui định của pháp luật. Sẵn sàng hỗ trợ, chia sẽ kinh nghiệm cho cộng đồng; quan tâm chăm lo, bồi dưỡng thế trẻ, đào tạo thế hệ trẻ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Hiếu khách, trọng nghĩa tình, ghét kẻ xu nịnh; tích cực phòng chóng tệ quan liêu, tham nhũng; kiên quyết chống lại cái xấu, loại bỏ lối sống cá nhân, ích kỷ. Coi trọng chữ tín trong quan hệ hợp tác, trong sản xuất - kinh doanh; bảo vệ, giữ gìn môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

(5). Tính cách thanh lịch của người Cần Thơ  hiện nay được biểu hiện: Biết làm đẹp cho mình cả hình thức lẫn tâm hồn, có lối sống văn minh lịch sự, chan hòa với mọi người; giữ gìn thuần phong mỹ tục. Có kiến thức về lịch sử, văn hóa và truyền thống của dân tộc Việt Nam nói chung, thành phố Cần Thơ nói riêng. Xây dựng lối sống trong sáng, có cách ứng xử nhã nhặn, lịch sự, có cách ăn mặc lịch sự phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc, cư xử nhã nhặn, biết quan tâm chia sẻ với người xung quanh.

Thứ tư, trước nhiều tác động mạnh mẽ của yếu tố thời đại, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực diễn biến nhanh chóng, khó lường, cho nên mọi giá trị về mặt tinh thần của con người có thể vừa hàm chứa tính ổn định, vừa có nhiều nguy cơ mất ổn định. Do vậy, việc nghiên cứu điều chỉnh cho phù hợp với tình hình và điều kiện mới (cả trong nước lẫn ngoài nước do tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế) là một yêu cầu khách quan; sự điều chỉnh phù hợp này nhằm hướng tới sự cân bằng về mặt tâm lý xã hội đối với các chuẩn mực của con người hiện đại. Mặt khác, đó cũng chính là quá trình sàng lọc, lưu giữ những giá trị phù hợp, cần thiết cho nhu cầu phát triển của địa phương; song song đó là sự loại bỏ dần những yếu tố không cần thiết, không còn phù hợp với yêu cầu xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Thực tế lịch sử đã khẳng định tính đúng đắn và bền vững của giá trị đạo đức truyền Việt Nam, thể hiện trước hết, trên hết là lòng yêu nước nồng nàn, thông minh, sáng tạo, lòng quả cảm gắn liền với lòng yêu thương con người sâu sắc đã giúp cho dân tộc ta, đất nước vượt qua những thác ghềnh của điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội khắc nghiệt để tồn tại và phát triển. Sẽ không bao giờ có con người Việt Nam hiện đại, phát triển toàn diện nếu như mỗi chúng ta không có hiểu biết, không thấm nhuần lịch sử hào hùng của dân tộc ta cùng với những giá trị truyền thống mà cha ông ta đã để lại. Việc kế thừa và phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng chuẩn mực con người sẽ tạo khả năng to lớn cho sự hoàn thiện từng bước con người mới, từ đó sẽ nung nấu trong lòng họ những hoài bão, khát vọng phấn đấu xây dựng Tổ quốc ngày càng giàu mạnh, vì một xã hội “Dân giàu, nuớc mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

   ThS. Trần Văn Kiệt