Thời gian qua, trong nổ lực tìm kiếm nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch, nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên và Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường thành phố do Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Hữu Chiếm làm trưởng nhóm đã nghiên cứu và đưa vào ứng dụng thành công mô hình sản xuất năng lượng sinh học hay còn gọi là mô hình VACB cải tiến.
Mô hình này có thể áp dụng cho hộ có chăn nuôi để sử dụng nguồn phân từ chăn nuôi kết hợp với các phế phẩm hữu cơ cho vào túi ủ để ủ và tạo thành khí ga. Tuy nhiên, điểm mới của mô hình ở chỗ là có thể áp dụng cho hộ không chăn nuôi nhưng có nguồn nguyên liệu là các xác bả hữu cơ, phế phẩm từ sinh hoạt gia đình hoặc từ phế phẩm nông nghiệp, tất cả những vật liệu hữu cơ này có thể cho vào trong túi ủ. Túi ủ ở đây được sử dụng là túi được làm từ vật liệu HDPE có độ bền trên 20 năm, người sử dụng dễ dàng lấy phần bã hữu cơ ở bên trong túi ủ sau thời gian dài sử dụng để bón cho cây trồng thay thế cho phân hóa học.
Hình: Túi ủ Bioga gồm phần miệng hố để cho vật liệu hữu cơ vào và phần thân là vật liệu HDPE có độ bền cao, chịu lực.
Với thực tế sử dụng này, nhóm tác giả đã có sáng kiến thực hiện quy trình sản xuất khép kính để tạo ra sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và được thực hiện thành công trong điều kiện thí nghiệm. Sắp tới nhóm nghiên cứu sẽ triển khai thành mô hình thực tế tại Huyện Vĩnh Thạnh thành phố Cần Thơ thông qua dự án khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu trong đó áp dụng mô hình sản xuất khép kín như đã nói.
Thúy Kiều.