Sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng vùng Tây Nam Bộ - Tiềm năng du lịch văn hóa

Tây Nam Bộ là vùng đa dạng tôn giáo. Mười bốn tôn giáo hoạt động hợp pháp tại Việt Nam đều có mặt tại vùng đất này. Tại đây cũng đã sản sinh nhiều tôn giáo bản địa vào những năm cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, và ngày nay vẫn đang có những “tôn giáo mới” ra đời tại chỗ hoặc từ nơi khác truyền đến. Tây Nam Bộ còn là vùng đất có nhiều dạng thức tín ngưỡng dân gian do các di dân từ các nơi trong nước đến khai mở vùng đất này đem đến hoặc những tín ngưỡng hình thành trong quá trình lao động sản xuất, thích ứng với thiên nhiên. Sự đa dạng tôn giáo trên vùng đất Tây Nam Bộ thể hiện ở nhiều loại hình tôn giáo với nhiều tổ chức giáo hội cùng tồn tại, sự phong phú về lễ nghi tôn giáo, sự giao lưu, tiếp biến và hỗn dung tôn giáo, tín ngưỡng rất đặc sắc. Đó là tiềm năng đầy tính hấp dẫn cho khai thác du lịch văn hóa của vùng.

            Tây Nam Bộ là vùng đa dạng tôn giáo nhất nước do tiếp nhận những tôn giáo từ các nơi trong nước truyền đến, từ ngoài nước truyền vào và bản thân người Tây Nam Bộ cũng sáng lập ra nhiều tôn giáo bản địa.

Trong quá trình di dân vào khai mở vùng đất Tây Nam Bộ, các di dân đã đưa những tôn giáo từ miền Bắc và miền Trung vào phát triển ở vùng đất mới như Phật giáo[i]. "Vị thiền sư được sách sử công nhận Sơ tổ của đất Nam bộ là Thiền sư Bổn Kiểu (Bổn Khao?) khai sơn chùa Long Thiền (nay tọa lạc tại số K2/3B ấp Tân Bình, phường Bửu Hòa, TP. Biên Hòa-Đồng Nai) vào năm 1664. Rồi từ đó những ngôi chùa liên tiếp được mọc lên như: chùa Đại Giác (ấp Nhị Hòa, xã Hòa Hiệp, tỉnh Đồng Nai), chùa Bửu Phong (ấp Bửu Long, xã Tân Bửu, tỉnh Đồng Nai). Từ đây PG lan tỏa xuống các vùng lân cận như Sông Bé với chùa Hội Khánh (1741), Long Hưng (cuối thế kỷ XVIII). Gia Định với chùa Phước Tường (1741), Hội Sơn (...), Giác Lâm (1744), Từ Ân (1752), Khải Tường, Kim Chương..."[ii], và từng bước Phật giáo lan tỏa ra khắp Nam Bộ. Trong quá trình phát triển tại đây, Phật giáo đã được chấn hưng và biến hóa rất đa dạng như Phật giáo Bắc tông, Phật giáo Nam tông người Kinh, Phật giáo Khất sĩ, Phật giáo Hoa tông, hệ phái Thiền Trúc Lâm ...  Quá trình tồn tại ở Tây Nam Bộ, giáo lý Phật giáo có vai trò là nền tảng cho giáo lý một số tôn giáo nội sinh.

Đạo Công giáo phát triển đến Tây Nam Bộ vào khoảng năm 1670, "Qua nghiên cứu các tài liệu lịch sử và các tư liệu sưu tập được từ các cuộc điều tra điền dã cho phép nhận định rằng người Việt có đạo Công giáo đã có mặt tại vùng đất đồng bằng sông Cửu Long cùng lúc với sự hình thành của cộng đồng người Việt tại đây. Hay nói một cách khác, người Việt có đạo Công giáo đã có mặt trong số những lưu dân đến từ vùng Thuận Quảng, vào khai phá vùng đồng bằng sông Cửu Long"[iii]. Nhiều giáo xứ được thành lập như Cái Mơn năm 1702 (Bến Tre), Chợ Quán năm 1720 (Sài Gòn), Cái Nhum năm 1730 (Bến Tre), Bãi San năm 1750 (Trà Vinh), Phước Hảo năm 1754 (Trà Vinh), Cù Lao Giêng năm 1778 (An Giang), Bò Ót năm 1779 (Cần Thơ)... Công giáo phát triển mạnh ở Nam Bộ giai đoạn thực dân Pháp đô hộ Việt Nam và dưới thời tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuộc di cư năm 1954 của hơn một nửa triệu người Công giáo từ miền Bắc vào miền Nam, chủ yếu được định cư tại Hố Nai, Gia Kiệm, Sài Gòn, Gia Định và các dinh điền ở đồng bằng sông Cửu Long làm cho Công giáo Tây Nam Bộ phát triển nhanh đột biến.

Tính mở của vùng đất mới làm cơ sở cho Tây Nam Bộ tiếp thu những tôn giáo từ ngoài truyền vào. Minh sư đạo do Trưởng lão Đông Sơ Trương Đạo Dương từ Quảng Đông, Trung Quốc truyền vào Chợ Lớn, lập tại Cầu Kho một Phật Đường gọi là Chiếu Minh Phật Đường (năm?), xây dựng Quảng Tế Phật Đường tại Hà Tiên năm 1863[iv]. Ban đầu, Minh sư đạo được truyền bá trong cộng đồng người Hoa ở Tây Nam Bộ, về sau phát triển mở rộng sang các dân tộc khác.

Tin lành được các giáo sĩ của Hội Truyền giáo Phúc âm Liên Hiệp (The Christian and Missionary Alliance) từ Mỹ truyền vào Đà Nẵng năm 1911, phát triển vào Sài Gòn và các tỉnh Tây Nam Bộ và hoạt động mạnh vào những năm đế quốc Mỹ thực hiện chính sách thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam[v].

Đạo Baha'i do một phụ nữ Ấn Độ truyền vào Sài Gòn năm 1954[vi].  Một vài dân tộc thiếu số có mặt sớm ở Tây Nam Bộ như Khmer, Chăm đã đóng góp vào sự đa dạng tôn giáo bằng những tôn giáo riêng của tộc người đó là Hồi giáo, Balamon trong người Chăm và Phật giáo Nam tông trong đồng bào Khmer.

            Tây Nam Bộ vùng đất đã sản sinh ra nhiều tôn giáo bản địa như Bửu Sơn Kỳ Hương do Đức Phật Thầy Tây An Đoàn Minh Huyên sáng lập năm 1849[vii] tại vùng Thất Sơn, An Giang. Đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa do Đức Bổn Sư Ngô Lợi thành lập năm 1867[viii] tại vùng Bảy Núi, An Giang. Phật giáo Hòa Hảo do ông Huỳnh Phú Sổ sáng lập năm 1939 tại làng Hòa Hảo, nay thuộc thị trấn Phú Mỹ, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Cả 3 tôn giáo này đều lấy giáo pháp Học Phật - Tu Nhân làm pháp môn tu hành.

            Minh lý đạo Tam tông miếu ra đời tại Sài Gòn năm 1924. "Đạo Minh Lý ra đời lấy Tam giáo làm tôn chỉ, dung hoà các tín ngưỡng, thực hiện cơ tận độ trong buổi hạ ngươn, tiếp tục và hoàn thành sứ mạng cho Chánh pháp để hướng dẫn nhơn sanh tự tu, tự độ tránh khỏi sanh tử khổ đau, thực hiện lòng từ bi, bác ái, bình đẳng xây dựng xã hội hoà bình, an lạc"[ix].

Đạo Cao Đài khai đạo tại tỉnh Tây Ninh năm 1926[x]. Tôn chỉ của đạo Cao đài là "Tam giáo quy nguyên, Ng̣ũ chi hiệp nhất", lấy sự thương yêu làm nền tảng, lấy nhân nghĩa làm phương châm hành đạo. Giai đoạn từ 1935 đến 1975, đạo Cao đài phát triển mạnh mẽ nhất nhưng cũng xảy ra tình trạng phân chia thành nhiều chi phái như Cao đài Tây Ninh, Cao đài Ban Chỉnh đạo, Cao đài Tiên Thiên, Cao đài Minh Chơn đạo, Truyền giáo Cao đài, Cao đài Cầu Kho Tam Quan, Cao đài Chơn lý, Cao đài Chiếu Minh Long Châu, Cao đài Bạch y và pháp môn Chiếu minh Tam thanh Vô vi. Bên cạnh các tổ chức giáo hội, đạo Cao đài còn có trên 20 tổ chức Cao đài hoạt động độc lập không phụ thuộc vào các tổ chức Hội thánh nêu trên như: Cao đài Thượng đế, Cao Thượng Bửu Toà, Nam Thành Thánh Thất, Cơ quan Phổ thông giáo lý Đại đạo, Liên Hoa Cửu Cung Thiên đạo học đường, Thánh tịnh Tân Minh Quang, Thánh tịnh Huỳnh Quang Sắc, Thánh tịnh Thiên Trước, Thánh thất Bàu Sen…

            Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam do ông Nguyễn Văn Bồng, người quê Sa Đéc sáng lập năm 1934[xi], ông được tín đồ tôn vinh là Đức Tông sư Minh Trí. Pháp môn của Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam là Phước Huệ song tu. Đức tông sư Minh Trí chủ trương làm phước để tạo duyên cho bá tánh đến với Phật pháp. Để thực hiện pháp môn này, mỗi Hội quán Tịnh độ Cư sĩ có phòng thuốc nam hốt thuốc trị bịnh miễn phí cho người bệnh, qua trị bịnh để truyền bá Phật pháp.

            Nhiều ông Đạo nổi lên một thời ở Nam Bộ như đạo Khùng, đạo Dừa, đạo Nằm, đạo Ngồi ... nay đã lui vào quá khứ, nhưng những tổ chức mới mang màu sắc tôn giáo tiếp tục xuất hiện.

Tây Nam Bộ có số lượng tín đồ đông và đang phát triển

            Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ trong 10 năm, từ 2003 đến 2013 sự phát triển về mặt tín đồ các tôn giáo ở Tây Nam Bộ như sau[1]: Long An năm 2003 là 166.319 tín đồ, năm 2013 là 399.138 tín đồ;  Cần Thơ năm 2003 là 410.000 tín đồ, năm 2013 là 467.984 tín đồ; Sóc Trăng năm 2003 là 566.863 tín đồ, năm 2013 là 632.462 tín đồ; Vĩnh Long năm 2003 là 240.657 tín đồ, năm 2013 là 275.630 tín đồ; Kiên Giang năm 2003 là 497.622 tín đồ, năm 2013 là 497.301 tín đồ; Trà Vinh năm 2003 là 475.948 tín đồ, năm 2013 là 550.412 tín đồ; Bến Tre năm 2003 là 198.920 tín đồ, năm 2013 là 223.920 tín đồ; Bạc Liêu năm 2003 là 128.000 tín đồ, năm 2013 là 366.320 tín đồ; Cà Mau năm 2003 là 333.406 tín đồ, năm 2013 là 373.327 tín đồ; An Giang năm 2003 là 1.470.519 tín đồ, năm 2013 là 1.790.428 tín đồ; Tiền Giang năm 2003 là 118.544 tín đồ, năm 2013 là 221.253 tín đồ; Đồng Tháp năm 2003 là 268.230 tín đồ, năm 2013 là 340.220 tín đồ; Hậu Giang năm 2003 là 155.486 tín đồ, năm 2013 là 200.423 tín đồ.

            Như vậy, trong 10 năm (2003-2013) tín đồ các tôn giáo ở Tây Nam Bộ tăng 1.308.304 người, bình quân 1 năm tăng 2,6%, cao hơn tỷ lệ gia tăng dân số của cả nước và khu vực (Tỷ lệ tăng dân số cả nước năm 2011 là 1,04%; Tây Nam Bộ là 0,39%; Nguồn: Website Tổng cục Thống kê). Tỷ lệ tín đồ các tôn giáo so với dân số Tây Nam Bộ  năm 2013 là 36,32% (Nguồn: số liệu thống kê của Ban Tôn giáo các tỉnh, thành phố Tây Nam Bộ), cao hơn tỷ lệ tín đồ các tôn giáo cả nước so với dân số cả nước 9,32% (Tỷ lệ tín đồ cả nước so với dân số cả nước 27%, Nguồn: Thống kê Ban Tôn giáo Chính phủ).

            Sự phát triển của các tôn giáo ở Nam Bộ trong những năm qua còn thể hiện ở việc nhiều cơ sở thờ tự được xây dựng, trùng tu; nhiều hoạt động lễ hội tôn giáo diễn ra thu hút đông đảo người tham gia; mối quan hệ quốc tế của các tôn giáo trong vùng càng ngày càng mở rộng: nhiều chức sắc trong vùng ra nước ngoài du học, hoạt động tôn giáo và trong vùng cũng đón tiếp nhiều đoàn tôn giáo nước ngoài vào giao lưu, truyền đạo. Hệ phái Phật giáo Thiền Trúc lâm phát triển mạnh ở Nam Bộ, nhiều Thiền viện được xây dựng như Thiền viện Thường Chiếu (1986) ở Đồng Nai, Thiền viện Huệ Chiếu (1979) ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Thiền viện Linh Chiếu (1980) ở Đồng Nai, Thiền viện Phổ Chiếu (1982) ở Bà Rịa - Vũng Tàu. Hiện nay, thiền phái Trúc Lâm đang phát triển mạnh xuống Tây Nam Bộ, nhiều thiền viện lớn được xây dựng như Thiền viện Chánh Giác (2012) ở Tiền Giang, Thiền viện Trúc lâm Hộ Quốc (2013) ở Kiên Giang, Thiền viện Trúc lâm Phương Nam (2014) ở Cần Thơ, Thiền viện Trúc Lâm Bạc Liêu (2015)... Nhiều hệ phái Tin lành phát triển đến Nam Bộ và truyền giáo vào vùng đồng bào dân tộc Khmer. Theo số liệu thống kê năm 2015 của Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, đã có 1.978 người Khmer theo đạo Tin lành trong tổng số 67.637 tín đồ Tin lành ở vùng Tây Nam Bộ.

Tôn giáo Tây Nam Bộ có nhiều cơ sở thờ tự là kết tinh kiến trúc của nhiều nền văn hóa khác nhau

            Theo số liệu thống kê của Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ 13 tỉnh thành trong khu vực năm 2015, các tôn giáo ở Tây Nam Bộ có các cơ sở thờ tự như sau[2]:

TT

Tên tỉnh

Phật giáo

Công giáo

Tin lành

Cao đài

 

 

PGHH

 

 

Hồi giáo

 

Tôn giáo khác

 

Tổng cộng

1

Long An

302

34

14

140

5

1

11

507

2

Cần Thơ

 153

 75

 10

 26

 7

 

 10

281

3

Sóc Trăng

211

53

7

28

1

0

21

321

4

Vĩnh Long

207

65

12

46

1

0

23

354

5

Kiên Giang

200

102

13

54

0

0

23

392

6

Trà Vinh

245

43

2

45

0

1

18

354

7

Bến Tre

242

84

12

110

2

0

15

465

8

Bạc Liêu

118

19

3

27

1

0

21

189

9

Cà Mau

46

19

8

34

1

0

22

130

10

An Giang

304

53

5

43

10

28

220

663

11

Tiền Giang

399

51

10

96

0

1

25

582

12

Đồng Tháp

232

 38

 10

 52

 22

 

 3

357

13

Hậu Giang

82

28

4

18

1

0

22

155

 

Tổng

2.741

664

110

719

51

31

434

4.750

 

Như vậy, các tôn giáo ở Tây Nam Bộ có 4.750 cơ sở thờ tự. Nếu phân chia theo tôn giáo thì Phật giáo có 2.741 chùa, tịnh xá, tịnh thất, niệm phật đường, học viện; Cao đài  719 thánh thất, thánh tịnh; Công giáo 664 nhà thờ, nhà nguyện; Tin lành 110 nhà thờ; Phật giáo Hòa hảo 51 chùa; Hồi giáo 31 thánh đường; tôn giáo khác 434 cơ sở thờ tự. Phân bổ theo địa phương như sau: An Giang 663 cơ sở thờ tự, Tiền Giang 582, Long An 507, Bến Tre 465, Kiên Giang 392, Đồng Tháp 357, Vĩnh Long 354, Trà Vinh 354, Sóc Trăng 321, Cần Thơ 281, Bạc Liêu 198, Hậu Giang 155, Bạc Liêu 130. Hàng trăm cơ sở thờ tự tôn giáo khu vực Tây Nam Bộ đã được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận là di tích kiến trúc, lịch sử, văn hóa cấp quốc gia; hàng trăm  cơ sở tôn giáo được Ủy Ban Nhân dân các tỉnh, thành trong khu vực công nhận là di tích kiến trúc, lịch sử, văn hóa cấp tỉnh, thành.

Đa số người dân Tây Nam Bộ có nhu cầu tín ngưỡng rất đa dạng

            Truyền thống thờ cúng ông bà, tổ tiên ở hầu hết gia đình người dân Tây Nam Bộ. Tín ngưỡng thờ các anh hùng dân tộc có công dựng nước như Vua Hùng được nhân dân lập Đền Thờ đền thờ tại ấp Giao Khẩu, xã Tân Phúhuyện Thời Bình tỉnh Cà Mau cách đây 150 năm, được Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh[xii]; đền thờ vua Hùng ở huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang, đền thờ Mẫu Tổ Âu Cơ tại thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau. Đền thờ các anh hùng có công giữ nước như Hưng Đạo Vương, Nguyễn Trung Trực, Thoại Ngọc Hầu… được nhân lập đền thờ ở nhiều nơi trong vùng. Tín ngưỡng thờ các danh nhân văn hóa như Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa, Thủ Khoa Huân, Cao Văn Lầu… thờ tổ nghề như Tuệ Tĩnh, Hải Thượng Lãn Ông… Tín ngưỡng thờ Bà, thờ Ông. Tây Nam Bộ là vùng sông nước, có hai mặt giáp biển nên  nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy, hải sản rất thịnh hành, do đó tín ngưỡng thờ cá voi cũng rất phổ biến với lễ hội cúng biển, lễ hội nghinh Ông rất đặc sắc…

            Tây Nam Bộ là vùng hỗn dung, hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng đặc sắc

            Sự đa dạng của tôn giáo trên vùng đất Tây Nam Bộ không chỉ thể hiện ở nhiều loại hình tôn giáo có mặt ở đây mà còn thể hiện ở sự đa dạng về tổ chức giáo hội, phong phú về lễ nghi tôn giáo, sự giao lưu, tiếp biến và hỗn dung, hòa đồng tôn giáo, tín ngưỡng rất đặc sắc. Trong tôn giáo có tín ngưỡng, trong tín ngưỡng có tôn giáo. Trong cùng một cơ sở thờ tự có nhiều vị thần, thánh của các tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau ngự trị. Sự hòa đồng tôn giáo thể hiện trong giáo lý của một số tôn giáo như Cao đài, Minh Lý đạo Tam Tông miếu, Baha’I và Phật đường Nam tông Minh sư đạo. Sự đa dạng tôn giáo, tín ngưỡng còn thể hiện ở các cấp độ khác nhau: trong cùng một tỉnh, huyện, xã, ấp, thậm chí trong từng gia đình cũng có người theo tôn giáo khác nhau. Niềm tin và thực hành tôn giáo của nhiều tôn giáo trong cùng một không gian đôi khi dẫn đến những mâu thuẫn, xung đột cục bộ. Nhưng với xu hướng tâm lý khoan dung tôn giáo của người dân Tây Nam Bộ, trong môi trường chính sách “lương giáo đoàn kết”, những mâu thuẫn cũng dần dần được giàn xếp ổn thỏa. Nhìn một cách tổng quát, cho đến nay, tình hình các tôn giáo vùng Tây Nam Bộ ổn định, các tôn giáo đoàn kết, chung sống hòa bình.

Kết luận

Không gian thiêng của người Tây Nam Bộ thật đa dạng, phong phú, đặc sắc, giàu tính hỗn dung và cũng rất phóng khoáng như bản chất người Nam Bộ, từ đó tỏa ra sức hấp dẫn đến mê hoặc. Hàng nghìn cơ sở thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo có giá trị cao về kiến trúc, điêu khắc. Hằng trăm lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo chứa đựng các giá trị văn hóa phi vật thể, diễn ra trong không gian yên bình của vùng đồng bằng sông Cửu Long, nơi có những cánh đồng lúa bạt ngàn, cò bay thẳng cánh, nơi có những vườn cây ăn quả ngọt lành, nơi có núi có rừng, có sông có biển với người nông dân Tây Nam Bộ rất năng động nhưng hiền lành, còn đậm chất dân dã nhưng rất hiếu khách. Đó là một không gian lý tưởng cho khai thác du lịch văn hóa./.

                                                                                                                                                                                                                       TS.Trần Hữu Hợp

Phó Chủ tịch Hội KHXHNV thành phố Cần Thơ; giảng viên Học viện Chính trị KV 4


[1] Số liệu thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ thực hiện để phục vụ hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về công tác tôn giáo

[2] Số liệu thống kê do tác giả thu thập từ 13 Ban Tôn giáo – Sở Nội vụ, khu vực Tây Nam Bộ


TÀI LIỆU THAM KHẢO

[i] Trần Hồng Liên (1996), Phật giáo Nam Bộ từ thế kỷ 17 đến 1975

[ii] Thích Hiển Pháp, Phật giáo Nam Bộ nhân kỷ niệm 300 năm Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh, http://www.phatgiaobaclieu.com

[iii] Trần Hữu Hợp (2012), Cộng đồng người Việt Công giáo đồng bằng sông Cửu Long - Lịch sử hình thành và quá trình hội nhập văn hóa, trg 29

[iv] Nguyễn Ngọc Huấn, Giới thiệu về Ngũ chi Minh đạo và Minh sư đạo tại Việt Nam, , http://www.btgcp.gov.vn

[v] Nguyễn Thanh Xuân, Bước đầu tìm hiểu đạo Tin Lành trên thế giới và ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội 2002

 

[vi] Nguyễn Xuân Huân, Giới thiệu khái quát về tôn giáo Baha’i, http://www.btgcp.gov.vn

[vii] Dương Văn Khá, Giới thiệu khái quát về đạo Bửu sơn kỳ hương, http://www.btgcp.gov.vn

[viii] Trần Minh Thu, Đôi nét về đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, http://www.btgcp.gov.vn

[ix] Nguyễn Hồng Dương, Minh Lý đạo – Tam tông miếu tự tu, tự độ hướng tới một xã hội hòa bình, an lạc http://www.btgcp.gov.vn

[x] Nguyễn Thị Diệu Thúy, Giới thiệu khái quát về đạo Cao đài, http://www.btgcp.gov.vn

[xi] Hồng Điệp, Khái quát về Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam,  http://www.btgcp.gov.vn

[xii] Tiểu sử Di tích lịch sử Đền Thờ Vua Hùng, Địa điểm: Ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau. Ngày UBND tỉnh công nhận: 05/04/2011