Phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Tuyên ngôn Độc lập

Kỷ niệm 75 năm Quốc khánh nbuocws CHXHCN Việt Nam 2/9/1945 – 2/9/2020

 

PHONG CÁCH TƯ DUY HÀI HÒA, UYỂN CHUYỂN, CÓ LÝ CÓ TÌNH CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về phong cách tư duy. Phong cách tư duy của Người không ra ngoài phương pháp biện chứng duy vật, nhưng với phẩm chất cá nhân và quá trình hoạt động cách mạng phong phú, những kinh nghiệm sống, Người đã có phong cách tư duy riêng, độc đáo. GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) đã nhận định: “Phong cách tư duy Hồ Chí Minh là sự kết tinh từ tinh hoa văn hóa dân tộc và nhân loại, là tài sản tinh thần quý báu của nhân dân ta, giá trị hợp thành nền văn hóa Việt Nam. Mặc dù thể hiện cái riêng, nhưng phong cách tư duy của Người không xa lạ mà mang tính lan tỏa, tác động tích cực tới hành động của các thế hệ người dân Việt Nam yêu nước nói riêng, nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới nói chung”[1]. Phong cách tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh gồm: phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại; phong các tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo và phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình. Bài viết này xin đề cập phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Người trong Tuyên ngôn Độc lập.

 

Về quyền dân tộc

Phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rõ nhất là Người đã xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Ở Người không bao giờ tìm được biểu hiện nhỏ nào của xu hướng biệt phái, phiến diện, cực đoan. Để đàm phán, thuyết phục đối phương đi tới đồng thuận, Người thường lập luận trên cơ sở nguyên tắc về tính đồng nhất nguyên lý.

Trong Tuyên ngôn Độc lập được đọc vào ngày 2-9-1945 tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình sáng 2-9-1945. Ảnh: tư liệu lịch sử.

 

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ, suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.

Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.

Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Tuyên ngôn Độc lập với “những lẽ phải không ai chối cãi được” đã đập tan luận điệu “trở lại bảo hộ” nước ta của thực dân Pháp. Bởi vậy, sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc xong Tuyên ngôn Độc lập, những lời thề đã vang lên: Chúng tôi, toàn thể dân Việt Nam xin thề: Kiên quyết một lòng ủng hộ Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin thề: Cùng Chính phủ giữ nền độc lập hoàn toàn cho Tổ quốc, chống mọi mưu mô xâm lược, dù có phải chết cũng cam lòng. Nếu Pháp đến xâm lược lần nữa thì chúng tôi xin thề: “Không đi lính cho Pháp, Không làm việc cho Pháp, Không bán lương thực cho Pháp, Không đưa đường cho Pháp!”.

Để tranh thủ thêm sự ủng hộ của thế giới, trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhấn mạnh: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!”. Người cũng nêu rõ: “Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị Têhêrăng và Cựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam”.

Trong cuốn sách “Hồ Chí Minh, một nhà tư tưởng”, Giáo sư Singo Sibata đã đánh giá: “Cống hiến nổi tiếng của Cụ Hồ Chí Minh là ở chỗ đã phát triển quyền con người thành quyền dân tộc”[2]. Thực tế chứng minh rằng sau khi Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đưa đến sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì phong trào giải phóng dân tộc đã bùng lên mạnh mẽ, đập tan tành hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa thực dân. Trong cuốn “Thế giới bàn về Việt Nam”, nhà sử học nước Anh Thomas Hodgkin đã đánh giá “Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”[3].

Về sự nghiệp giải phóng hoàn toàn người phụ nữ

Năm 1987, Đại hội đồng UNESCO đã vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất và “khuyến nghị các quốc gia thành viên cùng tham gia Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bằng việc tổ chức các hoạt động cụ thể để tưởng niệm Người, qua đó làm cho mọi người hiểu rõ tầm vóc vĩ đại của những tư tưởng và những cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Người”. Năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người, Giám đốc UNESCO phụ trách khu vực văn hóa châu Á - Thái Bình Dương, Tiến sĩ M.Ahmed đã khẳng định: “Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho tổ quốc và nhân loại bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại mang lại viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi trọng vai trò người phụ nữ trong cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa. Ảnh: tư liệu lịch sử.

Trên thực tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người chiến sĩ tiên phong trong công cuộc thực hiện cuộc cách mạng triệt để nhằm giải phóng phụ nữ ở nước ta. Từ việc nhận ra vai trò của người phụ nữ trong công cuộc giải phóng dân tộc, Người cũng đã nhận ra rằng muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội thành công thì cần phải giải phóng hoàn toàn người phụ nữ. Bởi thế, trong “Tuyên ngôn Độc lập” của nước ta (2-9-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh không trích dẫn nguyên văn từ bản “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ năm 1776. Bản tuyên ngôn của nước Mỹ viết “that all men are created equal”, nghĩa là “mọi đàn ông sinh ra đều bình đẳng”. Còn Chủ tịch Hồ Chí Minh thì viết: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng”[5].

Tháng 5-1968, trong đoạn viết bổ sung vào Di chúc năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết về những công việc mà Người cho rằng phải làm ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước hoàn toàn thắng lợi, trong đó không quên nhắc tới sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người viết: “Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”[6].

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước đã nhận định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam. Người đã thức tỉnh phụ nữ tham gia giải phóng dân tộc, giải phóng nhân loại và từ đó giải phóng chính mình”[7].

Bà Ketherine Muller - Marin, Trưởng đại diện Văn phòng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) tại Việt Nam trong lễ kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh vào năm 2010 đã nhận định: “Người cũng quan tâm đến quyền và vai trò của phụ nữ trong xã hội… Đối với UNESCO, bình đẳng giới là một điều kiện cần thiết để đạt được các mục tiêu phát triển quốc tế”[8].

Như vậy, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, có lý có tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mối quan hệ hài hòa giữa cái chung và cái riêng, là tư duy biện chứng trên cơ sở nguyên tắc về tính đồng nhất của nguyên lý, là phong cách tư duy phù hợp với quy luật phát triển, là tư duy hài hòa giữa lý tưởng và hiện thực, giữa dân tộc và thời đại. Nó chính là sự đánh giá đúng đắn, hợp lý của Người trong thực tiễn về mối quan hệ giữa dân và nước, giai cấp và dân tộc, dân tộc và nhân loại.

 

NGUYỄN VĂN TOÀN


[1] GS.TS Mạch Quang Thắng, “Phong cách tư duy Hồ Chí Minh”, Tạp chí Quốc phòng Toàn dân điện tử, cập  nhật 13h00 ngày 22-12-2016.

[2] PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, “Ý nghĩa thời đại của bản Tuyên ngôn Độc lập”, Báo Tin Tức, cập nhật lúc 7 giờ 8 phút ngày 27-8-2014. Xem: http://baotintuc.vn/thoi-su/y-nghia-thoi-dai-cua-ban-tuyen-ngon-doc-lap-20140827213540144.htm.

[3] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224.

[4] UNESCO và Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam, Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (Trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr.37.

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t. 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 2.

[6] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.15, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 617.

[7] Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh BBC (Vương quốc Anh) vào ngày 3 tháng 7 năm 2001. Xem:  http://www.mofahcm.gov.vn/en/mofa/cs_doingoai/pbld/ns04081814261544.

[8] http://baochinhphu.vn/Uploaded_VGP/thukybientap/20100518/UNESCO%20noi%20ve%20Bac%20Ho.htm