Truyền thông, Phổ biến kiến thức Liên hiệp Hội các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có nhiều khởi sắc

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến công tác báo chí, tuyên truyền nói chung, công tác truyền bá khoa học, kỹ thuật cho nhân dân nói riêng. Người dạy: “Khoa học phải từ sản xuất mà ra và phải trở lại phục vụ sản xuất, phục vụ quần chúng, nhằm nâng cao năng xuất lao động và không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân”. Hay Bác dạy: “Các cô các chú phải ra sức đem hiểu biết khoa học, kỹ thuật của mình truyền bá rộng rãi trong nhân dân lao động, để nhân dân đẩy mạnh thi đua sản xuất nhiều, nhanh, tốt, rẻ, có như vậy nước mới giàu, dân mới mạnh… Đó là nhiệm vụ vẻ vang của các cô, các chú”.

Thấm nhuần tư tưởng của người, từ khi thành lập, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã rất coi trọng công tác truyền thông và phổ biến kiến thức khoa học công nghệ, coi đây là nhiệm vụ cực kỳ quan trọng. Từ Liên hiệp hội Việt Nam đến các Hội thành viên ở các địa phương đều thành lập Ban truyền thông và phổ biến kiến thức. Nhất là từ khi có chỉ thị 42-CT/TW ngày 16/04/2010 đến nay, toàn hệ thống Liên hiệp hội đã có những chuyển biến tích cực hơn.

Ở Trung ương, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật đã củng cố hệ thống báo chí để làm nòng cốt trong việc tuyên truyền chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về Khoa học công nghệ, phổ biến kiến thức, chuyển giao tiến bộ Khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống, góp phần nâng cao dân trí. Đối với các địa phương, 63/63 tỉnh, thành phố đều quan tâm đến nhiệm vụ này, và mỗi địa phương có cách làm sáng tạo phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Liên hiệp hội.

Sau đây là cách làm và kết quả của một số tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long trong thời gian qua:

Một là, Liên hiệp hội Bạc Liêu: Từ cuối năm 2014 đã thành lập website tích hợp trong cổng thông tin điện tử của tỉnh và kết nối với 22 sở ban ngành, đoàn thể của tỉnh và thường xuyên phản ánh hoạt động của Liên hiệp hội và các Hội thành viên. Trung bình một năm có khoảng 170 tin bài, có khoảng 800 nghìn lượt người truy cập, tiền nhuận bút 40 triệu đồng/năm.

Bên cạnh đó Bản tin trí thức Bạc Liêu ra đời từ năm 2013, lúc đầu là 4 kỳ/năm, nay 2 tháng/1 số và đang phấn đấu mỗi tháng 1 số để cung cấp kịp thời thông tin cho người đọc, phát hành cho các sở ban ngành, UBND các Huyện, các hội trong cả nước. Số tiền chi một năm được ngân sách cấp 255 triệu đồng cho hoạt động này. Ngoài các hoạt động trên, Liên hiệp hội Bạc Liêu còn làm nhiều cụm pano tuyên truyền về Hội thi Sáng tạo kỹ thuật, Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng, phối hợp với báo, đài truyền hình để tuyên truyền về khoa học và công nghê.

Hai là, Liên hiệp hội Bến Tre tuy là một tỉnh nhỏ nhưng hoạt động truyền thông cũng có cách làm hay:

Thời gian qua đã cho ra đời Bản tin Khoa học và đời sống, một năm 4 số, với số lượng 650 quyển, phát hành đến tất cả các cơ quan ban ngành tỉnh và huyện, xã, phường, thị trấn, doanh nghiệp, trường học trong tỉnh,… với kinh phí do ngân sách cấp là 200 triệu đồng/năm. Những tin tức về khoa học và công nghệ bước đầu nâng cao được nhận thức cho công chúng về vai trò của khoa học công nghệ, những mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả. Qua bản tin có những độc giả liên hệ với Liên hiệp hội để nhờ tư vấn, giúp đỡ về quy trình, giải pháp kỹ thuật, giống cây trồng vật nuôi.

Đặc biệt Liên hiệp hội Bến Tre đã phối hợp với Hội nhà báo, Sở Khoa học và công nghệ tổ chức Giải báo chí 3 năm liền, các tác giả giới thiệu nhiều kết quả về mô hình sản xuất, quy trình ứng dụng những tiến bộ khoa học công nghệ trong toàn tỉnh. Trang website hoạt động từ đầu năm 2018 góp phần đưa nhanh thông tin đến bạn đọc về những kiến thức mới.

Ba là, Liên hiệp hội Cà Mau: Từ tháng 4/2017 trở về trước, Bản tin trí thức Cà Mau là một ấn phẩm có nhiều bài vở, tin tức,… đáp ứng khá tốt nhu cầu của bạn đọc, nhất là thông tin phổ biến kiến thức, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống nhân dân trong tỉnh; với nhiều bài viết của các nhà báo chuyên nghiệp, các nhà khoa học,… phản ánh sâu và đa chiều các hoạt động kinh tế xã hội, văn hóa, đời sống,…

Tuy nhiên từ tháng 6/2018, Liên hiệp hội Cà Mau đã sử dụng trang thông tin điện tử với lợi thế nhanh hơn, kịp thời hơn,… đến nay có trên 4 triệu lượt người truy cập. Từ thế mạnh này Liên hiệp hội Cà Mau luôn quan tâm đổi mới nội dung, bổ sung những chuyên mục mới dành cho nông – ngư, lâm nghiệp. Ngoài ra, Liên hiệp hội phối hợp với Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống nông nghiệp, Trạm Khuyến nông cấp huyện,… để họ viết bài hoặc cung cấp thông tin mới… Đồng thời phối hợp với Báo Cà Mau, Báo ảnh Đất Mũi, Đài phát thanh và truyền hình để truyền thông nhanh những kết quả tiến bộ khoa học đến nhân dân.

Bốn là,  Liên hiệp hội Cần Thơ: Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương, việc thực hiện công tác truyền thông nói chung có nhiều mặt đáng ghi nhận như: quan tâm tập huấn nghiệp vụ báo chí cho cán bộ văn phòng Liên hiệp hội và các hội thành viên, họp báo với các cơ quan báo chí trên toàn địa bàn để phối hợp lâu dài… Tuy nhiên khó khăn không phải là do khâu tổ chức thực hiện mà là do không có kinh phí. Trong hai năm 2018 và 2019, chỉ xuất được hai bản tin xuân để tham gia thi Hội báo xuân với thành phố, số lượng in khoảng 700 bản, chuẩn bị kỹ càng, thiết kế công phu, nội dung phong phú, phản ánh hoạt động của văn phòng Liên hiệp hội và các hội thành viên, hình ảnh sống động, trình bày bắt mắt… Nên hai năm đều đạt Giải III Hội báo xuân Thành phố. Bản tin phát hành cho các cơ quan cấp thành phố, quận, huyện và các trung tâm văn hóa các xã, phường…

Về trang wesite: Tin viết, bài viết được cập nhật thường xuyên. Các hoạt động của thành phố liên quan đến khoa học và công nghệ, các Cuộc thi, Hội thi của thành phố, các đề án khoa học được nghiệm thu như hoa kiểng, rau non,… chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2019 đã có 135 tin, bài được đăng tải thu hút các độc giả trong thành phố, ngoài thành phố có độc giả Hà Nội, Huế, Đà Nẵng,… có trên 300 lượt truy cập hằng ngày. Cần Thơ còn làm một số kỷ yếu chuyên đề để tuyên truyền trong học sinh, sinh viên để đánh thức niềm đam mê nghiên cứu khoa học của các em. Ngoài ra, chỉ tính từ năm 2016 – 2018, Cần Thơ còn phổ biến kiến thức khoa học thông qua các Hội thảo cấp thành phố và vùng, các hoạt động phổ biến kiến thức của các hội thành viên như: Hội thảo Khoa học với 4825 lượt người tham dự, tập huấn chuyển giao kỹ thuật với 2643 lượt người tham dự, 10 cuộc họp phổ biến kiến thức có trên 1500 lượt người tham dự.

Năm là, tỉnh Tiền Giang: công tác truyền thông chú ý cà tuyên truyền qua website, bản tin khoa học và qua hội thảo. Bản tin khoa học - kỹ thuật mỗi quý 2.200 bản với nhiều bài viết của lãnh đạo tỉnh, các nhà khoa học,… được phát hành rộng rãi, đặc biệt phát hành đến 173 trung tâm cộng đồng xã phường, thị trấn, nhiều bài phổ biến về sức khỏe đời sống, tình hình dịch bệnh tả lợn châu Phi, bệnh sốt xuất huyết…

Sáu là, cùng với các tỉnh miền tây và miền đông… các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai đều quan tâm công tác truyền thông. Có địa phương tổ chức phát hành được bản tin, tạp chí, có nơi chỉ phối hợp với báo địa phương, đài phát thanh truyền hình để tuyên truyền Nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về khoa học công nghệ, những tiến bộ khoa học ứng dụng, tuyên truyề các hội thảo, hội thi, cuộc thi,…

Bên cạnh những tích cực, tiến bộ của địa phương, công tác truyền thông còn những khó khăn, thách thức, bất cập đó là khó khăn về kinh phí. Nhìn chung có Liên hiệp được ngân sách cấp, có tỉnh phải sử dụng trong kinh phí được khoán  cấp, có tỉnh phải áp dụng hình thức xã hội hóa, tài trợ, quảng cáo… Bên cạnh đó, không có cán bộ làm chuyên trách về truyền thông mà là kiêm nhiệm, tiền nhuận bút thấp, khó thu hút các nhà khoa học, các nhà báo lớn.

Về mặt nội dung, chất lượng bài viết, nhìn chung do thiếu chuyên môn về báo chí nên bài viết mang nặng tính báo cáo, còn dài dòng, có nhiều bài còn mang tính thông báo, lượng thông tin còn hạn chế,…

Trong thời gian tới các tỉnh đều đề nghị Liên hiệp hội Việt Nam cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và có ý kiến để các địa phương cấp kinh phí cho công tác tuyên truyền về khoa học như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Khoa học kỹ thuật phát triển là để phục vụ sản xuất, hướng đến đại bộ phận quần chúng nhân dân đều được nâng cao hiểu biết, trình độ về khoa học kỹ thuật biết cách áp dụng vào sản xuất và đời sống nhằm sản xuất “nhiều, nhanh, tốt, rẻ” từng bước phát triền nền kinh tế, đây là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề mà Bác đã chọn và giao cho các nhà khoa học, nhưng người lĩnh hội được kiến thức mới phải liên tục phổ biến cho nhân dân, nâng cao trình độ khoa học và của nhân dân, từ đó mà nâng cao sức phát triền của nền kinh tế, đưa đất nước từng bước đi lên.

Viết Trương

 

*Tài liệu tham khảo: Tài liệu hội thảo: chia sẻ kinh nghiệm xây dựng kỹ năng truyền thông Liên hiệp hội Việt Nam.