Nói thì phải làm

Kỷ niệm 94 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2019)

 

“NÓI THÌ PHẢI LÀM”

 

LTS: Hiện nay, Đảng ta đang phát động toàn Đảng, toàn quân và dân ta học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhân dịp kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), chúng tôi xin trích giới thiệu một số “cách cổ vũ tốt nhất là nói đi đôi với làm” trong chuyên đề 4 quan điểm của Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng để chúng ta nghiên cứu.

 

          Cách cổ vũ tốt nhất là nói đi đôi với làm

          “Nói thì phải làm” là một đặc tính cần phải có của người cán bộ cách mạng như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do đó, trong khi chỉ đạo việc nêu gương người tốt, việc tốt, nhắc nhở cán bộ, công chức và gia đình phải là tấm gương cho nhân dân làm theo, bản thân Chủ tịch Hồ Chí Minh trong hoạt động thực tiễn là một tấm gương lớn.

          Khi Người hô hào tiết kiệm, chống lãng phí, trong kháng chiến thành lập “hũ gạo nuôi quân” thì chính Người, vị Chủ tịch nước, lãnh tụ Đảng cũng nhịn ăn một bữa trong một tuần lễ để góp phần gạo và hũ gạo nuôi quân như mọi công dân khác.

          Khi Người hô hào “trồng cây gây rừng”, phát động “Tết trồng cây” thì năm nào vào dịp đầu xuân, từ lúc còn khỏe mạnh cho tới năm cuối cùng trước khi từ biệt chúng ta, Người tham gia đều đặn Tết trồng cây. Trong vườn Phủ Chủ tịch cũng có vườn cây, hàng ngày Người cùng cán bộ giúp việc chăm sóc cho cây.

          Khi Nguời hô hào nuôi cá để cải thiện bữa ăn và làm kinh tế gia đình thì trong vườn Phủ Chủ tịch có ao cá, hàng ngày Người chăm sóc, cho ăn, đến mùa thu hoạch lại gửi biếu các cụ già và các cháu nhỏ. Sau này thành “vườn cây, ao cá Bác Hồ” trong cả nước.

          Khi hạn hán hoặc úng ngập, không những Người hô hào nhân dân tích cực chống thiên tai, mà còn trực tiếp cùng nhân dân tát nước chống hạn ở Hà Tây, về tận thôn, xã ở Hải Dương cổ vũ phong trào nhân dân làm thủy lợi chống úng.

         Khi hô hào nhân dân cải tiến kỹ thuật để tăng năng suất nông nghiệp, Người trực tiếp lội ruộng xem xét và vận hành máy cày cải tiến…

        Chính “nói đi đôi với làm” và trực tiếp làm gương, cho nên lời nói và bài viết của Người luôn luôn có sức cổ vũ lớn trong nhân dân. Nói chuyện với cán bộ, Người đã dạy: cán bộ “Muốn giữ gìn sự trong sáng chủ nghĩa Mác-Lênin thì trước hết tự mình phải trong sáng”, “Từ việc lớn đến việc nhỏ, cán bộ đều phải làm kiểu mẫu”.

        Tư tưởng đó, việc làm đó của Người không những có tác dụng nêu gương cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, mà còn dạy những người làm báo phải giữ gìn đạo đức, tư cách công dân và nghề nghiệp khi viết bài cổ vũ nhân tố mới. Làm được như thế thì sức mạnh cổ vũ nhân tố mới không chỉ là các con chữ, thước phim mà còn ở sức nặng của nhân cách người viết, người thể hiện.

          Cổ vũ phải đi liền với phê phán các hành vi tiêu cực, nhưng cổ vũ là mặt chủ yếu nhất

          Trong cuộc sống, bên cạnh những việc làm tốt, có hiệu quả, còn có việc làm xấu, kém hiệu quả, phô trương, hình thức; bên cạnh những tấm gương tốt, lại có những hành vi xấu, người không tốt. Ngay từ năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết báo, sau đó tập hợp thành cuốn sách Sửa đổi lối làm việc ký tên XYZ, phê phán các “bệnh tham lam”, “bệnh lười biếng”, “bệnh thiếu kỷ luật”, “bệnh kiêu ngạo”, “bệnh hiếu danh”, “bệnh hẹp hòi”, “bệnh địa phương”, “bệnh óc lãnh tụ” đến nay vẫn là những vấn đề nóng hổi. Người phê phán sâu sắc các bệnh “quan liêu, mệnh lệnh; tham ô, lãng phí, bảo thủ, rụt rè”. Trước khi từ biệt thế giới này, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Đảng, trên báo Nhân dân ngày 3-2-1969, Người cho công bố bài báo nổi tiếng Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân, cho rằng “chủ nghĩa cá nhân là việc gì cũng chỉ lo cho lợi ích của riêng mình, không quan tâm đến lợi ích chung của tập thể “miễn là mình béo, mặc thiên hạ gầy”. Nó là mẹ đẻ ra mọi tính hư tật xấu như lười biếng, suy bì, kiêu căng, kèn cựa, nhút nhát, lãng phí, tham ô, nó là “kẻ thù hung ác của đạo đức cách mạng”, “là kẻ địch nguy hiểm của chủ nghĩa xã hội”, là “giặc trong lòng”, là “giặc nội xâm”…

          Người phê phán nghiêm khắc các thói hư, tật xấu của cán bộ, công chức; và khi cần thì xử lý theo luật pháp nghiêm khắc nhất, kể cả những cán bộ, sĩ quan đã từng có công trong hoạt động bí mật và trong kháng chiến.

          Người dặn dò các nhà báo: “Viết để nêu những cái hay, cái tốt của nhân dân ta, của bộ đội ta, của cán bộ ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu”. Không nên nói một chiều, thổi phồng thành tích, che giấu khuyết điểm, hoặc chỉ nói một chiều khuyết điểm, bỏ qua những thành tích, ưu điểm. Tuy nhiên, nhìn thấu đáo bản chất con người, Người nói: “Mỗi con người đều có thiện và ác ở trong lòng. Ta phải biết làm cho phần tốt ở trong mỗi con người nảy nở như hoa mùa xuân và phần xấu bị mất dần đi”. Để cổ vũ những mặt tốt của con người, Người còn nói: “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu”. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa “xây” và “chống” trong công tác tuyên truyền, giáo dục cũng như công tác báo chí thật là rõ ràng. Đó cũng là quan điểm của Đảng ta đối với công tác báo chí hiện nay. Trong khi kêu gọi báo chí tham gia cuộc đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, Đảng chỉ rõ báo chí là một kênh giám sát cán bộ, công chức, yêu cầu báo chí tạo dư luận xã hội lên án mạnh mẽ các hiện tượng tiêu cực, quan liêu, lãng phí, tham ô, nhưng mặt khác, cũng yêu cầu báo chí phải coi trọng cổ vũ nhân tố mới. Vì thực tế trong xã hội, bên cạnh những hiện tượng tiêu cực xuất hiện, chủ nghĩa cá nhân có xu hướng phát triển như Hội nghị Trung ương 9 (khóa IX) đã nhận định thì cũng xuất hiện nhiều nhân tố mới, nhiều tấm gương tốt, nếu không thì làm sao đất nước có được những thành tựu như hiện nay? Mặt khác, như Bác Hồ thường dạy, phải tích cực, kiên trì cổ vũ nhân tố mới vì “học cái tốt thì khó”, mà nêu gương là “cách tốt nhất để xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Công việc giới thiệu, cổ vũ, phát huy nhân tố mới phải là công việc trọng tâm của hoạt động báo chí theo tư tưởng Hồ Chí Minh.

          Trong cuộc đời hoạt động của mình, sau khi cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là lãnh tụ Đảng, vừa là nguyên thủ quốc gia, Người đã chỉ đạo để Đảng và Nhà nước có những chỉ thị phát động phong trào thi đua yêu nước, có thư gửi các ngành, các giới, các địa phương cổ vũ  phong trào thi đua. Người đọc báo, xem báo cáo thấy có gương tốt nào thì cho kiểm tra và tặng huy hiệu của Người để khen thưởng những người có thành tích và cổ vũ phong trào thi đua yêu nước. Việc Bác Hồ thường xuyên quan tâm nêu các gương người tốt, việc tốt, tìm mọi cách cổ vũ phong trào học tập theo các gương tốt đã có hiệu quả rất lớn.Nhiều thư, lời dặn của người trở thành các tiêu chuẩn phấn đấu của các ngành, các giới cho tới ngày nay. Những người được nhận Huy hiệu Bác hồ coi đó như một phần thưởng cao quý suốt đời không quên. Có một loại hoạt động của Bác Hồ mà ít thấy có những lành tụ, những nhà lãnh đạo các nước trên thế giới làm, đó là, trong tư cách viết báo, với nhiều bút danh khác nhau, Người viết nhiều bài báo để nêu gương các người tốt, phong trào tốt. Người giao nhiệm vụ cho các cán bộ biên tập tập hợp các gương tốt thành các cuốn sách mỏng Người tốt, việc tốt viết ngắn gọn, in nhiều bản, bán rẻ để phổ biến trong xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh thấy rõ tác dụng của sách báo đối với việc cổ vũ phong trào thi đua trong các tầng lớp nhân dân. Có nhiều bài viết của Người với bút danh nhà báo đã dẫn tới những phong trào lớn, được phát động trong toàn dân. Có thể kể dưới đây hai thí dụ:

          Bác Hồ thường viết báo, phát biểu cổ vũ các hợp tác xã tiên tiến. Khi đọc bài báo Ba lần đuổi kịp trung nông trên báo Nhân dân viết về hợp tác xã Đại Phong, tỉnh Quãng Bình, Bác Hồ với bút danh T.L, đã viết bài Một hợp tác xã gương mẫu, hoan nghênh hợp tác xã Đại Phong và kêu gọi học tập Đạo Phong, đăng trên trang nhất báo Nhân dân. Và từ đó, phong trào Đại Phong trở thành phong trào thi đua rộng lớn vào đầu những năm 60 thế kỷ XX để thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa III) về vấn đề nông nghiệp.

          Phong trào “Tết trồng cây” là một phong trào lớn trồng cây gây rừng, bảo vệ và làm phong phú môi trường sinh thái cho tới ngày nay, và trở thành mỹ tục mới trong ngày đầu xuân, cũng bắt đầu từ bài báo của Bác Hồ trên báo Nhân dân với bút danh T.L, v.v…

          Ở đây ta thấy rõ, không những Bác Hồ chỉ đạo báo chí viết bài cổ vũ nhân tố mới, mà Người trực tiếp viết bài báo để cổ vũ nhân tố mới.

          Bác Hồ tích cực, kiên trì đấu tranh với các thói hư tật xấu của cán bộ, công chức từ khi Đảng lãnh đạo chính quyền như phần trên đã nói, nhung Người kiên trì phương hướng nêu cái tốt để át đi cái xấu, làm cho phần tốt trong con người nảy nở như hoa mùa xuân. Người yêu cầu cán bộ phụ trách biên tập và nhà xuất bản tập hợp các gương người tốt, việc tốt để đăng báo hoặc cử người viết đi lấy tài liệu để giới thiệu các gương người tốt, việc tốt của các ngành và đã phát hiện, tuyên dương, in thành sách mỏng với số lượng lớn để phổ biến trong các tầng lớp nhân dân.

          Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung cho cả dân tộc. Chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi”, và Người cho “đó là một nhiệm vụ vẻ vang của báo chí và văn nghệ thiết thực góp phần vào phong tào thi đua ái quốc”.