Những vần ca dao hiện đại về Bác Hồ

                   NHỮNG VẦN CA DAO HIỆN ĐẠI VỀ BÁC HỒ

 

Đất nước ta, Dân tộc và Ca dao, từ bao đời nay luôn bền chặt, thắm đỏ. Đất nước này là đất nước của nhân dân/ Đất nước của ca dao, thần thoại (Nguyễn Khoa Điềm). Và Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta. (Điếu văn của BCHTW Đảng Cộng sản Việt Nam trong lễ tang Hồ Chủ tịch). Trong lịch sử văn học dân tộc và thế giới chưa có danh nhân nào được ca dao hóa như Bác Hồ kính yêu của chúng ta. Bởi vì Người là Cha, là Bác, là Anh/ Quả tim lớn lọc trăm dòng máu đỏ (Tố Hữu), bởi vì Hồ Chí Minh - tên Người là cả một niềm thơ (Pêlix Pita Rôđrighêt- nhà thơ Cu Ba).

Sinh thời Bác rất thích dùng ca dao, tục ngữ trong các bài viết của mình để mọi người dễ hiểu, dễ thuộc, dễ tuyên truyền cách mạng. Những ngày bệnh nặng, Bác vẫn thèm nghe một câu hò xứ Nghệ. Nhà thơ Lê Anh Xuân trong Trường ca Nguyễn Văn Trỗi đã viết: Điệu lục bát, khúc dân ca/ Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam. Ngay trong bản Di chúc thiêng liêng, trước lúc đi xa, Người vẫn còn dặn lại đồng bào, đồng chí bằng một câu lục bát biến thể:

                                                Còn non, còn nước, còn người

                                    Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay!

Có thể nói: Bác và ca dao, ca dao và Bác đã có sự hài hòa, nồng thắm. Còn gì đẹp hơn, tự hào hơn khi nhân dân ta từ núi rừng, hải đảo xa xôi đến bưng biền Đồng Tháp đã dành những vần ca dao chứa chan nghĩa tình để viết về Người:

                                                Bác Hồ là vị Cha chung

                                       Là sao Bắc Đẩu, là vầng Thái dương.

Nhà thơ Trần Hữu Thung ở quê hương Bác, đã lọc ra trong hàng ngàn câu ca dao viết về Bác ở mọi vùng, mọi miền để có được cuốn Ca dao về Bác Hồ với 1.240 câu. Nhà giáo Nguyễn Nghĩa Dân trong Ca dao Việt Nam 1945-1975 (NXB Văn hóa - Thông tin - Hà Nội 1997) đã sưu tầm 745 bài (đơn vị ngắn nhất của một bài ca dao là 2 dòng lục bát), thì có tới 93 bài viết về Bác Hồ (chiếm trên 13%). Bác sống như trời đất của ta (Tố Hữu), như ánh sáng, như khí trời không thể thiếu được trong cuộc đời mỗi con người Việt Nam, và ai cũng cảm thấy:

                                                   Tự hào biết mấy Bác ơi

                                            Bác cho con cả cuộc đời tự do

Hay:

                                                   Con đang đi giữa đêm trường

                                           Nhờ Cha soi đuốc dẫn đường cho con

                                                  Công Cha như nước, như non

                                          Như gương Hồ Thủy, như hòn Thái Sơn.

Các hình ảnh như vầng dương, sao Bắc Đẩu, núi Thái Sơn, ngọn đuốc, biển rộng, sông dài, núi cao, trăng rằm, hoa sen... luôn xuất hiện với tần số cao trong những câu ca dao về Bác:

                                                    Đố ai đếm hết vì sao

                                            Đố ai đếm được công lao Bác Hồ.

 

Hoặc:                                            Cụ Hồ như cột trụ đồng

                                            Muốn lay chẳng ngã, muốn rung chẳng rời...

Đồng bào Tây Nguyên đã có bài ca dao về Bác với những so sánh liên tưởng thật xúc động:

                          Hồ Chí Minh - Người là con sông lớn

                          Người là mặt trời, Người là mặt trăng.

                          Mùa lạnh nhắc tên Hồ Chí Minh: cái bụng ấm,

                          Mùa nắng nhắc tên Hồ Chí Minh: mây thêu mặt trời hồng,

                          Mùa thu nhắc tên Hồ Chí Minh: mây lắng trời trong,

                         Mùa xuân nhắc tên Hồ Chí Minh: cây cỏ đâm nhựa trổ bông.

Đồng bào Ê đê, Gia lai, Ba na cũng thường hát:

             Lên rừng nhắc tên Hồ Chí Minh/ quên cả chân chồn, leo dốc nhanh

             Xuống đồng nhắc tên Hồ Chí Minh/ cấy lúa suốt ngày không thấy mệt.

             Bữa ăn nhắc tên Hồ Chí Minh/ đôi đũa và cơm như và ngọc

              Nằm ngủ nhắc tên Hồ Chí Minh/ trời tan bóng tối, ấm năm canh.

Đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Tày, Nùng, Hmông ở Việt Bắc, Tây Bắc luôn cảm nhận được tình cảm của Bác dành cho họ:

                                                 Đất nước ta có Cụ Hồ

                             Cụ Hồ thương dân đất Mường ta, sông bể không bằng.

 Hoặc:

                                                 Cụ Hồ cái bụng tốt thay

                                       Đưa đến chòm này người cán bộ giỏi giang.

Đồng bào Khmer, Chăm, Hoa cũng như muôn triệu trái tim miền Nam luôn tin tưởng và biết ơn Bác:

                                                 Cụ Hồ với dân như chân với tay

                                                 Như chày với cối, như cội với cành.

 Hay:

                                                  Nhưng rồi ngẫm lại mà coi

                                    Có Đảng, có Bác, châu chấu đá voi lộn nhào.

 Hoặc:

                                                   Ai về nhắn nhủ cùng ai

                                     Có Đảng, có Bác chẳng sợ chông gai bùn lầy.

Các chiến sĩ hành quân trên dải Trường Sơn - bên nắng đốt bên mưa quay, lại nhớ đến ngọn Tây Phong Lĩnh, nơi Bác đã từng tập leo núi khi mới ra tù, để từ đó có thêm sức mạnh:

                                               Ngọn Tây Phong Lĩnh Bác trèo

                                       Để giờ có núi, có đèo con qua.

                                              Trường Sơn mây phủ, mưa sa

                                       Chồn chân càng nhớ bước Cha mở đường.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, nhân dân ta đã coi khinh máy bay giặc, bởi tin vào đôi tay lãnh đạo thần kỳ của Người:

                                               Thằng Tây có trăm máy bay

                                        Cũng không bằng cái móng tay Cụ Hồ.

Đặc biệt nhà thơ Bảo Định Giang đã nói hộ tấm lòng của muôn triệu đồng bào miền Nam đối với Bác qua bài ca dao nổi tiếng - Cụ Hồ và bông sen:

                                                Tháp Mười đẹp nhứt bông sen

                                           Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ

                                                 Bông sen thì để lễ chùa

                                           Cụ Hồ thì để tôn thờ trong tâm.

Có thể nói hai câu ca dao của Bảo Định Giang: Tháp Mười đẹp nhứt bông sen/ Nước Nam đẹp nhứt có tên Cụ Hồ đã trở thành tài sản phi vật thể chung của cả dân tộc, là câu ca dao hiện đại hay nhất về Bác. Câu ca dao này đã phổ thông hóa bằng sự biến đổi đi bốn từ của phương ngữ Nam Bộ:

                                                  Tháp Mười đẹp nhất hoa sen,

                                          Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ.

Những câu ca dao hiện đại về Bác Hồ rất phong phú về hệ thống chủ đề theo cảm hứng sáng tạo của thơ ca dân gian; nó chịu sự chi phối của tính truyền miệng và sự đồng sáng tạo của độc giả ở khắp các vùng đất nước. Vì thế các dị bản luôn được gọt giũa để đạt đến độ phổ cập, hoàn mỹ nhất. Song, nó vẫn giữ được bản sắc riêng của từng vùng, từng miền, từng dân tộc. Qua đó ta càng thấy rõ hơn vai trò to lớn của Bác trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân ta. Người đã trở thành nguồn đề tài, cảm hứng vô tận của nhiều ngành nghệ thuật nói chung và ca dao Việt Nam nói riêng.

Bác đã đi vào cõi trường sinh, nhưng mỗi khi đọc những vần thơ của Bác, hay những câu ca dao của dân tộc ta viết về Bác, mỗi chúng ta lại thấy: Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn để rồi Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước/ Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau (Tố Hữu). Và sau cùng, tôi xin phép trích một bài ca dao thời kháng chiến chống Pháp, viết về Bác để kết thúc bài viết nhỏ này như một thông điệp gửi tới bạn đọc gần xa và dâng lên hương hồn Người:

                                                  Cụ Hồ ở giữa lòng dân

                                          Tuy xa, xa lắm, nhưng gần, gần ghê,

                                                Mỗi khi thư Cụ gửi về

                                          Rộn ràng khắp chợ cùng quê đón mừng,

                                                Ai ngoài muôn dặm trùng dương

                                          Cũng thường nhận được tình thương Cụ Hồ.

 

                                                                              LÊ XUÂN

                                                                 (Hội Nhà văn TP.Cần Thơ)