Những ngày tháng Chạp của mẹ

Tháng Chạp là tháng cuối cùng của năm, là tháng cũ mật. Thấy tháng Chạp cũng có nghĩa là Tết sắp theo về rồi. Mỗi bận tháng Chạp nhìn mẹ, tôi rất thương. Thương từ dáng đi tất tả, vội vàng, chân nam đá chân chiêu đến giấc ngủ lúc nào cũng không được đủ đầy.

 Bố tôi mất từ lâu. Một mình mẹ héo mòn, thương nhớ bố và gượng gắng chăm lo cho bốn chị em tôi. Mùa đông miền Bắc thì lúc nào cũng lạnh, và tháng Chạp dường như càng lạnh hơn. Mỗi ban sáng mẹ “hò” bốn chị em dậy, chuẩn bị một chậu nước ấm cho chúng tôi rửa mặt. Chái bếp cũng đã sáng rực lửa tự khi nào, thơm mùi cơm rang với tóp mỡ, hành khô. Tôi đoán có lẽ mẹ đã dậy từ ba, bốn giờ sáng. Mẹ chẳng bao giờ để cho chị em tôi đói trước khi đến trường, dẫu bữa ăn chẳng có gì cao sang ngoài bát cơm rang, củ khoai luộc hay bát cháo đậu đen nóng hổi. Xong, mẹ xuôi về quốc lộ, tới các làng biển đi đong muối rồi ngược lên mạn trên đi bán kiếm lời. Hằn trong trí nhớ của tôi đó có lẽ là công việc nặng nhọc nhất của mẹ. Đi ngược cơn gió bấc, tôi không hình dung nổi hình ảnh một người phụ nữ gầy gò làm sao có thể xoay sở với chiếc xe cà tàng cùng bao muối nặng trịch phía sau?

Tháng Chạp còn hiện lên trong đầu tôi bằng những thửa rau xanh của mẹ. Rau mùa đông còi cọc chẳng chịu lớn vì đất cát khô hanh. Bến nước buổi chiều lạnh cóng, mẹ thả chân trần gánh hai thùng thật to, nhịp nhàng hết chuyến này tới chuyến khác, cần mẫn múc từng gáo nước tưới cho mỗi gốc cây. Rau vườn mẹ đủ đầy các loại từ cải bắp, xu hào, xúp lơ cho tới mùi, hành và tỏi. Mẹ canh vườn rau chạm cuối tháng Chạp thu hoạch rồi mang ra chợ Tết là vừa. Nhưng có năm tháng Chạp hanh khô quá, nước ở dưới bến cạn trơ, vườn rau mẹ còi cọc, cây lớn, cây không. Thế là lại thêm một cái Tết buồn. Thật ra thì chị em tôi sống khổ quen rồi, khổ nữa cũng chẳng thấy sao. Nhưng mẹ thì buồn thấy rõ, khuôn mặt mẹ cảm giác như già đi rất nhiều, ánh mắt mờ đục, và tóc thì sợi trắng chen chúc giữa những sợi đen vô cùng ít ỏi. Mẹ bảo, Tết này nhà mình chịu khó nhé, Tết sau mẹ bù. Mông lung suy nghĩ ngổn ngang, tôi không biết bao giờ gia đình mình khá lên, mẹ bớt khổ và tôi sẽ giúp gì đó cho mẹ cái nghèo trước mắt? Nhưng tôi chỉ là con bé tuổi lên mười hai, mười ba mà thôi.

Tháng Chạp cũng là lúc mùa cấy. Khi bố tôi còn sống, mọi việc như cày bừa, nói chung là việc nặng thì bố làm cho hết. Bố mất rồi, mọi việc đổ dồn lên mẹ. Các bác, chú và cậu cũng chỉ giúp được một chút phần nào đó. Mỗi lúc đi học về, đi ngang qua cánh đồng, nhìn thấy mỗi bóng mẹ lẻ loi, giữa cánh đồng tôi thấy thương mẹ rất nhiều. Mẹ như cánh cò đơn lẻ đang cặm cụi tìm mồi mà giữa không gian bao la bát ngát chẳng biết lúc nào mới đủ. Quê nghèo tháng Chạp hiện ra thật thanh bình, êm ả nhưng phảng phất nổi buồn.

Tháng Chạp có năm trời trở chứng, mưa gió bất thường. Hồi còn ở nhà mái tranh, mỗi bận đầu tháng Chạp mẹ lại đi cắt rạ về đánh phên, bắc thang che chắn lại hết nhà chính, nhà bếp rồi lại chuồng gà, chuồng lợn. Tôi có cảm giác như mọi sự vất vả, nghèo khó đều đổ lên đầu mẹ. Không chỉ riêng gì tháng Chạp mà các tháng khác mẹ cũng đều vất vả, bận rộn. Mẹ đau, mẹ lạnh nhưng mẹ chẳng một lời than vãn. Tôi biết mẹ không muốn làm chị em tôi nhụt chí, nhất là chuyện học hành cuối năm với những bài thi cuối cấp, cuối kỳ. Đêm nằm với mẹ, nghe tiếng thở của mẹ mà tim tôi cũng phập phồng theo. Mong tháng Chạp cứ bình yên, đừng có biến cố gì để mẹ bớt khổ, gia đình bớt xáo trộn.

Mấy chị em tôi mỗi lần tháng Chạp về hạn chế nhắc tới Tết, để mẹ bớt lo nghĩ. Lớn dần lên, may mắn cả bốn chị em đều lương thiện, học được đức tính chịu khó từ mẹ từ những điều nhỏ nhặt nhất. Ngày nghỉ thì mang giỏ đi bắt cua đồng, đi cắt rạ thuê, trồng thêm rau, gánh nước tưới cây. Ai nói gì cũng bỏ ngoài tai.

Chiều nay, lại một mùa tháng Chạp nữa về nhưng mẹ tôi đã không còn ở trên thế gian này nữa rồi. Trong mùa mẹ mất, cũng vào tháng Chạp, khi đó mẹ vẫn nghèo, vẫn khổ. Trong tiềm thức, ngay bên góc ngực trái tim không chỉ riêng tôi mà tất thảy cả bốn chị em vẫn đập rộn ràng với những biết ơn dành trọn cho mẹ, cho những mùa tháng Chạp mà mẹ đã hi sinh.

Tăng Hoàng Phi