Những ngày cuối cùng của Mỹ - Thiệu ở Sài Gòn

Kỷ niệm 45 năm ngày Giải phóng miền Nam (30/4/1975 – 30/4/2020)

NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA MỸ - THIỆU Ở SÀI GÒN

Thắng lợi năm 1975 của cộng sản ở Việt Nam và những hậu quả của nó đối với Hoa Kỳ lập tức được coi là một câu chuyện lịch sử cổ xưa. Nhiều người muốn quên đi. Nhưng vẫn có nhiều người nhớ đời. Và cả hai trường hợp đều dễ hiểu cả…

Ma-tin đích thân về Oa-sinh-tơn sau khi Bắc Việt chiếm Phước Long vào ngày 7-1-1975, mang theo – đề làm sức ép – thư viết tay ủa Ních-xơn trước đây đảm bảo với Thiệu là Hoa Kỳ sẽ trả đũa đối với những đòn tiến công của cộng sản. Song, Ních-xơn đã phải từ chức sáu tháng trước đó rồi. Việc tổng thống G. Pho phản ứng chỉ bằng cách tiếp tục cho máy bay do thám trên không phận miền Bắc, theo nhận xét của Thiệu, quốc hội Mỹ viện trợ bổ sung cho Nam Việt Nam ba trăm triệu đô-la. Song, ngân khoản này chưa được chấp thuận từ đầu năm 1975. Ma-tin kết luận: “Nếu cố gắng bơm thêm sức cho ai đó bằng những bảo đảm mà chính ông cũng không tin được thì chẳng thể nào khuyên giải được Thiệu”.

Báo cáo ảm đạm của viên đại sứ tác động mạnh tới con bệnh đang cần chạy chữa như một lời chẩn đoán sắp chết.

Thiệu chưa hoàn toàn tin như thế, Thiệu vẫn còn một đạo quân 660 nghìn người, có đủ đạn cỡ nhỏ dùng trong hai năm. Lực lượng ấy nhiều hơn số quân Bắc Việt để lại ở miền Nam từ khi ngừng bắn với tỷ lệ 4/1. Đến tháng 1-1975, người ta ước tính là Hà Nội đã giảm mức chênh lệch đó xuống chỉ còn một nửa. Đường mòn Hồ Chí Minh trở thành xa lộ lát đá. Ống dẫn dầu được đặt hầu như dọc suốt đường mòn. Cành lá mọc lại, mái che của rừng rậm giấu kín những gì đang xảy ra dọc đường mòn.

Chỉ trong ít tuần, 150 nghìn quân Bắc Việt Nam đã bí mật và dễ dàng hoàn thành cuộc hành quân trên lộ trình từng có hồi nguy hiểm nhất thế giới. Chiếm được Phước Long, Bắc Việt Nam nắm được cửa ngõ của toàn bộ Nam Việt Nam gồm 44 tỉnh. Đó là một trong những tỉnh rộng nhất nối liền với nửa tá tỉnh cực Nam đông dân cư ở quanh Sài Gòn.

Một nửa số dân Sài Gòn đang ồn ào trước còng khóa chặt của tòa đại sứ. Vẻn vẹn một ngày sau buổi họp tin cậy tại dinh tổng thống. Trần Văn Đôn chỉ còn là một người trong đám đông “đang cố kiếm lối ra nước ngoài”. Đôn ngẫm lại: “Chỉ có một ngày để ra đi, 24 giờ vào năm 1975 so với một năm – thời gian người Pháp đã thu xếp vào năm 1954. Khi đó, chúng tôi có một năm để vào nam hoặc ra bắc. Còn năm 1975 chỉ có một ngày”. Có ai đó kêu to: “Đây là tướng Đôn, cứ theo ông ta! Ông ta có thể đi được. Chắc chắn là ông ta biết lối ra đi”. Thế là Đôn dẫn họ đi từ nhà cao tầng này đến nhà cao tầng kia cho đến khi những người Mỹ chính thức nhận ra viên tướng đó.

Dinh độc lập (Hội trường Thống nhất ngày nay). Ảnh: VT.

Nỗi hoang mang tăng lên khi những người Mỹ tụ họp trên sân thượng mà máy bay lên thẳng không tới. Một lần nữa và ngắn ngủi quân Mỹ trở lại Việt Nam, khi 130 lính thủy đánh bộ có vũ trang ùa ra khỏi chiếc máy bay “hiệp sĩ biển cả” đầu tiên để bảo vệ khu tòa đại sứ, nơi hàng nghìn người Việt Nam đang cố gắng trèo qua cổng. Máy bay lên thẳng này, trong nhiều năm là biểu hiện của tính cơ động chưa từng có, vào lúc ấy chỉ còn đáp được trên nóc tòa đại sứ.

Ph. Xnép kể là các chiếc khác đang nhặt người trên các nóc nhà quanh thành phố. Chính thành phố đang nín thở. Người Việt Nam biết là nếu người Mỹ không đi được thì cũng chẳng ai đi được. Do đó, họ đã đứng sau và để người Mỹ ra đi. Đó là lý do khiến thành phố không sụp đổ trong ngày cuối cùng này.

Hai lính thủy đánh bộ thuộc đội bảo vệ tòa đại sứ đang ở bên bờ khu nhà tùy viên quân sự thì bị một đợt pháo tiến công. Họ chết vì đạn pháo rơi gần. Đó là ngày 29.

Còn những người lái máy bay lên thẳng đã vượt quá sức chịu đựng của mọi cơ thể con người khi họ cố tiếp tục bay tới, bay tới dưới điều kiện xuống rất khó khăn. Thành phố thỉnh thoảng lại bị pháo kích, giống như “bãi đáp nóng bỏng” trong những ngày chiến đấu. Chỉ khác một điều, không phải là quân du kích xông đến mà là các dân thường Việt Nam đang liều mạng ào lên máy bay lên thẳng.

Cuộc di tản trở thành một cuộc giành giật hỗn loạn để đem các người Mỹ đi cùng bất cứ người Việt Nam nào có thể dắt tay lên được. Một nhà báo Nhật đã trách móc dữ dội vì bị người ta hất lên máy bay, đẩy nhanh xuống hạm đội di tản của Hoa Kỳ, từ đó lại qua các trại tị nạn ở Gu-am và phải chờ đợi hàng tuần mới xác minh được lý lịch.

Ngoài biển Đông, hàng tá máy bay lên thẳng không thuộc chương trình di tản đã phải nhào xuống biển dọc theo các tàu hoặc đâm sầm xuống sàn các tàu sân bay khi các người lái Việt Nam không được mời mà đến. Các máy bay trị giá 250 nghìn đô-la bị xô khỏi bông tàu và tờ “Thời báo” miêu tả là chúng bị vứt bỏ “như vỏ hộp bia đã mở” để có chỗ trống dành cho máy bay lên thẳng đến sau.

Những hình ảnh cuối cùng ghi nhận về hai lớp người Sài Gòn là dân nghèo và các viên chức cấp thấp. Cả hai tầng lớp này đều cuống cuồng như nhau, phấp phỏng trước tương lai, hoặc là đổi đời hoặc là mãi mãi chìm đắm theo số phận. Cuộc sống như trong mộng vẫn tiếp diễn tại nhiều nơi trong thành phố. Cứ y như thể các sư đoàn Bắc Việt vẫn còn cách xa hàng trăm dặm như những năm tháng trước đây. Các biểu ngữ vẫn còn khoe chiến thắng quân sự tại tỉnh Long Khánh  mặc dù nơi này đã mất từ lâu. Hương thơm kỳ lạ bốc lên từ các quầy hàng bán thức ăn nóng trước nhà thờ Đức Bà Sài Gòn. Các cô gái chen chúc nhau trước cửa rạp Mi-ni Rex để xem xuất chiếu buổi chiếu cuốn phim Pháp Phố Rum với nữ minh tinh Bri-gít–Bác-đô trong lúc gần đó, các lính thủy đánh bộ Mỹ dùng báng súng nện vào tay những người Việt Nam đang cố trèo vào tòa nhà đại sứ Mỹ.

Ph. Xnép kể: Bên trong tòa đại sứ, tôi thấy các sĩ quan CIA đang tu rượu cô-nhắc. Những người Mỹ cũng đã phá cửa vào kho lương thực đằng sau tòa đại sứ để uống rượu, nốc rượu như thể người ta làm các chuyện tầm phào trong lúc thành Rô-ma đang bốc cháy. Xnép ngồi trên sân thượng tòa đại sứ bên cạnh máy vô tuyến dò các luồng sóng tình báo, vì nó vẫn tiếp tục gọi về từ nhiều nơi khác nhau. Trong ống nghe vang lên tiếng nói các điệp viên, những người làm việc cho CIA bị bỏ rơi tại các địa điểm di tản: “Tôi là Long, tôi đã phục vụ các ông trong nhiều năm, hãy cứu tôi!...” Không có cách nào cứu được họ nữa. Họ đã bị cắt đứt. Không thể với tới nơi của họ. Họ đang gọi về, kêu lên ai oán: “CIA đã bỏ rơi chúng tôi!”. Chính những tiếng ấy qua vô tuyến ngày hôm đó là điều bi thảm nhất của cuộc chiến tranh của Mỹ.

Đại sứ Ma-tin vẫn còn tìm cách toát ra “một không khí ổn định”. Vào cuối buổi chiều, ông ta lái xe về nhà để đem vợ đi. Sổ nhật ký của đội lính thủy đánh bộ bảo vệ cho biết Ma-tin đã ở đây mười một phút, bà vợ ông ta gói ghém một túi xách tay và bước ra. Ông đại sứ không dám thu xếp gì những ngày trước đó, bởi vì điều này sẽ làm cả Sài Gòn biết.

Ph. Xnép vẫn còn thời giờ. Khoảng 5 giờ chiều, vẫn liên hệ với Minh Lớn. Ông ta đang nói: “ Người Mỹ đang rời đi, xin đừng pháo kích Sài Gòn”. Không biết vào thời gian sắp tới, lệnh “san bằng Sài Gòn” của phía bên kia có được thi hành hay không?

Ba phút trôi qua, có một tiếng nổ phía ngoài vòng tường tòa đại sứ khiến Xnép chạy ra ngay cửa sổ. Có một người nào đó đã ném diêm đốt thùng xăng của một trong hàng nghìn chiếc xe bỏ lại ngoài tòa đại sứ. Cuộc pháo kích không xảy ra.

Căn cứ của Mỹ tại Việt Nam bây giờ thu lại chỉ con vỏn vẹn vài chục mét vuông trên nóc tòa đại sứ. Từ nơi này, tia hy vọng tỏa dài xuống lòng cầu thang, chạy dọc khu nhà, đến với biển người ở bên kia cánh cổng. Cứ vài phút một, trong suốt đêm ấy, các máy bay lên thẳng hạ xuống. Và cánh cổng lại mở hé chút xíu để nhận thêm một ít người nữa. Sau đó, dù muốn hay không, nó đột nhiên đóng sầm lại trước đám đông chen chúc trong nỗi đau đớn và hoảng loạn tột cùng. Một ít người đó là tất cả những ai được ưu tiên ra đi.

Nguyễn Cao Kỳ, cựu phó tổng thống, tướng chỉ huy không quân, quyết định là có chống cự thêm cũng vô ích. Kỳ đáp xuống chiếc tàu sân bay Mít-uây. Viên đô đốc của tàu tiếp Kỳ. Ông ta rời khỏi văn phòng cùng với Bộ tham mưu, bỏ mặc Kỳ một mình. Kỳ đứng đó độ 15 hay 20 phút, khóc thúc thít, không sao cầm được nước mắt. Một số khác còn phải khóc suốt đời vì cổng tòa đại sứ Mỹ đã đóng lại, do đám đông chen chúc quá lớn.

Ph. Xnép ra đi với toán CIA cuối cùng vào ngày 30. Chiếc máy bay lên thẳng bốc khỏi nóc tòa đại sứ, người xạ thủ đuôi máy bay đang cúi rạp người trên súng. Chiếc máy bay vòng trên thành phố và trong khoảnh khắc, Ph. Xnép có thể nhìn thấy bóng dáng một trong số các cửa tiệm rượu Mi-ni Bar, một tiệm rượu nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn, nơi biết bao chàng lính Mỹ đã mất sạch cả cơ nghiệp cùng với sự ngây thơ của mình. Và rồi chiếc máy bay quay ngoắt lại, hướng về phía hạm đội di tản. Nó bay qua Biên Hòa đang bốc cháy. Đấy là vị trí quân sự cuối cùng của Sài Gòn. Có thể nhìn thấy phía bên kia Biên Hòa đoàn xe Bắc Việt đèn sáng trưng đang cuốn mình trên đường tiến vào căn cứ.

Đột nhiên Xnép nhìn thấy một vệt sáng bay về phía máy bay. Song viên đạn hụt tầm bay không tới. Và chỉ trong phút chốc, kiến trúc màu xám của một tàu sân bay Mỹ đã bao vây anh ta như một cái kén bằng kim khí khổng lồ.

Đại sứ Ma-tin là viên chức Hoa Kỳ nán lại cuối cùng. 4 giờ 30 chiều 29, ông ta còn ngồi ở bàn giấy, đợi Oa-sinh-tơn trả lời về yêu cầu xin gia hạn di tản thì nhận được lệnh cuối cùng do người lái máy bay lên thẳng trẻ tuổi mang vào buồng làm việc. Bức điện viết nguệch ngoạc trên một mảnh giấy. Điện này đánh từ Nhà trắng, truyền qua ngả đợi đặc nhiệm hải quân, ghi:

“Tổng thống Hoa Kỳ ra lệnh cho đại sứ Ma-tin phải rời đi bằng chiếc máy bay lên thẳng này.”

Vậy phải làm gì đây? Liệu có định đua tranh cùng ngài Nen-xơn với chiếc ống nhòm và nói không lên máy bay? “Trong suốt 35 năm nay, tôi là một viên chức có kỷ luật của chính phủ Hoa Kỳ. Và tôi sẽ không làm hỏng chuyện vào cuối đời mình bằng một hành động bất tuân thượng lệnh. Do đó, tôi bước chân lên máy bay lên thẳng và bay đi”.

Chiếc máy bay gửi tới đón Ma-tin được gọi là “Nhà vô địch lười biếng”. Trong ngày cuối cùng, có khoảng bảy người Mỹ và Việt Nam được đưa đi. Tổng cộng có khoảng 50 nghìn người đã được di tản bằng đường hàng không, kể từ khi Sài Gòn bị vây hãm.

Cảm tưởng của đại sứ Ma-tin đối với sự kết thúc là “thấy nhẹ hẳn người”. Tình cảm của ông ta chắc cũng là của tuyệt đại đa số người Mỹ. Cuối cùng, cuộc chiến tranh dài nhất của Mỹ đã chấm dứt.

Rất giản đơn, số đông người Mỹ nghĩ là họ đã chiến đấu đủ rồi. Giờ đây, họ đứng nhìn với một vẻ bàng quan chán ngắt, có sửng sốt nhưng thật sự không bị hoàn toàn bất ngờ, khi thấy sau mười năm chiến tranh của Mỹ, chỉ trong vòng không đầy mười tuần tất cả đã trở thành vô nghĩa.

Sự sống còn của Sài Gòn được năm chính quyền kế tục nhau suốt hai mươi năm coi như sự sống còn của thế giới tự do. Giờ đây, chỉ trong 55 ngày, lý do tồn tại của chế độ này không còn nữa. Điều mà đa số dân Mỹ đã dần dần nhận thức thấy được hoàn toàn đúng. Nó chỉ là niềm vinh dự được bắt nguồn từ việc được ở lại Nhà Trắng…

Tất cả đã muộn rồi. Tại Sài Gòn, phóng viên của hãng AP là Pi-tơ Ác-nét nghe tin tướng Minh đầu hàng qua đài phát thanh đã chạy sáu tầng cầu thang xuống đường Tự Do nhìn thấy những xe tăng đầu tiên ầm ầm tiến qua cửa khách sạn Ca-ra-ven, theo sau là sáu xe tải chở lính đầu đội mũ sắt. Không có một tiếng súng nào. Và hàng nghìn người Sài Gòn đứng nhìn. Thoạt đầu ngạc nhiên, nhưng chỉ chốc lát, chuyển sang hào hứng cuồng nhiệt. Những giờ và ngày đầu tiên hoàn toàn được chiến tranh khoan miễn: họ hòa vào với bộ đội Hà Nội.

Đến trưa, mọi chuyện đều xong. Trong suốt 13 năm viết về chiến tranh Việt Nam, Pi-tơ Ác-nét không bao giờ nghĩ chuyện đó kết thúc như thế này. Ít ra phải có một cuộc mặc cả về chính trị tương tự như đã xảy ra ở Lào mười năm về trước. Hoặc là một trận đánh kiều Ác-ma-ghê-đông và kết cục là thành phố tan hoang kiểu chiến tranh thế giới thứ hai. Chuyện đầu hàng của Sài Gòn hoàn toàn là điều không ai ngờ tới.

 

Cần Thơ mít tinh kỷ niệm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: VT.

Cộng sản quyết định diễu hành mừng chiến thắng để biểu dương sức mạnh mới của họ. Diễu hành được tổ chức ngày 7-5 tại Sài Gòn, đúng vào dịp kỷ niệm lần thứ 21 ngày Pháp thua trận tại Điện Biên Phủ. Dù sự phán xét về chính trị như thế nào, dù đây là chiến thắng của chủ nghĩa dân tộc có từ lâu đời, lúc bấy giờ Việt Nam trở thành một quốc gia thống nhất. Người Việt Nam ở miền Nam hay ở miền Bắc phải chống lại mọi bất công kéo dài và đã chiến đấu trong trận chiến tranh dài nhất thế kỷ. Và trước đó là cả một thế kỷ bị lệ thuộc nước ngoài. Lịch sử phải đánh giá họ cao nhất về sức chiến đấu ngoan cường và dũng cảm của con người và kết luận rằng không có một tấm gương nào có thể vĩ đại hơn thế về một đất nước nhỏ bé ở châu Á đã một lần nữa lại nổi lên thành một quốc gia lẫy lừng, đó là những sự kiện rành rành liên quan đến một trong những chiến thắng ngoạn mục của lịch sử.

Theo Sở Văn hóa và Thông tin Đồng Tháp_1985