Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122

Notice: Undefined index: id in /var/www/clients/client5/web23/web/source/modules/2.0.0/article/article.php on line 122
Những lời dạy thân tình của Bác Hồ

Những lời dạy thân tình của Bác Hồ

Kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890  - 19/5/2020)

 

NHỮNG LỜI DẠY THÂN TÌNH CỦA BÁC HỒ

 

Những lời Bác dạy đầu tiên

Mùa thu năm 1946, tôi và ba đồng chí nữa1 vinh dự được theo Bác về nước trên chiếc tàu Đuymông Đuếcvin. Tàu này là chiếc tàu chiến đã cũ, chạy lừ đừ chậm chạp. Lúc bấy giờ tình hình trong nước đang căng thẳng ai nấy đều sốt ruột mong về sớm, nhưng giờ đây nghĩ lại, đối với chúng tôi, đó là một dịp may hiếm có để được kéo dài những ngày chung sống với Bác.

Trên chuyến xe lửa từ Pari đi Mácxây, Bác nói:

- Nước ta còn nghèo vì 80 năm bị đế quốc bóc lột, chiếm đóng. Đồng bào Nam bộ giờ đây còn đổ máu. Chúng ta còn gian khổ chiến đấu nhiều chứ chưa được sung sướng ngay đâu. Các chú về nước chính là để phục vụ Tổ quốc, phục vụ đồng bào…

Lên tàu rồi, một hôm Bác dặn:

- Ở nhà không có gì đâu. Nước ta thiếu máy móc, nguyên liệu, thiếu cả thợ lành nghề, tiền của ta lại ít. Song nước ta giàu về rừng núi, sông biển, đồng bào ta giàu quyết tâm, dũng cảm và sáng tạo. Các chú về phải chịu thương, chịu khó làm ăn, đưa những cái đã học ở nước ngoài về áp dụng thiết thực vào trong nước, giúp đỡ và hướng dẫn anh em trong nước cùng làm.

Tôi còn nhớ lúc đi tàu, thỉnh thoảng có những hôm tên đại tá chủ huy tàu tổ chức tập trận giữa biển cả mênh mông, tiếng sung đại bác, sung máy các loại thi nhau gầm thét, khói mịt mù, nước biển tung tóe ngoài khơi. Trong chúng tôi, thoạt tiên cũng có người hồi hộp, nhưng riêng Bác vẫn điềm nhiên, ung dung hút thuốc lá, đứng xem. Bác mỉm cười bảo chúng tôi:

- Đấy, người ta thử kiểm tra tinh thần của các chú. Các chú có sợ không?

Nhân đó, Bác chỉ cho chúng tôi thấy bọn đế quốc thường hay phô trương, khoe khoang về sức mạnh vật chất, còn nhân dân cách mạng tuy nghèo nhưng hàng triệu người đoàn kết thành một khối, có tinh thần dũng cảm và mưu trí, nhất định đánh bại được bọn chúng…

Tại đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi được Bác khen…

Vinh dự đó thuộc về anh em ngành quân giới, trong đó tôi nhờ sự chỉ bảo, dẫn dắt của Bác đã đóng góp một phần.

Những lời dạy của Bác như bức cẩm nang quyết định mọi thắng lợi trong công tác của tôi.

Theo: thiếu tướng Trần Đại Nghĩa

 

“Ít địch nhiều, yếu đánh mạnh”

Vào một đêm mùa thu năm 1948, tại rừng Việt Bắc, Bác rời khỏi lán làm việc ra sân tìm tôi và nói:

- Chú cho tập hợp anh em trong đội tới đây, Bác có ý kiến.

Năm phút sau anh em chúng tôi đã có mặt, chuyện trò rôm rả quay quần quanh Bác. Để cho anh em thoải mái, rồi bác giơ hai tay:

- Các chú trật tự, ngồi xuống, Bác có ý kiến. Mọi người ngồi quanh Bác thành một vòng tròn có đường kính khoảng 4 mét. Bác đứng giữa nói:

- Quân ta còn yếu hơn quân địch. Vì nước Pháp có một nền công nghiệp đã gần 200 năm, còn nước ta là một nước thuộc địa nửa phong kiến với nền nông nghiệp lạc hậu nên không có máy bay, xe bọc thép, sung lớn như quân địch. Muốn đánh thắng địch ta phải vận dụng cách đánh giặc của ông cha ta “ít địch nhiều, yếu đánh mạnh”.

Bác bảo tôi và Kháng2 ngồi vào trong vòng tròn để làm ví dụ.

- Giả dụ chú Trường và chú Kháng ngồi kia là quân địch, Bác là quân ta, như vậy quân địch đông hơn quân ta gấp đôi. Nếu đánh vào phía trước quân địch thì quân ta bị tiêu diệt, chỉ còn cách đánh sau lung, nhưng chỉ đánh một, làm sao cho quân địch không ứng cứu được cho nhau.

Nói đoạn, Bác dùng một thế võ “tấn công” phía sườn phải của tôi, quật tôi ngã ngửa mà anh Kháng ngồi sát bên cạnh cũng không kịp đỡ. Anh em vỗ tay cười khoái trá và tỏ ra hiểu bài.

Đến ví dụ về “yếu đánh mạnh’, Bác cho tôi về chỗ, còn lại anh Kháng là một thanh niên to khỏe, lực lưỡng, rồi Bác nói:

- Bác yếu hơn chú Kháng nhiều, hai người vật nhau, nếu cứ cân sức thì Bác thua, nhưng Bác lợi dụng những chỗ sơ hở của chú Kháng thì Bác sẽ vật ngã chú Kháng. Nói rồi hai tay Bác bá vai anh Kháng. Trong tư thế đô vật, anh Kháng cũng làm theo. Cũng đẩy tới đẩy lui đến hai ba phút, khi anh Kháng bước chân phải lên chống đỡ, Bác liền kéo mạnh rồi bỏ tay khỏi vai anh Kháng mà cầm chân phải lôi mạnh, anh Kháng ngã ngửa, anh em lại được một trận vỗ tay và cười khoái trá.

Theo: Hỗ Vũ

 

Thi đua về lòng yêu nước thì ta thắng

Những hình ảnh Bác Hồ chúng ta biết được đến ngày nay, thường là không thấy Bác mặc comlê, thắt càvạt. Nhớ lại khoảng tháng 10-1945, khi đi thăm tỉnh Thái Bình, Bác gặp một đội viên bảo vệ chân đi giầy ghệt, thắt lung to bản (bấy giờ gọi là xanhtuyarông..) và thắt cả càvạt nữa. Bác dừng lại nói:

- Chú mà cũng thắt cái này à?

Trong Bắc bộ phủ, thấy có một số cán bộ từ chiến khu mới về đã “xúng xính”, Bác nhẹ nhàng:

- Trong các chú ra dáng người thành phố rồi…

Bác bao giờ cũng mong đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, được học hành. Rồi Bác còn mong các cháu có áo đẹp, cụ già có khăn lụa… Bác không bao giờ lấy ý của mình áp đặt người khác, không bắt ai cứ phải theo mình.

Lần sang thăm một nước bạn, một cán bộ ngoại giao xin phép Bác ra phố. Bác bắt cán bộ đó mặc quần áo, thắt càvạt nghiêm chỉnh rồi mới cho phép đi.

Bác nói:

- Đời sống khá hơn thì ăn mặc cũng được khá lên. Nhưng phải tùy cảnh, tùy thời.

“Thời” và “cảnh” năm 1945 là đa số đồng bào ta vừa qua 80 năm bị áp bức nô lệ, qua cơn đói Ất Dậu, vừa bị lụt bão, miếng cơm, củ khoai chưa đủ ăn, áo không đủ mặc. Thế mà các cán bộ - là những đầy tớ của nhân dân, như lời Bác dạy – lại mặc những bộ quần áo sang trọng, đắt tiền, không phải lúc, thì “khó coi”. Khi Bác đi thăm đồng bào nông dân, Bác đi dép, tới ruộng, Bác bỏ dép, xắn quần lội ruộng, tát nước với bà con. Trong khi đó, có anh em cán bộ đi giầy bóng loáng, chỉ có thể đứng trên bờ hỏi thăm.

Báo nhân dân ngày 18-5-1994, có đăng một bài, nội dung tóm tắt như sau:

Chuyện rằng vào khoảng cuối tháng 4-1946, do tình hình thực dân Pháp không chịu từ bỏ ý đồ xâm lược trở lại Việt Nam, để tạo điều kiện, thời gian chuẩn bị kháng chiến, Bác và phái đoàn do Thủ tướng Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, sang thăm Pháp điều đình với Chính phủ Pháp.

Trước ngày ra đi, vẫn thấy Bác làm việc theo đúng thời gian biểu đã định, chẳng thấy Bác “sắm sửa gì”. Trong khi đó, một số cán bộ trong phái đoàn lo tìm hiểu “mốt” Paris, lo may mặc những bộ comlê, sơ mi, càvạt, đóng giầy mới, và có người còn lo khoản nước hoa.

Việc làm ấy của các cán bộ cũng là điều tốt. Nhưng có điều chắc là các “vị” đi hơi xa, hay có thể hơi “ồn ào”, có vẻ như một cuộc thi đua may sắm. Chuyện đó đến tai Bác.

Thương yêu, bình đẳng, nhưng không thể không nhắc nhở, Bác nói:

- Các chú muốn thi đua với Tổng thống, Thủ tướng nước ngoài về ăn mặc thì thua họ thôi. Bác cháu ta thi đua với họ về lòng yêu nước, thương dân thì ta mới thắng.

Theo: Nguyễn Việt Hồng

 

Đời sống của dân quan trọng hơn

Năm 1951, hai nhà quay phim chiến sĩ miền Nam Nguyễn Thế Đoàn, Lê Minh Hiền được tham gia vào đờn cán bộ miền Nam ra Việt Bắc.

Đoàn đã được Bác Hồ tiếp thân mật và tổ chức đón tiếp long trọng tại Văn phòng Chủ tịch nước. Riêng mấy anh em điện ảnh miền Nam còn được Bác mời đến trong một cuộc liên hoan lửa trại đầm ấm. Anh em đề nghị Bác cho phép “quay” một số cảnh làm việc, sinh hoạt của Bác. Bác đồng ý. Với chiếc máy quay phim “cổ lỗ sĩ” và một số mét phim ít ỏi, Lê Minh Hiền đã ghi được một số hình ảnh quý giá – cho đến ngày nay là vô giá – về Bác Hồ.

Bác Hồ tại nơi làm việc.

 

Đồng chí Hiền và đồng chí Đoàn vẫn còn áy náy là Bác mặc quần áo giản dị quá, sợ mang về miền Nam chiếu lên, đồng bào có thể là quá xúc động hoặc là chê trách người quay phim. Đồng chí Đoàn bàn với đồng chí Hiền là đề nghị Bác mặc bộ ka ki đại cán, kiểu Tôn Trung Sơn, bộ độc nhất của Bác để quay “cho đẹp”.

Tưởng Bác đồng ý, nào ngờ Bác nói:

- Bác như thế đấy, có thế nào các chú cứ thế mà quay.

“Thua” keo này, lại bày keo khác. Lâu lâu hai anh em lại “xin” Bác mặc bộ đại cán “cho”. Thấy các nghệ sĩ năn nỉ mãi,  Bác cũng đành mặc “cho’ đôi ba lần, những khi cần thiết… Tổ làm phim còn quay được một số cảnh Bác đánh máy chữ, trồng rau xanh, đi công tác lội suối, cưỡi ngựa. Anh em  còn định xin quay một số cảnh nữa về đời sống hằng ngày của Bác.

Bác nói:

- Thôi! Đời sống của Bác lúc này không quan trọng bằng đời sống của nhân dân.

Theo cuốn: Bác Hồ với chiến sĩ.

(1): Bác sĩ Trần Hữu Tước, kỹ sư luyện kim Võ Quý Huân và kỹ sư mỏ luyện kim Võ Đình Huỳnh.

(2): Đồng chí Hoàng Hữu Kháng.

Trích “Một số lợi dạy và mẫu chuyện về Tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, NXB Chính trị quốc gia, 2007.