Nhân kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam 21-6
NHỮNG CÁI NHẤT TRONG BÁO CHÍ VIỆT NAM
NHÀ BÁO VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
Nhà báo Việt Nam đầu tiên là Trương Vĩnh Ký (1837-1898), tên tự Sỹ Tải, thường gọi Pétrus Ký, quê ở Vĩnh Thành - Tân Minh - Vĩnh Long (nay thuộc Chợ Lách - Bến Tre). Ông là một học giả lớn, thạo 26 ngoại ngữ, tác giả của hơn 100 bộ sách, hàng nghìn bài viết, có chân trong nhiều hội khoa học quốc tế, cống hiến xuất sắc cho các chuyên ngành: văn hóa, ngôn ngữ, địa lý, nhân chủng học… và được người đương thời xếp vào danh sách 18 nhà bác học hàng đầu thế giới! Ông thành lập, làm tổng biên tập những tờ báo tiếng Việt đầu tiên, đồng thời là cây bút chủ chốt của rất nhiều báo khác và được coi là người đặt nền móng cho báo chí quốc ngữ Việt Nam.
NHÀ BÁO CÁCH MẠNG VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
Danh hiệu này thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1969), quê ở Kim Liên - Nam Đàn - Nghệ An. Không những là một lãnh tụ chính trị xuất chúng, anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, Bác Hồ còn là một nhà thơ, nhà tư tưởng lớn và nhà báo cách mạng Việt Nam đầu tiên. Từ tháng 3/1922 lúc còn ở Pháp đến khi về nước tháng 1/1941, Bác đã sáng lập, viết bài, trực tiếp tổ chức, biên tập nội dung, trình bày hình thức và phát hành 8 tờ báo cách mạng tiên phong: Le Paria, Thanh niên, Công nông, Lính cách mệnh, Thân ái, Đỏ, Việt Nam độc lập và Cứu quốc. Sau năm 1941, Bác còn thành lập, chỉ đạo và viết bài cho nhiều tờ báo khác, đồng thời đưa ra các quan điểm, phương pháp báo chí mới mẻ, tiến bộ mà phù hợp với phong trào báo chí cách mạng, báo chí hiện đại quốc tế. Bác thực sự là người khai sinh, thực hiện, định hướng, bảo trợ và phát triển nền báo chí cách mạng Việt Nam.
BÁO ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG CỘNG SẢN
Đó là tờ Tranh đấu, do Trịnh Đình Cửu chỉ đạo biên tập, in bằng tiếng Việt trên giấy sáp tại Quảng Châu (Trung Quốc), dày 4 trang, khuôn khổ 31,5 x 22 cm. Số 1 ra ngày 15/8/1930.
Tranh Đấu – Báo đầu tiên của Dảng Cộng sản. Ảnh: tư liệu
NHÀ BÁO VIỆT NAM ĐẦU TIÊN ĐƯỢC CẤP THẺ BÁO CHÍ LIÊN HỢP QUỐC
Đó là Khuông Việt (1912-1978), tên thật Lý Vĩnh Khuông, các bút hiệu Phong Vũ, Việt Hà, Trần Văn Hai, quê Sóc Trăng. Ông xuất thân từ nghề thư viện, hăng hái tham gia làm báo, viết sách và sớm trở thành cộng tác viên mật thiết của những tờ báo lớn, đồng thời có chân trong nhiều tổ chức chính trị, xã hội. Năm 1948, được Liên đoàn SFIO cử sang Pháp với tư cách nhà báo của Công chúng và đại biểu dự Đại hội lần thứ XL Đảng Xã hội Pháp. Tại đây, ngày 18/9/1948, ông trở thành nhà báo Việt Nam đầu tiên được cấp thẻ báo chí Liên Hợp Quốc.
NỮ TỔNG BIÊN TẬP ĐẦU TIÊN
Kỷ lục trên dành cho nữ sĩ Sương Nguyệt Anh (1864-1922), tên thật là Nguyễn Ngọc Khuê, quê Bến Tre, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Nhận lời mời của các đồng nghiệp, đầu năm 1918 bà lên Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh) làm Tổng Biên tập tờ Nữ giới chung và phụ trách báo này trong suốt thời gian tồn tại của nó.
NỮ TỔNG BIÊN TẬP TRẺ NHẤT
Nhà báo Vũ Kim Hạnh, sinh một 1951, là nữ tổng biên tập trẻ nhất. Năm 1983, chị nhậm chức Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ lúc mới 32 tuổi và giữ cương vị đó liên tục 9 năm.
NGƯỜI ĐẦU TIÊN CÁCH TÂN BÁO CHÍ
Lịch sử báo chí Việt Nam từng chứng kiến nhiều hoạt động cải tổ và những nhà báo cách tân. Người đầu tiên cách tân báo chí Việt Nam là Hoàng Tích Chu (1897-1933), quê Bắc Ninh. Năm 1921, ông bước vào nghề báo, giúp việc cho Nam phong tạp chí. Năm 1923, sang Pháp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí và năm 1927 về nước, dốc sức cải cách báo chí Việt Nam. Thực hiện lối viết mới, gọn gàng, sáng sủa, giàu lượng thông tin, đề cập đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống hàng ngày của số đông dân chúng. Các bài xã luận viết rút ngắn, sắc bén, hàm súc như khẩu hiệu. Những tin, bài quan trọng và sốt dẻo được đưa lên trang đầu. Hình ảnh minh họa chú trọng tính hấp dẫn và ngộ nghĩnh v.v… Ông là chủ bút 4 tờ báo lớn (Khai hóa, Hà thành ngọ báo, Đông Tây, Thời báo), làm đảo lộn quan niệm và phương thức làm báo đương thời, gây tranh luận sôi nổi và cũng hứng chịu nhiều đả kích, song vẫn được đa số bạn đọc hoan nghênh và nhiều nhà báo học theo.
CHỦ TỊCH HỘI NHÀ BÁO VIỆT NAM ĐẦU TIÊN
Ngày 27/12/1945, tại trụ sở Hội Văn hóa cứu quốc ở Hà Nội, gần 100 nhà báo thay mặt báo giới cả nước họp và lập ra Đoàn Báo chí Việt Nam. Ông Nguyễn Tường Phượng (tạp chí Tri tân) được cử giữ chức Chủ tịch, các ông Nguyễn Tấn Gi Trọng (Tổng Giám đốc Nha Thông tin tuyên truyền) và Đỗ Đức Dục (báo Độc lập) làm Phó Chủ tịch, ông Nguyễn Huy Tưởng (nhà văn) làm Tổng Thư ký. Kháng chiến chống Pháp toàn quốc bùng nổ, Đoàn Báo chí Việt Nam đổi tên thành Đoàn Báo chí kháng chiến - tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam và ông Nguyễn Tường Phượng được coi là Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đầu tiên.
NGƯỜI CÓ NHIỀU BÚT DANH NHẤT
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người có nhiều bút danh nhất. Trong hơn 170 tên gọi, bí danh, biệt hiệu… của Bác, có khoảng 100 bút danh báo chí thường dùng.
NGƯỜI SƯU TẬP BÁO CHÍ NHIỀU NHẤT
Danh hiệu này thuộc về nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Thanh Phương, quê Cà Mau. Khi 15 tuổi, ông tập kết ra Bắc. Học xong tú tài, theo nghề báo, làm việc cho một số tờ báo lớn. Trước năm 1967, công tác tại Ban miền Nam của báo Nhân dân, để phục vụ nghiên cứu và làm báo, đã thu thập tư liệu viết về miền Nam bằng cách chọn lọc, cắt ra những bài báo, lưu giữ, phân loại theo từng chủ đề: thiên nhiên, con người, văn hóa, ẩm thực, cải lương Nam Bộ… Dần dà, đó trở thành niềm say mê, khiến không chỉ sưu tập những bài báo về miền Nam mà sưu tập tất cả các thể loại, vấn đề: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học, nghệ thuật, động vật, thực vật… Với mỗi đề tài, sau khi cắt các bài viết ra từ báo, sẽ để chung dưới một tập bìa. Hàng tháng, lấy những bài báo này, sắp xếp chúng theo trình tự, chủ đề, thể loại… rồi đóng thành từng tập riêng biệt. Đến nay, ông đã có được bộ tư liệu đồ sộ với hơn 200 tập về đủ mọi lĩnh vực.
NGƯỜI SƯU TẬP BÁO ẢNH NHIỀU NHẤT
Kỷ lục trên dành cho ông Lê Ngọc Hà ở Hà Nội. Ông đã sưu tập và giữ gìn được đủ bộ Báo ảnh Việt Nam với hơn 400 số - từ số 1 ra ngày 15/10/1954 đến số cuối năm 1989.
NGƯỜI SƯU TẬP BÁO THỂ THAO NHIỀU NHẤT
Đó là nhà thể thao kỳ cựu Phan Đăng Ngươn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Ông đã sưu tập được khoảng 3.000 tờ báo thể thao các loại trong và ngoài nước, phát hành từ trước và sau năm 1975 (những tờ báo thể thao ở miền Nam trước năm 1975 là do hai nhà thể thao quá cố Phan Như Mỹ và Nguyễn Ang Ca góp vào).
PHÁT THANH VIÊN LÂU NĂM NHẤT
Danh hiệu này thuộc về ông Trần Phương ở Hà Nội. Trước lúc nghỉ hưu năm 1990, ông từng trải qua 34 năm liên tục là người đọc tin, bài trên Đài Tiếng nói Việt Nam.
BÌNH LUẬN VIÊN BÓNG ĐÁTRÊN ĐÀI PHÁT THANH LÂU NĂM NHẤT
Kỷ lục này dành cho anh Huyền Vũ, bình luận viên bóng đá trên Đài Phát thanh Sài Gòn trong những năm 1955-1975. Giọng tường thuật lưu loát và lối diễn đạt rất sinh động, đầy ấn tượng của anh được hàng triệu thính giả miền Nam ngưỡng mộ.
NHÀ BÁO VÀ TỜ BÁO TỔ CHỨC THI VIẾT TIỂU THUYẾT ĐẦU TIÊN
Cuộc thi viết tiểu thuyết đầu tiên trong lịch sử văn học Việt Nam mang tên “Quốc âm thí cuộc” được nhà báo chủ bút Trần Chánh Chiếu khởi xướng trên tờ Nông cổ mín đàm số 262 ra ngày 23/10/1906. Thể lệ cuộc thi rất chi tiết: hướng dẫn cách viết tiểu thuyết, cách nộp đơn, thời gian nộp tác phẩm, phương thức gửi tác phẩm dự thi qua đường bưu điện; tác phẩm gửi dự thi dù được giải hay không báo sẽ đều không gửi trả lại; giải nhất được thưởng 100 đồng, các tác phẩm vào chung kết sẽ được cấp giấy chứng nhận và báo sẽ đăng toàn bộ nội dung. Kết quả cuối cùng công bố trên số báo 280 ra ngày 5/3/1907 với một tác phẩm dự thi duy nhất là Lương Hoa truyện của Nguyễn Khánh Nhương. Ban Tổ chức đã thưởng cho tác giả 25 viên bạc và 1 năm báo nhật trình, đồng thời chia kỳ đăng liên tục Lương Hoa truyện trên báo Nông cổ mín đàm.
BÁO TIẾNG VIỆT ĐẦU TIÊN
Khai sinh sớm nhất trong làng báo quốc ngữ Việt Nam là Gia Định báo. Tờ báo tổng hợp này do Trương Vĩnh Ký khởi xướng và làm Chủ nhiệm, có khuôn khổ 32 x 25 cm, ra hàng tuần tại Sài Gòn và tồn tại suốt 44 năm sau khi phát hành số đầu vào ngày 15/4/1865.
BÁO TIẾNG VIỆT ĐẦU TIÊN CỦA TƯ NHÂN
Nguyệt san Thông loại khóa trình (Miscellanées ou Lectures Instructives - báo kiểu sách đọc thêm, giải trí mang mục đích giáo dục) cũng do Trương Vĩnh Ký chủ trì, khuôn khổ 23,5 x 16 cm, phát hành hàng tháng tại miền Nam, là tờ báo quốc ngữ tư nhân đầu tiên. Số 1 ra tháng 5/1888 và số cuối cùng tháng 10/1989.
BÁO SONG NGỮ ĐẦU TIÊN
Đại Việt tân báo xuất bản hàng tuần tại Hà Nội do Ernest Babut làm Chủ nhiệm, Hàn Thái Dương làm Chủ bút, khuôn khổ 41 x 29 cm, với hai phần (mỗi phần 16 trang): một bên là chữ quốc ngữ Việt Nam, bên kia là chữ Hán, trở thành tờ báo song ngữ đầu tiên. Số 1 phát hành ngày 7/5/1905; đình bản cuối năm 1908.
BÁO CÁCH MẠNG ĐẦU TIÊN
Tuần báo Thanh niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập rồi trực tiếp chỉ đạo, trở thành cơ quan ngôn luận trung ương của Tổng bộ Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí hội, là tờ báo cách mạng đầu tiên. Khuôn khổ 19 x 13 cm, in bằng tiếng Việt trên giấy sáp tại Quảng Châu (Trung Quốc), số báo thứ nhất xuất bản ngày 21/6/1925 và ngày đó sau này được vinh dự chọn làm Ngày Báo chí Việt Nam.
BÁO KHOA HỌC ĐẦU TIÊN
Khoa học tạp chí ra đời tại Sài Gòn, do Trần Văn Đôn khởi xướng và làm Giám đốc, Bùi Quang Chiêu làm Chủ bút, khuôn khổ 23,5 x 15,5 cm, phát hành thứ Năm hàng tuần, là tờ báo đầu tiên chuyên về lĩnh vực khoa học. Số 1 phát hành ngày 8/6/1923; đình bản tháng 5/1926 (sau số 156).
BÁO KINH TẾ ĐẦU TIÊN
Nông cổ mín đàm (Ngồi uống trà bàn chuyện làm ruộng và đi buôn) do Paul Canavaggio làm Chủ nhiệm, dày 8 trang, khuôn khổ 30 x 20 cm, xuất bản thứ Năm hàng tuần (sau tăng lên mỗi tuần 3 kỳ) tại Sài Gòn là tờ báo kinh tế đầu tiên với số báo thứ nhất ra ngày 1/8/1901, đình bản ngày 4/11/1921.
BÁO PHÁP LUẬT ĐẦU TIÊN
Kỷ lục này dành cho tờ Pháp luật cố vấn, xuất bản hàng tuần tại Chợ Lớn (nay thuộc Thành phố Hồ Chí Minh), do Nguyễn Văn Hiếu làm Chủ nhiệm, Lê Văn Nhơn làm Quản lý, chuyên đăng những bài có liên quan đến pháp luật như vấn đề thừa kế, hôn nhân, tranh chấp nhà đất… Số 1 phát hành ngày 17/12/1938; đình bản ngày 16/12/1939 (sau số 23), nhưng đến ngày 18/5/1940 lại tục bản số 1 mới, số 2 mới thì ra tháng 7/1940.
BÁO VĂN HỌC ĐẦU TIÊN
Đó là tờ An Nam tạp chí, do nhà thơ Tản Đà (Nguyễn Khắc Hiếu) sáng lập và làm Giám đốc, Ngô Thúc Địch làm Quản lý, xuất bản tại Hà Nội. Số 1 ra ngày 1/7/1926; đình bản và tái xuất nhiều lần, đình bản vĩnh viễn năm 1931.
An Nam Tạp Chí – Báo văn học đầu tiên. Ảnh: tư liệu
BÁO TÔN GIÁO ĐẦU TIÊN
Nam Kỳ địa phận (La Semaine Religieuse) là cơ quan ngôn luận của Giáo hội Thiên Chúa ở Nam Kỳ, dày 16 trang, khuôn khổ 25 x 16 cm, phát hành thứ Năm hàng tuần ở miền Nam, trở thành tờ báo Thiên Chúa giáo đầu tiên và cũng là tờ báo tôn giáo đầu tiên. Số báo thứ nhất ra ngày 26/11/1908; đình bản ngày 1/3/1945 (sau số 1849).
BÁO HÀI HƯỚC ĐẦU TIÊN
So với những lĩnh vực khác, báo chí trào phúng ít hơn và ra đời muộn hơn. Tờ báo hài hước đầu tiên của Việt Nam mang tên Duy tân, do Nguyễn Đình Thấu làm Chủ nhiệm kiêm Quản lý, dày 4 trang, khuôn khổ 30 x 22 cm, xuất bản hàng tuần tại Hà Nội với số báo thứ nhất ra ngày 28/6/1931 và số cuối cùng (số 21) ngày 15/11/1931.
BÁO PHỤ NỮ ĐẦU TIÊN
Nữ giới chung (Tiếng chuông của nữ giới) phát hành vào thứ Sáu hàng tuần tại Sài Gòn do Henri Blaquière làm Chủ nhiệm, Sương Nguyệt Anh làm Chủ bút, dày 18 trang, khuôn khổ 41 x 29 cm, là tờ báo đầu tiên chuyên về phụ nữ. Số 1 ra ngày 1/2/1918; phải đình bản ngày 19/7/1918 (sau số 22) và biến thành một tờ báo khác (Đèn nhà nam), nhưng cũng chỉ ra tiếp được 5 số rồi đình bản vĩnh viễn đầu năm 1919.
BÁO THIẾU NIÊN NHI ĐỒNG ĐẦU TIÊN
Cậu ấm Cô chiêu do nhà văn Thái Phỉ (Nguyễn Đức Phong) sáng lập và làm Quản lý, xuất bản hàng tuần tại Hà Nội, dày 20 trang, khuôn khổ 29 x 19 cm, là tờ báo đầu tiên dành cho đối tượng thiếu niên nhi đồng. Số báo thứ nhất ra ngày 8/5/1935; đình bản tháng 11/1937.
NHẬT BÁO TIẾNG VIỆT ĐẦU TIÊN
Gần 4 năm sau khi thành lập, tờ Trung Bắc tân văn (chính nhánh của tờ Lục tỉnh tân văn - một tuần báo ra đời từ năm 1907 do Schneider làm Chủ nhiệm, xuất bản tại miền Nam) ở miền Bắc, miền Trung tăng tần số phát hành và trở thành nhật báo (báo ra hàng ngày) đầu tiên vì từ tháng 1/1919, mỗi ngày báo xuất bản một số mới, khuôn khổ 60,5 x 40,5 cm.
NHẬT BÁO NGOẠI NGỮ ĐẦU TIÊN
Đó là báo L'Opinion (Dư luận), do Lucien Héloury sáng lập và làm Chủ nhiệm, xuất bản hàng ngày bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn. Số 1 ra năm 1899; đình bản năm 1934.
TUẦN BÁO ĐẦU TIÊN
Danh hiệu trên thuộc về tờ Nhựt trình Nam Kỳ (Le Journal de Cochinchine), phát hành ở miền Nam thứ Năm hàng tuần bằng tiếng Việt và tiếng Pháp. Báo tồn tại không lâu (chỉ được 4 kỳ): số thứ nhất ra ngày 1/1/1883 và số cuối cùng ngày 22/1/1883.
BÁO ĐỊA PHƯƠNG ĐẦU TIÊN
Tờ báo địa phương đầu tiên ở Việt Nam ra đời rất sớm, nhưng lại bằng tiếng Pháp: Le Courrier de Saigon (Sài Gòn thư tín), do Gaston Amelot làm Chủ bút kiêm Quản lý, xuất bản tại Sài Gòn ban đầu mỗi tuần 2 kỳ, với số 1 phát hành ngày 1/1/1864.
BÁO TẾT ĐẶC BIỆT ĐẦU TIÊN
Đầu năm 1918, tờ Nam phong tạp chí (do Phạm Quỳnh làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, xuất bản tại Hà Nội) với ấn phẩm đặc biệt ghi ngoài bìa “Số Tết 1918” đã trở thành tờ báo đầu tiên mở màn cho truyền thống làm báo Tết (báo Xuân) trong làng báo Việt Nam.
BÁO ĐIỆN TỬ ĐẦU TIÊN
Vào đêm Giao thừa 29 Tết Đinh Sửu 6/2/1997, tại trụ sở tạp chí Quê hương - cơ quan ngôn luận của Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài trực thuộc Bộ Ngoại giao - ở 32 Bà Triệu (Hà Nội), tạp chí Quê hương điện tử được chính thức bấm nút, kết nối mạng Internet, trở thành báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
NHẬT BÁO ĐIỆN TỬ ĐẦU TIÊN
Vào lúc 15 giờ Việt Nam (tức 8 giờ GMT) ngày Chủ nhật 21/6/1998, tại trụ sở báo Nhân dân ở 71 Hàng Trống (Hà Nội), báo Nhân dân điện tử phát hành số 1, trở thành nhật báo điện tử đầu tiên của Việt Nam.
BÁO CHUYÊN QUẢNG CÁO ĐẦU TIÊN
Kỷ lục trên thuộc về tờ Quảng cáo báo, khuôn khổ 50 x 32,5 cm, xuất bản tại Hải Phòng và Hà Nội mỗi tháng 2 kỳ, do anh em nhà Mazière làm Chủ nhiệm, Đỗ Thúc Trân làm Quản lý. Số 1 ra ngày 16/4/1933, đến số 8 (ngày 16/9/1933) thì đổi tên thành Doanh nghiệp và đình bản ngày 21/9/1933 (sau số 9).
BÁO PHÁT KHÔNG ĐẦU TIÊN
Ngay số thứ nhất phát hành ngày 1/7/1930, nhật báo Phổ thông - khuôn khổ 61 x 45 cm, do Đặng Nguyên Quang làm Quản lý, chuyên đăng tin tức mọi mặt và những vấn đề tổng hợp, tản mạn - đã biếu tặng bạn đọc cả 10.000 tờ để làm quen, trở thành báo phát không đầu tiên.
BÁO ĐẦU TIÊN CỦA NGƯỜI VIỆT YÊU NƯỚC XUẤT BẢN Ở NƯỚC NGOÀI
Danh hiệu trên dành cho báo Le Paria (Người cùng khổ) - cơ quan ngôn luận của Hội Liên hiệp Thuộc địa - do Nguyễn Ái Quốc sáng lập và làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, xuất bản tại Paris (Pháp); mỗi số in khoảng 1.000-5.000 tờ, một nửa lưu hành ở Pháp, nửa còn lại gửi tới các thuộc địa của Pháp ở châu Phi và Đông Dương. Số 1 ra ngày 1/4/1922; đình bản tháng 4/1926 (sau số 38).
BÁO VIỆT NAM ĐẦU TIÊN PHÁT HÀNH Ở CHÂU ÂU
Từ tháng 4/2000, một số báo chí Việt Nam được trực tiếp in và phát hành tại châu Âu với báo thực hiện thí điểm đầu tiên là tờ Le Courrier du Vietnam - tờ báo duy nhất xuất bản hàng ngày tại Việt Nam bằng tiếng Pháp - của Thông tấn xã Việt Nam.
BÁO DUY NHẤT CÓ MỤC LỤC XẾP THEO TỪ KHÓA
Giữ danh hiệu này là tạp chí Thuốc & Sức khỏe của Hội Dược học Việt Nam, xuất bản tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hàng năm, đều làm tổng mục lục cả năm nhưng không xếp theo tên các bài viết mà theo từ khóa, giúp bạn đọc tra cứu rất thuận tiện - dò theo từ khóa, dễ xác định được số thứ tự của tạp chí và trang có bài viết cần tìm.
TUẦN BÁO TRI THỨC TỔNG HỢP DUY NHẤT
Tạp chí Thế giới mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo ra đời tháng 8/1990, từ tháng 4/1994 phát hành hàng tuần tại Thành phố Hồ Chí Minh và đình bản từ năm 2013, là tuần báo tri thức tổng hợp duy nhất. Cũng có một số tờ báo tri thức tổng hợp khác, nhưng đều là loại xuất bản mỗi tuần vài kỳ hoặc mỗi tháng 1 kỳ (nguyệt san), 2 kỳ (bán nguyệt san), 3 kỳ.
TÊN BÁO NGẮN NHẤT, DÀI NHẤT
Tuần báo Em do Nguyễn Minh Nguyệt làm Chủ nhiệm, Dương Tử Giang làm Chủ bút xuất bản tại Sài Gòn giữa năm 1948 (từ ngày 7/4 đến 26/6), là tờ báo có tên ngắn nhất vì chỉ gồm 2 chữ cái, không dấu. Kỷ lục ngược lại thuộc về tạp chí L’Association Amicale du Personnel Indigène des Postes, des Télégraphes et des Téléphones au Tonkin (Cơ quan của Hội Ái hữu những người bản xứ làm trong ngành bưu điện, điện thoại và điện báo ở Bắc Kỳ) do Nguyễn Văn Cơ làm Quản lý, khuôn khổ 25 x 15 cm, xuất bản tại Hà Nội 6 tháng 1 kỳ bằng cả hai thứ tiếng Pháp và Việt, trong những năm 1925-1941, là tờ báo có tên dài nhất vì gồm tới 84 chữ cái, 7 dấu.
KHUÔN KHỔ BÁO IN NHỎ NHẤT, LỚN NHẤT
Tờ Lao tù tạp chí do Chi bộ Đảng Cộng sản ở Nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) bí mật thực hiện (Trường Chinh phụ trách, Phiếm Chu biên tập, trình bày…). viết bằng mực tím, dày 14 trang, chỉ ra được 3 số vào năm 1932 (số đầu tiên ra ngày 4/1) thì bị địch phát hiện và ngăn cấm, là tờ báo nhỏ nhất với kích thước vẻn vẹn 10 x 7,8 cm. Còn khuôn khổ lớn nhất là nhật báo Người Việt do Nguyễn Quang làm Chủ nhiệm, phát hành tại Sài Gòn giữa năm 1971 (ra được 5 số từ ngày 20/7 đến 24/7), với kích cỡ rộng tới 84 x 49 cm.
PHÓNG SỰ TRÊN BÁO ĐẦU TIÊN
Năm 1932, tờ Ngọ báo (do Bùi Xuân Học thành lập, khuôn khổ 61 x 45 cm, phát hành ở miền Bắc những năm 1927-1936) đã khởi đăng thiên phóng sự nổi tiếng nhan đề Tôi kéo xe của nhà báo Tam Lang (Vũ Đình Chí), mở đầu cho thể loại phóng sự trong làng báo Việt Nam.
CHUYÊN MỤC TRÊN BÁO IN ĐƯỢC BẠN ĐỌC THAM GIA NHIỀU NHẤT
Danh hiệu này thuộc về chuyên mục đố vui “Cái gì đây” trên báo Tuổi trẻ cười. Được mở từ năm 1984 cùng với sự ra đời của báo, ngay trong tháng đầu tiên, chuyên mục đã thu hút hơn 8.000 bạn đọc gửi thư tới trả lời.
BÁO CÓ HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP ĐÔNG NHẤT
Đó là tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống của Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, xuất bản từ năm 1994, với Hội đồng Biên tập luôn không dưới 15 người.
BÁO SỬ DỤNG CAO NHẤT TỶ LỆ BÀI GỬI CỦA CỘNG TÁC VIÊN VÀ BẠN ĐỌC TRONG NĂM
Không chỉ là báo in có chuyên mục được bạn đọc tham gia nhiều nhất, Tuổi trẻ cười còn là tờ báo từng sử dụng cao nhất bài gửi của cộng tác viên và bạn đọc trong một năm (tính theo tỷ lệ). Năm 1985, trong tổng cộng 856 tranh ảnh vui mà cộng tác viên và bạn đọc gửi tới, báo đã chọn đăng tới 685 bức - chiếm tỷ lệ 80%.
CUỘC BÚT CHIẾN TRÊN BÁO ĐẦU TIÊN
Tờ Hữu thanh tạp chí của Hội Tương tế Thương mại và Kỹ nghệ Bắc Kỳ, do nhà thơ Tản Đà và cụ nghè Ngô Đức Kế phụ trách, khuôn khổ 37 x 19 cm, xuất bản tại Hà Nội những năm 1921-1927, là nơi xảy ra cuộc bút chiến (tranh luận gay gắt với người có quan điểm đối lập) đầu tiên trên báo chí. Ngày 1/9/1924, tờ này đăng bài Luận về chánh học cùng tà thuyết của Ngô Đức Kế, mở màn cuộc bút chiến về Truyện Kiều với Phạm Quỳnh.
TRANG QUẢNG CÁO TRÊN BÁO SỚM NHẤT
Khó có thể biết chính xác mẩu quảng cáo đầu tiên xuất hiện khi nào trong lịch sử báo chí Việt Nam, nhưng chắc chắn trang quảng cáo sớm nhất ra mắt đầu năm 1882. Ở số báo đầu tiên của năm 1882, Gia Định báo dành toàn bộ trang cuối để đăng quảng cáo cho Nhà thuốc Pharmacie Reynaud. Từ đó, quảng cáo trở thành một trang cố định, xuất hiện thường kỳ trên Gia Định báo và hoạt động quảng cáo cũng dần phổ biến ở nhiều báo khác.
TRANG QUẢNG CÁO TRÊN BÁO LỚN NHẤT
Kỷ lục này dành cho trang quảng cáo của Công ty Bảo Minh được đăng trên 2 trang lớn liền nhau và thêm 1 trang nữa mặt sau báo Lao động số ra cuối năm 2000, với các dòng quảng cáo minh họa: “Nghĩ lớn” và “Đã lớn càng lớn hơn”.
BÁO TỒN TẠI NGẮN NHẤT, LÂU NHẤT
Trong lịch sử báo chí Việt Nam, có những tờ tồn tại rất ngắn: chỉ xuất bản một số rồi đình bản vĩnh viễn; sớm nhất là báo Le Nha que (Nhà quê) - diễn đàn của thanh niên, do Nguyễn Khánh Toàn làm Chủ nhiệm, in bằng tiếng Pháp tại Sài Gòn, khuôn khổ 62 x 44 cm - chỉ ra được đúng 1 số vào ngày 11/2/1926 rồi bị chính quyền thực dân cấm hẳn. Ngược lại, có nhiều tờ tồn tại liên tục mấy chục năm - điển hình là báo Lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: suốt từ khi ra số đầu vào ngày 20/7/1946, báo liên tục phát triển, ngày nay vẫn đang lớn mạnh và được bạn đọc cả nước mến mộ.
BÁO PHÁT HÀNH MỖI KỲ NHIỀU NHẤT, ÍT NHẤT
Chưa báo, tạo chí, tập san, bản tin… Việt Nam nào vượt được kỷ lục về số lượng phát hành mỗi kỳ của chuyên đề An ninh Thế giới (thuộc Bộ Công an) hiện nay: ra đời từ năm 1996 tại Hà Nội, xuất bản hàng tuần không dưới 500.000 (nửa triệu) tờ (mỗi tuần 2 kỳ vào thứ Tư và thứ Bảy, ngoài ra mỗi tháng còn thêm số giữa tháng và số cuối tháng). Hoàn toàn ngược lại, có số lượng phát hành ít nhất là tạp chí Văn nghệ Thái Nguyên (thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên), xuất bản hàng tháng tại Thái Nguyên, có thời trung bình mỗi kỳ chỉ 100 tờ (hiện nay đã có những bước tiến vượt bậc, ra mỗi tháng 2 kỳ, mỗi kỳ gần 4.000 tờ).
BÁO CÓ SỐ TRANG NHIỀU NHẤT
Đó là tập san Sử - Địa của Đại học Sư phạm Sài Gòn, do Nguyễn Nhã làm Chủ nhiệm, Mai Chưởng Đức làm Quản lý, xuất bản 3 tháng 1 kỳ, tất cả được 29 số, phát hành ở miền Nam những năm 1966-1975, Số “mỏng” nhất cũng là 172 trang, số “dày” nhất (số cuối cùng, ra trong quý I/1975, với chủ đề Đặc khảo về Hoàng Sa và Trường Sa) lên tới 350 trang.
BÁO IN BẰNG NHIỀU THỨ TIẾNG DÂN TỘC VIỆT NAM NHẤT
Báo được in bằng nhiều thứ tiếng dân tộc Việt Nam nhất là tờ bản tin Dân tộc & Miền núi của Thông tấn xã Việt Nam, khuôn khổ 27 x 19 cm, xuất bản hàng tháng từ năm 1991, bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Bana, Êđê, Giarai và Khơme.
BÁO IN BẰNG NHIỀU NGOẠI NGỮ NHẤT
Kỷ lục trên thuộc về Báo ảnh Việt Nam cũng của Thông tấn xã Việt Nam, ra đời năm 1954, xuất bản hàng tháng, có thời kỳ in bằng 10 thứ tiếng, trong đó gồm tiếng Việt, Khơme và 8 ngoại ngữ: Nga, Anh, Pháp, Trung (Hán, Hoa), Lào, Đức, Tây Ban Nha, Esperanto (Quốc tế ngữ).
BÁO ĐỔI TÊN NHIỀU LẦN NHẤT
Đó là tạp chí Cộng sản - cơ quan lý luận và chính trị của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Số đầu tiên ra ngày 5/8/1930 với tên tạp chí Đỏ, sau đó đổi tên thành: Cộng sản (ngay năm 1930), Bônsêvich (1935), Sinh hoạt nội bộ (1947), Học tập (1955-1976) và Cộng sản (1941, 1943, 1950 và từ 1977 tới nay). Như vậy, tính đến nay, tạp chí Cộng sản đã đổi tên không dưới 4 lần.
BÁO CÓ NHIỀU VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN NHẤT
Kỷ lục này thuộc về tờ Lao động của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Ngoài tòa soạn và trụ sở chính đặt tại Hà Nội, báo còn có 9 văn phòng đại diện ở các tỉnh thành khác dọc theo cả nước: Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Dak Lak, Khánh Hòa, Thành phố Hồ Chí Minh và Cần Thơ.
BÁO IN CÙNG LÚC Ở NHIỀU ĐỊA ĐIỂM NHẤT
Đó là tờ Nhân dân - cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam. Báo được in đồng loạt hàng ngày tại 8 tỉnh thành: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Điện Biên, Nghệ An, Bình Định và Dak Lak.
BÁO BỊ ĐÌNH BẢN ĐẦU TIÊN
Kỷ lục này do một tuần san tư nhân mang tên Phan Yên báo của Chủ bút Diệp Văn Cương gánh chịu. Mới xuất bản tại Sài Gòn số thứ nhất vào tháng 12/1898, đến tháng 2/1899 (sau số 7) đã bị chính quyền cấm hẳn vì dám đăng một số bài chỉ trích công khai chính sách của thực dân Pháp.
BÁO CÓ THỜI GIAN ĐÌNH BẢN LÂU NHẤT
Tác phẩm mới là tạp chí sáng tác, lý luận, phê bình của Hội Nhà văn Việt Nam, phát hành hàng tháng tại Hà Nội, khuôn khổ 27 x 19 cm, số đầu tiên ra ngày 4/3/1969. Năm 1976, tạp chí ngừng xuất bản và đến tháng 10/1989 mới tục bản, trở thành tờ có thời gian đình bản lâu nhất trong làng báo Việt Nam: 13 năm.
BÁO BỊ ĐÌNH BẢN NHIỀU LẦN NHẤT
Danh hiệu khó chịu trên dành cho nhật báo (sau thành tuần báo và bán nguyệt san) Việt dân do Đặng Thúc Liêng (sau là Đặng Công Thắng, Huỳnh Văn Hớn) làm Giám đốc, Nguyễn Kim Đính (sau là Phạm Văn Diêu…) làm Quản lý, phát hành những năm 1933-1937 tại Sài Gòn. Chỉ trong chưa đầy bốn năm rưỡi tồn tại, báo đã bị đình bản tới 4 lần. Ngay trong năm đầu tiên, số 1 phát hành ngày 16/3/1933 thì đến số 13 ngày 1/4/1933 bị đình bản. Tục bản và đánh lại từ số 1 ngày 15/9/1933, đến số 22 ngày 28/7/1934 bị đình bản lần thứ hai. Tục bản ngày 6/12/1934 và đánh lại số 1, đến số 22 tháng 6/1935 bị đình bản lần thứ ba. Tục bản và đánh lại số 1 vào tháng 11/1935, đến số ra ngày 1/9/1937 thì bị đình bản vĩnh viễn.
BẢN TIN PHÁT SÓNG QUỐC TẾ ĐẦU TIÊN
Ngày 15/9/1945, đúng 13 ngày sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, từ Đài Vô tuyến điện Bạch Mai (Hà Nội) phát đi cả nước và toàn thế giới bản tin phát sóng quốc tế đầu tiên. Các bản tin mang ký hiệu viết tắt là VNTTX (Việt Nam Thông tấn xã), VNA (Vietnam News Agency), AVI (Agence Vietnammian d'Information) với nội dung công bố danh sách Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và toàn văn Tuyên ngôn độc lập bằng 3 thứ tiếng Việt - Anh - Pháp, thông báo với thế giới sự chính thức ra đời của nước Việt Nam mới.
ĐÀI PHÁT THANH ĐẦU TIÊN
Kỷ lục trên thuộc về Đài Phát thanh Sài Gòn (Radio Saigon), được xây dựng ở vùng Chí Hòa vào năm 1929, quản lý bởi Công ty Truyền thanh Đông Dương (Sociéte Indochinoise de Radio-diffusion). Đến tháng 6/1930, Đài có chương trình phát thanh mỗi ngày 2 buổi (sáng và chiều). Từ ngày 1/9/1939, phát liên tục từ 6 giờ 30 đến 20 giờ 35, bằng các thứ tiếng Việt, Pháp, Anh, Bắc Kinh và Quảng Đông. Giữa năm 1975, Đài đổi tên thành Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; hiện nay mỗi ngày phát hơn 20 giờ với trên 50 chương trình, qua hai làn sóng AM và FM.
ĐÀI PHÁT THANH PHÁT BẰNG NHIỀU THỨ TIẾNG NHẤT
Danh hiệu này dành cho Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), được thành lập từ ngày 7/9/1945 với trụ sở chính đặt tại 58 Quán Sứ (Hà Nội), nhiều văn phòng đại diện ở các địa phương và nước ngoài. Hiện nay, Đài phát chính thức hoặc bằng 9 thứ tiếng Việt Nam (Việt, Khơme, Mông, Êđê, Giarai, Bana, Cơho, Thái, Xêđăng,) và 11 ngoại ngữ (Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Bắc Kinh, Quảng Đông, Lào, Campuchia, Thái Lan, Indonesia).
CỘT ĂNGTEN PHÁT THANH CAO NHẤT
Đài Tiếng nói Việt Nam còn là đài có cột ăngten phát thanh cao nhất, đặt ở Hà Nội, nặng gần 300 tấn với chiều cao 259 m.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH ĐẦU TIÊN
Đó là Đài Truyền hình Sài Gòn, được xây dựng và hoạt động từ năm 1966, trụ sở đặt tại số 9 đường Hồng Thập Tự (nay là số 9 đường Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh). Ngày 26/4/1966, công binh Hải quân Mỹ và Hãng thầu RMK-BRJ đã khởi công xây dựng trụ phát tuyến và các cơ sở cần thiết. Trụ này cao 92 m, trên chóp lại có một dây trời cao 26 m, tổng cộng là 118 m. Hạ tầng của Đài gồm một tòa nhà thu hình rộng gần 1.000 m2, một phòng phát tuyến rộng khoảng 200 m2 và một nhà máy phát điện rộng 155 m2. Chi phí xây dựng là 640.000 USD (tương đương 75.530.000 đồng Việt Nam khi đó) và các dụng cụ vô tuyến truyền hình trang bị trị giá 650.000 USD (tương đương 77 triệu đồng). Công trình hoàn tất tháng 10/1966 và Đài bắt đầu hoạt động ngày 7/12/1966 trên Kênh 7, phát hình đen trắng… Từ ngày 1/5/1975, Đài đổi tên là Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH ĐI ĐẦU TRONG TIẾN TRÌNH DU NHẬP KỸ THUẬT TRUYỀN HÌNH MÀU
Danh hiệu này dành cho Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh. Tại đây du nhập, sản xuất và sử dụng các chương trình truyền hình màu đầu tiên của Việt Nam - trước hết theo hệ màu NTSC, từ năm 1984 theo hệ SECAM, từ năm 1990 chuyển sang dùng hệ PAL… Đây là nơi phát sóng truyền hình màu đầu tiên với hệ NTSC vào năm 1977 và đã từng bước được bức xạ sớm nhất với công suất 25 kW. Đây cũng là trung tâm giảng dạy, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật truyền hình màu trong giai đoạn đầu của tiến trình du nhập kỹ thuật này vào nước ta.
ĐÀI TRUYỀN HÌNH ĐẦU TIÊN ĐƯA CÔNG NGHỆ TRUYỀN HÌNH SỐ MẶT ĐẤT LÊN SÓNG
Truyền hình kỹ thuật số mặt đất (Digital Video Broadcasting-Terrestrial - DVB-T) là công nghệ truyền hình mới trên thế giới, dù mới được phát minh từ giữa thập niên 1990 nhưng đã phát triển mạnh mẽ và lan rộng khắp nơi. Ở Việt Nam, ngày 3/2/2002, được phép của Chính phủ, Đài Phát thanh & Truyền hình Bình Dương là đài đầu tiên chính thức lên sóng thử nghiệm công nghệ truyền hình số mặt đất. Từ ngày 1/6/2002, Đài này đã nâng số thời gian phát sóng lên cả 24 giờ trong ngày.
THÁP PHÁT SÓNG TRUYỀN HÌNH ĐẶT Ở VỊ TRÍ CAO NHẤT
Kỷ lục trên thuộc về tháp phát sóng truyền hình đặt trên đỉnh núi Tam Đảo (Vĩnh Phúc) ở độ cao 1.250 m [so với mặt nước biển], cộng thêm với chiều cao của thân tháp là 93 m, tất cả cho điểm phát sóng tại đỉnh tháp cao 1.343 m. Tháp được xây dựng năm 1976, nặng 200 tấn và có bán kính phủ sóng 300 km.
TỈNH THÀNH ĐẦU TIÊN TRONG CẢ NƯỚC CÓ ĐÀI PHÁT THANH VÀ TRUYỀN HÌNH RIÊNG BIỆT
Đó là Thành phố Hồ Chí Minh. Trên cơ sở tiền thân là 2 đài riêng biệt (Đài Phát thanh Sài Gòn ra đời năm 1929 và đặt tại vùng Chí Hòa; còn Đài Truyền hình Sài Gòn ra đời năm 1966 và đặt tại quận trung tâm Sài Gòn), từ tháng 5/1975, chính quyền thành phố cho đổi tên và hình thành 2 đài độc lập: Đài Tiếng nói nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh; Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh.
LUẬT BÁO CHÍ ĐẦU TIÊN BAN HÀNH TẠI VIỆT NAM
Ngày 29/7/1881, Quốc hội Pháp thông qua luật báo chí mang tên Đạo luật về Tự do báo chí. Luật này được ban hành ở Nam Kỳ (toàn vùng Nam Bộ ngày nay) là lãnh thổ bảo hộ (thuộc địa) theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 12/9/1881 và được áp dụng từ ngày 22/9/1881, đã có ý nghĩa tiến bộ nhất định, tạo điều kiện pháp lý khá thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của báo chí đương thời ở miền Nam Việt Nam.
LUẬN ÁN TIẾN SĨ ĐẦU TIÊN VỀ BÁO CHÍ
Danh hiệu này dành cho luận án tiến sĩ đệ tam cấp Ban Sử học, nhan đề Lịch sử báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến năm 1930, của nghiên cứu sinh Huỳnh Văn Tòng, được bảo vệ thành công năm 1971 tại Đại học Sorbonne ở Paris (Pháp). Luận án viết theo dạng biên niên về ba giai đoạn phát triển báo chí Việt Nam (những năm 1865-1908, 1908-1918 và 1918-1930).
SÁCH ĐẦU TIÊN VIẾT VỀ BÁO CHÍ VIỆT NAM
Đó là cuốn Chế độ báo giới Nam Kỳ của Diệp Văn Kỳ, xuất bản tại Sài Gòn năm 1938.
TỪ ĐIỂN BÁO CHÍ ĐẦU TIÊN ĐƯỢC DỊCH VÀ BIÊN SOẠN Ở VIỆT NAM
Danh hiệu này thuộc về cuốn Từ điển Báo chí do một nhóm dịch giả là Trịnh Hồ Thị, Hoàng Minh Phương, Minh Lương, Minh Hương, Thẩm Tuyên, Võ Hàn Lam, Nguyễn Dũng dịch và biên soạn, Nhà xuất bản Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 1996. Sách dày 645 trang, khuôn khổ 24 x 16,5cm, giới thiệu những tờ báo trên thế giới (nhưng không có báo Việt Nam) theo các chủ đề: nông nghiệp, kiến trúc đô thị, mỹ thuật, ôtô và môtô, truyện tranh, nghệ thuật làm món ăn, luật và khoa học phổ thông, kinh tế, giáo dục sư phạm, điện tử, địa lý, lịch sử, giải trí, tin học, thông tin tổng quát, ngôn ngữ học, văn học và sân khấu, truyền thông đại chúng, thể thao dưới nước, triết học, nhiếp ảnh, chính trị - tôn giáo, báo chí phụ nữ, báo chí thanh niên, báo chí đàn ông, khoa học và kỹ thuật, xã hội dân tộc học, truyền hình và điện ảnh, thể thao, du lịch, đời sống thực hành. Mỗi báo đều được giới thiệu măngsét, địa chỉ, điện thoại, cơ quan chủ quản, số lượng in, giá tiền và những thông tin về lịch sử hình thành, phát triển của nó.
HỘI BÁO XUÂN ĐƯỢC TỔ CHỨC LẦN ĐẦU TIÊN
Vào Xuân Tân Mùi năm 1991, theo sáng kiến của Nhà văn hóa Việt Nam, lần đầu tiên báo Xuân (báo Tết) trong cả nước được triển lãm tại Hà Nội để phục vụ bạn đọc dịp Tết âm lịch, thu hút hơn 100 đơn vị báo chí trung ương, địa phương tham gia và đông đảo người xem. Dịp này, Hội Nhà báo Việt Nam đã xét giải thưởng trao cho các báo có trình bày bìa đẹp nhất (báo ảnh Đất mũi và báo Tuổi trẻ), nhiều hình ảnh đẹp nhất (báo Hà Nội mới). Sau khi bế mạc, những tờ báo Xuân được đem tặng chiến sĩ ở quần đảo Trường Sa… Từ đó, hội báo Xuân trở thành truyền thống, được tổ chức đều đặn mỗi dịp Tết âm lịch hàng năm với quy mô ngày càng lớn và hoạt động ngày càng đa dạng.
NGHIỆP ĐOÀN BÁO CHÍ ĐẦU TIÊN
Được phép của Toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut, nghiệp đoàn báo chí đầu tiên ở Việt Nam mang tên Nghiệp đoàn Báo chí thuộc địa ra đời ngày 8/9/1917. Trụ sở chính của Nghiệp đoàn đặt tại Sài Gòn và Chủ tịch là Lucien Héloury, Phó Chủ tịch là Nguyễn Văn Của. Nghiệp đoàn được thành lập với mục đích chủ yếu bảo vệ quyền lợi của những người làm báo. Nghiệp đoàn có nhiệm vụ giúp đỡ hội viên nếu họ bị khó khăn, bệnh tật, nợ nần hoặc bị truy tố trước tòa án; đóng vai trò trung gian trong các cuộc hòa giải những hội viên nếu có tranh chấp xảy ra…
TRƯỜNG ĐÀO TẠO CÁN BỘ VIẾT BÁO ĐẦU TIÊN
Trường Huỳnh Thúc Kháng là trường đào tạo cán bộ viết báo đầu tiên của Việt Nam và cũng là trường duy nhất trong thời chống Pháp. Đây là một cơ sở đào tạo ngắn hạn (mỗi khóa khoảng 3 tháng), tuy có số học viên không đông, nhưng khá quy mô về nội dung học và thành phần người tham gia giảng dạy. Ông Đỗ Đức Dục - Phó Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Độc lập - làm Giám đốc; ông Xuân Thủy - Ủy viên Thường trực Tổng bộ Việt Minh, Chủ nhiệm báo Cứu quốc - làm Phó Giám đốc; 3 Ủy viên của Ban Giám đốc là các ông Như Phong, Đồ Phồn và Tú Mỡ. Lớp học tổ chức ở khu rừng Bờ Rạ thuộc tỉnh Thái Nguyên. Khóa đầu khai giảng ngày 4/4/1949, có hơn 42 học viên (với 3 nữ) của các báo trung ương, của quân đội, các ngành, đoàn thể, liên khu… và cả người của ngành thông tin. Đội ngũ giảng dạy đông tới 29 giảng viên. Chương trình khóa học khá nhiều trong thời gian 3 tháng, gồm ba phần: lý thuyết, chuyên môn và thực hành. Về lý thuyết, có các bài khái niệm, lịch sử báo chí, điều kiện của người viết báo và còn có cả tình hình trong nước, thế giới. Về chuyên môn, có các bài dạy làm phóng sự, điều tra, phỏng vấn, xã luận, tiểu thuyết, thơ ca, tùy bút, nhạc, kịch, châm biếm, cách soạn tin, viết tin và có cả bài hướng dẫn cấu tạo một tờ báo, tổ chức tòa soạn, việc in báo, việc phát hành. Còn về thực hành, có việc thi viết các loại văn, phóng sự, điều tra, phỏng vấn. Mỗi tổ học tập trong lớp lập ra tờ báo của tổ mình.
CƠ QUAN CÓ NHIỀU TẠP CHÍ NHẤT
Đó là Viện Khoa Xã hội Việt Nam với trụ sở chính đặt tại Hà Nội, có tất cả không dưới 30 tạp chí chuyên ngành về lĩnh vực khoa học xã hội. Mỗi tạp chí thuộc một viện chuyên ngành hoặc trung tâm tương ứng (ví dụ: tạp chí Nghiên cứu Lịch sử thuộc Viện Sử học, tạp chí Châu Mỹ ngày nay thuộc Viện Nghiên cứu châu Mỹ, tạp chí Địa lý và Nhân văn thuộc Trung tâm Địa lý và Nhân văn…).
CƠ QUAN BÁO CHÍ CÓ NHIỀU BÁO NHẤT
Danh hiệu trên dành cho Thông tấn xã Việt Nam vì cơ quan báo chí này có tới 9 báo khác nhau, xuất bản bằng nhiều ngôn ngữ, gồm: báo tiếng Anh Việt Nam News, báo tiếng Pháp Le Courrier du Vietnam, báo Tin tức, báo Khoa học & Công nghệ, báo Thể thao & Văn hóa, Báo ảnh Việt Nam, bản tin Dân tộc & Miền núi, tạp chí tiếng Anh Việt Nam Law & Legal Forum, tạp chí Chân trời UNESCO.
CƠ QUAN BÁO CHÍ CÓ NHIỀU NHÀ BÁO NHẤT
Thông tấn xã Việt Nam cũng là cơ quan báo chí hiện có nhiều nhà báo nhất với hơn 2.000 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, nhân viên kỹ thuật được mang thẻ nhà báo.
CƠ QUAN BÁO CHÍ CÓ NHIỀU VĂN PHÒNG ĐẠI DIỆN NHẤT
Thông tấn xã Việt Nam còn là cơ quan báo chí có nhiều văn phòng đại diện nhất vì ngoài tổng xã tại Hà Nội, còn có 2 văn phòng đại diện chính tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, 61 phân xã tại các tỉnh thành Việt Nam và 27 phân xã khác ở 5 châu lục trên thế giới.
HÃNG THÔNG TẤN ĐẦU TIÊN VÀ DUY NHẤT
Đó là Thông tấn xã Việt Nam với trụ sở chính đặt tại phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Trước năm 1945, nước ta không có hãng thông tấn, tin tức chủ yếu do các hãng tin của Pháp và phương Tây phát ra, thông qua Sở Tuyên truyền Báo chí của Pháp. Ngay trong Cách mạng tháng Tám, khi vừa tiếp quản Hà Nội, Nha Thông tin thuộc Bộ Tuyên truyền trong Chính phủ lâm thời đã cho lập Việt Nam Thông tấn xã với ngày làm việc đầu tiên vào 23/8/1945 là thu và khai thác tin của AFP ở Sài Gòn và Paris. Đến ngày 15/9/1945, Việt Nam Thông tấn xã đã phát sóng ra thế giới bản tin đầu tiên cùng toàn văn Tuyên ngôn độc lập và chính thức chọn đây làm ngày thành lập. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, bộ phận biệt phái của Việt Nam Thông tấn xã ở Nam Bộ đã đứng ra thành lập Thông tấn xã Giải phóng - cơ quan thông tin chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam - vào ngày 12/10/1960. Sau khi đất nước thống nhất năm 1975, Thông tấn xã Giải phóng hợp nhất với Việt Nam Thông tấn xã. Tới ngày 12/5/1977, Việt Nam Thông tấn xã được đổi tên thành Thông tấn xã Việt Nam theo Nghị quyết số 84 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ đây, Thông tấn xã Việt Nam chính thức là cơ quan sự nghiệp thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng thông tấn nhà nước trong việc phát hành tin, văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước; cung cấp thông tin phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước; thu thập thông tin, phổ biến thông tin bằng các loại hình báo chí phục vụ các đối tượng có nhu cầu trong và ngoài Việt Nam…
Nguyễn Anh Hùng