Nắng tháng tư dẫn tôi về quảng trường Hòa Bình, nơi ngã tư có bùng binh nước, đi vài trăm mét là tới Bến Ninh Kiều. Hàng liễu vẫn nghiêng nghiêng xanh mướt. Nắng trong veo lấp lánh dưới dòng sông. Lại nhớ về cái nắng tháng tư, thời khắc “đổi đời” lịch sử ấy vẫn rộn ràng trong trái tim tôi.
Làm sao quên được, cái nắng tháng tư trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 ấy, nắng gì mà trong suốt như những hạt pha lê nhấp nháy không ngừng, rồi bổng đâu từ cái loa phát thanh hay từ cái đài nào đó vang lên tiếng nói “Đồng bào Cần Thơ thân mến! Đại diện của Ủy ban nhân dân Cách mạng Thành phố Cần Thơ đã tiếp thu Đài Phát thanh Cần Thơ”. Giọng nói ấy trầm ấm mà có sức cuốn hút lạ thường, người và xe đang đi trên đường đều sững lại. Tiếng nói ấy như một lời tuyên bố hùng hồn “Thành phố Cần Thơ kiên cường bất khuất đã được giải phóng”.
Sài Gòn đã được giải phóng! Cần Thơ đã được giải phóng! Miền Nam đã hoàn toàn giải phóng! Tin giải phóng làm rung chuyển hàng triệu trái tim. Đất nước từ nay thống nhất làm một, không gì có thể chia cắt được nữa. Nói sao hết niềm vui. Chỉ biết thét lên, gào lên như một đứa trẻ.
“Đi giữa phố, khóc cười như trẻ nhỏ
Cái giây phút một đời người mới có
Thật đây rồi, vẫn cứ nghĩ như mơ”(1)
Cách mạng về thổi vào cuộc sống luồn gió mới, luồn gió hòa bình, độc lập, tự do, đất nước đã sạch bóng quân thù, chiến tranh dần đi vào dĩ vãng, non sông liền một dải từ địa đầu Móng Cái đến chót mũi Cà Mau. Mọi người cùng chung tay xây dựng đất nước, hàn gắn những mất mát của chiến tranh.
Những ngày trực tiếp tham gia chiến dịch xóa nạn mù chữ, tôi mới hiểu được đằng sau bộ mặt hào nhoáng, sa hoa của thành phố, là những mái nhà tranh lụp xụp, người dân nghèo khổ, thiếu thốn mọi bề, có nơi không có điện, không có nước sạch, người lớn bị mù chữ, trẻ em sống làng thang, không được tới trường. Tôi chợt nghĩ, nếu không có ngày 30 tháng 4 năm 1975 thì không biết cuộc sống của họ sẽ đi về đâu.
Tháng tư, chỉ cần nhắm mặt lại là cả một khoảng trời cảm xúc.
Tôi không còn là cô nữ sinh của 45 năm trước, đi tham gia phong trào bình dân học vụ ở vùng ven nữa, vì bây giờ ở đâu cũng có trường học, đường xá thông thương từ nông thôn đến thành thị, cuộc sống của người dân ngày một khá hơn, vai trò và vị thế Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Tháng tư, dẫu 45 năm trôi qua, tôi vẫn luôn nhắc nhở bản thân không thể vì cuộc sống hiện tại đã no ấm hơn, tiện nghi hơn, mà quên rằng chính đế quốc Mỹ, đã từng dùng vũ khí chiến tranh hiện đại nhất tàn phá đất nước ta, giết hại đồng bào ta. Trên mảnh đất thân yêu, vẫn còn những dấu tích chiến tranh, loại vũ khí giết người hàng loạt như bom B52, bom Napal, mìn Claymore, chất độc màu da cam... của đế quốc Mỹ để lại. Chính đế quốc Mỹ đã khiến hàng ngàn người dân nước Việt phải hy sinh một phần xương máu của mình, có người đã mãi mãi nằm yên dưới lòng đất mẹ.
Nghĩ về tháng tư, nghĩ về một cuộc chiến đã đi qua, tôi cảm thấy trân trọng và tự hào những thành quả có được của nhân dân ta, trong sự nghiệp thực hiện công cuộc đổi mới, tự nhủ phải gìn giữ và phát huy tối đa giá trị tinh thần mà ngày chiến thắng ngày 30 tháng 4 đã mang lại, cùng với nhân dân góp phần công sức, đưa đất nước Việt Nam vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Tháng tư, “Ôi, buổi trưa nay, tuyệt trần nắng đẹp” (2). Tôi thả bộ trên quảng trường Hòa Bình, cái nắng thong thả chạm vào vai. Ừ nhỉ! Mới đó mà đã 45 năm. dẫu tháng tư rồi tháng tư nữa nối tiếp nhau, vẫn là tháng tư của 45 năm trước, ngập tràn tia nắng pha lê, khoảnh khắc “đổi đời” lịch sử không thể nào quên ấy, mãi mãi là điều kỳ diệu trong trái tim tôi./.
Huyền Văn
Ghi chú:
(1) Tác giả Bằng Việt (trong bài Đêm 30/4/1975)
(2) Tác giả Tố Hữu (trong bài Toàn thắng về ta)