Tháng 7, “Nhật ký bên dòng Mekong”

KỶ NIỆM NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SĨ 27/7

 

 

Có một thời, có một lớp thanh niên như thế. Mỗi năm khi tháng 7 về, nghĩa trang nào trên dải chữ S này cũng trắng khói nhang.

 

Vũ Thống Nhất

 

1. “...Sau 39 năm gia đình vẫn cảm nhận được như Văn vẫn lẩn quẩn bên chúng tôi, ngày ba bữa cơm đều có bát đũa mời Văn. Tìm không thấy vật gì đều gọi Văn tìm giúp, mà tìm thấy thật mới lạ chứ…Dù âm dương cách biệt đôi đàng mẹ vẫn thấy bóng hình con trong tim mẹ”

“...mỗi khi thấy bướm vào nhà là mẹ mừng rỡ như con trai về. Ôi con trai của mẹ, cho mẹ bế mẹ bồng...Bố đã chụp cho hai mẹ con nhiều kiểu ảnh…Thế rồi con bay đi mất hút, mẹ ngơ ngẩn đi tìm con mãi mà trưa không ngủ được…”.

Đó là hai đoạn trích trong lá thư “Viết cho con trai” (6.11.2016) của bà Trần Thị Kim Loan. Con trai bà, Lê Quốc Văn, đã nằm xuống cách đây… 32 năm (10.12.1984) khi làm nghĩa vụ quốc tế trên chiến trường Campuchia. Lúc đó, Văn mới tròn 19 tuổi, độ tuổi đẹp nhất, nhiều ước mơ nhất của một đời người.

“Chúc con về âm vui vẻ, nhớ về thăm cha mẹ nhé!”. Có nỗi đau nào xé lòng hơn từ người mẹ già đưa tiễn mái đầu xanh? Vẫn biết niềm tự hào xoa dần nỗi đau. Nhưng rõ ràng còn đó “Nỗi đau lại giấu vào trong nụ cười”. Lòng Mẹ không nguôi ngoai đâu, nó lặn sâu thẳm vào lòng, cứ dằng dặc khắc khoải, mỗi đêm, từng ngày...

 Lá thư này nằm ở phần cuối của cuốn sách “Nhật ký bên dòng Mekong” do chính con bà là tác giả vừa được ra mắt ngay giữa tháng 7.2018. Cuốn sách dày 150 trang, gồm 4 phần: 12 bài thơ, khoảng 30 trang nhật ký, 20 lá thư viết từ chiến trường; hình ảnh, kỷ vật do đồng đội mang từ chiến trường về cho gia đình.

    

Ảnh 1                                                             Ảnh 2

Liệt sĩ Lê Quốc Văn là người con thứ hai, còn chị cả và hai em. Cha mẹ là ông Lê An Ninh (83 tuổi), bà Trần Thị Kim Loan (76 tuổi) đều làm ở Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long trước khi nghỉ hưu. Ông Lê An Ninh là nhà khoa học lớn trong lĩnh vực nông nghiệp, từng được trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học- Công nghệ. Hai người em ruột của ông cũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Tôi có may mắn được đọc cuốn sổ nhật ký bìa cứng màu đỏ sờn góc còn nguyên nét chữ, ký họa…trước khi thành sách. Cuộc đời viết lách cũng được đọc nhiều nhật ký, hồi ký chiến tranh nhưng đây là lần đầu tiếp xúc với những dòng nhật ký của một Liệt sĩ trẻ đến vậy. Lật giở chỉ mấy trang tôi đã thực sự xúc động, cảm nhận chắc chắn được một điều: đây là tư liệu quý, thật đáng trân trọng, cần được phát hành rộng rãi hơn.

Và thật vui, với sự giúp đỡ của Câu lạc bộ thơ Tây Đô, Thi đàn Việt Nam 1000 cuốn “Nhật ký bên dòng Mekong” đã được in trang trọng, giữ nguyên cả cách ghi địa danh của người lính trẻ ra mắt bạn đọc gần xa.

2. Những địa danh, nỗi nhớ thương quê nhà, cha mẹ, người thương, những kỷ niệm buồn vui, đói khổ dọc đường hành quân…hiện dần qua nét chữ nghiêng phải rất “nghệ sĩ”. Từng khổ thơ, từng dòng nhật ký được viết ra tươi trẻ, trong sáng,  lãng mạn; không lên gân, không xếp đặt mà chảy tràn nhiệt huyết bằng  cảm xúc chân thực, “rất đời” của người lính trẻ.

Từ những lá thư

“...hai tháng em luyện tập quân trường là hai tháng bố mẹ đã lo lắng chạy chọt cho con từng đồng bạc, bán cả thóc lúa đi để cho con” (Thư gởi chị Hai, 15.5, Sóc Trăng)

“Chắc có lẽ con không nối được nghiệp cha. Và lúc đó bố sẽ buồn lắm nhỉ. Nhưng còn các em của con…” (Thư viết cho Bố, 2/6/1984, Kampong Chhnang)

“Bây giờ con chỉ đường đi nhé. Từ Ô Môn đón xe đi Châu Đốc, xuống bến xe Châu Đốc đi xe lôi ra bến xe Tân Châu… Số tiền mang theo chừng ba đến bốn ngàn đồng là đủ...Nếu mẹ có đổi tiền thì đổi ở cầu Sài Gòn (Phnom Penh). 100 đồng mình thì được 25 đến 28 đồng tiền họ…Giấy tờ đi qua thì có giấy nghỉ phép, đơn xin thăm con làm nghĩa vụ...” (Kampong Chhnang, 29/8)

Đến những dòng nhật ký

“Ngày hôm nay sao ngoài trời gió đông thổi ầm ầm làm cho dòng sông Mê-kông đang hiền hòa bỗng trở nên hung dữ vô cùng. Tiếng sóng dội vào thành bờ nghe rào rào. Tiếng dòng sông náo động làm lòng ta cũng náo động” (Trang đầu tiên của cuốn nhật ký,  8/9/1984, Kampong Chhnang).

“Mười giờ đêm nhận được tin thằng Huấn - người bạn thân nhất hồi còn ở Tây Đô của mình đã hy sinh trong một trận đánh trả địch tập kích. Một cái tin vô cùng đau đớn và đột ngột đối với mình... Chiến tranh đã cướp đi một người bạn, một người đồng chí. Tao nguyện sẽ trả thù cho mày Huấn ạ. Thôi đành vậy, chúc mày nhắm mắt xuôi tay và tâm hồn thanh thản. Còn tao sẽ tiếp tục đoạn đường mày đi...” (Ngày đau thương, 18/9)

“Đoàn quân lặng lẽ tiến dần từng tí một. 4 giờ sáng dừng chân trên một mỏm đồi kế bên “điểm cao”, muốn ho nhẹ cũng không dám, hút thuốc phải cúi mặt sát đất. Ai nấy nằm lăn ra đất…” (Trong rừng Aoral, 24/9)

Và dòng nhật ký cuối cùng viết ngày 8.12.1984, “Hôm nay được lệnh quay về thung lũng Lá Dâu. Lần theo dấu của con đường cũ, đến 1 giờ dừng chân tại chân núi… đến 4 giờ mới tới đỉnh 800m, quay trở lại lấy nước vì quanh đây không có suối, ăn cơm xong trời vừa tối”.

  

Ảnh 3                                              Ảnh 4

 

 

Hôm sau, lúc 11 giờ, trên đường truy quét trở về bị vướng mìn, một đồng đội hy sinh tại chỗ, Văn bị thương được đưa về cứ nhưng 3 giờ sáng ngày 10.12 thì mất.

Lê Quốc Văn rất giàu tình cảm, sống có mục tiêu, lý tưởng rõ ràng, hiểu rõ (và đã hoàn thành trọn vẹn) trách nhiệm với xã hội, với non sông.

Lê Quốc Văn, một năng khiếu văn chương rất rõ. “Người lính gác xoa tay giết muỗi/Mắt trừng muốn xé màn đêm/Ánh trăng hắt xanh màu súng thép/Đêm về khuya tiếng hạc ngang trời” (Đêm 10/6, Tâm sự người lính gác). “Có Aoral chạy dài theo gió/Bốn mùa mây phủ trời xanh/Ở trong đó có gì huyền thoại...Kampong Chhnang/Ngày nắng lửa mưa rừng/Đêm gác, muỗi đậu bờ mi” (Kampong Chhnang, 5/1984)...

Đặc biệt, tôi đã ngạc nhiên đến ngỡ ngàng bởi sự nhạy cảm, tư duy của chàng thanh niên mới 1 tuổi quân, 19 tuổi đời Lê Quốc Văn. Một ngày của chiến tranh dài bao lâu khi mắt chớp chưa xong đã cướp đi cả đời người? Để thời hậu chiến, biết bao phận người phải vật vã nhớ chồng thương con? Gặp bộ xương trong rừng sâu, anh cứ dằn vặt, tự tra vấn hoài (Anh là ai? Người là ai?) và chia xẻ rất nhân văn, rất tình người, dù họ có ở bên kia chiến tuyến. “Mưa rừng anh đã tắm/Đất rừng anh đã nằm/Lá rừng phủ kín anh/Gió rừng lay giấc mộng/Nếu là đồng đội tôi/Xin nén nhang thắp đỏ/Để tỏ lòng bên nhau/Còn nếu là địch thủ/Cũng xin giấc ngàn năm/Của một người đã chết…” (Nói với bộ xương). Chiến tranh, vấn đề quá lớn của mọi thời đại, được Lê Quốc Văn cảm nhận rất hồn nhiên, chân thực “Chiến tranh là nước mắt/Con người là chiếc khăn/Khăn ta đã thấm ướt/Nước mắt nhiều xót xa”.

Với một tâm hồn nghệ sĩ, tố chất văn chương như vậy, và dòng chữ “NXB Văn hóa” Lê Quốc Văn ghi trong nhật ký càng để lại sự tiếc nuối cho những người viết văn hôm nay.

3. Tôi đem “Nhật ký bên dòng Mekong” tặng Thiếu tướng Trần Văn Niên, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 9, người có 10 năm chiến đấu giúp bạn trên chiến trường Campuchia và kể về người lính trẻ Lê Quốc Văn. Ông ngậm ngùi đón nhận, mãi sau mới thốt nên lời “hồi đó lính mình trẻ lắm…”. Hoàng Viện, người tham gia biên tập cuốn sách còn kể, người lính già đầu bạc, Trung tướng Lê Nam Phong, từng tham gia chiến dịch giải phóng Campuchia đã rơi nước mắt  khi cầm cuốn sổ nhật ký và thì thầm cùng người lính trẻ, “Đất nước này, non sông này và nhân dân nước bạn Campuchia sẽ mãi mãi tri ân các con… Bác thương và nhớ các con vô cùng...Văn à”.

“Nhớ con mẹ đừng buồn tủi/Tiếng pháo giao thừa. Đó tiếng con” (Nhớ mẹ - Lê Quốc Văn). Hôm ra mắt sách, được mời phát biểu, tôi chỉ nhấn mạnh được một điều: Rất mong hai bác luôn giữ sức khỏe để vui vầy với cháu con. Lê Quốc  Văn chắc chắn rất mong điều đó! Hàng năm mỗi khi tháng 7 về, nghĩa trang nào trên dải chữ S  này cũng trắng khói nhang Văn ạ. Thanh thản nha em.

Ảnh 5

 

“Nghĩa trang Ô Môn, nằm sát cạnh ngôi mộ Lê Quốc Văn là mộ của một bạn trẻ đồng trang lứa, con một vị Đại tá sư trưởng”, anh bạn mới quen làm ở Viện lúa ĐBSCL kể vậy. Có một thời, có một lớp thanh niên như thế.  

 

Ảnh:

1. Bìa cuốn sách “Nhật ký bên dòng Mekong”

2. Liệt sĩ Lê Quốc Văn

3. Tác giả và ông Lê An Ninh, cha Liệt sĩ Lê Quốc Văn

4. Bà Trần Thị Kim Loan, mẹ Liệt sĩ Lê Quốc Văn

5. Trang nhật ký cuối cùng của Liệt sĩ Lê Quốc Văn