Nhân Kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đoàn TNCSHCM (26/3/1931 – 26/3/2020), Ban biên tập xin trích giới thiệu đến quý độc giả các tư liệu quý về Thanh niên xung phong:
NHÀ TRUYỀN THỐNG THANH NIÊN XUNG PHONG TOÀN QUỐC
Nhà truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc
Nhà trưng bày truyền thống thanh niên xung phong toàn quốc là nơi mà lịch sử thanh niên xung phong hiện lên tráng liệt nhất, rõ nét nhất, sống động nhất. Gian chính diện có tượng Bác Hồ, đồng chí Trần Phú và cụm tượng bộ đội, thanh niên xung phong. Những câu khẩu hiệu đã từng là lý tưởng cháy bỏng của thanh niên được đăng đầy cả 3 gian phòng lớn.
110 hiện vật gốc, 12 ảnh gốc và 145 hiện vật được phục chế cho người xem thấy cuộc sống lao động, chiến đấu của thanh niên xung phong trên mọi ngả đường với tinh thần: “Tất cả cho tiền tuyến”, “Địch phá một, ta làm mười”. Một cuộc sống sôi động, đầy chất thép mà cũng đầy lãng mạn. Hiện vật gồm đồ đạc sinh hoạt, dụng cụ chiến đấu của thanh niên xung phong: xe bò, xe cút kít, ống nhòm, xắc cốt, bộ đội với nòng pháo cao xạ, công nhân giao thông với máy xúc, máy ủi, những bức ảnh chụp trong giờ chiến đấu, cảnh đời thường và cảnh ca hát của thanh niên xung phong.
Ngày thành lập lực lượng thanh niên xung phong toàn quốc 15-7-1950
Khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta bước vào giai đoạn ác liệt, để chuẩn bị chiến dịch biên giới Cao – Bắc – Lạng, Bác Hồ đã trực tiếp chỉ thị và giao cho Đoàn thanh niên cứu quốc Việt Nam lúc bấy giờ tổ chức đội thanh niên xung phong công tác do Trung ương Đoàn trực tiếp lãnh đạo. Ngày 15-7-1950, thực hiện chỉ thị của Bác, tiểu ban thanh vận Trung ương quyết định thành lập Đội TNXP công tác đầu tiên. Đội gồm 225 đội viên nam nữ làm nhiệm vụ vận tải lương thực, súng đạn, sữa chữa cầu đường phục vụ chiến dịch Cao – Bắc – Lạng. Phát huy truyền thống vẻ vang của thanh niên xung phong thời chống Pháp, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ở miền Bắc. Ngày 21-6-1965, thực hiện chủ trương của Đảng và Bác, Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị 71 thành lập lực lượng thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tập trung làm nhiệm vụ bảo đảm các công việc về giao thông vận tải trên các tuyến đường trọng yếu.
Sau khi có Chỉ thị 71, Bộ Lao động đã ra chỉ tiêu đợt đầu, cho tuyển 5 vạn thanh niên xung phong ở 12 tỉnh thành miền Bắc gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Ninh Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Phòng, Hà Đông, Hải Hưng. Riêng Hà Tĩnh đợt đầu đã có 6.600 thanh niên xung phong huyện Can Lộc cần tuyển 400 người đã có 3193 đơn xin gia nhập.
Ở miền Nam, Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam cũng giao cho Đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng miền Nam thành lập lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, vừa phục vụ công tác giao thông vận tải ở miền Bắc vừa phục vụ chiến đấu ở miền Nam.
Trong suốt nửa thế kỷ qua, lực lượng thanh niên xung phong đã chứng tỏ vai trò to lớn của mình trong chiến đấu, lao động, sản xuất, góp phần xứng đáng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hàng vạn thanh niên xung phong đã gan dạ, dũng cảm, mưu trí, có mặt khắp nơi trên các tuyến đường trọng yếu của đất nước, để đảm bảo thông đường cho xe ra mặt trận. Họ đã gác lại tình yêu, tuổi xuân, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Hàng nghìn người đã vĩnh viễn nằm lại trên các cung đường, hàng trăm người bị thương, rất nhiều nữ thanh niên xung phong đã trở về sống cô đơn, không chồng không con. Trong số 5 vạn thanh niên xung phong nổi bật lên có tập thể: A4-C552 trong đó có 10 cô gái anh hùng ở Ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái hi sinh ở Truông Bồn, 13 cô gái thanh niên xung phong hy sinh tại núi Nhồi – Thanh Hóa, 12 nam nữ thanh niên hy sinh tại Ga Gôi – Nam Hà, 8 nam nữ thanh niên xung phong hy sinh trên đường Quyết Thắng… cùng nhiều tấm gương tiêu biểu khác.
Hòa bình lập lại, thanh niên xung phong lại tiếp tục sự nghiệp xây dựng Tổ quốc. Nhiều đơn vị thanh niên xung phong làm kinh tế, làng thanh niên ra đời. Gần đây lại có phong trào thanh niên tình nguyện. Dù ở thời kỳ nào, dù khó khăn đến đâu, thanh niên xung phong vẫn làm đúng lời Bác dạy trong lần đến kiểm tra phân đội thanh niên xung phong 312 ở Nà Cù (Bắc Cạn) vào ngày 20-3-1951.
“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.
Trích Ngã Ba Đồng Lộc – Đoàn TNCSHCM Tỉnh Hà Tỉnh Xuất bản năm 2004