Nguyên nhân thắng lợi của cách mạng tháng Tám

Kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945 – 19/8/2019):

 

NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI CỦA CÁCH MẠNG THÁNG TÁM

 

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công đã khẳng định con đường cứu nước, giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh tìm ra là đúng đắn!

 

Điều kiện khách quan góp phần khiến Cách mạng Tháng Tám nổ ra và giành thắng lợi. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”. Trước đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhấn mạnh: “Làm cách mạng phải biết dựa vào thời cơ và phải nhìn chung phong trào mọi nơi, mọi chốn mới chiến thắng”[1]. Vì việc nhận định đúng thời cơ và nắm bắt thời cơ để giành độc lập dân tộc là vô cùng quan trọng.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Lạc nước, hai xe đành bỏ phí/ Gặp thời, một tốt cũng thành công”[2]. Đó là cuối năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh trên cơ sở theo dõi, nắm bắt tình hình thực tiễn đã chỉ ra rằng: “Phe xâm lược gần đến ngày bị tiêu diệt. Các đồng minh quốc sắp tranh được sự thắng lợi cuối cùng. Cơ hội cho dân tộc ta giải phóng chỉ ở trong một năm hoặc năm rưỡi nữa. Thời gian rất gấp, ta phải làm nhanh!”[3]. Điều này cũng được Đảng ta nhận định: “Nếu cuộc đế quốc chiến tranh lần trước đã đẻ ra Liên Xô, một nước xã hội chủ nghĩa thì cuộc đế quốc chiến tranh lần này sẽ đẻ ra nhiều nước xã hội chủ nghĩa, do đó mà cách mạng nhiều nước thành công”[4]. Riêng đối với nước ta, Đảng ta nhận định, trong chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Pháp là một khâu yếu trong sợi dây xích của chủ nghĩa đế quốc thế giới. Trong hệ thống thuộc địa của Pháp thì Đông Dương là khâu yếu nhất. Ngay tại chính quốc, Pháp đã bị phát xít Đức xâm lược và phải lập chính phủ bù nhìn tay sai cho Đức. Ở Đông Dương, Pháp phải từng bước đầu hàng phát xít Nhật, cuối cùng bị Nhật truất quyền thống trị. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho việc giải phóng dân tộc.

Đến khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), tuy thời cơ đã xuất hiện, song Đảng vẫn chưa quyết định phát lệnh Tổng khởi nghĩa, bởi “do cuộc đảo chính diễn ra quá nhanh, các tầng lớp đứng giữa chưa ngả hẳn về cách mạng, đội tiên phong còn đang lúng túng về chuẩn bị khởi nghĩa”[5]. Trong Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ngày 12-3-1945 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, có một đoạn đề cập như sau: “Dù sao ta không thể đem việc quân Đồng minh đổ bộ vào Đông Dương làm điều kiện tất yếu cho cuộc tổng khởi nghĩa của ta; vì như thế là ỷ lại vào người và tự bó tay trong khi tình thế biến chuyển thuận tiện. Nếu cách mạng Nhật bùng nổ và chính quyền cách mạng của nhân dân Nhật thành lập hay nếu giặc Nhật mất nước như Pháp năm 1940 và quân đội viễn chinh Nhật mất tinh thần thì khi ấy dù quân Đồng minh chưa đổ bộ, cuộc tổng khởi nghĩa của ta vẫn có thể bùng nổ và thắng lợi”[6].

Mít-ting mừng cách mạng tháng Tám thành công tại Nhà hát Lớn.

 

 

Do đó, ngay trong đêm 13-8-1945, nắm chắc quân đội Nhật sẽ đầu hàng Đồng Minh vì Liên Xô đã tham gia tấn công Nhật, Ủy ban Khởi nghĩa ra Quân lệnh số 1. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”[7]. Tiếp đó, ngày 16 và 17-8-1945 (khi Nhật Bản đã đầu hàng Đồng Minh vào ngày 15-8-1945), Quốc dân Đại hội họp tại Tân Trào, tán thành chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng. Trong Thư kêu gọi tổng khởi nghĩa (18-8-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Hỡi đồng bào yêu quý! Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta. Nhiều dân tộc bị áp bức trên thế giới đang ganh nhau tiến bước giành quyền độc lập. Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”[8].

Tiếp thu kinh nghiệm của Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”[9]. Và “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng, muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có đảng vững bền, phải bền gan, phải hi sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lênin”[10]. Người cũng nói rõ thêm, Đảng cách mạng sẽ có nhiệm vụ “trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức, vô sản giai cấp ở mọi nơi”[11]. Từ những năm đầu thập niên 1920, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sớm nhận định: “Đằng sau sự phục tùng tiêu cực, người Đông Dương giấu một cái gì đang sôi sục, đang gào thét và sẽ bùng nổ một cách ghê gớm khi thời cơ đến. Bộ phận ưu tú phải thúc đẩy cho thời cơ đến mau”[12].

Tháng 5-1941, Đảng ta đã chủ trương thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Khi viết về thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, nhà sử học Pháp Philippe Devillers, trong cuốn sách “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952” nhận định: “Nó còn là kết quả logic của Việt Minh trong mọi khu vực của đời sống đất nước”[13].

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và sau đó là Việt Nam giải phóng quân được thành lập. Lời thề danh dự đầu tiên của đội viên Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân có nội dung: “Xin thề: Hy sinh tất cả vì tổ quốc Việt Nam, chiến đấu đến giọt máu cuối cùng để tiêu diệt bọn phát xít Nhật-Pháp và bọn Việt gian phản quốc, làm cho nước Việt Nam trở nên một nước độc lập và dân chủ ngang hàng với các nước dân chủ trên thế giới”[14]. Đây chính là lực lượng sẽ làm nhiệm vụ đấu tranh vũ trang giành chính quyền về tay nhân dân.

Tháng 6-1945, Đảng ta quyết định thành lập Khu giải phóng Việt Bắc. Đây chính là một minh chứng cho việc Cách mạng Tháng Tám luôn có một điểm tựa vững chắc để thắng lợi.

Do đó, chỉ với 5.000 đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân tiến hành cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, lật nhào sự áp bức, bóc lột của chế độ thực dân đế quốc và phong kiến. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Cách mạng Tháng Tám đã thành công vì có được ba điều kiện không thể thiếu được đối với bất cứ một cuộc cách mạng phản đế nào ở một nước thuộc địa; đó là sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, sự thành lập một mặt trận dân tộc phản đế rộng rãi, khởi nghĩa vũ trang”[15] và “Đó là thắng lợi của đường lối giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dân chủ của giai cấp công nhân, kết hợp chặt chẽ hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến. Đó là thắng lợi của đường lối đoàn kết toàn dân, sử dụng bạo lực cách mạng để lật đổ ách thống trị của đế quốc và phong kiến. Đó là sự tài tình, sáng tạo của Đảng trong việc tạo thời cơ, nắm vững thời cơ, khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước”[16]. Đồng chí Trường Chinh, khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra và thắng lợi là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương, cũng khẳng định: “Cách mạng Tháng Tám thắng lợi một phần nữa ở chỗ toàn dân đoàn kết, quần chúng nổi dậy... Nếu Đảng và Việt Minh không thống nhất được các tầng lớp đồng bào, không có uy tín trong nhân dân, không lãnh đạo được quần chúng nhân dân nổi dậy giành chính quyền, thì cách mạng có thể thất bại”[17].

Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.

 

 

Về ý nghĩa của cuộc Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra: “Mục đích Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”[18].

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần 100 năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây nền tảng cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, độc lập, tự do, hạnh phúc. Đó là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới”[19]. Và Người khẳng định: “Thắng lợi ấy đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”[20].

Thomas Hodgkin, người Anh, đánh giá Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện “quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga”[21]. Thomas Hodgkin đã viết rằng: “Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời được 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền của chế độ thuộc địa… Như vậy, cuộc Cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”[22].

 

NGUYỄN VĂN TOÀN



[1] Hồ Chí Minh: Tiểu sử, Nxb. Lý luận chính trị, Hà Nội, 2007, tr.264.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 287.

[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, t.3, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 506.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, t.7, Nxb. Chính trị Quốc, Hà Nội, tr. 100.

[5] Ban nghiên cứu Lịch sử Đảng Trung ương, Sơ thảo Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Sự Thật, Hà Nội 1981, tr. 382.

[6] Văn kiện Đảng (1940-1945), t.7, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2000, tr. 373.

[7] Võ Nguyên Giáp, “Những chặng đường lịch sử”, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1994, tr. 196.

[8] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.3, Nxb.Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.596.

[9] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.435-436.

[10] Hồ Chí Minh toàn tập, t.2, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2011,  tr. 304

[11] Hồ Chí Minh toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 268.

[12] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.28.

[13] Ph.Devillers, “Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952”, Nxb Seuil, Paris, 1952, tr 132. Dẫn lại từ cuốn “Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945 - Ðoàn thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu”, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Nxb Lao động, Hà Nội, 1999, tr 473.

[14] Ban Nghiên cứu lịch sử quân đội thuộc Tổng cục Chính trị, “Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam”, t.1, Nxb.Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 1977, tr 116-117.

[15] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.53.

[16] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.629.

[17] Trường Chinh: Tuyển tập (1937-1954), t.1, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2007, tr.312-313

[18] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.159.

[19] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.160.

[20] Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.629.

[21] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224.

[22] Thomas Hodgkin, “Thế giới bàn về Việt Nam”, tập 2, Viện Thông tin Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976. tr.224.