NGƯỜI BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐẦU TIÊN CỦA QUÊ HƯƠNG CẦN THƠ
QUẢNG TRỌNG HOÀNG
(1906 – 1942)
“Chúng tôi không có tội. Nước An Nam là của người An Nam… chính các ông là kẻ có tội…”.
Quảng Trọng Hoàng
(1906 – 1942)
Tiếng nói đanh thép kết tội kẻ thù vang lên từ một thanh niên có gương mặt khôi ngô, đôi mắt rực lửa căm hờn, đã làm rung chuyển phiên tòa quân sự của Pháp tại Sài Gòn vào đầu tháng giêng năm 1942. Trong phiên tòa quân sự, chúng đưa xét xử 40 chiến sĩ cộng sản, có 10 đồng chí bị kết án tử hình; trong đó có đồng chí Quảng Trọng Hoàng, người thanh niên tuấn tú ấy vừa tròn 35 tuổi.
Lời nói đanh thép và tiếng hô khẩu hiệu:
- Đả đảo thực dân Pháp!
- Cách mạng muôn năm!
Còn vang vọng mãi trong trái tim của nhân dân Nam Bộ. Hình ảnh bất khuất của 10 chiến sĩ cộng sản bị địch xử bắn vào ngày 22 tháng 7 năm 1942 vẫn sống mãi trong tâm trí của nhân dân Hóc Môn, quê hương cách mạng.
Người thanh niên dong dỏng cao, nước da trắng có vầng trán rộng, đó là đồng chí Quảng Trọng Hoàng. Vùng đất Bến Tre nơi sản sinh các bậc tài hoa của đất nước, nhà thơ Đồ Chiểu, Phan Văn Trị,…; đồng thời cũng sản sinh những chiến sĩ cách mạng tài giỏi, đầy khí phách anh hùng như Quảng Trọng Hoàng…
Đồng chí Quảng Trọng Hoàng sinh năm 1906, mẹ mất sớm, có 4 anh em, ba trai, một gái. Cha sống bằng nghề thợ bạc, tiếp thu ánh sáng văn minh nên cố gắng làm lụng để cho Hoàng, con trai lớn được đi học đến bậc trung học, ở trường trung học Mỹ Tho, Quảng Trọng Hoàng mang truyền thống quê hương có nhiều chí sĩ yêu nước, lại sớm ảnh hưởng cách mạng; vào lúc 24 tuổi đồng chí tham gia tổ chức Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội ở Mỹ Tho, sau đó được vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Một thanh niên có trình độ học vấn, nay bước chân vào tổ chức Đảng, Quảng Trọng Hoàng có lý tưởng cách mạng soi sáng nên đem hết nhiệt huyết của tuổi trẻ phục vụ cho Đảng, cho nhân dân, đồng chí phấn khởi, hăng hái lặn lội khắp nơi gầy dựng cơ sở Đảng, vận động và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh của quần chúng chống bọn địa chủ, quan làng vơ vét người nông dân cùng cực đói rách.
Sau những năm 1931 – 1935. Phong trào cách mạng bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt, dìm trong bể máu, phong trào tạm lắng, nhiều đồng chí lãnh đạo và đảng viên bị giết, bị bắt đày ở nhà giam Côn Lôn, Lao Bảo v.v… Vào những năm 1936 – 1939, trong điều kiện thuận lợi Chính phủ bình dân Pháp lên cầm quyền; Đảng bộ Cần thơ khôi phục và phát triển nhanh, là hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng bùng lên mạnh mẽ, đòi hỏi cấp bách cán bộ Đảng viên cần có trình độ lãnh đạo phong trào cách mạng; nên năm 1936 tổ chức phân công đồng chí Hoàng đi mở các lớp chính trị ở Long Hồ (Vĩnh Long), Cái Da (Cần Thơ) và sau đó cùng với đồng chí Trần Văn Bảy xuống làng Mỹ Quới (Sóc Trăng) mở lớp chính trị; mở lớp học xong hai đồng chí bắt tay ngay xây dựng Chi bộ tự động, gồm 5 đồng chí (gọi Chi bộ tự động vì từ lúc giáo dục về Đảng đến lập Chi bộ chưa có tổ chức Đảng, chưa có Tỉnh ủy). Chi bộ được xây dựng xong, các đảng viên bung ra hoạt động, tổ chức nhanh chóng các Chi bộ Đảng, tổ chức quần chúng của Đảng.
Về cuộc đời riêng của đồng chí, do hoạt động chung với nữ đồng chí Ngô Thị Huệ nên có nhiều tình cảm và tình yêu chớm nở, tình yêu đó ngày càng vun vén đẹp đẽ. Khi công tác ở Bạc Liêu suốt gần 2 năm trời, mặc dù yêu thương nhau chân thành, nhưng mỗi người, mỗi ngả, lo phục vụ cho cách mạng; đồng chí Hoàng ở Bạc Liêu, thì đồng chí Huệ do yêu cầu phải về Càng Long (Vĩnh Long). Đến cuối năm 1938, Liên Tỉnh ủy mới tổ chức đám cưới cho hai đồng chí. Đồng chí Ngô Tám và đồng chí Bảy Xệ đến chung vui ngày hạnh phúc này. Đám cưới xong có điều “éo le” lúc đó Huệ vừa tròn 20 tuổi. Với tuổi đời hai mươi, đang phơi phới và nhiệt tình cách mạng tràn đầy; đồng chí Huệ khảng khái nói: “Để phục vụ cho Đảng, chừng nào xứ Đông Dương hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ cách mạng Tư sản Dân quyền thì chừng đó tôi với anh Hoàng mới hôn nhân thật sự”. Nghe xong các đồng chí đều cười, không tin người con gái đang độ tuổi xuân với sức sông bồng bột; nhưng đồng chí Huệ khẳng định: “Chừng nào đồng chí còn, tôi còn, khi ấy các đồng chí sẽ thấy”. Tuy là vợ chồng, nhưng Hoàng chiều lòng người yêu của mình, đồng chí Hoàng về Cần Thơ, Huệ về tỉnh Vĩnh Long hoạt động.
Trình độ lãnh đạo và năng lực công tác của đồng chí Quảng Trọng Hoàng ngày càng phát triển; nên vào đầu năm 1938 đồng chí được điều về Cần Thơ tham gia vào Liên tỉnh ủy với nhiệm vụ là Phó Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ. Đồng chí về làng Phú Hữu hoạt động, lập Chi bộ Đảng do Đồng chí Trần Duy Phước (Nguyễn Văn Phúc) làm Bí thư. Đồng chí Hoàng thấy nơi đây phong trào nông dân hoạt động mạnh lại xây dựng được Chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo phong trào cách mạng. Địa bàn thuận lợi về địa lợi, nhân hòa, nên đồng chí chọn nơi đây làm căn cứ Liên Tỉnh ủy, tại nhà bà Ngô Thị Lụa ở rạch Ngã Lá, ấp Phú Lễ, làng Phú Hữu, quận Phụng Hiệp, tỉnh Cần Thơ. Đây là nơi đứng chân của Liên Tỉnh ủy chỉ đạo các tỉnh miền Hậu Giang. Tại địa bàn này, những năm 1938 – 1939 đồng chí Quảng Trọng Hoàng cùng Liên Tỉnh ủy đã mở nhiều lớp huấn luyện chính trị để bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực công tác cho cán bộ các tỉnh miền Hậu Giang.
Năm 1938, cơ sở Đảng ở Cần Thơ phát triển rộng mạnh khắp các làng, quận đều thành lập Ban cán sự Đảng. Để lãnh đạo sát phong trào cách mạng, Liên tỉnh ủy quyết định thành lập Tỉnh ủy Cần Thơ do đồng chí Quảng Trọng Hoàng, Phó Bí thư Liên tỉnh ủy trực tiếp làm Bí thư. Đây là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên Tỉnh Cần Thơ. Đồng chí Hoàng với sức trẻ và đầy nhiệt huyết cách mạng đã lặn lội, bí mật đi xây dựng cơ sở Đảng ở các nơi như: Cờ Đỏ, Thới Lai, Mỹ Hòa, Trà Côn, Trà Ngoa, Vĩnh Xuân, Tam Bình, Cù Lao Mây,… đưa phong trào phát triển mạnh mẽ.
Do yêu cầu của tổ chức, vào cuối năm 1938, đồng chí Trần Văn Bảy được điều về làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, đồng chí Quảng Trọng Hoàng trực tiếp lo công việc của Liên Tỉnh ủy. Nhân kỷ niệm 150 năm cuộc cách mạng Tư sản Pháp (14-7-1789) năm 1939 đồng chí Quảng Trọng Hoàng cùng với các đồng chí trong Liên Tỉnh ủy trực tiếp chỉ đạo một cuộc mít tinh công khai với quy mô lớn tại rạp chiếu bóng Ca-si-no đạt thắng lợi, ảnh hưởng Đảng Cộng sản rất to lớn trong nhân dân.
Vào cuối năm 1939 tình hình tỉnh Vĩnh Long đang gặp nhiều khó khăn nên tổ chức đưa đồng chí Trần Văn Bảy qua phụ trách tỉnh Vĩnh Long. Đồng chí Quảng Trọng Hoàng trở lại làm Bí thư Tỉnh ủy Cần Thơ, kiêm phụ trách tờ báo “Tiến lên” cơ quan tuyên truyền của Liên Tỉnh ủy. Vào tháng 7-1940, đồng chí Tạ Uyên được rút về Xứ ủy, đồng chí Quảng Trọng Hoàng được phân công làm Bí thư Liên Tỉnh ủy Cần Thơ.
Đồng chí Hoàng hoạt động rất sôi nổi, đi đến đâu phong trào đều phát triển; do đó bọn mật thám theo dõi, bám sát đồng chí; vào khoảng cuối năm 1939 trong chuyến công tác ở Cần Thơ bị giặt bắt, đồng chí vượt ngục, được đồng chí Ba Khéo đưa về Mỹ Hòa, sau về Cơ quan Liên Tỉnh ủy Cần Thơ ở Ngã Lá, Phú Hữu (Phụng Hiệp).
Thực hiện chủ trương của Xứ ủy, tích cực chuẩn bị cho khởi nghĩa Nam Kỳ, các đồng chí trong Tỉnh ủy, Liên Tỉnh ủy ráo riết hoạt động, vận động quần chúng chuẩn bị lực lượng để khởi nghĩa. Đồng chí chỉ đạo cuộc khởi nghĩa ở Thị xã Vĩnh Long, nhưng cuộc khởi nghĩa thất bại; đồng chí bị thực dân Pháp bắt lần thứ hai cùng với đồng chí Phan Văn Bảy (Bảy Cùi) và nhiều đồng chí lãnh đạo khác. Chúng chuyển Quảng Trọng Hoàng về Cần Thơ lấy cung, sau đó giải lên khám lớn Sài Gòn. Dù bị giặt tra tấn dã man, đồng chí Hoàng vẫn giữ khí tiết. Lần này thực dân Pháp có bằng chứng kết tội tử hình đồng chí Hoàng là khi bị bắt đồng chí còn giữ kế hoạch và bản đồ cướp thị xã Vĩnh Long. Biết mình sẽ bị giặc xử tử, đồng chí nghĩ trước khi chết cũng phải giết được vài tên giặc để trả thù cho đồng chí, đồng bào mình; nên đồng chí khai với bọn địch có dấu hiệu ở chùa Tam Bảo (Rạch Giá), (chùa này bị bọn phản bội chỉ điểm cho giặc phá trước đây). Bọn giặc rất hí hửng vì đã làm nhũn tinh thần gang thép của người cộng sản Quảng Trọng Hoàng. Khi chuẩn bị khởi nghĩa, đồng chí Hoàng có giấu trái bom ở bàn phật chùa Tam Bảo. Bọn giặc dẫn đồng chí đến chùa Tam Bảo, đi sâu vào chánh điện, hai tay đồng chí bị trói chặt nên dùng đầu đụng mạnh vào tượng phật, hất trái bom xuống đất, nhưng quả bom không nổ, bọn giặc hoảng loạn. Sau khi hoàng hồn bọn chúng ùa vào dùng mọi thứ vũ khí có trên tay đánh đập đồng chí đến ngất xỉu; trái tim sắt đá của người cộng sản Quảng Trọng Hoàng đã làm cho quân thù khiếp sợ; bọn địch đem xử tử đồng chí Quảng Trọng Hoàng, Phan Văn Bảy và các đồng chí khác hòng dìm phong trào cách mạng, dập tắt ngọn lửa đấu tranh của nhân dân Cần Thơ.
Nằm trong khám tối tử hình, chờ đợi kẻ thù đem hành quyết, đồng chí vẫn giữ vững niềm tin: cách mạng nhất định thắng lợi, đặt bao hy vọng ở các đồng chí sẽ tiếp tục chiến đấu để thực hiện lý tưởng và mong ước của đồng chí còn đang dang dở, làm sao nhân dân ta thoát đời nô lệ, sống hạnh phúc, tự do, bình đẳng; nhất là người bạn đời của mình. Trong khám tối đồng chí đọc đi đọc lại bài thơ “Gởi bạn” được thêu ở bốn góc trong chiếc khăn tay của người vợ vô cùng yêu thương đang bị kẻ thù giam cầm ở khám Phú Mỹ, mang án tù chung thân khổ sai.
“Trót đã chen vai thờ lý tưởng
Bao nài tử biệt với sanh ly
Mưu cho nhân loại đầy vui sướng
Hạnh phúc riêng – chờ để một khi…”.
(Tháng 4-1941)
Với bao tình yêu thương vợ chồng chất như núi cao, tràn đầy mênh mông như biển cả, nên đồng chí làm bài thơ “Nhắn bạn” họa lại, thêu vào giữa chiếc khăn tay của người yêu, bí mật nhờ chị Hai Liên trao cho Ngô Thị Huệ, với bao tình thương và niềm tin.
“Cùng nhau kết chặt giải tâm đồng
Quyết trả cho tròn nợ kiếm cung
Những tưởng sum vầy lo nhiệm vụ
Ngờ đâu xẻ nửa gánh tang bồng
Thù quân đế quốc, thù vô tận.
Giận lũ tham tàn, lũ bất công.
Nhắn bạn tình chung nên gắng sức.
Bền gan rửa sạch hận non sông”.
(Tháng 5-1941)
Người bí thư đầu tiên của Đảng bộ Cần Thơ cùng các đồng chí đã vĩnh viễn nằm xuống với tấm lòng trung dũng, nhưng tấm gương sáng ngời luôn luôn sống mãi trong trái tim của Đảng bộ và nhân dân Cần Thơ.
Hoài bão, ước mơ đấu tranh để đem lại tự do, hạnh phúc cho mọi người của người chiến sĩ cộng sản kiên cường, người Bí thư Tỉnh ủy đầu tiên của quê hương Cần Thơ chưa được thực hiện, kể cả niềm vui, hạnh phúc của cuộc đời cũng không trọn vẹn.
Chúng ta vô cùng biết ơn đồng chí Bí thư đầu tiên của Tỉnh ủy Cần Thơ và những đồng chí lãnh đạo, đồng bào, đồng chí đã ngã xuống vun đắp cho vườn hoa cách mạng quê hương Cần Thơ đơm bông, kết trái.
Y Phụng (st)