Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 – 2019)
NỘI DUNG, Ý NGHĨA CỦA DI CHÚC THIÊNG LIÊNG CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Ths. Trần Văn Kiệt
BTG Thành uỷ Cần Thơ
Trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại cho dân tộc ta, đất nước ta một di sản vô cùng quý giá. Đó chính là Di chúc thiêng liêng của Người. Năm 2019, kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc, là dịp để chúng ta tiếp tục ôn lại nội dung và ý nghĩa của những căn dặn tâm huyết cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc, một chiến sỹ cộng sản suốt đời yêu thương, trân trọng con người, phấn đấu hy sinh vì độc lập, tự do, hạnh phúc của con người.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố trong Lễ tang của Người vào tháng 9/1969, gồm 4 trang in khổ 14,5 cm x 22 cm. Ngày 19/8/1989, Bộ Chính trị ra Thông báo số 151-TB/TW Về một số vấn đề liên quan đến Di chúc và ngày qua đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Di chúc công bố chính thức năm 1969 đảm bảo trung thành với bản gốc của Người. Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.
NHỮNG LỜI CĂN DẶN CỐT LÕI CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG BẢN DI CHÚC
Thứ nhất, nói về Đảng là lời dặn đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người khẳng định: Vấn đề đoàn kết có tầm quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng. Đoàn kết là nguyên nhân thắng lợi của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Những thắng lợi của cách mạng Việt Nam là do sự đoàn kết trong Đảng đem lại. Người nhấn mạnh đến truyền thống đoàn kết trong Đảng; yêu cầu thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình; mỗi cán bộ đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.
Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Người đã dành cho thế hệ trẻ Việt Nam tình yêu thương, sự quan tâm và niềm tin sâu sắc. Người nhấn mạnh vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khẳng định đây là đội hậu bị của Đảng, là người chủ tương lai của đất nước; yêu cầu Đảng phải chăm lo bồi dưỡng đạo đức cách mạng cho họ.
Thứ ba, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm đặc biệt và niềm tin mãnh liệt vào nhân dân.
Người cho rằng, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra trách nhiệm to lớn của Đảng với nhân dân là "Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân".
Thứ tư, Chủ tịch Hồ Chí Minh dự báo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước có thể kéo dài nhưng nhất định thắng lợi thuộc về nhân dân ta
Người căn dặn sau khi kháng chiến thắng lợi, chúng ta ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, phát triển đất nước; Đảng và Nhà nước phải quan tâm chăm lo tới mọi đối tượng trong xã hội, đem lại ấm no hạnh phúc cho nhân dân.
Thứ năm, Chủ tich Hồ Chí Minh tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại.
Người bày tỏ lòng tự hào với sự lớn mạnh của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế bao nhiêu, Người lại càng đau lòng trước những bất hòa giữa các đảng anh em. Nhưng Người cũng tin chắc rằng các đảng anh em và các nước anh em nhất định sẽ phải đoàn kết lại. Người mong rằng Đảng ta sẽ ra sức hoạt động, góp phần đắc lực vào việc khôi phục lại khối đoàn kết giữa các đảng anh em trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.
Thứ sáu, về việc riêng và lời dặn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh
Về việc riêng liên quan đến hậu sự của Người, Người căn dặn chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình, để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân. Và trước lúc đi xa Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.
Ý NGHĨA NHỮNG LỜI CĂN DẶN CỦA CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH TRONG BẢN DI CHÚC
Một là, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, nó vạch ra phương hướng cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai, đặc biệt là quan hệ với các Đảng Cộng sản anh em, các nước xã hội chủ nghĩa. Ở vấn đề này, khi hệ thống chủ nghĩa xã hội có nhiều biến đổi, nhất là những diễn biến phức tạp trong khu vực và thế giới gần đây càng cho chúng ta thấy Di chúc của Người có ý nghĩa thời sự sâu sắc.
Hai là, Di chúc vừa là văn kiện của một nhà chính trị lớn, lãnh tụ cao nhất của Đảng và dân tộc, người đã sáng tạo ra thời đại mới, “thời đại Hồ Chí Minh”, thời đại của độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của dân tộc Việt Nam; vừa là tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của một nhà văn hoá lớn. Đây là sự phản ánh thống nhất, cô đọng nhất về toàn bộ cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất; thể hiện mong muốn cuối cùng của Người.
Ba là, Di chúc thể hiện cô đọng và sâu sắc những tư tưởng đổi mới của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam, xuất phát từ thực tiễn Việt Nam. Người đã căn dặn toàn Đảng, toàn dân ta những việc to lớn, hệ trọng, cần làm sau khi đất nước thống nhất.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ gói gọn trong 1.000 từ, nhưng đã thể hiện đậm nét tư tưởng, phẩm chất đạo đức trong sáng tuyệt vời của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di chúc là một văn kiện lịch sử vô giá, kết tinh những điểm cốt yếu, tinh hoa của tư tưởng, đạo đức và phong cách của tư tưởng Hồ Chí Minh, mãi mãi là nguồn sức mạnh tinh thần dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa..
Với tất cả tình cảm kính yêu vô hạn và niềm tin tuyệt đối vào lời căn dặn của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đồng lòng quyết tâm tiếp tục thực hiện thắng lợi Di chúc thiêng liêng và con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã lựa chọn, xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.
(Tổng hợp từ tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương)