MỘT SỐ DANH TỪ, THUẬT NGỮ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Cùng độc giả: trong những năm gần đây, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ phối hợp với các ngành, địa phương tổ chức Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng (hằng năm) và Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật (2 năm một lần). Nhân ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, chúng tôi xin trích giới thiệu một số danh từ, thuật ngữ khoa học công nghệ do viện báo chí và tuyên truyền biên soạn ấn hành năm 2001 để giúp cho các tác giả nghiên cứu và báo cáo kết quả nghiên cứu khoa học, sản phẩm đạt kết quả tốt.
Báo cáo chuyên đề: là hình thức phổ biến thông tin phục vụ nghiên cứu khoa học. Báo cáo chuyên đề có thể là một loại tài liệu trong đó trình bày tình hình nghiên cứu một chuyên đề hẹp, cơ bản của một lĩnh vực chuyên môn hay một chuyên ngành khoa học nào đó. Báo cáo chuyên đề cũng có thể là hình thức thông tin miệng do nhà nghiên cứu (có thể là tác giả hoặc một chuyên gia có uy tín) trình bày nhằm giới thiệu cho người nghe về tình hình nghiên cứu, về những ý tưởng cần giải quyết, phương hướng giải quyết các ý tưởng đó, về các kết quả nghiên cứu trung gian hoặc cuối cùng của một nghiên cứu chuyên đề hay một hướng nghiên cứu, một trường phái khoa học nào đó.
Báo cáo kết quả nghiên cứu: là hình thức thông tin khoa học, trong đó nhà nghiên cứu trình bày các kết quả nghiên cứu mới đạt được sau khi kết thúc một đề tài, một dự án nghiên cứu, thử nghiệm nào đó. Báo cáo kết quả nghiên cứu có thể thực hiện trong buổi bảo vệ trước Hội đồng đánh giá, nghiệm thu, hoặc trong Hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu. Cả hai hình thức này đều có thể hoặc không có đại diện các cơ quan truyền thông. Báo cáo kết quả nghiên cứu có thể là báo cáo tổng hoặc nghiên cứu.
Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu: là dạng thuyết trình do tác giả, hoặc cán bộ thông tin khoa học tiến hành nhằm giới thiệu tóm tắt, trung thực những kết quả nghiên cứu chính của một công trình, một đề tài khoa học. Là dạng văn bản trình bày ngắn gọn, trung thành nội dung cơ bản của những kết quả nghiên cứu chủ yếu của một công trình, một đề tài hay dự án khoa học độc lập. Về phương diện hình thức, báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu là bản rút gọn về nội dung nhưng giữ nguyên kết cấu của báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu. Đối với đề tài luận án khoa học, văn bản này được gọi là báo cáo tóm tắt luận án. Báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu và được dùng làm đề cương, mà tác giả có thể dựa vào đó trình bày tại lễ bảo vệ hoặc Hội nghị công bố kết quả nghiên cứu.
Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu: là hình thức thể hiện sản phẩm nghiên cứu dưới dạng văn bản nhằm trình bày toàn bộ kết quả nghiên cứu một cách đầy đủ, trọn vẹn. Trong văn bản này, tác giả trình bày những đặc trưng chung của công trình, mô tả quá trình nghiên cứu và những nội dung phản ánh những kết quả nghiên cứu dưới dạng các giả thuyết nghiên cứu và những luận cứ đã được tìm kiếm, khuyến nghị về các giải pháp, biện pháp và cả những điều kiện cần thực hiện để có thể triển khai các kết quả đã đạt được hoặc tiếp tục nghiên cứu những vấn đề đặt ra mà đề tài chưa giải quyết.
Bằng sáng chế độc quyền: vì sáng chế có khả năng áp dụng vào sản xuất, cho nên nó mang tính chất thương mại và vì vậy phải được bảo hộ về pháp lý. Bằng sáng chế độc quyền là một loại văn bản chứng nhận quyền được pháp luật bảo hộ đối với người là chủ sở hữu của một sáng chế nào đó. Chủ sở hữu sáng chế có thể là người nghiên cứu tạo ra, sáng chế, nếu người nghiên cứu đó tự mình trang trải các chi phí cho nghiên cứu. Trong trường hợp nhà nghiên cứu không có vốn đầu tư để có sáng chế, khi đó anh ta chỉ là tác giả sáng chế. Chỉ có chủ sở hữu bằng sáng chế mới có quyền sử dụng, bán, hoặc cấp giấy phép sử dụng sáng chế đó cho người khác. Bằng sáng chế độc quyền thường được bảo hộ trong 15-20 năm, sau đó trở thành tài sản chung của xã hội. Bằng sáng chế sớm nhất đã được cấp năm 1449 ở Anh. Bằng sáng chế đầu tiên ở Việt Nam được cấp vào năm 1984.
Giải pháp: là phương pháp giải quyết vấn đề được nhà nghiên cứu phát hiện, trên cơ sở đã nhận thức được nguyên nhân của những vấn đề đó, phù hợp với quy luật vận động của sự vật được nghiên cứu. Tri thức về các giải pháp được coi là một loại sản phẩm nghiên cứu khoa học. Giải pháp được chia thành giải pháp chung và giải pháp cụ thể (giải pháp hữu ích). Giải pháp chung là các giải pháp có tính chất định hướng cho các nghiên cứu triển khai – thực nghiệm, nó là sản phẩm của nghiên cứu ứng dụng. Giải pháp cụ thể (hay hữu ích) là những giải pháp đã có tính khả thi, thường là sản phẩm chính của nghiên cứu triển khai – thực nghiệm.
Kiểu dáng công nghiệp: là hình dáng bên ngoài của sản phẩm, có tính mới đối với thế giới và được dùng làm mẫu để chế tạo sản phẩm công nghiệp hoặc thủ công nghiệp. Kiểu dáng này có thể có kích thước ba chiều (hình dạng) hoặc hai chiều (các đường trang trí, màu sắc…). Kiểu dáng chỉ được gọi là “kiểu dáng công nghiệp” nếu chúng được sản xuất hàng loạt bằng các phương tiên công nghiệp. Kiểu dáng công nghiệp thường được bảo hộ từ 5 đến 10 năm.
Tiềm lực khoa học: là tập hợp các yếu tố nhân lực, vật lực, tin lực, tài lực, có quan hệ mật thiết với nhau trong một cơ cấu khoa học thống nhất có thể được huy động vào các hoạt động khoa học, nhằm thực hiện các nhiệm vụ khoa học – công nghệ, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và bản thân khoa học.
Tiên đề khoa học: là một dạng tri thức khoa học mặc nhiên được thừa nhận, mà không phải chứng minh. Nhiều tiên đề hợp thành một hệ tiên đề có thể làm cơ sở dẫn đến sự hình thành, phát triển của một bộ môn khoa học mới. Sự phát hiện các tiên đề được coi là một nội dung quan trọng của quy luật phát triển khoa học.
Tiên đoán khoa học: là một dự đoán trước về xu thế vận động hoặc về trạng thái tồn tại của sự vật, hiện tượng trong tương lai được đưa ra trên cơ sở của những phán đoán mà tính chính xác của nó cũng có thể chưa được chứng minh.
Tin lực: là một yếu tố hợp thành của tiềm lực khoa học. Là nguồn lực thu được qua hoạt động thông tin. Tiềm lực thông tin gồm toàn bộ những thông tin hiện có của một phạm vi chủ thể được xét, có thể huy động vào hoạt động khoa học.
Tính độc đáo cá nhân của nhà nghiên cứu: là một đặc trưng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Đặc trưng này quy định rằng trong nghiên cứu khoa học, sự thành bại, đúng sai của một công trình nghiên cứu phụ thuộc chủ yếu và trước hết vào cá nhân nhà nghiên cứu. Nó đòi hỏi trách nhiệm cao của nhà nghiên cứu đối với kết quả nghiên cứu. Tính độc đáo cá nhân của nhà khoa học không phải là khái niệm trừu tượng. Nó được biểu hiện ở tổng thể các tiêu chí định tính và định lượng hợp thành uy tín nhà khoa học. Uy tín nhà khoa học chỉ có được trên cơ sở năng lực, hiệu suất lao động của nhà nghiên cứu trong những điều kiện môi trường xã hội nhất định.
Tính kế thừa: là một đặc trưng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Cái mới trong nghiên cứu khoa học bao giờ cũng được tìm kiếm, được sáng tạo trên cơ sở kế thừa có phê phán, chọn lọc đối với các tri thức đã có. Vì vậy nhiều người cho rằng không nên coi tính kế thừa là đặc trưng riêng, tách rời tính hướng mới.
Tính hướng mới: là một đặc trưng cơ bản rất quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Do bản chất của nó, hoạt động nghiên cứu khoa học luôn hướng vào việc tìm kiếm, sáng tạo ra các giá trị tri thức mới về sự vật, hiện tượng trong thế giới khách quan. Các giá trị tri thức mới được thực hiện thường luôn trên cơ sở kế thừa các giá trị tri thức đã được khám phá trước đó. Như vậy, tính mới trong nghiên cứu khoa học bao hàm trong nó tính kế thừa. Có thể coi đây là đặc trưng bao trùm, quan trọng nhất của hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tính mạo hiểm: là một đặc trưng quan trọng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Nghiên cứu khoa học là một hoạt động sáng tạo, tìm kiếm những tri thức mới về thế giới khách quan. Do đó, hoạt động này có thể thành công, cũng có thể không thành công. Những thất bại trong nghiên cứu khoa học do những nguyên nhân khách quan, cũng có thể do nguyên nhân chủ quan. Tính mạo hiểm trong nghiên cứu khoa học đòi hỏi nhà nghiên cứu phải có đức tính thận trọng, nghiêm túc trong khai thác, thu thập, xử lý thông tin. Đây cũng cần được coi là cơ sở quan trọng trong lãnh đạo, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học.
Tính phi kinh tế: là một đặc trưng của nghiên cứu khoa học. Tính phi kinh tế trong nghiên cứu khoa học thể hiện ở chổ có rất nhiều căn cứ có thể đưa ra làm thức đo đánh giá sự thành công của một công trình khoa học, mà trong số đó có rất nhiều căn cứ rất có thể đo lường được một cách định lượng. Hơn thế hiệu quả nghiên cứu khoa học là một khái niệm rất rộng, không chỉ là hiệu quả kinh tế (trước mắt và lâu dài) mà còn là hiệu quả xã hội, chính trị, văn hóa và hiệu quả khoa học – công nghệ.
Tính thông tin: là một đặc trưng của hoạt động nghiên cứu khoa học. Sản phẩm của nghiên cứu khoa học được thể hiện dưới nhiều dạng, nhiều hình thức khác nhau. Nhưng tất cả đều có chung một đặc điểm, chúng được coi là những vật mang thông tin và là kết quả của quá trình khai thác, chế biến và đóng gói, chuyển giao thông tin. Tính thông tin được coi là căn cứ hết sức quan trọng trong việc lựa chọn và đưa ra những chỉ báo đánh giá hiệu quả của một hoạt động nghiên cứu khoa học nào đó. Thông tin trong nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải được thu thập một cách khách quan, có đủ độ tin cậy, được xử lý một cách trung thực, bằng các phương pháp phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, tính chất mỗi đề tài khoa học. Do đó có thể nói, đặc trưng về tính thông tin của nghiên cứu khoa học đã bao hàm trong nó tính tin cậy, khách quan và trung thực khi thi thập, xửa lý, tham khảo thông tin.
VH (st).