MÔ HÌNH KINH TẾ TUẦN HOÀN
Áp dụng tại Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long
Góc nhìn về nhân lực và công nghệ
ThS. Lê Thị Thúy Kiều
Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ
Những thành tựu của nhân loại về phát triển kinh tế toàn cầu đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới, cùng với đó là sự thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên, ô nhiễm môi trường gia tăng và tác động của biến đổi khí hậu. Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững trong đó, kinh tế tuần hoàn là một trong những vấn đề quan trọng nhất nhằm giải quyết thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường.
Tại cuộc họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương vào tháng 12/2019, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnhViệt Nam phải tiếp đà tăng trưởng trong 2 thập niên tới để trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Thủ Tướng nhấn mạnh quan điểm "Chính phủ không đánh đổi môi trường, xã hội lấy tăng trưởng". Để thực hiện phát triển nhanh, bền vững, giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, “không đánh đổi” tăng trưởng kinh tế với ô nhiễm và suy thoái môi trường, chuyển đổi sang kinh tế tuần hoàn là hướng đi thích hợp. Để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn Việt Nam phải nắm rõ những cơ hội, hiễu rõ thách thức, tăng cường công tác nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với thế giới và phải xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật trong thực thi nền kinh tế tuần hoàn. Trong đó, xác định nhân tố con người là chủ thể của mọi hoạt động, để thành công nhân tố con người phải được quán tiệt đầy đủ và tư duy trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ cũng cần có sự đổi mới ở tất cả các cấp, các ngành, kể cả người dân và không bỏ qua vai trò của doanh nghiệp.
Một trong những giải pháp để thực hiện thành công kinh tế tuần hoàn là giải pháp công nghệ và đổi mới là yếu tố quan trọng quyết định thành công khi áp dụng mô hình.
Một nền kinh tế cơ bản dựa trên 4 yếu tố: vốn, lao động, khoa học công nghệ và tài nguyên thiên nhiên để tạo ra sản phẩm cho xã hội và phát thải ra môi trường chất thải. Kinh tế tuần hoàn là nền kinh tế sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm tối đa việc phát thải ra môi trường bằng việc tái chế, tái sử dụng và biến những chất thải này thành nguyên liệu đầu vào cho nên kinh tế thông qua việc đổi mới quy trình sản xuất, quản lý, đổi mới tư duy và ứng dụng khoa học và công nghệ triệt để trong sản xuất. Điều đó đòi hỏi phải có kế hoạch rõ ràng, có lộ trình thực hiện để đảm bảo hiệu quả nguồn vốn.
Người Việt Nam thông minh, sáng tạo luôn chịu khó nghiên cứu, tìm tòi để cải tiến, cải tạo và ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật vào trong sản xuất và đời sống. Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật được tổ chức hai năm một lần trên phạm vi cả nước nhằm phát hiện, tôn vinh những giải pháp hữu ích đồng thời khuyến kích động viên nhân dân nghiên cứu, sáng tạo khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng đến phát triển bền vững, nhiều giải pháp khoa học kỹ thuật đạt các giải cao tại địa phương và được bạn bè quốc tế đánh giá.
Trong kinh tế tuần hoàn doanh nghiệp phải chủ động đổi mới công nghệ vì chỉ có doanh nghiệp mới hiểu rõ hơn hết nhu cầu thị trường, về khả năng tài chính, trình độ công nghệ, trang thiết bị trong dây chuyền sản xuất của chính doanh nghiệp, từ đó đưa ra những kế hoạch, những kết nối chuẩn xác nâng hiệu quả sản xuất khép kín, bền vững, tăng tính cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Thành phố Cần Thơ, được xem như trung tâm của vùng ĐBSCL tập trung lực lượng khoa học và công nghệ, với nhiều Viện, Trường đại học uy tín, chất lượng cao thu hút nhiều chuyên gia công tác, nghiên cứu. Theo thống kê, tại thành phố Cần Thơ có 73 đơn vị có hoạt động khoa học và công nghệ, với 7.455 cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thành phố. Trong đó trình độ tiến sĩ 686 người (16 giáo sư, 163 phó giáo sư chủ yếu hoạt động tại các cơ sở đại học), trình độ thạc sĩ 2.690 người, đại học 2.525 người. Các nhà khoa học sống và làm việc tại các thành phố lớn, tuy nhiên luôn có các Chương trình hợp tác, trao đổi, nghiên cứu và tư vấn cho các địa phương trong toàn vùng thông qua các Chương trình hợp tác toàn diện giữa Viện, Trường Đại học với các tỉnh.
Tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0), các nhà khoa học đã triển khai các hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ mũi nhọn, tiếp cận xu hướng công nghệ tiên tiến, hiện đại của CMCN 4.0, phù hợp điều kiện của Việt Nam, như: Công nghệ số, công nghệ sinh học, Trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật, phân tích dữ liệu lớn,.. Công nghệ sinh học thời kỳ CMCN 4.0 cũng bắt đầu được các nhà khoa học trong nước triển khai nghiên cứu, để tạo đột phá cho một số ngành, lĩnh vực ứng dụng. Theo giới khoa học, để bắt kịp các nước phát triển về CMCN 4.0 công nghệ sinh học cần dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo để ứng dụng vào các lĩnh vực đặc thù của Việt Nam, như: nông nghiệp thông minh, theo dõi và chăm sóc sức khỏe, giám định môi trường.
Một số mô hình kinh tế tuần hoàn đã được thực hiện trong nông nghiệp như mô hình vườn - ao - chuồng - biogas, vườn - rừng - ao - chuồng- biogas, các mô hình sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ…, việc nghiên cứu thành công công nghệ lên men biến rác thải nông nghiệp (cây, cỏ, phụ phẩm chế biến nông sản,…) thành thức ăn chăn nuôi, đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin để kết nối các hộ chăn nuôi, thị trường, thú y,… lĩnh vực nông nghiệp thông minh đã có những kết quả bước đầu, với sự kết hợp giữa các kỹ thuật giống cây trồng, kỹ thuật vật liệu, kỹ thuật phần mềm và công nghệ thông tin nhằm hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại. Một số mô hình điển hình ở khu vục phía Nam như: 1. Mô hình lúa hữu cơ ở HTX Tấn Đạt, Vũng Liêm, Vĩnh Long; Sản xuất lúa khép kín, tạo các sản phẩm giá trị gia tăng, đóng gói, cung cấp thị trường. 2. Mô hình chăn nuôi khép kín của Kim Gaden tại Cần Thơ, … Trong chăn nuôi thủy sản xây dựng các mô hình chăn nuôi sinh học khép kín, sử dụng triệt để phụ phế phẩm trong chế biến thủy hải sản làm nguyên liệu cho các ngành khác. Một số công nghệ tái chế nhựa phế thải để làm vật liệu lát đường,…Tuy nhiên, đây mới chỉ là những mô hình khép kín mang tính khởi đầu, chưa hoàn chỉnh cần có sự đầu tư nhiều hơn về mặt công nghệ.
Hiện nay, các nhà khoa học đã làm chủ được một số công nghệ chủ chốt tiên tiến. Tuy nhiên, Nhà nước cần sớm có các giải pháp hỗ trợ để đẩy nhanh việc ứng dụng, chuyển giao, từ đó sớm tạo ra các sản phẩm cụ thể phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Bên cạnh đó, do chúng ta là quốc gia đang phát triển nên việc đầu tư cho nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu công nghệ còn hạn chế, các quy trình công nghệ áp dụng còn riêng lẽ, chưa khép kín, việc ứng dụng, đầu tư, đổi mới công nghệ vào doanh nghiệp còn gặp khó khăn do đa phần là doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ;
Một số địa phương, nhận thức của chính quyền, các cấp lãnh đạo chưa thật sự quan tâm đến khoa học công nghệ, chưa có đầu tư đúng mức, chưa xem khoa học và công nghệ là nền tảng cho mọi sự đột phá.
Nhận thức về việc bảo hộ các tài sản trí tuệ còn hạn chế, thậm chí các nhà khoa học chưa quan tâm đến bảo hộ các sáng chế, sáng kiến đồng thời phổ biến, thương mại các sáng chế, sáng kiến, các bí quyết nên việc ứng dụng đôi lúc gặp khó khăn và chưa đồng bộ.
Nguyên nhân khác là do còn ít doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới công nghệ để có thể chuyển hóa các kết quả nghiên cứu, tích hợp với nhu cầu thị trường để tạo nên các ứng dụng mới, công nghệ mới. Các nhà khoa học rất cần cơ quan nhà nước hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm ứng dụng công nghệ mới,
Đề xuất giải pháp
Thành phố Cần Thơ là thành phố Trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là nơi tập trung đông các trường đại học uy tính, chất lượng cao, nhiều nhà khoa học có chuyên môn sâu, am hiểu thực tế địa bàn, nhiều nhà khoa học lớn có tâm tư, nguyện vọng đóng góp trí tuệ, chất xám cho sự phát triển của thành phố và vùng đồng bằng. Tuy nhiên, để sử dụng và phát huy hiệu quả chất xám khoa học Công nghệ, Cần Thơ cần xây dựng cơ chế chính sách đặc thù; phát huy vai trò tập hợp trí thức khoa học công nghệ thành phố trong tư vấn, phản biện và giám định xã hội.
Tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền để cả hệ thống chính trị hiểu rõ được vai trò và tầm quan trọng của khoa học công nghệ và đổi mới trong xây dựng thành công kinh tế tuần hoàn; tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các hoạt động về Hội thi sáng tạo kỹ thuật,…
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ khai thác tài sản trí tuệ, đăng ký sáng chế, phát minh,…
Triễn khai nhân rộng các mô hình kinh tế khép kín theo hướng tiếp tục cập nhật công nghệ, đổi mới công nghệ.
Tổ chức triễn khai thành công việc phân loại rác tại nguồn, đây là yếu tố đầu vào quan trọng, quyết định cho việc áp dụng các công nghệ để tái chế, tái sử dụng.
Tài liệu tham khảo
https://baotainguyenmoitruong.vn/viet-nam-can-bat-nhip-xu-the-kinh-te-tuan-hoan-293138.html
TS. Trương Thị Mỹ Nhân - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. 2019. Kinh nghiệm xây dựng nền kinh tế tuần hoàn và các điều kiện để chuyển đổi ở Việt Nam
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT). 2020. Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn