Mẹ và những phiên chợ Tết ở quê
Tác giả: Nguyễn Văn Chiến
Mẹ tôi làm ruộng, đến dịp Tết thì thêm “nghề” bán rau. Cũng bởi tại nhà nghèo quá nên mẹ phải xoay sở thêm để kiếm đồng ra đồng vào, nhất là dịp Tết đang đến gần, trăm chuyện phải lo, mọi thứ đổ dồn hết vào ngày Tết.
Ảnh Sưu tầm
Làng tôi có truyền thống trồng rau bán vào dịp Tết. Cũng may địa hình thuận lợi nằm bên con sông Mai Giang được phù sa bồi đắp nên rau, củ trồng khá dễ dàng. Nhà tôi cũng có mấy vuông rau tiêu chuẩn bên dòng Mai Giang nên vào dịp Tết mẹ trồng không biết bao nhiêu là loại rau. Từ cải bắp, cải bẹ, xu hào, cà rốt cho tới các loại rau thơm như hành, húng, hẹ, thì là… Tháng Chạp có lẽ là những ngày bận rộn nhất của mẹ. Hết thấy mẹ ở nhà chăm heo gà, lại thấy mẹ ra ngoài bãi cầm o doa tưới nước cho rau rồi cắt lá vàng, hái, tỉa những cây chết.
Đỉnh điểm mẹ bận rộn nhất là những ngày cuối tháng Chạp. Rau lúc này đã đến thời điểm thu hoạch, mẹ không được phép nghỉ tay một phút nào. Nếu lơ là, không thu hoạch, rau sẽ bung quá lứa, già cỗi không ngon thì chẳng có ai mua hoặc bán được rất rẻ. Tôi một bữa đi học, bữa còn lại đều phải phụ mẹ trông coi vườn rau. Tháng Chạp kể tiếng là mùa Xuân đã cận kề nhưng ở quê tôi vẫn còn lạnh lắm! Cái lạnh buốt hết cả da thịt. Đường ra bãi thu hoạch rau mờ mờ sương giăng lạnh giá, đôi chân chính vì thế cứng đờ. Và rồi, vuông rau xuất hiện. Cả một bạt ngàn màu xanh trong đáy mắt, như thể mùa Xuân đã ngập tràn khắp mọi ngõ ngách của quê hương, xóm làng và đồng bãi.
Không hiểu sao tôi lại có cảm giác thích thú khi được nhổ rau, củ cùng với mẹ. Mùi sương ban mai lành lạnh, mùi cà rốt hăng hăng, mùi cải bắp, mùi rau thì là đặc trưng, mùi ngò gai, mùi hành, mùi hẹ… Hàng trăm thứ mùi của rau quyện vào tạo nên một thứ mùi tưởng chừng như trộn lẫn nhưng mà lại tách biệt. Thi thoảng đang thu hoạch rau, củ với mẹ tôi lại thả tay vươn vai thật cao, mũi thì hít lấy hít để cho đẫy lồng ngực những mùi vị đó. Cảm giác thật sảng khoái và cũng rất mến thương.
Phiên chợ Tết ở quê cũng đã bắt đầu nhộn nhịp rồi. Người mua, người bán tấp nập. Thường ngày chợ quê rộng rãi là thế, nhưng qua tháng Chạp đông một cách không ngờ. Ôi, cả một biển người là người. Tôi lẽo đẽo theo mẹ ra chợ vào những hôm được nghỉ học, phụ mẹ bày rau ra sạp bán, thi thoảng lại thối tiền lẻ giúp mẹ. Đỉnh điểm đông đúc nhất là vào hôm phiên chợ Ba mươi Tết. Không chỉ thịt cá, mắm muối, các loại mặt hàng quần áo, dày dép được bán rất nhiều mà rau cũng được mọi người lựa mua tấp nập. Kể tiếng là ở quê nhưng đâu phải ai cũng trồng được rau mà ăn, nên họ vẫn phải mua rau về để ăn, dịp Tết nhu cầu nhiều hơn thì mua càng nhiều. Nhất là những loại củ như su hào hay cà rốt để được lâu họ mua về dữ trữ nhiều lắm. Có người còn mua bí đao, cà rốt, gừng về sên mứt ăn Tết. Nhìn rổ củ cả rốt đỏ cam làm tôi tưởng tưởng tới những mẻ mứt được sên với đường phèn ngọt lừ. Thêm vài sợi gừng trộn lẫn vào nữa là ngon tuyệt cú mèo… Tôi nuốt ngụm nước bọt trong miệng cái ực thèm thuồng, rồi lại tiếp tục công việc bán rau với mẹ.
Ảnh Viết Trương
Cứ ngỡ đi chợ bán rau là công việc nhẹ nhàng và không mấy mất sức, thế nhưng khi “là người trong cuộc” thì mới rõ sự tình như thế nào. Người mua, người hỏi, người lựa, người đợi thối tiền tôi cũng như mẹ phải làm việc hết công suất, quay như coi thoi từ khi dọn hàng cho tới hàng hết sạch. Nếu không, nhỡ nhàng việc mua bán của khách là bị nói, hoặc họ bỏ sang hàng khác lựa chọn. Chưa kể kẻ gian suốt ngày rình rập chờ chực sơ hở để trộm cắp.
Phiên chợ bán rau của hai mẹ con vào chiều Ba mươi Tết cuối cùng cũng kết thúc. Mẹ cầm bọc tiền lẻ cẩn thận nắm chặt, nắm tay tôi đi chợ mua sắm thịt thà, lá dong, dây lạt về cho bố nấu bánh chưng, không quên mua thêm cho tôi một chiếc bóng bay tai thỏ màu đỏ rất đẹp. Và cuối cùng dẫn tôi tới góc chợ ẩm thực gọi cho tôi một bát bánh đúc nóng thật to. Bao bận như một, mẹ không ăn mà chỉ ngồi nhìn tôi tủm tỉm cười. Tôi vô tư ngồi ăn bánh mà quên đi trong bụng mẹ vẫn đang còn đói. Năm tháng lớn khôn, ký ức nhắc nhớ câu chuyện cũ lòng tôi lúc nào cũng nhói đau. Mẹ tôi là hình ảnh đại diện cho những bà mẹ chịu thương chịu khó, không màng tới bản thân mình mà lo cho chồng, con.
Thời gian thấm thoát thoi đưa, tôi của ngày xưa bây giờ đã thành ông bố của những đứa con, còn mẹ tôi thì đã trở thành người thiên cổ. Hôm nay, tháng Chạp lại về, mùa đông ngoài kia sương giăng trắng xóa, lạnh buốt, lòng tôi lại chộn rộn về những mùa Tết năm xưa, bên mẹ, bên vuông rau Tết và khu chợ Tết quê nhộn nhịp đầy gian khó. Ôi, thương nhớ biết nhường nào!