MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ
TÍNH TƯ TƯỞNG CỦA TÁC PHẨM VĂN HỌC
ThS. Trần Văn Kiệt
Hội VNDG thành phố CầnThơ
Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc chăm bồi, xây dựng con người chính là thông qua ý nghĩa và giá trị của nó. Thông thường, khi xem xét hoặc đánh giá ý nghĩa và giá trị của tác phẩm văn học, nghệ thuật chúng ta thường nhận định, đánh giá về tính tư tưởng, tính nghệ thuật của một tác phẩm cụ thể. Điều đó, cũng chính là xem xét đến nhiều phương diện thuộc về nội dung tư tưởng, nhận thức, nghệ thuật, sự phản ánh hiện thực của đời sống, những ước vọng của con người, ý chí và tình cảm của tác giả được thể hiện trong tác phẩm. Trong giới hạn của bài viết này, tác giả chỉ nêu một vài suy nghĩ về tính tư tưởng của tác phẩm văn học trong giai đoạn hiện nay.
Từ điển Tiếng Việt xuất bản năm 1994 cho rằng: Tư tưởng là quan điểm và ý nghĩa chung của con người đối với hiện thực khách quan, đối với xã hội (nói tổng quát), do đó, có tư tưởng tiến bộ, tư tưởng lạc hậu.
Từ những trích dẫn trên có thể thấy rằng, một tác phẩm văn học hay, có giá trị nhất thiết phải chứa đựng tính tư tưởng trong đó. Một tác phẩm văn học có tính tư tưởng phải thể hiện nhiều yếu tố, như sự phản ánh chân thực hiện thực khách quan, lẫn chủ quan liên quan đến cách tiếp cận, nhận thức, quan điểm, tình cảm của chủ thể sáng tạo ra tác phẩm văn học nhất định nào đó. Tư tưởng là nhận thức, lí giải, thái độ khi tác giả phản ánh hiện thực khách quan; đó là sự khát vọng của chủ thể thể hiện trong tác phẩm thông qua các loại hình nghệ thuật và hình tượng nghệ thuật. Tư tưởng là linh hồn, là hạt nhân của tác phẩm, là kết tinh của những cảm nhận, suy nghĩ về đời sống xã hội, cuộc sống con người và chính cuộc đời của tác giả trong xã hội đó.
MỘT VÀI SUY NGHĨ VỀ SỰ THỂ HIỆN TÍNH TƯ TƯỞNG CỦA MỘT TÁC PHẨM VĂN HỌC
Trên cơ sở quan niệm: “Văn học là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người” và “Nghệ thuật là một hình thái đặc thù của ý thức xã hội và của các hoạt động của con người, một phương thức quan trọng để con người nhận thức, khám phá và cải tạo cuộc sống theo quy luật cái đẹp”. Ở góc độ tiếp cận này, thì tính tư tưởng của tác phẩm văn học cần có nội dung thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất, tính tư tưởng của tác phẩm văn học phải thể hiện sự quán triệt các quan điểm cơ bản của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc chăm bồi, xây dựng con người thông qua các chức năng cơ bản của nó. Trong các chức năng cơ bản của văn học, nghệ thuật thì chức năng nhận thức, chức năng thẩm mỹ và chức năng giáo dục là những chức năng quan trọng hàng đầu; đồng thời chức năng tổ chức, điều chỉnh xã hội cũng góp phần quan trọng không kém nhằm xây dựng một xã hội với các thành tố lành mạnh tạo nên các giá trị ổn định làm nền tảng cho phát triển của xã hội đương đại.
Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới, Đảng ta đã nêu rõ quan điểm về vai trò của văn học, nghệ thuật: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”.
Để tác phẩm văn học, nghệ thuật thực hiện tốt vai trò quan trọng trong việc chăm bồi, xây dựng con người thông qua các chức năng cơ bản của nó. Một mặt chính là giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật, giá trị về nhân sinh được thể trong tác phẩm văn học. Mặt khác, quan trọng hơn hết là quán triệt quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn học, nghệ thuật. Vì đây không chỉ là quan điểm, chủ trương mà chính là cơ chế, chính sách để tác phẩm văn văn học có nội dung về sự lí giải, nhận thức và khát vọng của nhà văn thể hiện trong tác phẩm thông qua hình tượng nghệ thuật đi vào cuộc sống. Không có hoặc không thông qua con đường cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước thì một tác phẩm văn học, có thể chỉ có giá trị nghệ thuật đơn thuần mà thôi.
Thứ hai, phản ánh được xu thế chủ đạo khách quan của hiện thực đời sống xã hội.
Thông thường mà nói, trong mỗi giai đoạn nhất định của đời sống xã hội luôn xuất hiện nhiều vấn đề, nhiều sự kiện trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội...Và, qua đó làm xuất hiện nhiều luồng tư tưởng, tâm trạng, ý kiến của dư luận xã hội biểu đạt sự đồng thuận hay chưa hoặc không đồng thuận; là tâm tư, niềm tin, nguyện vọng của các tầng xã hội. Dù thế, trong cái “muôn màu, muôn vẻ” ấy, vẫn nổi lên một xu thế chủ đạo khách quan có tính đại diện, chủ đạo của đời sống và sự phát triển của xã hội. Ví dụ, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội mà chúng ta đang xây dựng nhằm làm cho “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” là điểm tương đồng của các tầng lớp nhân Việt Nam chúng ta. Do vậy, một tác phẩm văn học mang tính tư tưởng là phải nắm bắt và thể hiện cho được xu thế chủ đạo của từng giai đoạn nhất định của đời sống xã hội.
Thứ ba, tính tư tưởng của văn học không chỉ lí giải, nhận thức và khát vọng của tác giả thể hiện trong tác phẩm mang tính đơn lẻ, một chiều mà cần đặt nó trong mối quan hệ nhiều chiều chính ngay trong hiện thực đời sống xã hội nẩy sinh tác phẩm văn học
Mỗi nền văn hoá đều có bản sắc riêng làm nền gốc. Đặc trưng tiêu biểu là văn hoá được truyền tải qua các tác phẩm văn học. Một trong những thước đo “độ dày”, “độ thẩm thấu” của tác phẩm văn học vào đời sống xã hội được biểu hiện qua nhiều hình thức cả tính phổ quát và tính đặc thù của nó. Bản chất của mọi hiện tượng, sự vật trong tự nhiện, cũng như những sự kiện diễn ra trong hiện thực đời sống xã hội có tính độc lập tương đối, đồng thời lại có mối liên hệ với một hoặc nhiều hiện tượng, sự vật, sự kiện khác trong phạm vi rộng, hẹp nhất định. Do vậy, tác phẩm văn học không thể chỉ thể hiện sự phản ánh, thể hiện nhận thức, lí giải, biểu đạt thái độ hay khát vọng có tính đơn lẻ, một chiều, mà phải xem những yếu tố cơ bản của tính tư tưởng của tác phẩm văn học có mối quan hệ nhiều chiều chính ngay trong hiện thực đời sống xã hội. Ngay trong việc xác định tính đại diện của sự việc, sự vật, sự kiện, nhân tố con người nhất định nào đó đã bao hàm cả đặc tính độc lập và các mối quan chung của sự việc, sự vật, sự kiện, nhân tố con người để xác định tính điển hình của sự việc, sự vật, sự kiện, nhân tố con người trong xã hội.
Thứ tư, tính tư tưởng của tác phẩm văn học phải có nội dung tương thích với tư tưởng, tình cảm, ý chí, khát vọng của con người trong xã hội.
Sáng tạo là quyền tự do của văn nghệ sĩ. Văn nghệ sĩ có quyền lựa chọn chủ đề, loại hình văn học, nghệ thuật, hình thức, hình tượng nghệ thuật để thể hiện sao cho tác phẩm của mình đến được với công chúng một cách viên mãn nhất. Thông thường mà nói, các tác phẩm văn học, nghệ thuật thể hiện sự việc, sự kiện sát với hiện thực đời sống của người đương đại, người đọc cảm thấy “có đời sống, tâm tư, tình cảm, khát vọng của mình trong đó” là những tác phẩm dễ dàng được thẩm thấu vào đời sống xã hội; thậm chí những định hướng giá trị chân, thiện, mỹ mà tác giả đã gợi mở trong tác phẩm của mình, chính là định hướng mà người được tiếp nhận tác phẩm đó có nhu cầu, quyết tâm vươn tới. Nhà văn Võ Thị Xuân Hà thật sự có lý khi nhận định: “Nhưng cho đến nay, hầu như các tác phẩm được đánh giá cao, thành công, truyền tải được những tư tưởng, triết lý sâu sắc, thì đều là những tác phẩm được trình bày giản dị, gần gũi đời thường”.
THAY LỜI KẾT LUẬN
Hiện nay đất nước ta đang đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, hội nhập quốc tế; tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước vừa là thời cơ thuận lợi, vừa có nhiều thách thức mới đòi hỏi từng địa phương phải quan tâm khơi dậy, phát huy mọi nguồn lực xã hội tập trung cho sự phát triển – trong đó xây dựng văn hoá, con người là nền tảng tinh thần của xã hội. Đặc trưng tiêu biểu là văn hoá được truyền tải qua các tác phẩm văn học. Và, “Văn học là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người” và “Nghệ thuật là một hình thái đặc thù của ý thức xã hội và của các hoạt động của con người, một phương thức quan trọng để con người nhận thức, khám phá và cải tạo cuộc sống theo quy luật cái đẹp”. Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc chăm bồi, xây dựng con người thông qua các chức năng cơ bản của nó.
Một tác phẩm văn học có giá trị là một tác phẩm có giá tư tưởng và nghệ thuật. Để tác phẩm văn học thể hiện tính tư tưởng chủ đạo trong đời sống xã hội đương đại của chúng ta, các chủ thể sáng tạo tác phẩm văn học, một mặt cần tài năng, quan sát, ghi nhận hiện thực xã hội một cách khách quan, tinh tường; có những phán đoán, dự báo phù hợp xu thế phát triển của hiện thực xã hội; có tình cảm, ý chí, định hướng cho sự phát triển tốt đẹp của đời sống xã hội và con người ngày càng vươn đến chân, thiện, mỹ. Một mặt cần nhận thức sâu sắc các quan điểm, định hướng xây dựng nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bởi lẽ, đặc trưng tiêu biểu là văn hoá được truyền tải qua các tác phẩm văn học. Và, “Văn học là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người” và “Nghệ thuật là một hình thái đặc thù của ý thức xã hội và của các hoạt động của con người, một phương thức quan trọng để con người nhận thức, khám phá và cải tạo cuộc sống theo quy luật cái đẹp”. Văn học, nghệ thuật có vai trò quan trọng trong việc chăm bồi, xây dựng con người thông qua các chức năng cơ bản của nó./.