LÚC NÀO CON CŨNG THƯƠNG NHỚ BÁC
Ghi theo lời kể của Trương Viết Hùng
Bác ơi! Thấm thoát đã năm mươi năm kể từ ngày Bác đi xa, năm nay con đã gần bảy mươi tuổi rồi, vậy mà vẫn như trẻ con. Mỗi lần nói về Bác, kể về Bác, giở những tấm hình tự tay con chụp về tượng Bác, mở tập ca khúc sáng tác về Bác… nước mắt con lại chảy ra, lại nghẹn ngào vì thương Bác không bao giờ nguôi, nhất là mấy ngày nay nhiều lễ mang tầm quốc gia. Tổng kết 50 năm ngày Bác đi xa và thực hiện di chúc Bác, suy đi, tính lại. Hôm nay con quyết “báo công” với Bác đây, con xin được Bác tha lỗi cho.
Nhớ lại năm ấy, năm 1969 tôi đang học năm 2 hệ trung cấp tài chính 3 năm, về nghỉ lễ 2/9, sáng ngày 3/9 tôi “hành quân” trở lại trường, từ nhà lên đến trường (thôn phú lộc xã Ninh Phong huyện Hoa Lư - Ninh Bình) cũng gần 25 cây số. Từ nhà đi lên đến huyện lỵ Yên mô tôi bỗng thấy nhiều người đi xe đạp qua lại ngực đeo một đoạn băng nhỏ nửa đỏ nửa đen, tôi không hiểu gì cả nhưng không biết hỏi ai xem cớ sự thế nào? Lên đến quốc lộ 1 (Ninh Bình - Thanh Hóa) thì số người đi lại càng nhiều và ai cũng đeo như vậy.
Lòng thầm nghĩ nửa đen hay dùng làm băng tang còn nửa đỏ chắc là biểu tượng cho Quốc kỳ, phỏng đoán chắc có vị Lãnh tụ nào mất chứ không ngờ là Bác của chúng ta. Đi đường cũng không có loa truyền thanh, người đi đường có vài người đeo ra-di-o chạy qua, không kịp nghe đài nói gì (thời bấy giờ thanh niên đi xe đạp mà có đài radio là sáng giá lắm).
Cứ mé đường Quốc lộ 1, tôi tăng tốc, bình thường tôi lội bộ chỉ năm tiếng đồng hồ, nhưng hôm đó có lẽ chỉ hơn 4 tiếng là lên đến trường, lên đến nơi đã thấy góc sân Hợp tác xã có mấy nhóm người ở lại, người đến sớm đang chụm đầu vào nhau sụt sùi khóc nhẹ bỗng thấy tôi, mấy chị khóc òa lên - Hùng ơi Bác mất rồi . Thế là tôi cũng khóc tức tưởi như mất người thân.
Lớp của chúng tôi gồm 200 người chia làm 14 tổ nhưng toàn thương binh và các anh chị cơ quan cử đi học. Tôi cũng nhập vào hội và òa lên khóc đã hơn 12 giờ trưa mà không ai chịu ăn cơm, mặc dù nhà bếp đã dọn sẵn. Gọi là cơm nhưng mỗi người một ổ bánh bột mì luộc và một soong canh rau muống, mãi đến lúc thầy Bùi Danh Nghi - Phó Hiệu trưởng lên loa truyền thanh thông báo rộng rãi rằng theo thông cáo, thông báo viết sẵn của Tỉnh ủy gửi về là bản tin đặc biệt về Bác đã ra đi và sau đó là cử người đi tham gia viếng Bác ở Ty Tài chính và Đảng ủy Dân chính Đảng tổ chức lễ truy điệu. Bấy giờ mọi người mới kéo về khu vực nhà bếp ăn trưa và chờ lệnh đi dự lễ tang.
Đúng là: Tổn thất này vô cùng lớn lao
Đau thương này thật là vô hạn
Do ở xa Hà Nội và lúc bấy giờ chỉ có loa truyền thanh của hợp tác xã tiếp âm đài truyền thanh của huyện nên không nắm được bản tin đạc biệt thông báo tình hình sức khỏe của Bác. Nên không ai tin Bác mất mặc dù đó là sự thật mới đêm giao thừa năm nay còn nghe Bác chúc tết và cả hai bài thơ chúc tết 1968, 1969 đều được nhạc sỹ Huy Thục và nhạc sỹ nào sáng tác nhạc phổ thơ Bác rất hát và đi vào lòng người, ai cũng hát được chẳng khác nào bài Như Có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Chiều ngày 4/9 tôi được cử trong đoàn về Ty Tài chính (thôn Phúc Am, xã Ninh Phong, thị xã Ninh Bình), đoàn khoảng 40 - 50 người (tôi không nhớ rõ lắm) ai cũng đeo bảng băng tang gài trước ngực. Một đoàn khác khoảng 50 người đi dự lễ tang do Đoàn ủy Dân Chính Đảng tổ chức (tại Hang Quàng- Trường Yên- Hoa Lư). Tang lễ của Bác do Ty Tài chính tổ chức tại hội trường Ty không khí thật trang nghiêm "khẩu hiệu vô cùng thương tiếc Chủ tịch Hồ Chí Minh kính mến" một quan tài gió được phủ Quốc kỳ, một lư hương trầm nghi ngút hương thơm, mọi người lặng lẽ bước vào hội trường. Ông Trần Đức Cứu - Trưởng ty đọc điếu văn nghẹn ngào phải dừng lại nhiều lần, cả hội trường sụt sùi tiếng nức, có mấy người nữ lớn tuổi khóc vật vã chạy ra ngoài khỏi ảnh hưởng buổi lễ; Điếu văn xúc động hàng triệu trái tim, bao nhiêu lời vàng ngọc được dành để ca ngợi công lao trời biển của Bác. Khi Điếu văn kết thúc các tập thể phòng ban, Đoàn thể thấp hương khấn viếng Bác. Buổi lễ kết thúc cũng là hết giờ làm việc, buổi chiều mọi người lại lặng lẽ ra về và như lời điếu mọi người biến đau thương thành hành động cách mạng cụ thể, ngày mai lại tiếp tục nhiệm vụ chuyên môn học tập.
Nhân dân vào lăng viếng Bác.
Tháng 12/1974, tôi vào Nam công tác có dịp thăm và từ giã Hà Nội, được biết là đang xây dựng lăng Bác gỗ quý từ Quảng Đà, Đá Thanh Hòa, Đá khối xẻ từ Ninh Bình, hoa thơm quý từ nhiều vùng ở miền Bắc chở về, lúc đó Bác đang ở K9 nơi gìn giữ thi hài Bác. Lần đầu tiên tôi được "gặp Bác" năm 1975. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, giang sơn thu về một mối nhưng đến tết năm 1977 tôi mới được về thăm quê. Được tin là tháng 5/1975 cũng đã khánh thành Lăng Bác và đưa Bác từ K9 Ba Vì về lăng yên nghỉ. Tôi đặt quyết tâm kỳ này phải đi Hà Nội vào viếng Bác nhà tôi cách Hà Nội khoảng 120 km xe cộ đi lại lúc đó thời bao cấp còn khó khăn, phải đi nhiều chặng nhưng ý tưởng đi thăm Bác không làm tôi chùn bước. Buổi sáng tôi từ khách sạn gần Ga Hàng Cỏ tôi đi xe ôm đến khu vực Ba Đình - Ngọc Hà, thấy người xếp hàng tôi đã mừng thầm, tuy nhiên khi vào tôi bị ngăn lại, vì lúc bấy giờ các đoàn phải có giấy giới thiệu, tôi thì đi lẻ một mình. Không lẽ ra đến đây mà lại không được vào thăm Bác. Cái khó ló cái khôn tôi đến gặp đồng chí công an và trình giấy chứng minh nhân dân và nói là ở miền Nam ra xin được vào thăm Bác. Anh công an xem thấy quê Ninh Bình làm ở Cần Thơ do công an Cần Thơ cấp, đồng ý gật đầu và dắt tay tôi đi vào khu vực chờ lần đầu tiên được vào lăng tôi hồi hộp vô cùng, đi sau đoàn thiếu nhi vào tới chăm chú nhìn Bác và đi thật chậm và nhìn cho kỹ khi các cháu đã đi cách tôi gần 01 mét đồng chí công an đến nhắc tôi phải đi nhanh và đẩy tôi về phía trước thế là tôi đã thỏa ước mong. Không được gặp Bác lúc còn sống nay nhìn thấy Bác 100% con người bằng xương bằng thịt. Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên. Về miền Nam tôi kể lại cho anh em trong cơ quan nghe, nhiều người ghen tị và ước ao được một lần viếng Bác. Từ những năm 1980 đến năm 2012 năm nào ra công tác Hà Nội tôi cũng vào viếng Bác ít nhất một lần có năm từ 02 đến 03 lần dẫn dắt anh em đi cùng và trong đó có 03 lần tôi tổ chức đoàn đi riêng có vòng hoa và vào cửa trước.
Tôi là người tự thân sưu tầm ảnh Bác, tượng Bác, chụp lăng Bác, mua các sách báo thơ nhạc viết về Bác.
Tượng Bác Hồ ở thủy điện Hòa Bình.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, được Đảng và Nhà nước ta quan tâm triển khai thực hiện học tập về tư tưởng, tác phong, đạo đức, phong cách của Bác và học tập làm theo di chúc Bác... Các báo, tạp chí... đều in hình Bác, tuy nhiên khi đọc xong, ít người giữ lại tài liệu sách báo đó mà họ dùng vào việc gói quà, gói hoa... và mọi yêu cầu khác, làm xấu đi hình ảnh của Bác. Trước sự việc trên tôi cảm thấy xót xa, thương Bác tôi thấy mình phải có trách nhiệm bảo vệ hình ảnh của Bác.
Vào những năm 80 tôi bắt đầu thu gom ảnh Bác, trước hết từ các báo, tạp chí… cơ quan trang bị cho mình, trước khi đọc, tôi mở ra hết xem trang nào có ảnh Bác thì lấy ra, sau đó mới đọc. Bên cạnh đó tôi đề nghị các phòng trong cơ quan, phòng nào đọc báo có ảnh của Bác thì lấy ra cho tôi, vừa để có nhiều hình ảnh, vừa không để họ sử dụng vào những việc không tế nhị lắm, ra ngoài cơ quan đến đâu đâu nơi công cộng tôi chỉ chú ý xem để lấy ảnh Bác.
Qua khoảng 20 năm sưu tầm, gom góp đến nay tôi đã có 1.875 hình ảnh Bác để trong 11 quyển album có kèm cả bài viết về Bác phía sau và một số tấm hình để rời,…
Về sách viết về Bác, ngoài Hồ Chí Minh toàn tập ra lần đầu, trong tủ sách của tôi ở cơ quan cũng như ở nhà tôi đang lưu giữ và nghiên cứu gồm 63 quyển trên mọi lĩnh vực viết ca ngợi Bác chúng ta như: Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh với vấn đề tài chính, Nâng cao đạo đức cách mạng, Bác Hồ với bạn bè Quốc tế, Hồ Chí Minh viết tuyên ngôn độc lập, Bác Hồ viết di chúc, Tư tưởng Hồ Chí Minh về báo chí cách mạng, Lời non nước, Thơ nhạc về Bác,…
Do kính yêu Bác nên đi đâu thấy tượng của Bác tôi đều chụp về in ra và lưu giữ: Bác ở bảo tàng Pắc Pó, Bác đứng ở Bảo tàng Hồ Chí Minh (Hà Nội), tượng Bác trưng bày ở Hội trường Ba Đình, tượng Bác ở thủy điện Hòa Bình, tượng Bác và bác Tôn ở công viên Thống Nhất (Hà Nội), tượng Bác ở Phan Thiết (Bình Thuận) tượng Bác ở Quốc học Huế, Bác Hồ bến nhà rồng, Bác ở bến Ninh Kiều, tượng Bác ở Ba Vì (Hà Nội)… Đến nay tôi hiện có 23 tấm hình chụp tượng Bác.
Nhà sàn Bác Hồ.
Trong nhiều lần đi Hà Nội dù vào Lăng viếng Bác (hay do trùng tu không vào được) thì tôi vẫn ra phía trước chụp Lăng Bác. Đến nay tôi đã chụp 42 ảnh Lăng Bác. Tháng 5/1995, tôi chụp ảnh dòng người vào viếng Bác về in biếu các cơ quan ở thành phố Cần Thơ hàng trăm tấm hình, có khi chụp cả vào ban đêm có đèn chiếu lên trông lăng Bác rất uy nghi, nghiêm trang.
Vì kính trọng, thương nhớ Bác tôi đã sáng tác 5 bài thơ ca ngợi Bác như: Cả cuộc đời Bác cống hiến hy sinh, Xuân về nhớ Bác, Công ơn Bác Hồ, Mãi ơn Người Hồ Chí Minh, Tháng 5 nhớ Bác,… tất cả đã in trong 4 tập thơ của tôi, dành tặng bạn bè trong cả nước.
Tôi cũng đã sở hữu 1 tập ca khúc 56 bài hát của các nghạc sỹ chọn lọc ca ngợi Bác, 1 bảng chữ ký gồm 200 chữ ký của Bác.
Từ những năm 1990, tôi đã trích đăng trên bản tin thuế Cần Thơ tác phẩm Giữ yên giấc ngủ của Người (trong khoảng 4 năm) gửi các cơ quan trong thành phố Cần Thơ và ngành thuế cả nước, nhiều người đã hiểu được quá trình gìn giữ bảo quản thi hài Bác trong lúc còn xây dựng lăng – ai cũng đều ca ngợi các cơ quan lo bảo quản thi hài Bác và nhiều người lưu thành 1 bộ tư liệu đó.
Từ những năm 90 trong công tác tuyên truyền, tôi đã ra chuyên mục học tập Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, mỗi kỳ bản tin thuế đều có bài viết về những tấm gương đạo đức của Bác để giới thiệu cho độc giả - là đơn vị đầu tiên trong thành phố Cần Thơ tuyên truyền về Bác.
Từ trong sâu thẳm đáy lòng tôi, suốt 50 năm qua lúc nào tôi cũng thương nhớ Bác, càng đọc các tác phẩm viết về Bác và do chính Bác viết, càng nghe Giáo sư Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo giảng về Bác tôi càng như muốn nuốt từng lời, không phút giây nào trong làm việc và sinh hoạt mà tôi không thương nhớ Bác, vì Bác quá là vĩ đại quá là nhân hậu, yêu nước thương dân, ở Bác là một con người lời nói đi đôi việc làm, nhân đạo cao thượng, là bậc tiên tri, là “người trời” khác mọi người Việt Nam. Bác có khối óc, trái tim vĩ đại:
“Bác ơi tim Bác mênh mông thế
Ôm cả con sông mọi kiếp người
Bác để tình thương cho chúng con
Một đời thanh bạch chẳng vàng son
Mong manh áo vải hồn muôn trượng
Hơn tượng đồng phơi những lối mòn”
(Tố Hữu)
Bác ơi con không thể hiểu hết về Bác, con không có khả năng viết, ca ngợi Bác, con càng không thể học và làm theo Bác mọi điều từ việc nhỏ đến việc lớn.
Với sức vóc của mình con chỉ hiểu Bác được một phần, con chỉ có một số việc nhỏ,… để thực sự tỏ lòng thương nhớ Bác, kính yêu Bác muôn năm.
Nhân dịp cả nước Kỷ niệm 50 năm ngày Bác ra đi và 50 năm thực hiện di chúc của Bác. Con xin báo công và bày tỏ lòng thành kính dâng lên Bác.
Cần Thơ, tháng 9 năm 2019
Xuân Ba.