Lợi một đồng - Hại một quan

Hướng tới kỷ niệm 15 năm thành lập thành phố Cần Thơ

LỢI MỘT ĐỒNG – HẠI MỘT QUAN

Vài năm nay, khi bến Ninh Kiều được sửa sang, lại có cây cầu đi bộ từ khu vực T81 sang khu Hoa Sứ (là cây cầu đẹp nhất nước). Chợ nổi Cái Răng được công nhận là di tích văn hóa quốc gia…nên du khách trong nước và quốc tế đến Cần Thơ ngày càng đông, nhất là những ngày cuối tuần. Buổi sáng thì du khách đi chợ nổi Cái Răng, sẵn đường ghe chạy thẳng vào khu du lịch Mỹ Khánh, Trúc Lâm Thiền Viện...

Buổi chiều khoảng 4-5 giờ, khách từ các khách sạn đổ ra bến Ninh Kiều, thả bộ từ nhà lồng cổ qua cầu đi bộ cứ nườm nượp. Nào là khách từ phía Bắc, khách từ miền Trung, khách nước ngoài, họ thoải mái “tự sướng” (tự chụp hình) trước tượng Bác Hồ, các khu vực có nhiều hoa cảnh. Xong rồi, lớp thì kéo qua nhà hàng Hoa Sứ, lớp thì kéo nhau lên 2 tàu du thuyền.

Là người Cần Thơ, tôi cũng thấy mừng trong bụng, du khách đến đông thì khách sạn, nhà hàng, ghe tàu đều có doanh thu. Tuy nhiên hành trình tham quan ở Cần Thơ thì chỉ có vậy, chưa có gì mới. Do đó, cũng chẳng giữ chân được khách lưu lại lâu hơn.

Bên này bến Ninh Kiều là thế, nhưng bên kia sông (phía xóm chài) có cái mới là có đến 6 bảng quảng cáo, chia làm 2 cụm, mỗi cụm 3 cột cao sừng sững, che lấp cả khu nhà lá lụp sụp bên ấy. Chứ như Đà Nẵng – thành phố đáng sống, thì bên kia là bờ kè thẳng đứng, nhà cao tầng mọc lên san sát đúng quy hoạch, nhìn chẳng khác nước ngoài.

Cái điều lo cho các cụm pano bên ấy là có những quảng cáo phản cảm, nói đúng hơn là vi phạm pháp luật. Như ai cũng biết: cao gì thì xương con ấy. Ví dụ cao ngựa là nấu từ xương ngựa, cao trăn là từ xương trăn, cao mèo là xương mèo, còn cao hổ phải là từ xương con hổ.

Nhưng hổ là loại động vật quý hiếm phải được bảo tồn, được ghi vào sách đỏ, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều cấm săn bắt, giết thịt…Nhà nước ta cấm việc tuyên truyền cho đến việc chế biến, tiêu thụ loại động vật này như: Nghị định 32/2006/NĐ-CP ngày 30/03/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; Nghị định 160/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ…

Vậy mà Cần Thơ lại cho quảng cáo bán cao bạch hổ (tức hổ trắng). Từ biển quảng cáo này đặt ra 2 vấn đề: Một là, không được quảng bá việc giết hại hổ, làm như vậy là tiếp tay cho bọn săn bắt hổ, vi phạm pháp luật. Hai là, nếu thật sự không phải là cao hổ (vì đã bị cấm) mà quảng cáo là cao hổ thì là ‘treo đầu dê bán thịt chó” lừa dối khách hàng.

Bảng quảng cáo “Cao bạch hổ” tại Cần Thơ. Ảnh: VH

 

Thiết nghĩ cơ quan chức năng nào cấp giấy phép quảng cáo thì cần phải xem lại. Được biết người mặc áo phông có in hình cây thuốc phiện bị phạt 40-50 triệu đồng. Các cơ quan chức năng nên xem xét thu hồi giấy phép quảng cáo “cao bạch hổ” càng sớm càng tốt. Nếu không cơ quan cấp trên sẽ phạt tiền hoặc mấy nhà báo tỉnh bạn, trung ương đến Cần Thơ mà thấy bảng quảng cáo đó viết lên báo trung ương, thì mất uy tín không chỉ cho cơ quan cấp phép mà thành phố cũng mất uy tín. Uy tín chính trị còn lớn hơn nhiều, nhất là thành phố Cần Thơ sắp kỷ niệm 15 năm thành phố trực thuộc trung ương đừng để “lợi một đồng mà hại một quan”.

Trương Viết Hùng.