Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đánh giá cao tinh thần yêu nước, thương nòi và sự đóng góp cho cách mạng của các em thiếu niên, nhi đồng. Bên cạnh đó, Người cũng chỉ ra các em chính là thế hệ nối tiếp cha anh trong công cuộc xây dựng và sự nghiệp bảo vệ Tổ Quốc. Do đó, đối với thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có một tình cảm yêu thương đặc biệt. Nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Và các em có hiểu vì sao/ Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào/ Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ/ Biển thường yêu vậy sóng xôn xao (“Theo chân Bác”, 1/1970).
Thiếu nhi cứu quốc
Ngày 28/1/1941, sau hành trình qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia trong 30 năm ròng rã để tìm ra con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản dưới ánh sáng vĩ đại của chủ nghĩa Mác - Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về nước và trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ngay khi về nước, tuy công việc bộn bề nhưng Người đã quan tâm đến phong trào của thiếu niên, nhi đồng. Ngay trong phần đầu tiên của cuốn “Lịch sử nước ta” được Người viết trong năm 1941 tại tại Pác Bó, Cao Bằng đã nhấn mạnh ngay đến vai trò của thiếu niên, nhi đồng nước ta đối với việc nước nước, đánh đuổi giặc ngoại xâm:
Thiếu niên ta rất vẻ vang
Trẻ con Phù Đổng tiếng vang muôn đời.
Tuổi tuy chưa đến chín mười
Ra tay cứu nước dẹp loài vô lương
(“Lịch sử nước ta”)
Bởi vậy, ngày 15/5/1941, tại thôn Nà Mạ, xã Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng, Hội Nhi đồng cứu quốc đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập với 5 đội viên đầu tiên là: Nông Văn Dền với bí danh Kim Đồng; Nông Văn Thàn, tức Cao Sơn; Lý Văn Tịnh, tức Thanh Minh; Lý Thị Ni, tức Thủy Tiên và Lý Thị Xậu, tức Thanh Thủy. Nông Văn Dền (tức Kim Đồng) được bầu làm đội trưởng đầu tiên. Các thành viên của Đội đã làm lễ tuyên thệ suốt đời trung thành với Đảng, tuyệt đối giữ bí mật cho dù phải hy sinh đến tính mạng cũng không phản bội lại nhân dân, phản bội lại cách mạng.
Bốn ngày sau khi lập Hội Nhi đồng cứu quốc, Mặt trận Việt Minh cũng được thành lập (19/5/1941). Hội Nhi đồng cứu quốc đã ngay lập tức tham gia vào Mặt trận Việt Minh. Sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần làm thơ kêu gọi các em thiếu niên, nhi đồng hãy tham gia vào Hội Nhi đồng cứu quốc, thành viên của Mặt trận Việt Minh:
Trẻ em như búp trên cành
Biết ăn ngủ biết học hành là ngoan
Chẳng may vận nước gian nan
Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng
Học hành giáo dục đã không
Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa
Sức còn yếu tuổi còn thơ
Mà đã khó nhọc cũng như người già
Có khi lìa mẹ lìa cha
Để làm tôi tớ người ta bên ngoài
Vì ai nên nỗi thế này?
Vì giặc Nhật, vì giặc Tây bạo tàn
Khiến ai nước mất nhà tan
Trẻ em cũng chịu cơ hàn xót xa
Vậy nên trẻ em nước ta
Phải đoàn kết lại để mà đấu tranh
Người lớn cứu nước đã đành
Trẻ em cũng góp phần mình một tay
Bao giờ đuổi hết Nhật Tây
Trẻ em ta sẽ là bầy con cưng.
(“Kêu gọi thiếu nhi”, 21/9/1941)
Và:
Trên đồi cỏ mọc xanh xanh
Một đàn cò đậu ngoài ghềnh xa xa
Trâu bò lũ bảy, lũ ba
Ven đồi chen chúc bụi già, cỏ non
Chăn trâu mấy trẻ con con
Cùng nhau xướng hát véo von trên gò:
“Vì ai ta chẳng ấm no?
Vì ai ta đã phải lo cơ hàn?
Vì ai cha mẹ nghèo nàn?
Vì ai nhà cửa, giang san tan tành?
Vì ai ngăn cấm học hành?
Vì ai ta phải chịu đành dốt ngây?
Ấy là vì Nhật, vì Tây
Ra tay vơ vét, đoạ đày chúng ta
Làm cho tan cửa nát nhà
Trẻ con vất vả, người già đắng cay
Cùng nhau đánh đuổi Nhật, Tây
Anh em ta mới có ngày vinh hoa
“Nhi đồng cứu quốc” hội ta
Ấy là lực lượng, ấy là cứu tinh
Ấy là bộ phận Việt Minh
Dân mình khắc cứu dân mình mới xong”
Ai nghe mà chẳng động lòng
Khá khen con trẻ mục đồng Việt Nam.
(“Trẻ chăn trâu”, 21/11/1942)
Tháng 2/1948, khi cuộc kháng chiến chống Pháp đang giai đoạn quyết liệt, dù đang bận trăm công ngàn việc, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn theo sát phong trào thiếu nhi. Người căn dặn: “Các cháu tổ chức những đội Trần Quốc Toản... Trước thì giúp những nhà chiến sĩ, nhà thương binh, lần lượt giúp những nhà ít người. Sức các cháu làm được việc gì thì giúp việc ấy. Thí dụ: quét nhà, gánh nước, lấy củi, xay lúa, giữ em, dạy chữ quốc ngữ... Các cháu nên hiểu rắng: giúp đỡ đồng bào tức là tham gia kháng chiến... luyện tập tinh thần siêng năng và bác ái để sau này trở thành công dân tốt...”.
Bác Hồ với thiếu nhi Việt Nam.
Báo Sự Thật, số 134 ra ngày 1/6/1950 đã đăng bức thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thiếu nhi toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi. Trong thư Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1/6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới. Đáng lẽ tất cả các cháu đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ con ở Liên Xô. Song ở các nước tư bản, cha mẹ là người lao động bị bóc lột, thì trẻ con cũng bị bóc lột, phải chịu cực khổ. Ví dụ: Mỹ là một nước nhiều tiền bạc nhất, có những nhà đại phú, ngồi mát ăn bát vàng. Nhưng con nhà lao động thì lên 5, lên 6 tuổi đã phải đi làm thuê, làm mướn. Ở nước Việt Nam ta thì, vì giặc Pháp gây ra chiến tranh, chúng nó đốt nhà, giết người, cướp của. Vì vậy, người lớn phải kháng chiến, trẻ con cũng phải kháng chiến”.
Báo Cứu Quốc số 1828, ngày 29/5/1951, trong “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng ngày 1/5 là ngày mà tất cả những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh thì ngày 1/6 “là ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình...”. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn thiếu niên, nhi đồng cần phải “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”.
Trong “Thư gửi nhi đồng trong nước và ngoài nước nhân ngày 1/6” (1/6/1953), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết:
“Các cháu nhi đồng,
Hôm nay, Ngày nhi đồng quốc tế, Bác gửi lời thân ái thǎm các cháu nhi đồng trong nước, nhi đồng các nước bạn và nhi đồng thế giới.
Bác chúc các cháu vui vẻ, mạnh khoẻ, ngoan ngoãn, tiến bộ.
Bác đặc biệt gửi lời khen ngợi các cháu trong vùng tạm bị chiếm đã hǎng hái tham gia kháng chiến.
Bác gửi các cháu nhiều cái hôn”.
Trên báo Nhân Dân số 126, từ ngày 16 đến 20/9/1953, đã đăng bài thơ Bác gửi các cháu nhi đồng. Lần này, vui sướng về những chiến thắng vang dội của quân dân cả nước trong sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp, trong đó có sự đóng góp rất tích cực của các em thiếu niên, nhi đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết:
9 Tết Trung Thu,
8 nǎm kháng chiến,
Các cháu khôn lớn,
Bác rất vui lòng.
Thu này Bác gửi thơ chung,
Bác hôn các cháu khắp vùng gần xa,
Thu này hơn những Thu qua,
Kháng chiến thắng lợi gấp ba, bốn lần.
Trong thư gửi các cháu miền Nam năm 1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng ao ước và gửi gắm niềm tin vào các em thiếu niên, nhi đồng:
Nam Bắc sẽ sum họp một nhà,
Bác cháu ta sẽ gặp mặt trẻ già vui chung.
Nhớ thương các cháu vô cùng,
Mong sao mỗi cháu là một anh hùng thiếu nhi.
Mầm non của Đất nước
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”. Và Người nhấn mạnh: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”.
Vào năm 1944, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi tặng vở và những dòng thơ giản dị nhưng chứa đựng tình cảm và sự quan tâm sâu sắc cho một thiếu nhi người dân tộc ở Cao Bằng:
Vở này ta tặng cháu yêu ta
Tỏ chút lòng yêu cháu gọi là
Mong cháu ra công mà học tập
Mai đây cháu giúp nước non nhà
(“Tặng cháu Nông Thị Trưng”, 1944).
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, trong thư gửi học sinh vào ngày Khai giảng đầu tiên của nước Việt Nam mới, 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”.
Năm 1955, nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi cho các cháu và cán bộ các trường miền Nam, Người viết: “Lần này, Bác khuyên các cháu: “Trước hết, các cháu phải thương yêu giúp đỡ nhau, phải đoàn kết chặt chẽ. Đoàn kết giữa các cháu lớn và các cháu bé... giữa các cháu vùng này với các cháu vùng khác... giữa các cháu và các cô, các chú cán bộ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhắc các cháu thiếu nhi các trường miền Nam phải “yêu lao động, giữ kỷ luật. Chớ tự do phóng túng, phải tự lực cánh sinh... Các cháu nên thi đua, thi đua học tập, thi đua trong mọi việc...”. Bác căn dặn các cô, các chú cán bộ “phải thương yêu các cháu như con em ruột thịt của mình” để chăm nom, bồi dưỡng các cháu - những người chủ tương lai của nước nhà”.
Ngày 15/5/1961 nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên Tiền phong Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư Bác căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh/ Thật thà, dũng cảm… Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh”.
Trong cuốn sổ Giải thưởng Bác Hồ là loại sổ dành riêng để thưởng cho giáo viên và học sinh có thành tích xuất sắc trong học tập năm học 1964 - 1965 thì 5 điều Bác dạy trên đây lại được in hoàn chỉnh là: “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh thật tốt/ Khiêm tốn, thật thà, dũng cảm”. Nguyên nhân là do vào lúc đó ở miền Bắc xuất hiện nhiều gương thiếu nhi dũng cảm cứu người, cứu hàng; ở miền Nam xuất hiện nhiều gương dũng sỹ diệt Mỹ. Nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh không muốn các em tự kiêu, mà muốn các em khiêm tốn, vì đức khiêm tốn sẽ giúp các em tiến bộ mãi. Bởi Bác đánh giá rất cao đức khiêm tốn ở các em. Người nói: “Ở nước Mỹ, người ta giết nhau chỉ vì đồng bạc giấy, thế mà ở Việt Nam ta các cháu bé đã biết sống như thế nào... Có cháu lên 6 tuổi cùng bạn đi chơi, bạn nó sảy chân ngã xuống ao, nếu chạy về gọi người lớn thì bạn chết mất, cháu liền bám vào bụi cỏ bờ ao, nhoai cái chân nhỏ xíu ra, miệng bảo bạn “bám vào đây, bám vào đây”. Cháu tuy nhỏ tuổi mà biết thương bạn như vậy. Thương bạn, thông minh và dũng cảm, cháu lại khiêm tốn nữa, cứu được mạng người mà không khoe khoang. Văn minh chiến thắng bạo tàn. Xã hội ta văn minh hơn xã hội Mỹ từ những việc làm của các cháu bé như vậy”. Nghe theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thiếu niên, nhi đồng Việt Nam hăng hái thi đua tham gia phong trào “Hai tốt”, phong trào “Thiếu nhi làm nghìn việc tốt”. Chính những đóng góp nhỏ bé của các em đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và sự nghiệp dựng xây đất nước.
Dịp Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có lời căn dặn toàn Đảng, toàn dân cần “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” đăng trên báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1/6/1969. Người khẳng định: “Nói chung trẻ con ta rất tốt”. Người nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc thi đua làm nghìn việc tốt như thế nào, thành tích ra sao. Người nhấn mạnh: “chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...”. Người cũng kêu gọi mọi người: “Vì tương lai con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Đặc biệt, trong Di chúc của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi khắp 2 miền Nam Bắc, để chúc mừng đồng bào, cán bộ và chiến sĩ anh hùng; thăm hỏi các cụ phụ lão, các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý của chúng ta”. Ở đoạn kết thúc Người lại viết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thiếu niên và nhi đồng”.
Muôn ngàn tình yêu thương
Một lần nọ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng xem phim với cán bộ đồng bào sau Đại hội Chiến sĩ thi đua năm 1952. Buổi chiếu phim tan, mọi người lục đục kéo nhau đứng dậy ra về, Bác vội đứng lên đưa tay ra lệnh trật tự và nói to:
- Xin hãy để các cháu bé ra trước kẻo lộn xộn các cháu sẽ lạc đấy.
Thế là những người lớn lại ngồi xuống chờ các cháu nhỏ ra hết mới đứng lên về.
Một lần khác, nghe tin Bác đến thăm trường thiếu nhi miền Nam, các cán bộ phụ trách trường tíu tít chuẩn bị, trang hoàng hội trường đón Bác. Khi Bác đến, tất cả mọi người ùa ra đón Bác và đưa Bác đến hội trường đã được chuẩn bị cờ, hoa lộng lẫy. Nhưng Bác đề nghị dẫn Bác đến nhà bếp và phòng ngủ xem các cháu có được ăn no, ngủ ấm và chăm sóc chu đáo không. Sau đó Bác lấy ra một gói kẹo lớn chia đều cho các cháu. Đang nhìn các cháu ăn kẹo, Bác chợt nhận ra có một cháu đang đứng ở góc phòng, nét mặt buồn xo. Bác gọi lại hỏi:
- Cháu tên là gì? Vì sao lại đứng ở đây?
- Cháu tên là Tộ. Vì cháu phạm lỗi, tay bẩn không rửa nên các cô chú phạt, không cho nhận kẹo của Bác.
Bác cười bảo Tộ đi rửa tay rồi chia kẹo cho Tộ, sau đó Bác dạy:
- Từ nay, cháu phải luôn giữ gìn đôi tay cho sạch nhé. Bàn tay con người rất đáng quý.
Em Tộ rất cảm động trước sự chăm sóc ân cần của Bác. Từ đấy, em luôn giữ đôi tay sạch sẽ và rửa tay sạch trước khi ăn.
Một lần khác, Bác đến với các cháu mồ côi ở Trại Kim Đồng. Ngay từ phút đặt chân đến cổng trại nhìn bờ rào dăng dây thép gai, trong mắt Bác hiện lên sự nhức nhối. Nói với các cán bộ phụ trách, giọng Bác nhẹ nhàng, nhưng vô cùng thấm thía:
- Đây là nơi nuôi dạy các cháu mồ côi, được mang tên liệt sĩ Kim Đồng, sao các cô, các chú lại rào dây thép gai như nhà tù thế này?
Cán bộ Thuận thưa:
- Dạ thưa Bác, cơ ngơi của thời đại cũ đề lại đấy ạ!
Bác lắc đầu:
- Các cô, các chú phải tháo gỡ đám dây thép gai ngay. Chế độ cũ nhóm các cháu vào đây, chúng ta tiếp tục nuôi dạy vì tương lai các cháu.
Bác đi vào từng căn phòng ở, phòng ăn, phòng học, nơi các cháu vui chơi. Bác khen: “Được cái gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ, nhưng còn - Bác hỏi cán bộ phụ trách Trại - còn thế nào, các cô, các chú biết không ?
Mọi người nhìn Bác, vừa xúc động vừa lúng túng, rồi cán bộ Thuận mạnh dạn đáp:
- Thưa Bác, các cháu ở trại còn chật chội ạ.
Bác mỉm cười:
- Chú nói mới đúng có một phần nhỏ thôi. Đối với các cháu mồ côi, điều lớn nhất là phải bù đắp tình thương. Các cháu đã không còn bố, mẹ thì các cô, các chú ở đây là bố, là mẹ các cháu. Các cô các chú nuôi, dạy các cháu phải đem cả tấm lòng làm mẹ, làm cha mà cư xử, mà săn sóc, mà dạy bảo. Bác thấy ở đây, đối với các cháu còn có vẻ “trại lính”, thiếu cái ấm cúng của gia đình. Dạy bảo các cháu vào khuôn phép, sống có kỷ luật trật tự là đúng. Nhưng không được để các cháu mất cái hồn nhiên, mất cái vui tươi, thoải mái. Đừng biến các cháu thành các “ông cụ non”. Các cô, các chú phải làm sao cho các cháu thấy Trại Kim Đồng là gia đình của các cháu, đi xa các cháu nhớ, lúc ở nhà các cháu vui. Được như vậy thì cần gì phải rào dây thép gai, phải canh phòng nghiêm ngặt với các cháu.
Bác lại hỏi:
- Những cháu kém có nhiều không?
- Thưa Bác, còn nhiều lắm ạ.
- Nhiều là bao nhiêu?
Đồng chí phụ trách hơi bối rối.
Bác nói ngay:
- Quản lý các cháu thì cần biết cụ thể từng cháu một, biết chắc chắn cái dở, cái hay của mỗi đứa. Có vậy, thì dạy mới có kết quả tốt.
Bác bảo cán bộ Thuận đứng bên:
- Cho Bác gặp cháu nào kém nhất trại.
Em Quốc đứng khoanh tay trước mặt Bác, Bác cúi xuống vuốt nhè nhẹ tóc em. Bác hỏi:
- Tên cháu là gì?
- Thưa Bác, tên cháu là Quốc lủi ạ!
Bác hỏi:
- Ai đặt cho cháu cái tên ấy?
- Dạ thưa, các bạn gọi cháu thế ạ.
- Vì sao các bạn gọi cháu là Quốc lủi?
- Thưa Bác... Cháu... Cháu hay trốn trại. Cháu chui qua hàng rào, lủi vào các ngõ phố ạ.
- Sao cháu không chịu ở trong trại mà trốn ra ngoài?
- Thưa Bác… ở trong trại khổ cực lắm ạ.
- Khổ cực thế nào?
- Dạ chúng cháu bị gò bó đủ thứ ạ.
- Cháu nói rõ sự gò bó cho Bác nghe nào?
Em Quốc nhìn Bác mà nước mắt trào ra, nghẹn ngào không nói lên lời. Bác xoa đầu em, Bác đã hiểu thấu tất cả, dù em chưa nói ra được những điều muốn thưa với Bác, Bác khuyên Quốc: “Từ nay cháu phải phấn đấu bỏ cái tên “lủi”, giữ lại cái tên Quốc...”.
Nước mắt càng giàn giụa trên hai má Quốc. Bác cầm tay em Quốc đi ra chỗ cả trại đang tập hợp đón đợi Bác. Bác thân mật kể cho các em nghe một số gương tốt của thiếu nhi trong kháng chiến chống Pháp, gương tốt của thiếu nhi ở Liên Xô và các nước bạn. Các em đã không cầm được nước mắt khi nghe Bác kể về thời niên thiếu của Bác, Bác đã từng thèm một cái đồ chơi, ước ao một bộ quẩn áo mới để ăn mặc Tết. Bác cũng đã mồ côi mẹ từ năm lên chín, lên mười. Bác đã phải bế em đi xin sữa sau ngày mẹ qua đời.
Bác căn dặn các em:
- Các cháu phải vâng lời các cô, các chú phụ trách. Thiếu nhi thì phải ngoan, phải thật thà, lễ phép với người lớn, kính trọng người già, giúp đỡ người tàn tật yếu đau. Các cháu ở trong tập thể với nhau càng phải thương yêu nhau như anh chị em ruột thịt. Và phải dũng cảm sửa chữa những khuyết điểm, những thói hư tật xấu để lớn lên làm người chủ của đất nước, đừng để mình là cái gánh nặng của xã hội...
Rồi Bác bảo:
- Các cháu có hứa làm được điều Bác căn dặn không nào?
Một tiếng “có” vang lên, đều khắp và sôi nổi. Bác còn dặn thêm các em là, noi gương dũng cảm của liệt sĩ Kim Đồng trong học tập và rèn luyện, em nào đạt kết quả tốt, được ban phụ trách báo lên Bác, Bác sẽ gửi phần thưởng. Và Bác thân mật hẹn: “Nếu cả trại cùng tiến bộ vượt bậc, Bác sẽ còn về thăm các cháu nhiều lần nữa”.
Ngày hôm ấy, Bác đã đề lại rất nhiều quà để chia cho các em. Nhận phần quà của Bác cho, nhiều em đã không ăn, cất làm kỷ niệm. Từ hôm đó trong từng đôi mắt của các em, ngời lên niềm vui nhận quà Bác. Em Quốc không lủi ra ngoài trại nữa, mà giữ gìn mình như giữ gìn kỷ niệm quà Bác trong trái tim.
Không chỉ dành tình yêu cho các cháu thiếu nhi trong nước, Bác còn dành tình yêu bao la cho các cháu thiếu nhi khắp năm châu. Và các cháu thiếu nhi khắp năm châu cũng đã thể hiện sự yêu quý vô bờ đối với Bác.
Bác Hồ với thiếu nhi thế giới
Năm 1946, Bác sang Pháp để đàm phán với Chính phủ Pháp về những vấn đề có liên quan đến vận mệnh đất nước. Thị trưởnh thành phố Paris mở tiệc long trọng thiết đãi Bác. Khi ra về, Bác lấy trên bàn một quả táo bỏ vào túi. Mọi người ngạc nhiên, tò mò trước cử chỉ ấy của Bác. Ra đến cửa, Bác nhìn thấy rất đông bà con Việt Kiều và người Pháp đứng đón mừng Bác. Trông thấy một bà mẹ bế trên tay một cháu bé, Bác tiến lại gần, giơ tay bế cháu bé. Lúc ấy, Bác rút trong túi ra quả táo đưa cho cháu bé. Mẹ cháu bé và những người cùng đi rất cảm động trước tấm lòng yêu trẻ của Bác. Ngày hôm sau, câu chuyện “quả táo của Bác Hồ” đều được các báo Pháp đăng lên đầu trang nhất. Các báo còn kể lại rằng em bé gái khi nhận được quả táo đó thì giữ khư khư trong tay, ai xin cũng không cho. Lúc về nhà, em để quả táo trên bàn học. Cha mẹ em bảo: “Con ăn đi, kẻo để lâu sẽ hỏng, không ăn được”. Nhưng em nhất định không ăn. Em nói: “Đó là táo của Bác Hồ cho con, con sẽ giữ thật lâu để làm kỷ niệm”.
Khi đến thăm các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đến thăm Tiệp Khắc, Bác đã tiếp một đoàn thiếu nhi Tiệp Khắc. Em nào cũng muốn đứng cạnh Bác nên đã chen chúc, tranh giành nhau rất dữ. Để ổn định trật tự, Bác đã nẩy ra sáng kiến hỏi các cháu:
- Các cháu thấy Bác gầy hay mập?
Các cháu trả lời:
- Bác gầy lắm ạ.
Bác lại hỏi:
- Vậy các cháu có muốn Bác gầy không?
Các cháu đồng thanh trả lời:
- Không ạ.
Bác nói tiếp:
- Vậy các cháu đừng chen nhau hôn Bác nữa. Hãy cử một đại biểu đến hôn Bác thôi.
Sau câu nói của Bác, tất cả đều trật tự và cử bạn đội trưởng thay mặt tất cả đến hôn Bác. Bác ôm hôn bạn đội trưởng và cảm ơn các bạn thiếu nhi Tiệp Khắc.
Còn các an ninh nước bạn thì lại cảm ơn Bác vì Bác đã có sáng kiến duy trì được trật tự mà vẫn giữ được tình cảm yêu quý của thiếu nhi Tiệp Khắc với Bác.
Thật cảm động khi đọc được những câu chuyện như vậy về Bác Hồ kính yêu của chúng ta!
Nguyễn Văn Toàn