LIÊN HIỆP HỘI CẦN THƠ TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TỐT KẾT LUẬN CỦA ĐỒNG CHÍ
BÍ THƯ THÀNH ỦY CẦN THƠ
Lệ Thanh
Vừa qua, đồng chí Trần Quốc Trung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Cần Thơ đã làm việc với Ban Thường vụ, Thường trực Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố Cần Thơ (Tham dự cuộc họp có đại diện Thường trực HĐND, UBND thành phố và các sở ngành liên quan).
Kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu Liên hiệp Hội thực hiện tốt 7 nhiệm vụ trọng tâm; đồng thời chỉ đạo các ngành quan tâm tạo điều kiện cho Liên hiệp Hội hoạt động như: Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở KH&CN, Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT và các ngành chức năng khác (chúng tôi đã đăng toàn văn kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy vào ngày 13/5/2019).
Đây là niềm phấn khởi tự hào, mở ra cơ hội, hướng đi thuận lợi để Liên hiệp Hội và các hội thành viên phải chớp thời cơ để thực hiện tốt. Tuy nhiên thời gian đã trôi qua 2 tháng (từ 23/4 đến cuối tháng 6/2019) nhưng việc triển khai thực hiện tại Liên hiệp Hội đã làm được một số việc. Còn đối với các Sở ngành mới có Sở KH&ĐT đang dự thảo văn bản cho UBND thành phố ký phân cấp tư vấn, phản biện và GĐXH, còn một số ngành chưa chuyển động như mong muốn, một số việc hầu như còn “dậm chân tại chỗ”.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Trần Quóc Trung phát biểu tại buổi làm việc với Liên hiệp Hội Cần Thơ. Ảnh: HA
Với tầm quan trọng của Thông báo kết luận và yêu cầu về thời gian. Theo chứng tôi, Liên hiệp Hội cần triển khai thực hiện quyết liệt và phối hợp chặt chẽ hơn nữa cùng các ngành nhằm phát huy những kết quả đạt được, nhất là khắc phục những mặt tồn tại, yếu kém mà đồng chí Bí thư đã chỉ ra như sau:
“Tuy nhiên Liên hiệp Hội chậm đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội còn hạn chế; chưa chủ động làm cầu nối gắn kết chặt chẽ giới trí thức khoa học và công nghệ với Đảng bộ, chính quyền thành phố; một số hội thành viên hoạt động hiệu quả chưa cao, còn lung túng trong việc tạo nguồn lực cho các hoạt động, nhất là về kinh phí”.
Những điểm yếu trên đây thuộc những chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Liên hiệp Hội để thực hiện 7 nhiệm vụ và khắc phục có hiệu quả tồn tại nêu trên. Những nhiệm vụ mà Liên hiệp Hội cần quan tâm thực hiện và chỉ đạo các hội trực thuộc thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2019:
Một là, khẩn trương củng cố về tổ chức. Đại hội V Liên hiệp Hội tiến hành tháng 5/2017, thời điểm đó có 17 hội thành viên, 3 trung tâm trực thuộc với 7.742 hội viên.
Từ sau Đại hội, Thường vụ và Thường trực Liên hiệp Hội đã quan tâm củng cố tổ chức: đã 3 lần Thường trực làm việc với tất cả hội thành viên; động viên, thăm hỏi và cùng tìm các giải pháp đẩy mạnh hoạt động cho các hội chưa đại hội. Liên hiệp Hội đã làm việc các sở ngành chủ quản, nhờ sự quan tâm chỉ đạo các hội tiến hành đại hội. Qua 3 năm củng cố, Thường trực đã đề nghị Ban Thường vụ cho giải thể 2 trung tâm trực thuộc Liên hiệp Hội là: Trung tâm dạy nghề khoa học và công nghệ, Trung tâm điện tử - tin học và ngoại ngữ. Bên cạnh đó là Hội Khoa học Kinh tế không hoạt động từ đại hội V đến nay.
Điều đáng chú ý, sau đại hội V, LHH còn 5 hội chưa tiến hành đại hội. Đến nay, mới có Hội Sinh vật cảnh đại hội (tháng 5/2019), còn lại 4 hội chưa tiến hành đại hội là: Hội Xây dựng, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường, Hội Cơ khí và đúc luyện kim, (Hội Tâm lý giáo dục nhiều năm không hoạt động). Trong các hội chưa tiến hành đại hội được, có những hội đã quá thời hạn 2-3 năm. Xong, do không có nhân sự để cơ cấu vào Ban Chấp hành.
Để giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng tôi đề nghị LHH và Sở Nội vụ cần có Công văn liên ngành gửi cho các hội và Sở chủ quản yêu cầu đến cuối năm 2019 phải đại hội cho xong. Nếu không thực hiện được thì đề nghị đưa ra khỏi hội thành viên thuộc LHH và Sở Nội vụ trình UBND thành phố ra Quyết định giải thể, khi nào có đủ điều kiện và xét thấy cần thiết thì thành lập lại.
Thiết nghĩ bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, tổ chức phải mạnh, đoàn kết…mới hoạt động có hiệu quả, nhất là trong tình hình hiện nay Đảng và Nhà nước ta yêu cầu phải tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Nhân dịp này, xin đề xuất LHH cần chỉ đạo thống nhất thời gian đại hội của các hội, để chấm dứt tình trạng chậm trễ tiến hành đại hội. LHH cần mạnh dạn cho điều chỉnh tất cả các hội trực thuộc đều phải thực hiện đại hội trước đại hội của LHH. Như vậy một số hội đã đến kỳ đại hội được kéo dài thêm đến sát đại hội LHH. Hội khác chưa đủ 5 năm cũng tiến hành đại hội đồng loạt với các hội. Như vậy sẽ chấm dứt tình trạng “lọt chọt”.
Hai là, chức năng tập hợp và đoàn kết đội ngũ trí thức khoa học công nghệ (nhiệm vụ 3).
Đây vừa là chức năng, vừa là nhiệm vụ của LHH nhằm tập hợp được các chuyên gia giỏi, tâm huyết nhằm đề xuất, tham mưu cho thành phố những vấn đề lớn về phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức nghiên cứu khoa học.
Yêu cầu là như thế, xong đi vào thực hiện là vô cùng khó khăn. Theo thống kê của Sở KH&CN về nhân lực hoạt động trong lỉnh vực khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố cuối năm 2018 là 7.455 người. Trong đó, tiến sĩ 686 người, chiếm 9,2%; thạc sĩ 2.690 người, chiếm 36,08%; Đại học 2.525 người, chiếm 33,86%.
Đáng chú ý là số người có học vị cao trong LHH (kể cả hội thành viên) là rất thấp: tiến sĩ 76/686 người, tương đương 11,07%; thạc sĩ 320/2690 người, tương đương 11,89%; Đại học 1563/2525 người, tương đương 61,9%.
Như vậy phần đông số cán bộ có trình độ cao tại các viện, trường: Đại học Cần Thơ, Đại học Y dược, Viện lúa ĐBSCL, các trường Đại học và Cao đẳng khác… Họ gắn bó với cơ quan, đơn vị thực hiện theo các chương trình, kế hoạch của đơn vị và hợp tác quốc tế… do vậy, họ không còn thời gian để tham gia các công việc ngoài cơ quan.
Thực tế cho thấy, nhiều cán bộ quan trọng ở các ngành được cơ cấu vào ban Chấp hành LHH, nhưng nhiều kỳ họp vắng không tham dự được nên số người dự họp chỉ 2/3 ủy viên tham dự. Điều này nói lên cả 2 lý do: vì công việc, vì thiếu nhiệt tình. Con số dưới đây cũng nói lên điều ấy: các năm qua, thành phố Cần Thơ thường xuyên tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật có giải thưởng, nhưng số người tham gia dự thi còn khá khiêm tốn. Năm 2012-2013: có 85 giải pháp; năm 2014-2015: có 91 giải pháp; năm 2016-2017: có 73 giải pháp tham dự.
Để khắc phục tình trạng trên, nhằm đáp ứng được mong muốn của lãnh đạo thành phố, để thực hiện những công việc lớn lao, xứng tầm, thiết nghĩ thành phố nên thành lập câu lạc bộ mang tên “câu lạc bộ trí thức Cần Thơ”. Ở đó sẽ bao gồm cả số trí thức cả trong và ngoài LHH với Ban chủ nhiệm là những cán bộ có tầm cỡ, tổ chức sinh hoạt 1-2 tháng/lần với những chủ đề bám sát chương trình, kế hoạch, nghị quyết của thành phố… thông tin cho trí thức biết, đóng góp ý kiến xây dựng. Cần thiết mời các giáo sư, chuyên gia giỏi ở TPHCM, Hà Nội báo cáo những vấn đề nóng trong nước và quốc tế. Phải tổ chức chu đáo, các cuộc họp này phải có lãnh đạo Thành ủy, HĐND, UBND tham dự, lắng nghe, tiếp thu. Làm được như vậy, thì mục tiêu tập hợp trí thức mới thành công và mới có những sản phẩm mang hàm lượng trí tuệ cao trong đời sống kinh tế - xã hội.
Ba là, công tác tư vấn, phản biện: Đồng chí Bí thư Thành ủy yêu cầu “chủ động tiến hành các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội…” (nhiệm vụ thứ 4). Đây cũng vừa là chức năng, vừa là nhiệm vụ của LHH. Thực hiện tư vấn, phản biện và giám định xã hội đem lại lợi ích kép; vừa chống lãng phí, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, bảo vệ được cán bộ. Tuy nhiên, công việc này đang gặp phải nhiều khó khăn, trở ngại. Rào cản lớn nhất là tâm lý e ngại, cho giám định sẽ là cắt xén là gây khó khăn cho đơn vị… Vì vậy, trong các năm qua, LHH đã nhiều lần gửi công văn yêu cầu các sở, ngành đặt hàng, tuy nhiên không có đơn vị nào đặt hàng.
Đến năm 2018, UBND thành phố giao cho LHH tư vấn các giải pháp thu thuế năm 2018, là đề án duy nhất, còn lại LHH phối hợp với MTTQ để tư vấn, phản biện và giám đinh xã hội về một số chính sách, cũng như một số hoạt động ở các quận huyện.
Trước thực trạng trên và thực lực đội ngũ trí thức của LHH còn hạn chế (nêu trên) để thực hiện tốt kết luận của đồng chí Bí thư Thành ủy “chủ động tư vấn quá trình thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các chương trình, dự án, đề án lớn quan trọng của thành phố trước khi cấp có thẩm quyền quyết định…” là nhiệm vụ vô cùng hệ trọng, để giúp cho LHH từng bước thực hiện, tiến lên chi phối toàn bộ các hoạt động kinh tế - xã hội của thành phố. Cần có sự vào cuộc từ UBND thành phố, các cơ quan quản lý khoa học, các đoàn thể, các nhà doanh nghiệp, theo chúng tôi:
1) UBND thành phố hàng năm xây dựng kế hoạch kinh tế - xã hội cần giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp Sở KH&CN xem xét quy mô, tính chất, mức độ các dự án, kế hoạch, công trình nhất thiết phải thực hiện tư vấn, phản biện… giao cho LHH thực hiện.
2) Phải tăng cường tuyên truyền lợi ích, tác dụng đem lại của công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội. Thông qua Ban Tuyên giáo, đài PT-TH, báo Cần Thơ, qua việc phỏng vấn, soạn tờ rơi hỏi đáp, lấy ý kiến các nhà khoa học, lãnh đạo cao cấp có am hiểu vấn đề này để có tiếng nói chung. Cần tổ chức đoàn đi gồm các ngành, sở cấp thành phố học tập kinh nghiệm người thật, việc thật ở các tỉnh, thành phố để áp dụng cho thành phố Cần thơ.
3) Liên hiệp Hội Cần Thơ là cơ quan thực hiện chức năng TV, PB&GĐXH, cần chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất cho thành phố những dự án, công trình, phân việc, chính sách vừa với năng lực và sớm xây dựng kế hoạch tài chính, kinh phí đảm bảo (kể cả kinh phí mời các chuyên gia ngoài thành phố) để thành phố giao cho (chứ không chờ các ngành đề xuất).
Trên đây là những suy nghĩ và đề xuất một số giải pháp nhằm thực hiện những nhiệm vụ quan trọng mà đồng chí Bí thư Thành ủy Trần Quốc Trung kết luận chỉ đạo và kỳ vọng.