Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật và Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Cần Thơ đã ký kế hoạch Liên tịch số 01/KHLT/LHH-STNMT ngày 03 tháng 10 năm 2012 về việc phối hợp hành động bảo vệ môi trường phục vụ phát triển bền vững giai đoạn 2012 – 2016. Trên cơ sở đó, hàng năm Liên hiệp Hội xây dựng kế hoạch và phát động nhiều phong trào, tuyên truyền bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, cây thuốc, con thuốc quý hiếm và nhiều hội thảo tập huấn về các vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu đến đông đảo người dân, các thầy cô giáo, các em học sinh trên địa bàn thành phố Cần Thơ. Một số kết quả đã đạt được như sau:
Năm 2012: Liên hiệp Hội triển khai hội thảo tập huấn “Luật bảo vệ môi trường” cho 90 cán bộ là lãnh đạo các Hội thành viên, các tổ chức xã hội, các ban ngành đoàn thể thành phố các quận huyện nhằm phổ biến luật BVMT và cung cấp những thông tin thực tế, cụ thể về vấn đề môi trường và công tác bảo vệ môi trường tại thành phố Cần Thơ từ đó mỗi cá nhân, tổ chức có ý thức và hành động cụ thể hơn trong việc BVMT thành phố.
Năm 2013: Liên hiệp Hội phối hợp với Hội Tâm lý giáo dục tổ chức 3 lớp tập huấn về công tác lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường cho các giáo viên giảng dạy môn sinh học, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trong địa bàn thành phố Cần Thơ với chủ đề “Nâng cao kỹ năng lồng ghép giáo dục bảo vệ môi trường trong học đường” với tổng số cán bộ tham dự là trên 500 giáo viên ở cả 2 khối lớp.
Năm 2014: Nhằm hưởng ứng ngày đa dạng sinh học thế giới Liên hiệp Hội phối hợp với Hội Đông y thành phố tổ chức thành công Hội thảo “Duy trì phát triển cây thuốc, vườn thuốc và con vật làm thuốc bảo tồn đa dạng sinh học”. Hội thảo đã thu hút gần 100 đại biểu là hội viên Hội Đông y và cán bộ các sở ban ngành thành phố, Hội Đông y của các tỉnh Vĩnh Long, An Giang, Đồng Tháp. Thông qua hội thảo đã phát động phong trào bảo vệ động vật hoang dã, hạn chế và không sử dụng động vật hoang dã trong việc kê đơn thuốc trong y học cổ truyền thay vào đó là các vị thuốc nam có tác dụng tương tự. Thông qua chương trình này Hội Đông y thành phố đã phát động cuộc thi những vị thuốc nam thay thế mật gấu được nhiều hội viên Hội đông y hưởng ứng tích cực, riêng thành Hội Đông y thành phố đã đạt Giải III toàn quốc trong chương trình nay.
Năm 2015: tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Trường em xanh, sạch đẹp” tại trường Tiểu học Thới Bình 1, Ninh Kiều - Cần Thơ với gần 500 em học sinh và thầy cô giáo tham dự. Nội dung cụ thể: Sinh hoạt chuyên đề trình bày các nội dung về bảo vệ môi trường sống, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, không vứt rác bừa bãi, phân loại rác, tiết kiệm điện nước, tầm quan trọng của cây cỏ đối với cuộc sống, các loài động vật cần được bảo vệ,… qua các hình ảnh, video clip, lời giảng ngắn gọn gần gũi, dễ hiểu giúp các em dễ ghi nhớ và thực hiện theo; Hái hoa dân chủ: 50 câu hỏi gắn liền với cuộc sống thường ngày về chủ đề môi trường và thiên nhiên. Chương trình đã góp phần hình thành ý thức và tư duy của thế hệ trẻ trong vấn đề môi trường, bảo vệ môi trường và ứng phó thích nghi với biến đổi khí hậu được quý thầy cô và hiệu trưởng của trường đánh giá cao và đề xuất cần nhân rộng mô hình sang các trường khác TPCT. Phối hợp với Hội Làm vườn thành phố tổ chức thành công hội thảo “Bảo tồn đa dạng sinh học cùng sản xuất và tiêu thụ nông sản an toàn bền vững”; Năm 2015-2016: giao Trung tâm dịch vụ khoa học công nghệ là đơn vị trực thuộc chủ trì thực hiện dự án khoa học “Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ”. Dự án đã huy động sự đóng góp của các nhà khoa học tại các thành viên như hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường, Hội Sinh học và công nghệ sinh học, hội Làm vườn tổ chức 4 lớp tập huấn cho 180 lượt người tham dự, tổ chức 2 cuộc hội thảo đầu bờ và 1 cuộc hội thảo khoa học cho 100 đại biểu tham dự nhằm nâng cao nhận thức người dân trong việc lựa chọn đối tượng và bố trí mùa vụ phù hợp trong điều kiện biến đổi khí hậu; xây dựng 3 mô hình canh tác thực tế diện tích 1 ha/mô hình để người dân được tai nghe mắt thấy về những điều được học. Với những hiệu quả thiết thực, khoa học mà dự án đem lại dự án đã được hội đồng khoa học huyện Cờ Đỏ nghiệm thu tháng 12 năm 2016.
Năm 2016: nhân rộng chương trình hái hoa dân chủ tìm hiểu về môi trường, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân bằng thùng rác tự hủy cho 400 em học sinh trường Tiểu học Mỹ Khánh, và trường Trung học Cơ Sở Tân Thới huyện phong Điền, thành phố Cần Thơ. Chương trình đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, Ban giám hiệu hai trường đánh giá cao và sẽ tiếp tục duy trì hoạt động thu gom, phân loại rác trong khuôn viên trường để ủ hoai bằng thùng rác tự hoại. Liên hiệp Hội đang mở rộng mô hình này cho 4 trường khác của huyện Phong Điền theo yêu cầu của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện. Trong học động này Liên hiệp Hội cũng đã nhận được sự tài trợ từ phía doanh nghiệp để ủng hộ hiện vật cho các em học sinh của hai trường, số tiền tương đương 5.000.000 đồng. Đây cũng là bước tiến trong việc xã hội hóa các hoạt động nhằm góp phần chung tay bảo vệ môi trường cho thế hệ tương lai.
Tổ chức Hội thảo: “Đa dạng sinh kế thích ứng biến đổi khí hậu” nhằm giới thiệu các mô hình nâng cao thu nhập cho người dân trong điều kiện biến đổi khí hậu, có khoảng 70 đại biểu tham dự. Đây là hoạt động phổ biến kiến thức rất hữu ích và có ý nghĩa quan trọng, các tham luận trong hội thảo này là những công trình nghiên cứu khoa học của các chuyên gia đầu ngành tại Đại học Cần Thơ.
Năm 2017: Liên hiệp Hội tiếp tục phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường nhân rộng các mô hình hái hoa dân chủ tìm hiểu về môi trường, hướng dẫn kỹ thuật ủ phân bằng thùng rác tự hủy cho 400 em học sinh tại quận Bình Thủy; Tổ chức hội thảo phổ biến kiến thức tại huyện Vĩnh Thạnh nhằm giúp người dân nơi đây tranh thủ, chủ động trong việc tận dụng nguồn nước mưa phục vụ sinh hoạt và ứng dụng khoa học công nghệ thích ứng biến đổi khí hậu; Thực hiện mô hình thí điểm về việc đào tạo đội ngũ tuyên truyền viên tại cơ sở về công tác bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu tại huyện Phong Điền. Điều phối và phối hợp Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường thành phố thực hiện dự án “ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất năng lượng mới cho huyện Vĩnh Thạnh” nhằm giúp người dân của huyện xử lý rác thải trong chăn nuôi và rác thải sinh hoạt theo hướng tận dụng các nguồn rác thải này để tạo năng lượng đun nấu và phát điện sinh hoạt và làm phân hữu cơ sinh học phục vụ sản xuất góp phần bảo vệ môi trường và phát triển mô hình sản xuất sạch cho huyện Vĩnh Thạnh.
Bên cạnh những hoạt động thiết thực đó, Liên hiệp Hội cũng đã tích cưc trong việc tranh thủ các nguồn kinh phí viện trợ từ các tổ chức quốc tế, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài trong việc bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu khi có điều kiện; Cử cán bộ tham gia trong các mạng lưới về bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu như Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, mạng lưới VNGOCC, mạng lưới biến đổi khí hậu MeKong nhằm cập nhật thông tin, các mô hình hiệu quả và được tập huấn nâng cao năng lực thích ứng biến đổi khí hậu trở thành những tuyên truyền viên tích cực, đồng thời là cơ hội để tiếp cận các nguồn vốn viện trợ giúp cho các hoạt động này được thực chất hơn.
Bài viết: Hoài Ân-VPLHH