LẶNG LẼ MÀ SÔI ĐỘNG
Cuộc chiến chống COVID-19 ở nước ta bắt đầu từ ngày 23/01/2020, ba tháng sắp trôi qua, đại dịch đã lây lan trên 210 nước, số người lây nhiễm trên 1,8 triệu người, số ca tử vong lên đến 114.171 người (tính đến ngày 13/4/2020) nhưng Việt Nam là một trong những nước có số người lây nhiễm thấp và chưa có ca tử vong. Chính phủ ta nói rằng: Việt Nam có chiến lược, chiến thuật riêng trong phòng chống dịch. Từ ngày 01/4/2020 cả nước ta bước vào giai đoạn 3 một cách bình tĩnh sáng suốt và quyết liệt, lặng lẽ mà sôi động...
Cả nước cùng thực hiện “dấu lặng”
Chính phủ ban bố lệnh cách ly toàn xã hội - giãn cách xã hội nhằm hạn chế lây lan ra cộng đồng. Xem đây là thời điểm vàng để nước ta chiến thắng dịch COVID-19. Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định: mọi người phải ở trong nhà, khi thật cần thiết mới ra đường, không tụ tập quá 20 người trong các trường học, công sở, 10 người ở ngoài xã hội; thôn ấp, xã phường, quận huyện, tỉnh thành nào ở yên nơi đó. Ngoài các trường học tiếp tục đóng cửa cho học sinh học trực tuyến online, tất cả các cơ quan phải cử người trực, còn lại làm việc tại nhà. Mọi hoạt động công cộng như các tụ điểm vui chơi giải trí, nhà hàng, vũ trường, karaoke, cà phê, các lễ hội đều phải ngừng hoạt động trừ các siêu thị, cửa hàng phục vụ thực phẩm thiết yếu, cửa hàng thuốc và dụng cụ y tế. Tất cả các phương tiện giao thông công cộng đều giảm lưu lượng, phương tiện hoạt động trừ xe chở người cách ly, xe chở quân đội, công an, bác sĩ phục vụ và hàng hoá đến nơi dập dịch.
Chấp hành lệnh cách ly trên đã được cơ quan, đơn vị và nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành. Có thể nói tất cả các đô thị đến nông thôn, số người và phương tiện lưu thông rất ít, thành phố yên ả. Do lượng xe cộ ít nên không có kẹt xe và tai nạn giao thông. Về đêm, nếu như trước đây ngoài đèn đường thì phố xá rực rỡ ánh đèn từ nhà dân, các nhà hàng, quán xá, chợ đêm...thì nay trở nên mờ nhạt, vắng lặng, bảy tám giờ tối nhà nào nhà nấy đã đóng cửa trừ lực lượng chức năng đi kiểm tra an ninh và các chốt ra vào ở thành phố. Một không gian yên tĩnh như một dấu lặng trắng trong bản nhạc. Đây là thời điểm đặc biệt đột xuất nên phải có những giải pháp đặc biệt, không thể nào khác.
Một cuộc chiến sôi động bắt đầu
Nhìn lại thời gian qua kể từ ngày 23/01/2020, nước ta bắt đầu vào cuộc chống COVID-19, Đảng, Nhà nước và Chính phủ có nhiều văn bản, chỉ thị và thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia chống dịch. Tuy nhiên lúc đầu số người lây nhiễm còn ít (16 người) nhưng con số ngày càng tăng do người từ nước ngoài về và lây nhiễm trong cộng đồng. Do có những chỉ đạo quyết liệt mạnh mẽ, có phác đồ điều trị phù hợp nên 16 ca đã được điều trị âm tính, xuất viện.
Với kết quả như trên đã được thế giới ca ngợi, học tập và đã được bình chọn Việt Nam là nước đứng đầu về sự tín nhiệm của nhân dân đối với Chính phủ về việc chống dịch. Nhìn ra thế giới, rất nhiều nước Châu Âu, phương Tây có nền kinh tế và y học tốt hơn nước ta nhưng do chưa được chỉ đạo chặt chẽ, người dân còn chủ quan trong phòng tránh dịch mà gây nên thảm hoạ như Italia, Mỹ, Tây Ban Nha...
Có thể nói chưa có nước nào mà cả hệ thống chính trị vào cuộc như nước ta. Đảng và Nhà nước bình tĩnh, sáng suốt nhưng quyết liệt, sôi động, các giải pháp năng động, mạnh mẽ, khoanh vùng dập dịch như Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc), Hạ Lôi (Mê Linh), Trúc Bạch (Tây Hồ), bệnh viện Bạch Mai...Số người cách ly đã lên đến gần 80.000 người (cách ly tại bệnh viện, nơi tập trung và tại nhà). Nhà nước phải lo chỗ ăn nghỉ, phục vụ ở các khu cách ly tập trung trong lúc đất nước còn khó khăn, nếu không nói là lâm nguy, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, xuất khẩu khó khăn đã gây nên thất thu ngân sách lại còn phải giảm giãn thuế và phí, giảm lãi suất ngân hàng. Trong khi đó còn phải lo làm thêm các bệnh viện dã chiến, lo chữa trị cho người bệnh trong nước và quốc tế số tiền lên đến nhiều ngàn tỷ đồng. Ngoài ra còn phải chi trợ cấp cho các đối tượng có thu nhập thấp và giảm sâu, các đối tượng bán vé số dạo. Trong lúc thực hiện công việc đối nội như vậy, Đảng và Nhà nước ta vẫn quan tâm đến công tác đối ngoại trợ giúp thiết bị y tế, thuốc men cho nhiều nước: Trung Quốc, Lào, Campuchia, Hàn Quốc, Mỹ...
Quan sát kỹ ta thấy các nhà lãnh đạo từ Đảng, Chính phủ, các bộ ngành ở Trung ương và lãnh đạo ở những thành phố lớn làm việc thâu đêm, sức khoẻ sa sút vì lo dập dịch để bảo vệ tính mạng của người dân. Nếu như không sôi động, quyết liệt, mạnh mẽ, táo bạo quyết chiến thắng dịch thì làm sao có thể được như ngày hôm nay. Sự sôi động không chỉ thể hiện từ Đảng và Chính phủ mà cả nước Việt Nam ta đã dấy lên tinh thần “chống dịch như chống giặc”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước ra lời kêu gọi đồng bào ở trong nước và kiều bào ở nước ngoài cùng đồng lòng chung sức chống dịch. Tinh thần ấy chẳng khác nào lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước đây và đã được toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta hưởng ứng tích cực.
Ngành y tế bắt tay ngay vào cuộc dù biết nguy hiểm chết người, đã tìm phác đồ, thuốc men phù hợp, hiệu quả. Trong sự nghiệp cứu người đã có vài trăm bác sĩ phải bị cách ly (như bệnh viện Bạch Mai), nhiều bác sĩ đã tình nguyện đến các vùng có dịch, các bệnh viện từ Nam ra Bắc, từ Trung ương về tỉnh thành phố, nhiều bác sĩ về hưu, các sinh viên y khoa từ các trường Đại học Hà Nội, Huế, sài Gòn, Cần Thơ tình nguyện chống dịch với lòng yêu nghề, đạo đức ngành y. Ngoài ra, Bộ Y tế còn phải cập nhật số liệu cụ thể trong nước và quốc tế hàng ngày về tình hình dịch bệnh và kết quả điều trị để công khai cho người dân biết. Nói thì đơn giản nhưng công việc đầy khó khăn, vất vả, nguy hiểm, hi sinh cả tình cảm để lo chống dịch.
Bộ Quốc phòng từ các quân binh chủng đến bộ đội biên phòng đã được tổ chức diễn tập và kế hoạch phối hợp rất tỉ mỉ, chính xác. Bộ đội đã nhường doanh trại của mình cho những người cách ly và hàng ngàn người hàng ngày phải nấu nướng phục vụ cơm nước, đồ dùng sinh hoạt ở các khu cách ly tập trung. Bên cạnh đó, vẫn phải canh giữ biên cương, hải đảo để bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Ngành công an, bố trí hàng ngàn chiến sĩ thường trực ở các vùng, làng xã được khoanh vùng cách ly đồng thời phải làm nhiệm vụ cung cấp lương thực thực phẩm thiết yếu cho những nơi này (có nơi lên đến 10.000 người dân). Ngoài ra còn phải giữ gìn an ninh trật tự an toàn xã hội, trấn áp những kẻ tuyên truyền sai sự thật về dịch bệnh, về cơ sở vật chất phục vụ ở những điểm cách ly.
Ngành công thương phải chỉ đạo tổ chức sản xuất đủ khẩu trang, thiết bị y tế, sản xuất hàng hoá phục vụ nhân dân và công tác xuất nhập khẩu.
Ngành thông tin và truyền thông, báo chí hàng ngày cung cấp thông tin chính xác, minh bạch về sự chỉ đạo của Đảng và Nhà nước, tình hình dịch bệnh cho nhân dân biết để yên tâm.
Nhiều Bộ ngành, cấp ủy chính quyền địa phương củng ngày đêm lo phòng chống dịch. Đối với nhân dân, vận dụng tinh thần toàn dân đoàn kết đánh giặc (giặc đến nhà đàn bà cũng đánh) và theo lời Bác Hồ kêu gọi trước đây, ai có gươm thì dùng gươm, có súng thì dùng súng, ai không có súng thì dùng giáo mác, gậy gộc. Toàn dân ta đã vào cuộc từ cụ già đến các cháu thiếu nhi ủng hộ tiền, gạo, rau, gà ...cho các điểm cách ly và ngành y tế. Mẹ Việt Nam anh hùng Ngô Thị Quýt ở Gò Vấp, TPHCM đã trên 100 tuổi thời gian qua đã ngồi may khẩu trang để phát miễn phí cho nhân dân; Một cụ ở Cẩm Phả - Quảng Ninh, 101 tuổi đến tận UBND phường ủng hộ 1 triệu đồng từ tiền mừng tuổi của con cháu. Các em thiếu nhi đã dùng tiền tiết kiệm của mình để ủng hộ những nơi cách ly...Nhiều phụ nữ và các đoàn thể khác, các doanh nghiệp, doanh nhân ủng hộ tiền, khẩu trang, nước sát khuẩn, đồ bảo hộ cho ngành y tế... Các văn nghệ sĩ cũng tích cực ủng hộ tiền cho những nơi chống dịch và còn rất nhiều cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước khác ủng hộ.
Cố nhạc sĩ Trần Hoàn đã từng có câu hát: “Trong cơn hoạn nạn mới hiểu được lòng nhau”. Trong lúc chưa có dịch đã xảy ra nhiều vụ án tranh giành đất đai, nhà cửa, chém giết cả những người thân, có cặp vợ chồng ra toà tan phen tứ bận không xong vì chia chác tài sản, nhiều vụ trộm cướp giết người dã man... nhưng trong thời điểm này người ta mới thấy yêu quý tính mạng và cuộc sống của mình và nhân dân mình nên đã không tiếc tiền bạc đúng như lời Bác dạy “phải đem hết tinh thần và nghị lực, tính mạng và của cải để giữ vững nền độc lập của Tổ quốc”.
Phải chăng tinh thần dân tộc, tình đoàn kết sẻ chia đã bộc lộ trong lúc hoạn nạn khó khăn, điều này thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, của nhân dân ta “lá lành đùm lá rách”, “thương người như thể thương thân”.
Vận dụng tiếng hát át tiếng bom trong thời chiến, các văn nghệ sĩ, nhạc sĩ bám sát tinh thần chống dịch và những đóng góp của nhân dân, sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước... đã phản ánh kịp thời qua các tác phẩm thơ ca, nhạc hoạ, phim ảnh, tranh cổ động, các bộ tem cổ động... có sức lan toả không chỉ trong nước mà còn vang vọng ra các nước. Qua những bài hát chống dịch, cải lương, tân nhạc, hài kịch, hát xẩm, hát văn, hát then... Mặt khác cũng phê phán những con người, những hành động đi ngược lại lợi ích chung, không chấp hành mệnh lệnh Nhà nước.
Những hành vi phản cảm, mặt trái của xã hội
Trong khi cả nước sục sôi vào cuộc: từ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, các địa phương, nhất là Hà Nội và TPHCM cùng toàn dân hưởng ứng chung sức, đồng lòng đoàn kết, quân với dân là một ý chí, thì có những người vẫn dối gian, ích kỷ: không khai báo y tế hoặc khai báo không trung thực, làm lây ra cộng đồng gây tốn kém sức người, sức của. Cá biệt có nhóm người từ nước ngoài về đã được Tổ quốc dang rộng vòng tay đón đợi thì lại có thái độ phản cảm, đòi yêu sách riêng cho mình trong bối cảnh khó khăn chung không thể giải quyết được; có những người trong khu vực cách ly thì lại chê bai nơi ăn chốn ở, người nhà phải gửi cả tủ lạnh, đồ dùng xa xỉ, cả gấu bông để dùng gây khó khăn, vất vã cho bộ đội nhận phát cho từng người (trong khu cách ly ở ký túc xá ĐH Quốc gia TPHCM có 6.000-7.000 người). Có những kẻ lại tuyên truyền xuyên tạc về tình hình dịch bệnh trong nước làm hoang mang trong nhân dân bị cơ quan pháp luật xử lý nghiêm minh (một người ở Tiên Uyên, Quảng Ninh chống người thi hành công vụ bị phạt 9 tháng tù, một người ở Đà Lạt tung tin giả bị công an khởi tố, 15 thanh niên tổ chức đua xe ở Hồ Hoàn Kiếm bị tạm giữ để điều tra, tổ chức nhậu nhẹt gây chết người liên quan đến trường Đại học Ngân hàng TPHCM).
Một số người dân ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM, chưa hết tuần đầu cách ly đã đổ ra đường “liều mình như chẳng có dịch” không chấp hành tốt lệnh cách ly. Thời gian giãn cách xã hội 15 ngày cũng sắp trôi qua, toàn dân nên tiếp tục phát huy tốt tinh thần chống dịch, ý thức trách nhiệm của mình đối với đất nước góp phần chiến thắng dịch COVID trên đất nước Việt Nam đem lại bình yên cho cuộc sống, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2020 và tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII.
Cần Thơ, ngày 13 tháng 4 năm 2020.
Tác giả: Viết Trương