Kỷ niệm 64 năm chiến thắng Điện Biên Phủ: Điện Biên Phủ - thành phố lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”

Những ngày này người dân cả nước nói chung và thành phố Điện Biên Phủ nói riêng đang hân hoan chào mừng kỷ niệm 64 năm ngày chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – Chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 – 07/5/2018)

* Vài nét về Điện Biên Phủ

Điện Biên Phủ trước đây có tên gọi là Mường Thanh, tên gọi Điện Biên do vua Thiệu Trị đặt năm 1841. Thành phố Điện Biên Phủ hiện nay là đô thị loại III của tỉnh Điện Biên ở Tây Bắc nước ta. Thành phố có 7 phường và 2 xã với dân số năm 2017 là 73.000 dân.

Điện Biên Phủ là tâm điểm giao lưu với các nước trong khu vực: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan... cách Hà Nội khoảng 500km. Chính ở vị trí ngã ba chiến lược, Điện Biên Phủ được thực dân Pháp chọn làm “cố đô” và lấy tên Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ để làm bàn đạp cho tham vọng tấn công xâm chiếm các nước trong khu vực. Nhưng các nhà quân sự Pháp đâu ngờ rằng chính nơi đây họ đã bị thất bại hoàn toàn và là chiến thắng vĩ đại “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam.

Trận Điện Biên Phủ là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và quân đội Liên hiệp Pháp (gồm lực lượng viễn chinh Pháp, lê dương Pháp, phụ lực quân bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam).

Hầm tướng De Catries vốn là Sở chỉ huy, cơ quan đầu não của Pháp trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Tư liệu

 

Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 - 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định này, lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc Pháp phải đầu hàng và rút quân ra khỏi Đông Dương.

* Điện Biên Phủ ngày nay

64 năm trôi qua, Điện Biên Phủ hiện đã đạt được những thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh – quốc phòng. Ngày nay Điện Biên Phủ là một điểm du lịch. Cùng với việc tham quan trận địa, du khách còn có thể thưởng ngoạn thung lũng Mường Thanh, tham quan các ngôi làng lân cận.

Về kinh tế, giai đoạn 1992 - 2000, tăng trưởng kinh tế Điện Biên Phủ bình quân 12%; giai đoạn 2000 đến nay tăng trưởng kinh tế bình quân trên 14%. GDP bình quân đầu người tăng nhanh: Năm 1993 đạt 100 USD/người/năm, đến năm 2016 đạt 3.714 USD/người. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 1993 được 1,2 tỷ đồng, đến năm 2016 đạt 242 tỷ đồng.
Năm 2016 Điện Biên Phủ thu hút trên 300.000 lượt du khách. Kinh tế thương mại, dịch vụ, du lịch thực sự trở thành kinh tế mũi nhọn của thành phố, đến nay đã chiếm tỷ trọng 63% trong GDP.


        

Một góc thành phố Điện Biên Phủ. Ảnh: internet


         Để phát huy những thành tích đã đạt được, phấn đấu xây dựng thành phố xứng đáng với truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng và trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của vùng Tây Bắc. Trong những năm tới, thành phố duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 11 - 12%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người đạt 5000 USD; thực hiện cơ cấu kinh tế: Thương mại - dịch vụ - du lịch 62,4%; Công nghiệp  - xây dựng 35,7%; Nông - lâm nghiệp - thủy sản 1,9%. Phát triển mạnh thương mại - dịch vụ - du lịch là kinh tế mũi nhọn của thành phố và xây dựng thành phố trở thành trung tâm thương mại, du lịch của vùng Tây Bắc. Tạo bước chuyển biến mới trong sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Nâng cao chất lượng sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2020, thu ngân sách trên địa bàn đạt trên 400 tỷ đồng.

Hoài Ân.