KỶ NIỆM 74 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN (23/9/1945 – 23/9/2019)
LTS: Trong kháng chiến chống Thực dân Pháp cũng như chống Đế quốc Mỹ. Một trong những công cụ quan trọng không thể thiếu đó là đại phát thanh. Để vừa tuyên truyền chiến thắng, vừa kêu gọi tập hợp đoàn kết nhân dân chống giặc ngoại xâm.
Nhân dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám thành công và ngày Nam bộ kháng chiến, Ban biên tập xin giới thiệu đến độc giả một số bài liên quan đến Nam bộ kháng chiến để mọi người cùng hiểu.
TẠI SAO CÓ NHIỀU ĐÀI PHÁT THANH THẾ?
Thoạt tiên giữa tháng 6-1946, để tiếp sức cho làn sóng đài Tiếng nói Việt Nam, đồng chí Phạm Văn Đồng, đại diện Chánh phủ tại miền Nam, đã quyết định xây dựng Đài phát thanh Liên khu V, với danh xưng “Tiếng nói Nam bộ”, phát trên làn sóng điện 24,26m, tại đình Thọ Lộc, làng Tôn Đính, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quãng Ngãi. Đài Tiếng nói Nam bộ, tự giới thiệu “Đây là Tiếng nói Nam bộ, tiếng nói đau đớn, tiếng nói căm hờn, mỗi ngày phát…” tiếp theo là nhạc hiệu Tiếng gọi thanh niên của Lưu Hữu Phước.
Cũng trên làn sóng của Đài phát thanh liên khu V, một buổi phát thanh thứ hai ra đời lấy tên là Radio Tháp Mười, với buổi phát đầu tiên ngày 12-6-1947, tự giới thiệu “Đây là radio Tháp Mười, tiếng nói lưu động của bưng biền Nam bộ, phát thanh mỗi ngày…, tiếp theo là bản đồng ca chọn làm nhạc hiệu là “Toàn người Việt tự do” của Lưu Hữu phước.
Trong khi đó, năm 1947, tại Đồng Tháp Mười, anh Nguyễn Văn Hay và một số anh em mò mẫm tự lắp ráp xong và Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến đã lên tiếng ngày 1-12-1947, với nhạc hiệu bài Tiến binh của Lê Trần. Về sau anh An-Ri lắp ráp bộ máy II, công suất mạnh hơn bộ máy I.
Với sự ra đời của Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến, Radio Tháp Mười không còn lý do tồn tại nữa mà chỉ còn lại Đài Tiếng nói miền Nam, đang đóng ở chiến khu Tây Sơn Bình Định. Đài vẫn giữ tự giới thiệu “Đây miền Nam đất Việt, tiếng nói của người Việt miền Nam tự do” phát trên làn sóng 24,26m… như từ đầu và tiếp tục phát sóng cho đến đầu năm 1953. Một số cán bộ Đài Tiếng Nói miền Nam đã được chuyển về tăng cường cho Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến. Đến cuối năm 1949 vì thấy Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến, không còn là Đài riêng cho vùng bưng biền nữa, và đã trở thành Đài của toàn Nam bộ, nên Đài đã đổi tên là Đài Tiếng nói Nam bộ.
Giữa năm 1950, vì thấy cần có một Đài phát thanh gần gũi hơn và có tiếng nói trực tiếp hơn với đồng bào Sài Gòn – Chợ Lớn, nên Đài phát thanh Sài Gòn – Chợ Lớn Tự Do ra đời với buổi phát sóng đầu tiên ngày 25-1-1951, được đồng bào thành hoan nghênh và giúp đỡ về mọi mặt.
Ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc Giải Phóng Miền Nam ra đời. Đương nhiên là mặt trận không thể không có Đài Phát thanh riêng của mình. Do đó Đài phát thanh Giải phóng đã ra đời ngày 1-2-1962 ở miền Đông Nam bộ.
Tuy địch không chừa một thủ đoạn nào để tiêu diệt các Đài phát thanh của ta: càn quét, biệt kích, ném bom, bắn phá… Nhưng không Đài phát thanh nào bị tiêu diệt cả.
Như giáo sự Trần Văn Giàu nói: Mỗi Đài là một đội quân xung kích không khi nào bại trận.
NGHĨ VỀ ĐÀI TIẾNG NÓI NAM BỘ KHÁNG CHIẾN
GS. Trần Văn Giàu
Trước khi phát động cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và Nam bộ tháng 8-1945, chúng tôi đã dự đoán rằng quân Anh-Pháp sẽ mau chóng vào Sài Gòn và Nam bộ, nói là để giải giáp quân Nhật bại trận mà thực tế là để phá cách mạng Việt Nam và khôi phục chủ quyền thực dân. Giữa chúng ta và chúng nó, là một cuộc “chạy đua nước rút”. Chúng ta đã thắng. Quân Anh Pháp vào Sài Gòn thì chính quyền độc lập thống nhất của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đã thành lập, an bày. Nhưng chỉ mấy hôm sau cuộc khởi nghĩa Tháng Tám, trong ngày lễ tuyên bố độc lập 2 tháng 9 năm 1945, Pháp ở Sài Gòn dựa vào Anh gây đổ máu ở trung tâm thành phố.
Ta dẹp yên ngay cuộc khêu khích đó. Nhưng quân Anh tiếp tục vào Sài Gòn, bắt đầu thả 17.000 quân Pháp bị Nhật bắt giam từ ngày 9-3.
Pháp khêu khích càng nhiều. Anh càng lấn lướt đòi chính quyền ta nhường cho nó “dinh thống đốc cũ” và Anh đi tới cấm lực lượng vũ trang giữ gìn trật tự của ta trong nội thành. Chính quyền và Đảng đoán chắc sắp xảy ra một cuộc tiến công bất ngờ của Pháp được Anh ủng hộ để chiếm lấy Sài Gòn. Không biết hôm nào, nhưng sẽ không lâu. Cho nên, chúng ta càng gấp rút chuẩn bị đối phó. Lực lượng vũ trang của ta được đưa ra ngoại thành, dân quân tự vệ nội thành thì được tăng cường. Một số máy móc được đưa đi các tỉnh gần. Có tính đến chuyện Đài phát thanh mà vấn đề đó thì phức tạp, khó giải quyết hết sức, thời gian rất ít, bí mật giữ cách nào được? Chuyên gia không đủ hay không có. Chắc Tây nó sẽ đánh và khi nó đánh, nó sẽ đánh chiếm trụ sở ủy ban nhân dân (ở dinh đốc lý cũ) và Đài phát thanh trước hết. Ta giữ không nổi tuy cứ phải giữ.
Đêm 22 rạng ngày 23 tháng 9-1945, quân Pháp tấn công. Xế chiều 22, chúng tôi có thấy được triệu chứng của sự tấn công đó. Thế nhưng, độ 2 giờ, Phạm Ngọc Thạch báo cho Trần Văn Giàu là từ Paris, De Gaulle đã gởi qua Sài Gòn một phái đoàn thương thuyết mới, phái đoàn ấy mời hai anh em tôi, 7 giờ tối hôm đó, dự một bữa cơm chiều làm việc (diner de travail), tại “dinh thống đốc cũ”. Tôi suy nghĩ, rồi đồng ý, lại gọi cho Hiền, đội trưởng đại đội “thân binh” chuẩn bị sẵn sàng cho một tiểu đội hộ vệ. 5 giờ chiều, tôi mời Thạch sang phòng làm việc của tôi, bảo với Thạch rằng: không nên đi ăn cơm với Tây ! Thạch hỏi tại sao ? Tôi thì nghi ngờ và quả quyết rằng Pháp nó lập “Hồng môn hội yến” để gài bẫy bắt Thạch – Giàu chớ không thương thuyết gì đâu. Nếu thương thuyết, sao nó không mời Phạm Văn Bạch, Chủ tịch Ủy ban? Đúng vậy, chúng tôi không đi dự tiệc. 10 giờ tối, Pháp đánh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân và Đài phát thanh Sài Gòn.
Hừng sáng ngày 23, chúng tôi hợp hội nghị liên tịch ở đường Cây Mai (Quận 5) bàn về việc kháng chiến bắt đầu.
Khi Huỳnh Văn Tiểng nhận tờ kêu gọi đồng bào Sài Gòn của Ủy ban kháng chiến, thì lời kêu gọi vang dội ấy không còn được Đài phát thanh Sài Gòn đọc lên nữa, mà được lập tức in ngay hàng trăm ngàn tờ phát cho đồng bào, cho các xe đò đi lục tỉnh. Cuộc kháng chiến Nam bộ bắt đầu. Ai đoán trước được rằng cuộc kháng chiến Nam bộ sẽ kéo dài 9 năm, 10 năm ? Và ai biết trước được rằng, trong cuộc kháng chiến lâu dài và gian khổ đó, sau một lúc im lặng để tổ chức, thì từ bưng biền lại vang lên Tiếng nói Nam kháng chiến.
Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến dựng lên từ số không về mặt vật chất kỹ thuật. Anh em trí thức và cán bộ cùng nhau khâu chỗ này, vá chỗ kia, lượm lặt, tìm mua, xin của bạn hữu ở trong thành phố và dân thành phố cũng hết lòng phù trợ vì chính mình có nhu cầu nghe đài của kháng chiến, xem đó là bằng cớ, là một dấu hiệu tồn tại của kháng chiến, một dấu hiệu thất bại của các cuộc càn quét mà thực dân khoe khoang là thắng lợi. Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến, còn vang lên, nghĩa là vùng giải phóng còn rộng lớn. Có thể nhận đinh rằng về các mặt ấy Đài phát thanh Tiếng nói nam bộ kháng chiến là một đội quân tuyên truyền cổ động không có gì hơn. Một đội quân du kích không khi nào bại trận. Đội quân ấy không đông, ít nữa là khác, mà ngày đêm chiến đấu, sáng tạo. Nên tôi khuyên còn có người nghe thì tôi sẽ hết mình ủng hộ những sinh viên, học sinh, hay văn nghệ sưu tầm tập hợp đu các bài xã luận, các bài hát, bài thơ và câu chuyện sinh hoạt của an hem chị em đã góp công sức cho Tiếng nói Nam bộ kháng chiến góp phần đem lại chiến thắng cho đồng bào, đồng chí chúng ta trong gần suốt mười năm khói lửa.
TIẾNG NÓI CỦA 50 NĂM TRƯỚC - TIẾNG NÓI HÔM NAY
Trần Bạch Đằng
Chiếc tam bản mui ống chở tôi vượt Đầm Bà Tường. Từ quá giang ghe thương hồ đi công tác, rồi được trang bị cho chiếc xuồng ba lá, rồi lên tam bản cà rèm, tam bản mui ống là một “đại nhảy vọt” đối với cán bộ - dĩ nhiên, cán bộ cấp cao. Vì phụ trách Tuyên huấn của Trung ương cục, tôi được trang bị thêm một máy Schnell – máy thu thanh do Sở Vô tuyến Nam bộ (VTĐNB) ráp, nghe bằng ống nghe.
Đầm Bà Tường khá rộng, nó nối rạch Rau Dừa với Vàm Đình, đường đi lại của các cơ quan Nam bộ. Sóng nhấp nhô, tam bản lợi dụng gió xuôi, căm mấy tàu dừa nước, chạy băng băng, người chèo chỉ điều khiển lái.
Tôi chờ đợi và đúng giờ, tín hiệu đài Nam bộ kháng chiến phát, tiếp sau lời xướng ngôn viên giới thiệu đài, nhạc mở đầu… Tôi biết ở nơi nào đó – trong một con rạch, trong một rừng tràm, rừng đước – anh chị em Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến vừa xua muỗi (và muỗi miệt U Minh này giống như trấu, con nào cũng ‘đô” cả, lì lợm kinh khủng) vừa đàn, hát, đọc tin, bình luận… Lúc bấy giờ, 1951, cuộc kháng chiến cả nước hừng hực, chiến dịch Hà Nam Ninh đang vào đoạn cao trào.
Đài Tiếng nói Nam bộ ra đời ngày 1.12.1947 giữa Đồng Tháp Mười. Công lao này thuộc về các anh Trần Bửu Kiếm, Lê Văn Nhàn, Huỳnh Tấn Phát, giáo sư Lê Văn Huân, và sau đó anh Nguyễn Khắc Cần, Mai Văn Bộ, Huỳnh Văn Tiểng… và anh em tiếp liệu – xây dựng Đài giống một thi đố với số mạng – mua vật tư trong nội thành, vận chuyển ngày một ít kiểu “kiến tha lâu đầy ổ”, vượt bao vòng kiểm soát của kẻ thù. Ngày đài lên tiếng, cả Thường vụ Xứ ủy, có anh Ba Duẩn, quay quần bên chiếc đài Morolova cũ kỹ, chạy bằng bình điện. Các anh Hà Huy Giáp, Phạm Hùng, Ung Văn Khiêm, Hoàng Dư Khương, Nguyễn Văn Kỉnh dán mắt vào đài. Và khi nghe được đài hiệu, tô thấy đồng chí Lê Duẩn cười – ông già “deux cents bougies”, một “hiền triết” mà cười hả hê… Hôm sau, tôi thông báo với anh Phạm Thiều – Giám đốc Sở Thông tin Nam bộ, và với anh Trịnh Đình Trọng, Chánh Văn phòng Sở về nhận xét của Thường vụ Xứ ủy: Tốt quá ! Thật ra, buổi phát đó chưa “ổn định”: tiếng nghe được tiếng mất, lời phải đoán mới hiểu. Song, chẳng ai trong bộ phận lãnh đạo cao nhất của kháng chiến Nam bộ chú ý các “chi tiết” đó. Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến lên tiếng, thế là thành công.
Những ngày sau, tôi nhận được điện của các tỉnh báo về, nếu tôi nhớ không lầm, không đâu phê phán độ rõ, độ trong, chương trình của Đài mà đều khen. Tại đại hội đại biểu lần thứ đầu tiên của Xứ đảng bộ Nam bộ, năm 1948, anh Phạm Thái Bường (sau này, Ủy viên Trung ương Đảng) vỗ vai tôi: Ê, tụi bây làm cái đài Nam bộ ngon đó !
Anh liệt tôi vào đội ngũ của Đài, trong khi tôi thật “khơi khơi”, nào biết cụ thể Đài ra sao. Cũng là điều cần “nghiệm”; công của thiên hạ cần tách với công của mình!
Chúng ta biết Đài phát thanh cần cho kháng chiến như thế nào. Trong tư tưởng của Xứ ủy, sống chết gì cũng phải có một đài phát thanh. Đài Tiếng nói Việt Nam – lúc đầu, phát ở Bạch Mai, công suất thấp quá, sau chuyển lên Việt Bắc, công suất cũng chẳng khá hơn. Ở Quãng Ngãi, tướng Nguyễn Sơn và anh Nguyễn Văn Nguyễn dựng Đài Tiếng nói miền Nam. Công suất vẫn thấp. Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến là nhu cầu bức xúc của kháng chiến Việt Nam ở Nam bộ. Rồi, anh Huỳnh Tấn Phát xây luôn Đài “Sài Gòn - Chợ Lớn Tự do”.
Tác dụng của Đài phát thanh kháng chiến lớn như thế nào, ai cũng rõ. Bởi vậy, trong kháng chiến chống Mỹ, tôi trực tiếp chỉ đạo xây dựng Đài Giải phóng, từ việc tụ tập cán bộ, nhân viên – đều do Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến đào tạo – đến thiết bị, thậm chí chỉ đạo dưa từng phuy xăng lên chiến khu và khi thiếu người, cận vệ của tôi gánh vác việc đó.
Chỉ cần người nghe – đa số ở vùng địch kiểm soát – làn song phát thanh của Đài ta thì họ hiểu cách mạng ít nhất chưa bị tiêu diệt như địch rêu rao.
Đài Tiếng nói nam bộ kháng chiến không phải đài thâm niên lắm, song giá trị lại chẳng có một công cụ đo lường nào “cân đong đo đếm” nổi. Tôi nhớ, vào phút chót, khi hiệp định Genève bắt đầu có hiệu lực, đồng chí Nguyễn Văn Thi, nguyên Tư lệnh quân khu Sài Gòn – Gia Định, từ Côn Đảo được trao trả về, đã gặp tôi ngay: yêu cầu phát thanh một loạt mật mã mà các đồng chí Côn Đảo hẹn nhau, để Ủy ban Liên hiệp đình chiến của ta đấu với địch, ngăn âm mưu thủ tiêu tù chính trị.
Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến sinh nở, ngoài Đài Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do, còn cái trăm lần lớn hơn: Đài Giải phóng.
Riêng, Đài thành phố Hồ Chí Minh chính là “cháu đích tôn” của nó: từ Đài Tiếng nói Nam bộ kháng chiến, Sài Gòn – Chợ Lớn Tự do qua Đài Giải phóng.
Cho nên, tiếng nói của 50 năm trước chính là tiếng nói hôm nay – cường tráng hơn…
5.1995
Theo Đây ! Đài phát thanh Tiếng nói Nam bộ kháng chiến. NXB Văn Nghệ TPHCM. 1995