Hỏi - Đáp bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XV và Đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026

NGÀY 23/5/2021, CỬ TRI THÀNH PHỐ CẦN THƠ ĐI BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XV VÀ ĐẠI BIỂU HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP NHIỆM KỲ 2021-2026

HỎI – ĐÁP

Về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Hỏi: Quyền bầu cử là gì? Quyền ứng cử là gì?

Đáp: Quyền bầu cử là quyền cơ bản của công dân theo quy định của pháp luật trong việc được lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lưc Nhà nước. Quyền bầu cử bao gồm việc giới thiệu người ứng cử và bỏ phiếu bầu cử để lựa chọn người đại diện cho mình tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Quyền ứng cử là quyền cơ bản của công dân khi đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật thì có thể thể hiện nguyện vọng của mình được ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

Điều 27 của Hiến pháp và Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: Tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp.

Hỏi: Người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn nào?

Đáp: Người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải đáp ứng các tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, tiêu chuẩn của đại biểu Hội đồng nhân dân quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Theo các quy định mới được sửa đổi, bổ sung của 02 đạo luật nói trên thì đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải có các tiêu chuẩn sau đây:

  • Trung thành với Tổ quốc, Nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
  • Có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam.
  • Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.

 

  • Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.
  • Liên hệ chặt chẽ với Nhân dân, lắng nghe ý kiến của Nhân dân, được Nhân dân tín nhiệm.
  • Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội, hoạt động của Hội đồng nhân dân.

Người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân của địa phương nào thì phải là người đang cư trú hoặc công tác thường xuyên ở địa phương đó.

Ngoài ra, đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước ngoài việc đảm bảo các tiêu chuẩn chung còn phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu, xuất sắc; có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thưc tiễn phù hợp với vị trí dự kiến, thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Đối với người được giới thiệu ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp đang công tác tại cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp Nhà nước nói chung phải là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tiêu biểu; có tư tưởng chính trị vững vàng; có năng lực xây dựng chính sách và khả năng tổ chức hoạt động giám sát, có chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về nhưng điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Không giới thiệu và đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực; có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ, việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; những người vi phạm Quy định số 126-QÐ/TW ngày 28/02/2018 của Bộ Chính trị hoặc có vấn đề về chính trị chưa được kết luận. Kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, những người chạy chức, chạy quyền tham gia Quốc hội, HÐND.

Ngoài các tiêu chuẩn chung nói trên, người được giới thiệu ứng cử để làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HÐND hoạt động chuyên trách còn cần đáp ứng thêm một số tiêu chuẩn cao hơn về trình độ chuyên môn, vị trí công tác đang đảm nhiệm, về tình hình sức khỏe và độ tuổi ứng cử, tái cử (nêu cụ thể tại Hướng dẫn số 36-HD/BTCTW ngày 20/01/2021 của Ban Tổ chức Trung ương).

Hỏi: Những trường hợp nào cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả ba cấp?

Đáp: Cử tri được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã khi thuộc các trường hợp sau đây:

  • Cử tri là người thường trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu.
  • Cử tri là người tạm trú tại đơn vị hành chính cấp xã nơi có khu vực bỏ phiếu và có thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên.
  • Công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về Việt Nam trong khỏang thời gian từ sau khi danh sách cử tri đã được niêm yết đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ đã làm thủ tục để được ghi tên vào danh sách cử tri ở nơi thường trú.
  • Người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo duc bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ mà được trả tự do hoặc đã hết thời gian giáo duc bắt buộc, cai nghiện bắt buộc và đã làm thủ tuc để được xóa tên trong danh sách cử tri ở nơi có trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc và được bổ sung vào danh sách cử tri tại nơi thường trú.

Hỏi: Theo quy định của pháp luật, cử tri được bầu cử thay người khác không? Pháp luật có quy định trường hợp ngoại lệ nào không?

Đáp: Tại Điều 69 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: cử tri phải tự mình đi bầu cử, không được nhờ người khác bầu cử thay.

  • Cử tri không thể tự viết được phiếu bầu thì nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu; người viết hộ phải bảo đảm bí mật phiếu bầu của cử tri. Trường hợp cử tri vì khuyết tật không tự bỏ phiếu được thì nhờ người khác bỏ phiếu vào hòm phiếu.
  • Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, khuyết tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến chỗ ở, chỗ điều trị của cử tri để cử tri nhận phiếu bầu và thưc hiện việc bầu cử. Đối với cử tri là người đang bị tạm giam, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo duc bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc mà trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc không tổ chức khu vực bỏ phiếu riêng hoặc cử tri là người đang bị tạm giữ tại nhà tạm giữ thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến trại tạm giam, nhà tạm giữ cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc để cử tri nhận phiếu bầu và thưc hiện việc bầu cử.

Hỏi: Vận động bầu cử là gì và phải bảo đảm những yêu cầu gì?

Đáp: Vận động bầu cử của người ứng cử là hoạt động gặp gỡ, tiếp xúc cử tri hoặc thông qua phương tiện thông tin đại chúng để người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân báo cáo với cử tri về dự kiến chương trình hành động của mình nhằm thưc hiện trách nhiệm đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân và trao đổi những vấn đề mà cử tri quan tâm; tạo điều kiện để cử tri tiếp xúc với người ứng cử, hiểu rõ hơn người ứng cử; trên cơ sở đó cân nhắc, lựa chọn, bầu những người đủ tiêu chuẩn làm đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân.

Việc tổ chức vận động bầu cử phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

  • Việc vận động bầu cử được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật, bảo đảm trật tư an toàn xã hội.
  • Người ứng cử đại biểu Quốc hội, ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân ở đơn vị bầu cử nào thì thực hiện vận động bầu cử tại đơn vị bầu cử đó.
  • Các tổ chức phụ trách bầu cử và thành viên của các tổ chức này không được vận động cho người ứng cử.

Hỏi: Người ứng cử được sử dụng các hình thức vận động bầu cử nào?

Đáp: Việc vận động bầu cử của người ứng cử được tiến hành bằng các hình thức sau đây:

  • Gặp gỡ, tiếp xúc với cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử.
  • Thông qua phương tiện thông tin đại chúng.

Hỏi: Trong vận động bầu cử, pháp luật cấm những hành vi nào?

Đáp: Nhưng hành vi bị cấm trong vận động bầu cử gồm:

  • Lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại đến danh dự nhân phẩm, uy tín, quyền, lợi ích hợp pháp khác của tổ chức, cá nhân khác.
  • Lạm dụng chức vụ quyền hạn để sử dụng phương tiện thông tin đại chúng trong vận động bầu cử.
  • Lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp ở trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân minh.
  • Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.
  • Hội đồng bầu cử quốc gia, Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho những người ứng cử. Thành viên của các tổ chức phụ trách bầu cử nói trên không được lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để vận động bầu cử cho những người ứng cử nhằm bảo đảm sự công bằng, bình đẳng đối với những người ứng cử.

Hỏi: Ngày bầu cử được quy định như thế nào?

Đáp: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định ngày bầu cử phải là ngày Chủ nhật và được công bố chậm nhất là 115 ngày trước ngày bầu cử. Trường hợp đặc biệt cần hoãn ngày bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu sớm hơn ngày quy định thì Ủy ban bầu cử trình Hội đồng bầu cử quốc gia xem xét, quyết định.

Căn cứ vào quy định nói trên, Quốc hội khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 133/2020/QH14 ngày 17/11/2020 quyết định rõ Ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 là Chủ nhật, ngày 23/5/2021.

Hỏi: Việc cử tri ghi phiếu bầu cử được thực hiện như thế nào?

Đáp: Tổ bầu cử có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể cử tri cách thưc bỏ phiếu. Nếu cử tri không tín nhiệm người ứng cử nào thì gạch ngang cả họ và tên người ứng cử đó (gạch đè lên hàng chữ họ và tên người ứng cử); không khoanh tròn; không được đánh dấu trên phiếu bầu; không được viết thêm, không được ghi tên người ngoài danh sách ứng cử vào phiếu bầu; không bầu quá số đại biểu được ấn định trong phiếu bầu; không để nguyên phiếu bầu đối với phiếu bầu có số dư người ứng cử (không gạch tên người ứng cử nào) hoặc gạch tất cả người ứng cử trong phiếu bầu.

 

Trường hợp có phiếu gạch chéo, gạch xiên, gạch dọc hoặc gạch ngang nhưng gạch hết họ và tên của người ứng cử thì vẫn được tính là phiếu hợp lệ.

Trường hợp người ứng cử có hai tên (tên khai sinh, tên thường gọi) hoặc có chức vị, pháp danh, pháp hiệu theo tôn giáo, nếu cử tri không tín nhiệm người này, thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch tất cả tên khai sinh, tên thường gọi hoặc chức vị, pháp danh, pháp hiệu tôn giáo của ứng cử viên đó. Tuy nhiên, trường hợp cử tri chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc tên thường gọi; chỉ gạch một dòng tên khai sinh hoặc một dòng có chức vị, pháp danh, pháp hiệu (đối với chức sắc tôn giáo) thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Trường hợp bên cạnh họ và tên của người ứng cử có cả ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn do có sự giống nhau cả họ, tên và tên đệm, nếu cử tri không tín nhiệm người này thì cần hướng dẫn cho cử tri gạch hết cả họ và tên và ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn. Tuy nhiên, nếu cử tri chỉ gạch họ và tên mà không gạch ngày tháng năm sinh đặt trong ngoặc đơn thì phiếu bầu đó vẫn được tính là hợp lệ.

Nếu cử tri yêu cầu đổi phiếu bầu khác do gạch hỏng, Tổ bầu cử phải thu hồi phiếu gạch hỏng của cử tri, sau đó mới được phát phiếu bầu khác.

Ngoài ra, những cử tri có trường hợp đặc biệt về sức khỏe cũng được quy định riêng tại luật này.

Hỏi: Nhiệm kỳ 2021 - 2026, thành phố Cần Thơ có bao nhiêu đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa XV? Bao nhiêu đại biểu được bầu vào Hội đồng nhân dân thành phố, cấp huyện và cấp xã?

Đáp: Căn cứ Điều 7 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân năm 2015: Tông số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá năm trăm (500) người.

Đơn vị thành phố Cần Thơ được phân bổ cơ cấu, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XV là 07 đại biểu. Trong đó, số đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương là 04 đại biểu và do Trung ương giới thiệu là 03 đại biểu.

Nhiệm kỳ 2021 - 2026 đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố Cần Thơ có 54 đại biểu; cấp huyện 287 đại biểu và cấp xã hơn 2.038 đại biểu.

Hỏi: Thành phố Cần Thơ có bao nhiêu đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp?

Đáp: - Đối với bầu cử đại biểu Quốc hội: Thành phố Cần Thơ có 3 đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV gồm: Đơn vị bầu cử số 1 (quận Ninh Kiều, Cái Răng và huyện Phong Điền); đơn vị bầu cử số 2 (quận Binh Thủy, Ô Môn và huyện Thới Lai); đơn vị bầu cử số 3 (quận Thốt Nốt, huyện Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh).

Đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: Cấp thành phố có 11 đơn vị bầu cử; cấp huyện có 66 đơn vị bầu cử và cấp xã có 488 đơn vị bầu cử.

Hỏi: Tại sao nói bầu cử là quyền và nghĩa vụ của công dân?

Đáp: Quyền bầu cử là quyền chính trị cơ bản của công dân được Hiến pháp và pháp luật quy định nhằm bảo đảm cho mọi công dân có đủ điều kiện thực hiện việc lựa chọn người đại biểu của mình vào cơ quan quyền lực Nhà nước. Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân.

Thông qua bầu cử, công dân trực tiếp bỏ phiếu bầu người đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của mình, thay mặt mình thực hiện quyền lực Nhà nước, góp phần thiết lập bộ máy Nhà nước để tiến hành các hoạt động quản lý xã hội. Vì vậy, thực hiện bầu cử là trách nhiệm của công dân đối với đất nước.

Hỏi: Trách nhiệm của người dân thành phố đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 như thế nào?

Đáp: Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, diễn ra vào ngày 23/5/2021 đạt kết quả cao, cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân thành phố Cần Thơ cần làm tốt nhưng việc sau đây:

Cử tri nắm vững quyền và nghĩa vụ của công dân trong bầu cử, ứng cử; nắm vững tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân để lựa chọn, bầu được những người đủ tiêu chuẩn, xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

Tích cực lao động sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tham gia đầy đủ các buổi tiếp xúc cử tri, các cuộc tuyên truyền về bầu cử; góp phần đưa ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thật sự trở thành ngày hội lớn của toàn dân.

Tất cả cử tri tự giác tham gia bầu cử; tuyên truyền, vận động người thân hăng hái đi bầu cử đông đủ vào ngày 23/5/2021; chấp hành tốt những quy định về bầu cử.

Đề cao canh giác, đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, những âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử.

Nguồn: Tài liệu Hỏi - Ðáp về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HÐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026

Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Cần Thơ biên soạn