HỒ CHÍ MINH - TÊN NGƯỜI VANG MÃI LỜI CA
Hơn nửa thế kỷ qua, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã trở thành chủ đề lớn của các loại hình nghệ thuật nói chung và ca khúc cách mạng nói riêng. Các thế hệ nhạc sĩ nối tiếp nhau viết nên hàng trăm bài ca, hợp xướng và giao hưởng về người anh hùng dân tộc- danh nhân văn hóa thế giới, vĩ đại này với tấm lòng thành kính, thương yêu vô hạn. Những giai điệu đẹp nhất mang ngôn ngữ âm nhạc dân tộc như những dòng suối tuôn chảy không bao giờ cạn được các nhạc sĩ sáng tạo để viết về Bác Hồ. Số lượng ca khúc viết về Người nhiều nhất là sau ngày "Bác đã lên đường theo Tổ tiên" (1969).
Sau Cách mạng tháng Tám thành công, hai ca khúc khơi nguồn là "Hồ Chí Minh muôn năm" của Minh Tâm và Phạm Văn Xung (1945), "Biết ơn Cụ Hồ Chí Minh" của Lưu Bách Thụ (1945). Tiếp theo là hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ như: "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch" (1948) còn gọi là "Lãnh tụ ca" của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước và Nguyễn Đình Thi, "Việt Nam mình có Cụ Hồ Chí Minh" (1948) của Vân Đông, "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch" (1949) của Văn Cao, "Ca ngợi Hồ Chủ Tịch" (1949) của Đỗ Nhuận, "Kính dâng Cha già" (1949) của Mai Khanh, "Nhớ ơn Hồ Chủ Tịch" (1949) của Phan Huỳnh Điểu...
Có thể nói Bác là người nhạc trưởng tài hoa với cây đũa thần kỳ diệu, đã tập hợp được sức mạnh "kết đoàn" của dân tộc để góp phần đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ. Thật khó có thể kể ra hết muôn vàn giai điệu vui có, buồn có nhưng không bi lụy của các nhạc sĩ khi viết về Người. Hình tượng âm nhạc hiện lên qua các bài ca là sự gần gũi, thân quen, tươi vui, lạc quan của Bác đối với non sông, đất nước. Đặc biệt đối với các cháu thiếu niên nhi đồng. Hình ảnh Bác hiện lên mọi nơi, mọi lúc và ngay trong cả những giấc mơ của các em: "Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên, nhi đồng" của Phong Nhã, "Chiếc khăn quàng đỏ" của Phạm Tuyên. Bài “Em mơ gặp Bác Hồ” của nhạc sĩ Xuân Giao có đoạn: “Đêm qua em mơ gặp Bác Hồ. Râu Bác dài tóc Bác bạc phơ. Em âu yếm hôn đôi má Bác. Vui bên Bác là em múa hát. Bác mỉm cười Bác khen em ngoan. Bác gật đầu Bác khen em ngoan”.
Nhiều nhạc sĩ đã khai thác, vận dụng sáng tạo các chất liệu dân ca ở các vùng, các miền đưa vào tác phẩm càng làm cho hình tượng Bác sinh động hơn, đúng như nhà thơ Tố Hữu đã ca ngợi: "Bác ngồi đó lớn mênh mông/ Trời xanh, biển rộng, ruộng đồng, nước non".. .Nhạc sĩ Trần Kiết Tường với bài "Hồ Chí Minh - đẹp nhất tên Người" đã khai thác điệu hò Đồng Tháp. Nguyễn Tài Tuệ với "Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó" đã vận dụng dân ca Thái-Tày ở Việt Bắc để thể hiện lòng biết ơn của đồng bào dân tộc Việt Bắc đối với Bác: “Ơ… rừng Pắc bó quê ta mấy mùa qua nghe tiếng Người. Sắn vươn đồi xưa, lúa vàng ngập đôi bờ. Người về chỉ lối theo Người ngày mai tươi sáng. Bát cơm mong chờ người già ước mơ, líu lo i tờ môi đọc trẻ thơ. Bác ơi tóc sương bạc phơ. Núi cao, suối sâu Thủ đô yêu dấu. Khuổi Nậm còn vang lời ca mong nhớ Người”.
Nhạc sĩ Đỗ Nhuận với "Trông cây lại nhớ đến Người" đã tận dụng điệu hò ví dặm Nghệ- Tĩnh, và nhạc sĩ An Thuyên có "Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác", Trần Hoàn và Doãn Qúy có "Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm", Lê Lôi có "Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên", Trần Hoàn có "Lời Bác dặn trước lúc đi xa", Nguyễn Cường với "Nhà Rồng, lúc con tàu tách bến"...đã rất thành công khi đưa giai điệu dân ca các miền vào ca khúc của mình. Các nhạc sĩ đã khai thác những chất liệu đời thường đậm sắc thái dân gian để có những ca từ thật đẹp, khắc họa hình tượng vĩ đại mà hết sức giản dị và quần chúng của Bác.
Sau ngày Bác "đi xa", các ca khúc đồng loạt nở rộ hơn, thể hiện niềm thương tiếc và biết ơn vô hạn đối với Người. Hàng loạt ca khúc gắn với tên tuổi các nhạc sĩ như: Đỗ Nhuận, Huy Du, Thuận Yến, Hoàng Hiệp, Nguyễn Xuân Khoát, Cao Việt Bách, Phạm Đình Sáu, La Thăng, Trần Văn Loa...Nhiều ca khúc đã vượt qua biên giới bay đến với bè bạn năm châu để giới thiệu với thế giới con người "huyền thoại"- "danh nhân văn hóa" kiệt xuất này. Các ca khúc "Như có Bác trong ngày vui đại thắng" của Phạm Tuyên, "Tiếng hát từ thành phố mang tên Người" của Cao Việt Bách và Đăng Trung, "Viếng lăng Bác" của Hoàng Hiệp và Viễn Phương, "Những bông hoa trong vườn Bác" của Văn Dung, "Đêm Trường Sơn nhớ Bác" của Trần Chung và Nguyễn Trung Thu, "Bạn muốn đến với Lê Nin-Hồ Chí Minh" của Trần Tiến, "Người là niềm tin tất thắng" của Chu Minh, "Bác đang cùng chúng cháu hành quân" của Huy Thục...
Những bài hát viết về Bác khá đa dạng ở đề tài, rất phong phú về giai điệu, ca từ, và phần lớn được viết ở các điệu thức phù hợp với cỡ giọng của nhiều lứa tuổi. Vì vậy nó đã nhanh chóng bay cao, bay xa chiếm lĩnh tâm hồn quần chúng ở mọi miền Tổ quốc, rồi đọng lại ở đó rất bền chặt cùng với lòng kính yêu, biết ơn, tự hào khôn nguôi về Người. Thời gian rồi sẽ qua đi, Kim Tự Tháp còn sợ thời gian nhưng thời gian sẽ sợ vĩ nhân. Bác là vĩ nhân của dân tộc Việt Nam và cũng là danh nhân văn hóa thế giới. Mỗi nhạc sĩ đã góp một tiếng hát, một bông hoa vào vườn hoa ca khúc cách mạng để nó mãi mãi thắm sắc ngát hương như chính "Những bông hoa trong vườn Bác". Mỗi khi lắng nghe những giai điệu về Người ta lại thấy như đâu đây "Bác đang cùng chúng cháu hành quân”, người nhạc trưởng chỉ huy dân tộc ta hát vang bài "Kết đoàn". Và mỗi chúng ta lại nguyện với lòng mình:
Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác
Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây
Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.
(Viếng lăng Bác – Viễn Phương)
LÊ XUÂN
-------------------------------------------------------------------------------------------------