HÌNH ẢNH CON TRÂU TRONG CA DAO- TỤC NGỮ
Tác giả: LÊ XUÂN
Trâu là con vật đứng thứ Nhì trong Thập nhị chi. Theo quan niệm dân gian những người “Tuổi Sửu con trâu kềnh càng” thường có chung đặc điểm là: cần cù, chịu khó, ít ba hoa khoác lác, cởi mở, khéo tay, hay làm, có tài hùng bịên, quyết đoán nhanh và có đức tin. Đôi khi cũng nổi nóng, đường nhân duyên ban đầu thường trục trặc nhưng hậu vận thì hanh thông. Theo tín ngưỡng dân gian thì Trâu là một trong mười con vật được gọi là linh thú. Gạt những phần huyền bí sang một bên, ta thấy trong đời sống tâm linh của người Việt, Trâu là vật nuôi rất hiền lành, là bạn của nhà nông từ bao đời nay. Vì thế hình ảnh con trâu đã đi vào ca dao- dân ca, tục ngữ từ lâu và đi vào nhiều loại hình nghệ thuật khác như: ca nhạc, hội họa,
điêu khắc, kiến trúc…
Ảnh Sưu tầm
Con trâu gần gũi, thân thiết với người nông dân như hình với bóng trong mọi thời khắc:
Lao xao gà gáy rạng ngày
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu
Bước chân xuống cánh đồng sâu
Nhắm mắt nhắm mũi đuổi trâu ra cày.
Người nông dân luôn biết ơn trâu đã góp phần làm ra hạt lúa, củ khoai để trâu và người cùng có miếng ăn. Họ nói với trâu như tâm sự với bạn tri kỷ:
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ăn no cỏ trâu cày với ta
Cấy cày vốn nghiệp nông gia
Ta đây trâu đấy ai mà quản công
Bao giờ ngọn lúa còn bông
Thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn.
Trâu gắn bó với người như vậy nên việc chọn mua một con trâu là cả “đầu cơ nghiệp” của nhà nông. Trong ba việc quan trọng của đời người là cất nhà, lấy vợ và mua trâu thì việc mua trâu (còn gọi là tậu trâu) được xếp hàng thứ nhất:
Tậu trâu, lấy vợ, cất nhà
Trong ba việc ấy thật là khó thay.
Trâu và người đồng cam cộng khổ trong việc cấy cày dù lúc trời mưa hay nắng:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn dười đồng sâu
Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa.
Đối với người nông dân con trâu là một phần tài sản quan trọng của họ. Nhà nào có “ruộng sâu trâu nái” được coi là khá giả, có của ăn của để. Nếu có “chín đụn mười trâu” hay “ba bò, chín trâu” thì xếp vào hạng giàu có như phú ông. Một chàng trai ngỏ tình với cô gái cũng mượn chuyện nhắn nhủ việc nuôi trâu:
Hỡi cô cắt cỏ đồng màu
Nuôi trâu cho béo làm giàu cho cha.
Các em bé ngồi trên lưng trâu giữa đồng bãi mênh mông nghêu ngao hát vui:
Thằng Cuội ngồi gốc cây đa
Để trâu ăn lúa gọi cha ời ời,
Cha còn cắt cỏ trên trời
Mẹ còn cỡi ngựa đi chơi cầu vồng
Hình ảnh con trâu đi vào đời sống tinh thần của người nông dân từ lâu, nên trong các ngày lễ Tết, nhiều địa phương đã tổ chức “chọi trâu”, “đua trâu”, “đâm trâu”… Ở Đồ Sơn (Hải Phòng) năm nào cũng có lễ hội chọi trâu rất lớn vào ngày mùng 10 tháng 8 âm lịch:
Dù ai đi đâu về đâu
Mùng mười tháng tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng mười tháng tám nhớ về chọi trâu.
Tuy nhiên, hình ảnh con trâu cần cù, hiền lành còn được gắn với việc làm của những con người không tốt. Đó là những loại buôn bán giả dối như “lái trâu”, “cò trâu”:
Lái trâu, lái lợn, lái bè
Trong ba lái ấy chớ nghe lái nào.
Bọn “lái trâu” thường lên mặt đạo đức giả “thật thà”, người bình dân mượn chi tiết này để chỉ mối quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng ngày xưa:
Thật thà cũng thể lái trâu
Yêu nhau cũng thể nàng dâu- mẹ chồng.
Đây cũng là một thành kiến lâu đời trong gia đình Việt Nam. Tuy vậy vẫn có thể “dung hòa” theo luật bù trừ:
Chồng dữ thì em mới rầu
Mẹ chồng mà dữ giết trâu ăn mừng.
Dân gian còn so sánh châm biếm những cô gái đẹp, giỏi dang nhưng lấy phải anh chồng chẳng ra gì
Đứa con gái khôn lấy thằng chồng dại
Như bông hoa lài cắm bãi cứt trâu.
Để chỉ những hạng người hay đố kỵ, ganh ghét, ca dao có câu:
Trâu buộc thì ghét trâu ăn
Quan võ thì ghét quan văn dài quần.
Làm nghề nông mà vớ phải những con “trâu chậm” thì bực mình lắm. Trâu cũng có con khôn, con dại, con nhanh, con chậm. Người ta thường bực mình vì ba thứ:
Thứ nhất vợ dại trong nhà
Thứ nhì trâu chậm, thứ ba rựa cùn.
Vợ dại thì khó dạy “ngu như trâu”, hoặc “đàn gảy tai trâu”, còn “trâu chậm” thì phải “uống nước đục”. Song, vẫn có người “thích” cả ba thứ đó, họ cho là:
Vợ dại thì đẻ con khôn
Trâu chậm lắm thịt, rựa cùn chịu băm.
Ở một phương diện nào đó, bảo vệ cái vốn có của truyền thống là quý, nhưng một số người bảo thủ, cả đời không bước ra khỏi lũy tre làng nên thường coi cái gì của mình, làng mình là đẹp, là tốt hơn cả:
Ảnh sưu tầm
Trâu ta ăn cỏ đồng ta
Tuy rằng nó cụt nhưng mà nó thơm.
Hình ảnh con trâu cũng là cái cớ để đôi khi nam nữ trêu chọc nhau cho vui trong những ngày mùa:
Trâu kia cắn cỏ bờ ao
Anh kia không vợ đời nào có con?
Có chàng trai còn khoác lác, đem rất nhiều trâu ra làm sính lễ:
Cưới em chín vạn trâu bò
Mười vạn dê lợn, chín vò rượu tăm.
Dân gian cũng khuyên ai đó chớ vướng vào cảnh “đa thê” để đến nỗi phải nằm chuồng trâu mà ngủ: Chớ tham ba vợ, bảy nàng hầu/ Đêm nằm chuồng trâu, gối đầu bằng chổi. Con trâu cần mẫn cống hiến tất cả sức lực khi sống. Đến khi chết, nó vẫn hiến dâng tất cả thân xác cho con người:
Con trâu có một hàm răng
Ăn cỏ đất bằng uống nước bờ ao
Hồi sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, cầm dao xẻ mày.
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống, tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện quân cờ
Cán dao, cán mác, lược dày, lược thưa…
Hình ảnh con trâu luôn đi vào giấc ngủ trẻ thơ qua lời ru của bà, của mẹ :
Ví dầu, ví dẫu, ví dâu
Ví qua ví lại, ví trâu vô chuồng.
Con trâu gắn với cơ nghiệp nhà nông như thế, nên việc chọn mua được một con trâu tốt là cả một quá trình tích lũy tiền bạc, tính toán cẩn thận của người nông dân. Họ tìm mua những con: Sừng cánh ná, dạ bình vôi, mắt ốc nhồi, mồm gầu dai, tai lá mít, đít lồng bàn. Hay những con có đầu nhẹ, mặt gân guốc, chân khô cứng là xứng với “đồng tiền bát gạo”: Đầu thanh, cao tiền, thấp hậu thì tậu liền tay. Hoặc những con: Khô chân, gan mặt, đắt tiền cũng mua. Còn những con đốm đuôi, đốm lưỡi, trâu trắng, chân to, bàn nặng, tiền thấp hậu cao, đuôi chùng quá gối, xa sừng, mắt nhỏ…là những con “trâu ngu”, “trâu dữ”. Nhất là những con có hình dạng bất thường thì hung tợn lắm, hay húc người, cần phải tránh xa:
Hàm nghiến, lưỡi đốm hoa cà
Vểnh sừng, tóc chớp cửa nhà không yên.
Hoặc những con:
Tam tinh khóa sọ thì chừa
Đốm đuôi sát chủ thì đưa vào lò.
Hình ảnh con trâu trong kho tàng ca dao- dân ca, tục ngữ Việt Nam rất đa dạng, phong phú, nó gắn liền với nền văn minh lúa nước ở ta và một số nước Đông Nam Á. Con trâu là “đầu cơ nghiệp” của nhà nông xưa. Ngày nay đã có “trâu sắt” (máy cày, máy bừa) thay thế. Song, không thể thay thế hết được vai trò của con trâu bằng xương bằng thịt đối với người nông dân.