Trong số 12 con vật mà người xưa dùng để đặt tên cho năm, tháng thì hình ảnh con chuột đi vào ca dao, dân ca, tục ngữ, thành ngữ, tranh dân gian và văn học khá nhiều. Chuột đứng đầu trong 12 con giáp, là biểu trưng chỉ loại người tinh khôn nhưng xấu tính, hay đục khoét của cải, tiền bạc của người khác, hay gieo rắc bệnh tật, phá hoại mùa màng…
Người ta thường có nhiều “định nghĩa” về loài chuột như: loại dịch hạch, loại gặm nhấm mõm nhọn, loại hôi thúi… Có rất nhiều câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, câu đố mang hình ảnh loài chuột.
Chỉ loại người yêu đương trai gái lăng nhăng có các thành ngữ: loại mèo chuột, loại chim chuột. Ca dao có câu:
Chớ ham mèo chuột anh ơi
Cửa nhà tan nát, miệng đời mỉa mai.
Con chuột cũng rất láu cá khi khi gặp con mèo giả vờ đến “hỏi thăm”, nó đã trả lời một cách xa xôi, bóng gió:
Con mèo mà trèo cây cau
Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà
Chú chuột đi chợ đằng xa
Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo.
Câu trả lời hộ của chú chuột nhà bên tưởng như một lời “nịnh” nhưng hoá ra là lời chửi “cha” chú mèo. Bản chất của chuột chù là có mùi hôi khó chịu, ấy thế mà nó không ý thức được bản thân mình mà laị còn chê bai loài khác:
Chuột chù chê khỉ rằng: hôi
Khỉ mới trả lời: cả họ mày thơm.
Khỉ cao tay hơn, không trả đũa chuột bằng lời chê, mà lại “khen” một cách mỉa mai sâu sắc cả họ hàng nhà chuột “thơm”.
Chỉ loại người cơ hội, khoe khoang có các thành ngữ: nửa dơi nửa chuột, làm dơi làm chuột, dơi không ra dơi chuột không ra chuột, nói dơi nói chuột, mặt dơi mày chuột.
Chỉ loại người xấu tính, xấu nết hay ăn bẩn, hay trốn tránh, đục khoét, có các câu: trốn như chuột, chui rúc như chuột, hôi như chuột chù, lý lắt như chuột, thụt thò như chuột, thối như chuột chết, cháy nhà ra mặt chuột…
Chỉ một người bỗng dưng gặp sự may mắn có các câu: chuột sa chĩnh gạo, chuột sa chĩnh nếp, chuột sa lọ mỡ.
Chỉ sự nguy hiểm, liều lĩnh có câu: chuột liếm chân mèo, chuột cắn dây buộc mèo. Tự khen mình là tài giỏi, là tốt có câu:
Mèo thì khen mèo dài đuôi
Chuột khen chuột nhỏ, dễ chui dễ trèo.
Khi con chuột chù gặp “khói” nó rất chậm chạp, tục ngữ có câu để chỉ hạng người như thế: Lù đù như chuột chù phải khói.
Chỉ thói đua đòi, bắt chước có câu: chó đú, voi đú, chuột chù cũng nhảy quanh. Chỉ sự tiếc nuối tiếc mà người con gái gặp phải anh chồng không ra gì, có câu:
Hoài hồng ngâm cho chuột vọc
Hoài hòn ngọc cho ngâu vầy
Hoài bánh dầy cho thằng méo miệng.
Người con gái mượn hình ảnh con chuột để nhắc nhở “người yêu” của mình đi đêm “ăn vụng” phải cho nhẹ nhàng, kín đáo:
Chuột kêu rúc rích trong rương
Anh đi cho khéo, đụng giường mẹ hay
Mẹ hay, mẹ hỏi: đi đâu?
Con đi bắt chuột cho mèo nó ăn.
Một cô gái tự kiêu về mình, chửi thẳng mấy anh chàng lóc nhóc dám chọc ghẹo các chị (kiểu như Hồ Xuân Hương chửi mấy anh đồ: Anh đồ tỉnh, anh đồ say/ Sao anh ghẹo nguyệt giữa ban ngày/ Này này chị bảo cho mà biết/ Chốn ấy hang hùm chớ mó tay). Ca dao có câu:
Chúng chị là đá trên trời
Chúng mày chuột nhắt cứ đòi lung lay
Cha đời chuột nhắt chúng mày
Đá mà rơi xuống chúng mày nát xương.
Một cô gái đã lánh mặt, không muốn tiếp chuyện nhưng chàng trai vẫn cố dò la tìm gặp, có câu:
Mẹ em để em trong bồ
Anh tưởng con chuột anh vồ đứt đuôi.
Chỉ một sự việc hiển nhiên, ai cũng biết, thế mà có người cứ nói đi nói lại làm người khác khó chịu, kiểu “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”, ca dao có câu:
Con mèo, con chuột có lông
Cây tre có mắt, nồi đồng có quai.
Khi một kẻ bị dồn đến đường cùng, thành ngữ có câu: chuột chạy cùng sào. Để so sánh với chuột, có các thành ngữ như: len lét như chuột ngày, ướt như chuột lụt, hoặc ướt như chuột lột (lột - biến âm của từ lụt - chuột gặp nước lụt). Chỉ một việc làm ban đầu có quy mô to tát nhưng sau cứ nhỏ dần, dân gian thường bảo: đầu voi đuôi chuột.
Dưới mắt người bình dân không phải lúc nào con chuột cũng xấu mà có khi được mượn để thể hiện sự đấu tranh với thâm ý sâu xa như bức tranh Đông Hồ Đám cưới chuột. Lũ chuột con đánh trống, thổi kèn và xách con cá chép thật to dâng lên biếu quan Mèo, đút lót, mong cho đám cưới được yên ả trọn vẹn. Đó là tiếng nói phản kháng, chế giễu bọn quan lại phong kiến thối nát. Khi một kẻ cố tình dấu diếm một sự việc, cuối cũng cũng bị lộ tẩy, tục ngữ có câu: cháy nhà ra mặt chuột.
Một người đã từng đi đây đó, làm nên công trạng, nhưng có khi trở về cuộc sống đời thường lại bị một kẻ nhỏ nhen làm hại, ca dao có câu:
Đi cùng bốn bể năm chu (châu)
Về nhà xó bếp, chuột chù gặm chân.
Trong văn học viết của Việt Nam và của một số nước trên thế giới, hình ảnh con chuột cũng được dùng như một ẩn dụ để chỉ các hạng người xấu như: Truyện ngụ ngôn “Trinh Thử” đề cao luân thường đạo lý của người Việt Nam, hay bài thơ “Ghét chuột” của Nguyễn Bỉnh Khiêm ở thế kỷ XVI, có những câu lên án bọn quan lại phong kiến khá sâu cay: Chuột lớn sao bất nhân/ Gậm khoét thật thảm độc/ Đồng ruộng trơ rơm khô/ Kho đụn kiệt gạo thóc/ Khó nhọc nông phu than/ Đói gầy nông phu khóc/ Sao dám khinh mạng dân/ Phá hoại thật tàn khốc… Cũng có khi con chuột báo hiệu một điềm hên (chỉ nhà sắp có khách đến) như câu:
Thứ nhất đom đóm vào nhà
Thứ nhì chuột rúc, thứ ba hoa đèn.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong truyện thơ Lục Vân Tiên cũng nói đến chuột, dự đoán phải đợi đến năm Tý thì Vân Tiên mới thành danh:
Bao giờ cho đến Bắc phong
Gặp chuột ra đàng con mới nên danh.
Hình ảnh con chuột trong văn học dân gian cũng như văn học viết thường được dùng để ám chỉ những hạng người đáng khinh trong xã hội. Đó là những kẻ nhút nhát, bạc nhược, liều lĩnh, giảo trá, nịnh bợ, ngu muội, lừa đảo, gian manh, độc ác…cần lên án và loại bỏ. Trong mối quan hệ giữa người với người hiện nay không ít kẻ như chuột làm những điều bất chính, đục khoét tài sản của dân của nước. Chúng là loại “chuột hai chân” còn nguy hiểm hơn cả “chuột bốn chân”, rất cần phải tiêu diệt. Chúng ta cần phải có thuốc đặc trị để diệt tận gốc loại chuột mặt người này, đem lại sự giàu có, bình an, trong sáng cho con người và xã hội.
LÊ XUÂN
-----------------------------------------------------------------------------------------