Rau bao gồm những sản phẩm rau ăn lá, thân, củ, hoa, quả, hạt; rau mầm; nấm thực phẩm. Rau an toàn là sản phẩm rau tươi được sản xuất, sơ chế, chế biến phù hợp với một trong ba trường hợp sau: i) Phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; ii) Phù hợp với quy trình kỹ thuật sản xuất, sơ chế rau an toàn được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt; iii) Phù hợp với các quy định liên quan đến đảm bảo an toàn thực phẩm có trong quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt cho rau tươi an toàn VietGAP.
Rau an toàn không chỉ an toàn, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng rau mà còn giúp cho người trồng rau giảm được tác hại do hạn chế tiếp xúc với phân bón, thuốc hóa học và hạn chế được tác hại do phân bón, thuốc hóa học gây ra với môi trường.
Trong báo cáo phân tích hành vi tiêu dùng rau an toàn của người dân thành phố Cần Thơ thuộc dự án “Xây dựng mô hình chuỗi sản xuất rau non (Rau baby) an toàn cho vùng rau thành phố Cần Thơ” năm 2017-2019 cho thấy phần lớn người tiêu dùng chưa hiểu đúng về tiêu chuẩn rau an toàn (59%) là những loại rau có “hàm lượng các hoá chất độc và mức độ nhiễm các sinh vật gây hại phải ở dưới mức tiêu chuẩn cho phép của Bộ Y tế”. Người tiêu dùng nhận thức được những ảnh hưởng của việc tiêu dùng rau không an toàn đến sức khỏe, có thể gây nên những bệnh như ngộ độc, tiêu chảy, ung thư.
Có 5 yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua rau an toàn của người tiêu dùng được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên là uy tín của người cung cấp, địa điểm mua rau thuận tiện, giá bán hợp thái độ phục vụ, sự đa dạng về chủng loại rau. Ngoài ra 5 yếu tố trên, một số người tiêu dùng chưa từng mua rau an toàn là không biết địa điểm bán rau an toàn. Phần lớn người tiêu dùng đều hài lòng về rau an toàn đã mua, đặc biệt về chất lượng rau đã mua, thái độ phục vụ của người bán.
Hầu hết người tiêu dùng được khảo sát sẽ mua rau an toàn trong thời gian tới cho thấy có một sự thay đổi tích cực trong hành vi của người tiêu dùng về chấp nhận tiêu dùng sản phẩm rau an toàn. Tuy nhiên, một số người tiêu dùng chưa có khả năng chi trả do rau an toàn có giá bán cao. Ngoài ra, người tiêu dùng còn có xu hướng thay đổi địa điểm mua rau với thứ tự ưu tiên trong chọn địa điểm là: cửa hàng bán rau an toàn, mua từ người sản xuất, chợ, siêu thị và piên chợ định kỳ.
Để nâng cao niềm tin của người tiêu dùng, nâng cao việc sử dụng rau an toàn cần có những giải pháp như: i) Nhà nước và người sản xuất tăng cường tuyên truyền, quảng bá về các tiêu chuẩn chất lượng của rau an toàn; ii) Thiết kế kênh phân phối rau an toàn đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng; iii) Đa dạng hóa sản phẩm rau an toàn; iv) Giá bán rau an toàn hợp lý hơn.
Thúy Kiều