108 năm ngày Bác ra đi tìm đường cứu nước (05/6/1911 – 05/6/2019)
HẢI TRÌNH VĨ ĐẠI MANG TÊN BÁC!
Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên một con tàu Pháp, bắt đầu cuộc hành trình tìm đường cứu nước 30 năm ròng, đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia, và sau đó làm nên một sự nghiệp giải phóng dân tộc vĩ đại cho dân tộc Việt Nam.
Cách đây hơn 100 năm, vào ngày 5/6/1911, từ Bến cảng Nhà Rồng chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành đã lên một con tàu Pháp mang tên L' Amiral Latouche Tréville, bắt đầu bôn ba nhiều năm trên biển cả và các đại dương để đi đến các nước trên thế giới thuộc nhiều châu lục khác nhau với hoài bão to lớn là tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Chính từ chuyến hải trình đầu tiên này, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thanh đã trưởng thành nhanh chóng với cái tên là Nguyễn Ái Quốc, người chiến sĩ cộng sản quốc tế và sau này đã trở thành Hồ Chủ tịch của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với bản Tuyên Ngôn Độc lập bất hủ (2/9/1945). Và thành phố nơi Người ra đi tìm đường cứu nước cũng vinh dự mang tên là thành phố Hồ Chí Minh khi nước nhà hoàn toàn độc lập, thống nhất (2/7/1976).
“Cuộc hành trình vĩ đại” trải dài trên các đại dương!
Khác với Phan Bội Châu và các bậc tiền bối khác, người thanh niên hừng hực lòng yêu nước Nguyễn Tất Thành đã quyết định sang phương Tây để tìm hiểu xem “nước Pháp và các nước khác làm thế nào để về nước giúp đồng bào mình”.
Điểm xuất phát của cuộc hành trình vĩ đại đó là bến cảng Nhà Rồng, thuộc Sài Gòn xưa. Tại đây, vào ngày 5/6/1911, với tên mới là Văn Ba, Người đã gặp thuyền trưởng Maisen của con tàu Pháp mang tên L' Admiral Latouche Trévill để xin làm phụ bếp. Từ chiếc tàu này và nhiều chiếc tàu khác, người đã đi qua 3 đại dương, 4 châu lục, 28 quốc gia trong 30 năm ròng rã. Đặc biệt, trong cuộc hành trình của mình qua các nước bên bờ biển châu Phi, Người đã tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực, lầm than của người da đen dưới roi vọt của bọn thực dân.
Cuối năm 1913, Người rời nước Mỹ sang nước Anh, rồi về Pháp vào năm 1917 và sau đó sang Liên Xô. Sau một thời gian làm việc trong Quốc tế Cộng sản ở Liên Xô, giữa năm 1928, nhận được Chỉ thị của Quốc tế Cộng sản điều động về nhận công tác ở Đông Dương. Không về nước được, Người tới Hồng Công (Trung Quốc) để thống nhất ba tổ chức cộng sản: Đông Dương Cộng sản Đảng, An Nam Cộng sản Đảng, Đông Dương Cộng sản Liên đoàn và thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930.
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các chiến sĩ hải quân Việt Nam. Ảnh của Truyền hình Công an Nhân Dân.
Chính vì lẽ đó, Nhà thơ Chế Lan Viên đã viết trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước” rằng: “Đời bồi tàu lênh đênh theo sóng bể/Người đi hỏi khắp bóng cờ châu Mỹ, châu Phi/ Những đất tự do, những trời nô lệ/ Những con đường cách mạng đang tìm đi”. Có thể nói sẽ không có “đời bồi tàu” nào lại cao cả về mặt mục đích như của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành. Bởi thế, dù có khó khăn, cực khổ, nguy hiểm thế nào, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành vẫn vững chí hiên ngang trên hải trình vĩ đại của chính mình để đem lại một tương lai khác hơn, tốt đẹp hơn cho nhân dân Việt Nam đang rên xiết dưới gót giày các thực dân Pháp.
Đô đốc Pháp nói Bác “thật quen với biển”!
Sau Hiệp định Sơ bộ (6/3/1946), 20 vạn quân Tưởng rút về nước để cho 15 ngàn quân Pháp thay thế chúng tại miền Bắc. Trước đó, để quân Tưởng chịu rút về nước, Pháp đã đơn phương hứa nhượng cho Trung Hoa Dân Quốc một số quyền lợi tại miền Bắc Việt Nam, trong đó có điều kiện Tưởng sẽ có “một đặc khu” tại hải cảng Hải Phòng, nghĩa là cho tàu bè Trung Quốc tự do ra vào lãnh hải Việt Nam ở Vịnh Bắc Bộ và cập cảng Hải Phòng. Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa do Hồ Chủ tịch đứng đầu vẫn kiểm soát cảng Hải Phòng.
Bởi thế, ngày 17/3/1946, để “chứng tỏ” sức mạnh của hạm đội của mình, Đô đốc Đácgiăngliơ (Thierry D’ Argenlieu), Cao uỷ Pháp ở Đông Dương đã chuyển giác thư mời Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp gỡ trên chiến hạm Emile Bertin với yêu sách “càng gần cảng Hải Phòng càng tốt”. Để chứng tỏ thiện chí của mình và không làm xấu thêm tình hình khi đã đạt được Hiệp định Sơ bộ, sáng 24/3/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng tướng Pháp Leclerc dùng máy bay từ Hà Nội bay ra tuần dương hạm Emile Bertin đang thả neo tại Vịnh Hạ Long. Cuộc thảo luận đã đi đến thỏa thuận vào trung tuần tháng 4, một Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam sẽ đi Pháp để tỏ tình thân thiện và hạ tuần tháng 5, phái bộ Việt Nam cũng sẽ qua Pháp mở đàm phán chính thức về quan hệ Việt - Pháp. Sau đó Chủ tịch Hồ Chí Minh được mời duyệt hạm đội Pháp.
Tuy nhiên, trên máy bay khi trở về Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói với tướng Raun Xalăng (Raul Salan) rằng: “Nếu Đô đốc muốn đem tàu bè ra để lung lạc tôi thì ông ta đã lầm to. Những tàu đó không thể nào đi ngược các dòng sông của chúng tôi”.
Ngày 18/10/1946, sau chuyến thăm nước Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở về nước trên tàu Đuymông Đuyếcvin. Tàu cập cảng tại Vịnh Cam Ranh (Nha Trang) và Chủ tịch Hồ Chí Minh lại hội kiến với Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ. Khi ấy Đácgiăngliơ đã nói rằng: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu quí mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Lý do là Đácgiăngliơ đã biết rõ rằng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng bôn ba trên biển vào thời trai trẻ nên rất dày dặn kinh nghiệm về biển cả và kinh nghiệm đi biển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng lời nói đầy vẻ thân thiện này của Đácgiăngliơ để khẳng định thêm về chủ quyền biển đảo của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Câu nói này đã khiến Đácgiăngliơ cũng phải mỉm cười thán phục về tài ứng đối của Người.
Tài liệu tham khảo:
- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Hồ Chí Minh – Những sự kiện, Nxb Thông tin lý luận, Hà Nội, 1990.
- Bảo tàng Hồ Chí Minh: Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001.
- Trần Bạch Đằng – Trần Văn Giàu: Vĩ đại một con người, Nxb Trẻ, Tp. Hồ Chí Minh, 2004.
- Đỗ Quang Hưng: Thêm những hiểu biết về Hồ Chí Minh, Nxb Lao Động, Hà Nội, 1999.
- Kỷ yếu về Hội thảo khoa học quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990.
- Phan Ngọc Liên (Chủ biên): Hồ Chí Minh – Những hoạt động quốc tế, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1994.
- Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1975.
- Song Thành: Về sự kiện Bác Hồ đến nước Mỹ, Tạp chí Lịch sử Đảng, số 11 (204), 11-2007.
- Bộ Quốc Phòng: Lịch sử đường Hồ Chí Minh trên biển, Nxb. Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội, 2011.
Toàn Nguyễn.