Giỗ tổ Hùng Vương – Nét tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc Việt Nam

GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG – NÉT TÍN NGƯỠNG

ĐẶC BIỆT CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM

              Th.S Phạm Thị Huệ

                                                        Hội Khoa học Xã hội – Nhân văn TP. Cần Thơ

 

Từ bao đời nay, trong tâm thức của người dân Việt Nam trên khắp mọi miền đất nước đều khắc sâu kí ức thiêng liêng về một cội nguồn dân tộc:

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm

Giỗ Tổ tưởng nhớ về các vua Hùng – những người có công lớn trong sự nghiệp dựng nước – chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức dân tộc. Phạm Văn Đồng đã nói nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10 tháng Ba:Trong nhiều truyền thống tốt đẹp, dân tộc Việt Nam ta luôn luôn giữ vững một truyền thống có ý nghĩa hay và đẹp vô cùng: tưởng nhớ tổ tiên, tưởng nhớ những người đã có công lớn trong việc dựng nước và giữ nước. Trong phạm vi của một tập thể nhỏ là làng xóm, bao gồm nhiều họ, nhiều gia đình, cũng như trong phạm vi cả nước, dân tộc Việt Nam ta, trong đời sống tinh thần, đời sống tư tưởng và tình cảm của mình đều gắn liền hiện tại và quá khứ, quê hương nhỏ với Tổ quốc và dân tộc, từ đó mà giữ vững và phát huy những đức tính cổ truyền tốt đẹp: lòng yêu nước, tình đoàn kết, chí kiên cường, bất khuất, niềm tin sâu xa và mạnh mẽ vào tài năng của mình”. [5;10]

Vậy ngày giỗ Tổ “ mồng mười tháng ba” có từ bao giờ?

Một số ý kiến trong dân gian cho rằng: thời xưa lễ Giỗ Tổ được thực hiện vào ngày 12 tháng ba âm lịch, tương truyền đây là ngày giỗ vua Hùng Dương Vương. Đến đầu thế kỉ XX, triều Nguyễn mới đổi sang lấy ngày mồng 10 tháng Ba làm ngày giỗ chính. Nhưng trong các tài liệu chính sử không thấy có sự xác nhận rõ ràng việc ngày 12 tháng ba hay ngày mồng 10 tháng ba là ngày Giỗ Tổ. Để xác định rõ vấn đề này, chỉ có thể căn cứ vào nội dung hai tấm bia được dựng ở đền Thượng trên núi Nghĩa Lĩnh.

Tấm bia Hùng miếu điển lệ bi được dựng năm Khải Định thứ tám ( tức năm 1923) có ghi nội dung công văn của bộ lễ ngày 25 tháng 7 năm Khải Định thứ hai ( tức năm 1917): “ Xã Hy Cương, phủ Lâm Thao có lăng miếu phụng thờ Hùng Vương  ở núi Hùng, trải qua các năm, cả nước đến tế thường lấy kỳ mùa thu, chọn vào ngày tốt làm lễ, chưa có việc định rõ ngày, mà tục lệ của dân xã đó lấy ngày 11 tháng Ba, kết hợp với thờ thổ kỳ, làm lễ riêng,… thường hứng bất kỳ, hội họp cũng lãng phí theo sở thích còn lòng thành thì bị kém đi….( nên) định lại rằng, từ nay về sau lấy ngày mồng 10 tháng Ba, lĩnh tiền chi vào việc công, phụng mệnh kính tế trước một ngày so với ngày lễ hội của bản hạt…” [1;164]

Phần hai của văn bia có nội dung quyết định về: “Đệ niên kỷ niệm hội nhật lễ nghi” (Nghi lễ ngày hội kỷ niệm hàng năm), trong đó có đoạn: “ Nay phụng mệnh theo bộ lễ, chuẩn định ngày quốc tế tại miếu Tổ Hùng Vương là ngày mồng 10 tháng Ba”. [1;164]

Tấm bia Hùng Vương từ khảo được lập dựng năm Bảo Đại thứ 15 ( tức năm 1940) cũng cho biết: Trước đây ngày quốc tế lấy vào mùa thu làm định kỳ. Đến năm Khải Định thứ 2, tuần phủ tỉnh Phú Thọ là Lê Trung Ngọc có công văn xin bộ Lễ ấn định ngày mồng 10 tháng Ba hằng năm là ngày quốc tế”. [1;164]

Qua hai tấm bia trên, ta có thể khẳng định: lễ Giỗ Tổ Hùng Vương từ xa xưa được chọn vào một ngày tốt của mùa thu, sau đó là ngày 11 tháng Ba âm lịch. Đến năm 1917,triều đình nhà Nguyễn mới có quyết định chính thức lấy ngày mồng 10 tháng Ba làm ngày quốc tế - quốc giỗ, quốc lễ- theo đề nghị của quan tuần phủ tỉnh Phú Thọ.

Với truyền thống lâu dài, ý thức về cội nguồn mạnh mẽ, ngày mồng 10 tháng Ba được dân tộc ta ghi nhận là một ngày trọng đại thiêng liêng và đáng ghi nhớ. Đó là ngày mà tất cả những người con mang trong mình dòng máu Lạc Hồng dù ở đâu cũng luôn hướng về đất Tổ với tấm lòng thành kính, tri ân tới Đức Quốc Tổ Hùng Vương. Chính điều này đã tạo nên nét tín ngưỡng đặc biệt của dân tộc ta. Đó là tục thờ cúng tổ tiên.

Như chúng ta đã biết, thờ cúng tổ tiên là đặc trưng của một giai đoạn phát triển lịch sử, đó là giai đoạn thị tộc phụ quyền. Thờ cúng tổ tiên là việc thờ cúng các bậc ông bà, cha mẹ và những người đồng tộc với niềm tin họ đã chết nhưng vẫn thường xuyên chăm nom, phù hộ che chở cho con cháu đang sống. Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên có ở nhiều dân tộc trên thế giới nhưng với người Việt tín ngưỡng này rất phổ biến và phát triển; đây là tín ngưỡng thiêng liêng gần như trở thành tôn giáo ( như Đạo Ông Bà ở Nam Bộ). Cúng giỗ là một biểu hiện điển hình của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, bởi người Việt tin rằng đó là ngày con người đi vào cõi vĩnh hằng.

Không những vậy, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình , gia tộc mà còn trên phương diện rộng hơn – thờ cúng tổ tiên chung của toàn dân tộc. Đây chính là nét đặc biệt nhất. Mà tổ tiên chung của cả dân tộc ta là những người dựng nước đầu tiên – chính là các Hùng Vương. Theo các nhà nghiên cứu, thì tên gọi Hùng Vương gồm 2 thành tố. Thành tố thứ nhất là “ Hùng”, đây là phiên âm Hán Việt của một từ Việt cổ có ngữ âm và ngữ nghĩa gần với từ Khun trong tiếng Thái, Khunzt trong tiếng Munđa, Lang Kun trong tiếng Mường. Những từ này đều có nghĩa là thủ lĩnh, tù trưởng, người đứng đầu. Thành tố hai là “ Vương”, đây là từ do người đời sau thêm vào khi nói về người đứng đầu, thủ lĩnh của các nước nếu không là đế thì cũng là vương. Cũng có ý kiến cho rằng “ vua Hùng” có âm cổ là Pò Khun, có nghĩa là bố các thủ lĩnh.Qua những nhận định trên, ta có thể hiểu Hùng Vương theo nghĩa chung là từ để gọi vị thủ lĩnh đứng đầu nhà nước sơ khai, nhà nước đầu tiên trong lịch sử nước ta.

Nhìn lại lịch sử thế giới, ta thấy rằng: mỗi quốc gia trên thế giới đều có những câu chuyện về người lập quốc đầu tiên. Nhưng ngay cả những quốc gia có nền văn minh sớm phát triển như Ai Câp, Hy Lạp, Ấn Độ, Trung Hoa,… đến nay cũng không có người lập quốc nào được tôn thờ, sùng bái làm quốc Tổ của mình. Riêng ở Việt Nam, các vua Hùng được tôn thờ là Quốc Tổ, có công lao gây dựng cơ đồ nước Việt, để lại cho chúng ta một nền văn minh rực rỡ, một quốc gia tươi đẹp, một dân tộc đoàn kết, … Vì vậy, cứ đến ngày Giỗ Tổ mồng 10 tháng Ba, người Việt dù đi bắt cứ nơi nào lại thắp hương tưởng nhớ đến tổ tiên, trong long bồi hồi xúc động, tự hào về nguồn gốc dân tộc, về một thời kỳ vẫn in đậm nét ở những thông điệp lịch sử gửi đến ngày nay và mai sau.

“ Giữ muôn đời Hồng Lạc tinh hoa

Cao muôn trượng Hùng Vương khí thế”

Và ngày nay, khi Việt Nam hội nhập thế giới, “ khí thế Hùng Vương” lại vang xa hơn. Với bạn bè quốc tế, thời đại Hùng Vương có vị trí quan trọng trong tâm thức của họ. Qua những nhận định của họ, ta có thể nhận thấy rõ điều này.

Kim Sang Ghun – Đại sứ cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên: “ Chúng tôi đã đến thăm Đền Hùng với tình cảm sâu sắc. Đền Hùng nơi có lịch sử 4000 năm…”

M.Gơ-ri-gơ-rôp – Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Bungari: “Đền Hùng chính là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam”

Bu-ga-nôp – Viện hàn lâm Liên Xô: “Tôi đã thăm vùng cổ tích này với một tấm long xúc động sâu xa. Nơi đây những thiên niên kỷ xa xưa đã hình thành đất nước Việt Nam”

Giáo sư Tiến sĩ sử học người Mỹ Keith Leelle Taylor với công trình nghiên cứu lịch sử “ Sự ra đời của Việt Nam” năm 1983, đã khẳng định trong phần thứ nhất cuốn lịch sử của mình: “ Các vua Lạc là sự tồn tại lịch sử buổi bình minh của người Việt Nam”. Ba năm sau khi viết xong công trình trên, ông đến thăm Đền Hùng, đã có những suy nghĩ sau: “ Hôm nay tôi có dịp đến thăm Đền Hùng Vương – điều đó rất có ý nghĩa đối với tôi vì tôi đã nhiều năm rồi nghĩ về thời đại Hùng Vương và khu vực này. Tuy tôi không phải là người Việt Nam, song tôi rất xúc động, nơi đây – nơi ra đời của nước Việt Nam”.

Với những ý nghĩa to lớn nêu trên, ngày 6/12/2012, Ủy ban Liên Chính phủ thuộc UNESCO đã công bố danh sách 17 di sản văn hóa phi vật thể tiêu biểu của nhân loại, trong đó có “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” của Việt Nam. Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là, di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó. Cụ thể, trong “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” nêu rõ giá trị của di sản là thể hiện lòng tôn kính đối với tổ tiên, theo tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”. Đây chính là nhân tố cơ bản của một “ sức sống Việt Nam”. Sức sống này đã được khẳng định qua những trang sử oai hùng của dân tộc, qua 1000 năm đấu tranh chống phương Bắc, bảo vệ độc lập dân tộc, bảo tồn tiếng nói, phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân tộc. Công lao vĩ đại của thời đại Hùng Vương chính là ở chỗ đó. Và cũng chính từ chân lý đó mà Bác Hồ căn dặn: “ Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Cũng nhờ có những nền tảng đã được xác lập vững chắc từ thời đại Hùng Vương, dân tộc Việt Nam mới có “ Nam quốc sơn hà”, mới có “ Bình Ngô đại cáo”, mới dám “ Đánh cho để dài tóc, đánh cho để đen răng” ở thời Quang Trung; để rồi hun đúc nên lý tưởng “ Không có gì quý hơn độc lập tự do” của dân tộc thời đại Hồ Chí Minh. Và cuối cùng giành thắng lợi khi đối đầu với các đế quốc Pháp – Mỹ, làm chấn động thế giới.

 Chúng ta có thể khẳng định rằng: Trong kho tàng di sản đa dạng của nước ta thì Giỗ Tổ Hùng Vương là một lĩnh vực di sản vô cùng quan trọng. Đó là ký ức sống về thời Hùng Vương. Đó là những hoạt động  xã hội liên quan đến việc thờ cúng Hùng Vương gắn liền với một không gian văn hóa rộng lớn của cộng đồng. Trải qua bao cuộc chiến tranh với những thăng trầm của lịch sử nhưng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương vẫn luôn được duy trì và phát huy từ thế hệ này sang thế hệ khác bởi ý chí, tinh thần của cả quốc gia, dân tộc. Bởi vậy mà giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay là biểu tượng đã ăn sâu vào tâm khảm thiêng liêng của mỗi người dân đất Việt; là điểm hội tụ tâm linh, hội tụ bản sắc văn hóa và tinh thần đại đoàn kết dân tộc.

Ngoài ra, thờ cúng Hùng Vương không chỉ là một hoạt động tâm linh đơn thuần như các hoạt động thờ cúng khác nhằm mang lại sự chay tịnh cho tâm hồn của con người mà đó còn là hoạt động văn hóa mang tính chất cộng đồng, thể hiện tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

Sáu mươi mốt tỉnh thành: nhớ lại tổ tông

Năm mươi tư dân tộc: tìm về cội rễ

Bốn phương: nam, bắc, tây, đông

Trăm họ: gái, trai, già, trẻ

Hân hoan muôn dặm trùng phùng. [2;2]

Tóm lại, để sống xứng đáng với công ơn dựng nước của tổ tiên thời đại Hùng Vương, các thế hệ Việt Nam hôm nay càng ý thức sâu sắc sứ mạng bảo vệ và không ngừng phát huy sức sống Việt Nam, nhằm xây dựng Tổ quốc ta “to đẹp hơn, đàng hoàng hơn”, thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới vì một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ giàu mạnh. Năm nay, ngày 13/4/2013 (tức mùng 4/3 âm lịch), những con Hồng cháu Lạc chúng ta sẽ tổ chức đón bằng công nhận Di sản thế giới "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương", diễn ra vào dịp tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội đền Hùng năm 2013.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê Thái Dũng, 99 câu hỏi đáp về thời đại Hùng Vương, NXB Lao Động, 2008.
  2. GS Vũ Khiêu, Chúc văn Giỗ Tổ Hùng Vương tại Giỗ Tổ Hùng Vương năm 2000.
  3. GS Nguyễn Phan Quang, Theo dòng lịch sử dân tộc – Sự kiện và tư liệu, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2005.
  4. Trương Hữu Quýnh (chủ biên), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập 1, NXB Giáo Dục, 2005.
  5. Văn Tân (chủ biên), Thời đại Hùng Vương, NXB Văn Học, 2008.